Kết quả sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị ở Hà Tĩnh
EmailPrintAa
14:07 16/01/2013

Nghị quyết số 23 -NQ/TW, ngày 16/6/2008 của Bộ Chính trị “về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới” đã khẳng định: “Văn học, nghệ thuật là lĩnh vực rất quan trọng, đặc biệt tinh tế của văn hóa; là nhu cầu thiết yếu, thể hiện khát vọng chân, thiện, mỹ của con người; là một trong những động lực to lớn trực tiếp góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội và sự phát triển toàn diện của con người Việt Nam...”. Đồng thời để triển khai thực hiện tốt hơn Nghị quyết Trung ương 5 (khoá VIII) về “Xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiến tiến đậm đà bản sắc dân tộc”.

Nhận thức rõ tầm quan trọng của Nghị Quyết số 23 -NQ/TW của Bộ Chính trị và các đề án của Trung ương, trong đó đặc biệt là Đề án “Đấu tranh chống quan điểm sai trái trong văn học, nghệ thuật”, cấp uỷ các cấp đã tổ chức học tập, quán triệt Nghị quyết cho đội ngũ cán bộ văn nghệ sỹ, các cơ quan báo chí địa phương, đội ngũ báo cáo viên cũng như cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân một cách nghiêm túc. Căn cứ vào đặc điểm, tình hình của địa phương, Tỉnh uỷ đã ban hành Chương trình hành động số 848 -CTr/TU về thực hiện Nghị quyết, xác định mục tiêu xây dựng, phát triển văn học, nghệ thuật phải đảm bảo tính toàn diện, chú trọng việc giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa nghệ thuật dân tộc và tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, phát triển sâu rộng văn nghệ quần chúng; chăm lo xây dựng, phát triển đội ngũ văn nghệ sỹ cả về số lượng, chất lượng; tăng cường các hoạt động sáng tác và quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật và đầu tư cơ sở vật chất… đảm bảo cho công tác sáng tác, sưu tầm văn học, nghệ  thuật.

Có thể khẳng định rằng, trong 5 năm qua thực hiện Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị, lĩnh vực văn học, nghệ thuật ở tỉnh ta đã tiếp tục phát triển cả về chiều rộng và chiều sâu. Hoạt động văn học, nghệ thuật đã nhận được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng kịp thời của cấp uỷ, chính quyền, thể hiện sâu sắc tính Đảng, tính quần chúng, phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng và nguyện vọng của nhân dân. Các hoạt động chuyên ngành như: Mỹ thuật, Nhiếp ảnh, Âm nhạc, Kiến trúc, Văn nghệ dân gian … tiếp tục được đẩy mạnh và từng bước phát triển, có tác động, ảnh hưởng rộng lớn tới đời sống xã hội, nhiều tác phẩm đã giành được kết quả cao trong các cuộc thi, liên hoan, triển lãm trong và ngoài nước, góp phần tích cực xây dựng, quảng bá và phát triển nền văn học, nghệ thuật của tỉnh. Cấp uỷ, chính quyền các cấp đã quan tâm, chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, tạo điều kiện phát triển hoạt động văn học, nghệ thuật quần chúng nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu hưởng thụ văn hóa đa dạng của các tầng lớp nhân dân và phục vụ nhiệm vụ chính trị của địa phương.

Thực hiện Cuộc vận động sáng tác, quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” đã có gần 200 tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí gửi về Ban chỉ đạo tỉnh. Trong đó có 33 tác phẩm đạt chất lượng tốt, 06 tác phẩm được Trung ương tặng thưởng xuất sắc. Điển hình như: ca khúc “Bài ca từ những dấu chân Người” của Nhạc sĩ Ngọc Thịnh; Nhạc sĩ Mạnh Chiến với ca khúc “Bác Hồ”; Phóng viên Hương Hà với tác phẩm phát thanh “Giáo dân Phạm Văn Tình với hũ gạo tiết kiệm; tác phẩm “Cụ Ân với hai ống tiền tiết kiệm” của Phóng viên Thanh Huệ; tác giả Võ Tá Lục với tác phẩm “Dù làm nghề gì cũng hết sức vẻ vang”; Phóng sự phát thanh “Từ những trang nhật ký Liên đội em làm theo lời Bác” của Mạnh Hải - Anh Đức ... đã thu hút sự chú ý của đông đảo công chúng.

Hiện nay, hoạt động sáng tác, quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí đang tiếp tục được đội ngũ trí thức văn nghệ sỹ, nhà báo tích cực tham gia hưởng ứng theo tinh thần Chỉ thị số 03 -CT/TW ngày 14/5/2011 của Bộ Chính trị (khóa XI); Kế hoạch số 27 -KH/TU, ngày 05/9/2011 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh

Các tác phẩm văn học, nghệ thuật đã phản ánh chân thực quá trình lao động sáng tạo của nhân dân, phát hiện nhân tố mới, lên án cái xấu trong xã hội dưới nhiều hình thức khác nhau đã cơ bản đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của quần chúng nhân dân. Đội ngũ văn nghệ sỹ, trí thức, người làm công tác văn học, nghệ thuật từng bước khẳng định được năng lực sáng tạo phong phú, đa dạng. Đáng trân trọng là thông qua hoạt động sáng tạo nghệ thuật, nhiều văn nghệ sỹ đã thể hiện tình yêu Tổ quốc, gắn bó với quê hương Hà Tĩnh, tin tưởng vào đường lối đổi mới và xu hướng đi lên của dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng. Trên địa bàn Hà Tĩnh không có những ấn phẩm văn hóa gây nguy hại tới đạo đức, lối sống, xuyên tạc, chống đối quan điểm, đường lối của Đảng và Nhà nước. 

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tích nổi bật đáng ghi nhận, hoạt động văn học, nghệ thuật còn có những khó khăn, hạn chế so với những quy định của Điều lệ, những mong muốn của hội viên, những yêu cầu mới của nền văn học, nghệ thuật, của cuộc sống và công chúng. Chất lượng, số lượng tác phẩm có giá trị văn học, nghệ thuật cao chưa nhiều; chưa phản ánh sâu sắc truyền thống lịch sử văn hóa, tinh thần đấu tranh cách mạng, lao động, sản xuất của các tầng lớp nhân dân. Công tác nghiên cứu, lý luận phê bình văn học, nghệ thuật chưa được chú trọng đúng mức; việc phát triển đội ngũ sáng tác còn hạn chế, còn có sự hẫng hụt tiếp nối giữa các thế hệ; vai trò tham gia quản lý nhà nước, tư vấn phản biện chưa được phát huy đầy đủ. Công tác xã hội hóa để huy động nguồn lực phục vụ sáng tác, quảng bá văn học nghệ thuật còn ít.

Để tiếp tục đưa Nghị quyết 23 vào thực tiễn cuộc sống có hiệu quả, Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật tỉnh cần tiếp tục đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho toàn xã hội và đội ngũ văn nghệ sỹ về những nội dung cơ bản Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị và Chương trình hành động số 848 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; nỗ lực hơn nữa trong việc tham mưu cho tỉnh ban hành một số cơ chế, chính sách nhằm thể chế hóa Nghị quyết và các chủ trương của Đảng, Nhà nước, của tỉnh về công tác văn học, nghệ thuật. Tập trung tuyên truyền các ngày lễ kỷ niệm, các sự kiện lớn của quê hương, đất nước; kết quả thực hiện nghị quyết đại hội đảng các cấp, các nhiệm vụ chính trị trọng tâm của tỉnh như việc triển khai thực hiện các dự án trọng điểm; các mô hình điển hình trong phong trào xây dựng nông thôn mới; phát huy các giá trị, bản sắc văn hóa Hà Tĩnh; đẩy mạnh công tác tuyên truyền biển, đảo trong các tầng lớp nhân dân. Tiếp tục triển khai thực hiện tốt việc sáng tác, quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” đi vào chiều sâu thiết thực. Xây dựng xã hội có đạo đức, nâng cao chất lượng cuộc sống, đặc biệt là đời sống tinh thần của người dân. Chú trọng phát hiện các tấm gương điển hình với mục tiêu “lấy cái đẹp, dẹp cái xấu”. Thường xuyên tuyên tuyền, giáo dục nâng cao ý thức cách mạng, đấu tranh có hiệu quả chống những quan điểm sai trái trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật và sự xâm nhập của các tác phẩm văn hóa độc hại, có ảnh hưởng xấu đến đời sống xã hội theo tinh thần Chỉ thị số 46 -CT/TW và Thông báo Kết luận số 213 -TB/TW của Ban Bí thư. Quan tâm, phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ văn nghệ sĩ trẻ có bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất đạo đức trong sáng, tinh thần trách nhiệm cao, gắn bó với quê hương, đi sâu vào thực tiễn cuộc sống để sáng tạo ra những tác phẩm văn học nghệ thuật có giá trị về tư tưởng và nghệ thuật cao, coi đây là lực lượng kế cận, nòng cốt, góp phần vào sự nghiệp phát triển văn học, nghệ thuật tỉnh nhà trong tương lai.

Hồng Lam - Ban tuyên giáo Tỉnh uỷ


    Ý kiến bạn đọc