Hà Tĩnh là tỉnh có đông đồng bào theo đạo, chủ yếu là Công giáo, Phật giáo và một số ít theo đạo Tin lành, với gần 162.000 tín đồ, chiếm khoảng 12% dân số. Những năm qua, tình hình tôn giáo và các hoạt động tôn giáo trên địa bàn Hà Tĩnh diễn ra trong khuôn khổ pháp luật, thuần tuý tôn giáo; an ninh chính trị và trật tự xã hội vùng giáo được đảm bảo; đồng bào có đạo, nhất là đảng viên có đạo và cán bộ cốt cán vùng giáo đã tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động, đoàn kết, gắn bó, sống tốt đời, đẹp đạo, xây dựng cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng từ bên ngoài, một bộ phận lợi dụng, kích động để làm phức tạp tình hình, tác động trực tiếp đến giáo dân nói chung và đội ngũ cán bộ, đảng viên gốc giáo nói riêng làm ảnh hưởng đến đời sống và sinh hoạt của nhân dân, cán bộ, đảng viên gốc giáo.
Thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác tôn giáo, các cấp uỷ Đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở đã thường xuyên quan tâm chăm lo phát triển kinh tế và văn hóa, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào có đạo. Công tác kết nạp đảng viên là người có đạo và quản lý đảng viên có đạo tham gia sinh hoạt tôn giáo có nhiều chuyển biến tích cực. Từ năm 2004 đến nay, thực hiện Quy định số 123 -QĐ/TW ngày 28/9/2004 của Bộ Chính trị "Quy định một số điểm về kết nạp đảng viên đối với người có đạo và đảng viên tham gia sinh hoạt tôn giáo", toàn tỉnh kết nạp được 275 đảng viên là người có đạo; xoá 16 thôn, xóm không có đảng viên và 39 chi bộ sinh hoạt ghép (xóm không có đảng viên và chi bộ sinh hoạt ghép chủ yếu là thôn xóm có đông đồng bào theo đạo, giáo dân toàn tòng). Đến nay chỉ còn 10 xóm chưa có đảng viên, 12 chi bộ sinh hoạt ghép.
Đạt được những kết quả đó là do Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức quán triệt đến tận các cấp uỷ đảng, cán bộ và đảng viên thực hiện đúng tinh thần nội dung Quy định 123 về phương châm, nguyên tắc, điều kiện, tiêu chuẩn, thủ tục kết nạp đảng viên đối với người có đạo; nhiệm vụ, quyền hạn của đảng viên có đạo tham gia sinh hoạt tôn giáo. Đồng thời, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã thành lập Ban Chỉ đạo công tác Tôn giáo tỉnh do đồng chí Phó Bí thư thường trực Tỉnh uỷ làm Trưởng ban để lãnh đạo, chỉ đạo công tác tôn giáo, xây dựng cơ sở vùng giáo vững mạnh.
Dưới sự lãnh đạo của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ mà trực tiếp là Ban Chỉ đạo công tác Tôn giáo tỉnh, các cấp uỷ ở những đơn vị có đông đồng bào theo đạo đã xây dựng kế hoạch phát triển đảng viên gốc giáo hằng năm; gắn việc phát triển đảng viên mới với việc từng bước nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên. Thông qua các phong trào đã lựa chọn được những quần chúng giáo dân ưu tú để bồi dưỡng kết nạp vào hàng ngũ của Đảng. Hiện nay, tổng số đảng viên là người có đạo là 747 đồng chí, trong đó đạo Công giáo có 684 đảng viên (680 tín đồ, 4 chức việc), đạo Phật có 62 đảng viên (50 tín đồ, 12 chức việc) và 01 đảng viên là tín đồ Tin lành. Số được kết nạp vào Đảng nhìn chung độ tuổi bình quân ngày càng trẻ hơn, trình độ ngày càng được nâng lên. Các đơn vị kết nạp được nhiều đảng viên có đạo là: Hương Khê 147 đồng chí, Cẩm Xuyên 137 đồng chí, Thành phố Hà Tĩnh 86 đồng chí, Đức Thọ 68 đồng chí.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc kết nạp đảng viên ở vùng giáo vẫn gặp nhiều khó khăn; đảng viên có đạo còn chiếm tỷ lệ thấp (khoảng 0.85% tổng số đảng viên); công tác tập hợp đoàn viên, hội viên nói chung và ở vùng giáo nói riêng chưa cao, nguồn để bồi dưỡng kết nạp vào đảng còn hạn chế. Nội dung, phương thức hoạt động của một số tổ chức đảng chậm được đổi mới; đội ngũ làm công tác tôn giáo ở cơ sở còn thiếu và yếu.
Để kết nạp được nhiều quần chúng ưu tú có đạo vào Đảng và thực hiện tốt quan điểm về tôn giáo của Đảng, trong thời gian tới cần tiếp tục quan tâm một số nội dung trọng tâm sau:
- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác tôn giáo, nhất là Quy định 123-QĐ/TW của Bộ Chính trị (khoá IX) và Hướng dẫn số 40 -HD/TW của Ban Tổ chức Trung ương, Nghị quyết số 25 -NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá IX) về “công tác tôn giáo”, Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo, Kết luận số 11 -KL/TU, ngày 18/4/2012 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về “công tác tôn giáo trong thời gian tới”. Thông qua công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, thống nhất quan điểm, trách nhiệm của cấp uỷ và cả hệ thống chính trị, làm cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong đó có đồng bào theo đạo nhận thức rõ quan điểm của Đảng về tôn giáo, yêu cầu nhiệm vụ của công tác tôn giáo và cong tác phát triển đảng viên có đạo.
- Tiếp tục kiện toàn, xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác tôn giáo từ tỉnh đến cơ sở nắm vững chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tôn giáo. Phát huy vai trò Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân trong việc vận động chức sắc, tín đồ hăng hái tham gia các phong trào thi đua yêu nước, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”, xây dựng nông thôn mới; “sống tốt đời, đẹp đạo”, thực hiện quyền lợi và nghĩa vụ công dân, đẩy mạnh phát triển kinh tế, văn hoá, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Kịp thời phát hiện, lựa chọn những nhân tố mới, những quần chúng ưu tú là tín đồ để giới thiệu cho Đảng bồi dưỡng kết nạp.
- Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác tôn giáo; đảm bảo mọi hoạt động tôn giáo và việc kết nạp đảng viên là người có đạo đúng quy định.
- Củng cố và phát huy vai trò của Ban chỉ đạo công tác tôn giáo các cấp, xây dựng quy chế làm việc của Ban chỉ đạo, phân công nhiệm vụ cụ thể; theo dõi, chủ động nắm tình hình cơ sở. Tăng cường công tác quản lý Nhà nước về tôn giáo; phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền với linh mục, chức sắc, ban hành giáo, tạo sự đồng thuận để vận động đồng bào tôn giáo tham gia tích cực các phong trào của địa phương; hằng năm chủ động tổ chức gặp mặt biểu dương đảng viên, cán bộ cốt cán vùng giáo, những quần chúng giáo dân ưu tú để động viên, khích lệ tinh thần, nâng cao sức chiến đấu của đảng viên, tổ chức đảng ở vùng giáo; tổ chức gặp mặt linh mục, mục sư, trụ trì vào các dịp lễ lớn của các tôn giáo để tạo sự gắn bó giữa Đảng, chính quyền với các tôn giáo, qua đó tuyên truyền, vận động đội ngũ này cống hiến tốt hơn.
- Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nhằm nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ vùng có đảng viên, đồng bào theo đạo; thực hiện tốt công tác phân công, giao nhiệm vụ quản lý đảng viên; tăng cường đảng viên có năng lực, trình độ, uy tín, đảng viên công chức cấp xã về sinh hoạt tại các chi bộ có đảng viên tôn giáo; kịp thời nắm chắc tình hình, hành vi lợi dụng tôn giáo, hoạt động tôn giáo trái pháp luật làm phương hại đến lợi ích quốc gia.
- Xây dựng kế hoạch kết nạp đảng viên có đạo, nhất là ở các thôn, xóm chưa có đảng viên và chi bộ sinh hoạt ghép; tạo mọi điều kiện thuận lợi cho quần chúng ưu tú có đạo tham gia hoạt động xã hội, học các lớp nhận thức về Đảng, rèn luyện phấn đấu để trở thành đảng viên; phân công nhiệm vụ và giúp đỡ đảng viên có đạo tham gia công tác đảng, chính quyền.
Phát triển đảng viên có đạo và đảng viên vùng giáo trong giai đoạn hiện nay có ý nghĩa rất quan trọng trong việc thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác tôn giáo, góp phần vào công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh ở cơ sở. Vì vậy cần phải tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ Đảng các cấp, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị để đến năm 2015 xoá xóm không có đảng viên và chi bộ sinh hoạt ghép theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đã đề ra./.
Tin mới cập nhật
- Phòng dịch Covid-19 ở Hà Tĩnh: Tổng hợp sức mạnh của ý Đảng - lòng dân ( 24/04)
- Hà Tĩnh vận động đoàn viên, hội viên, các tầng lớp nhân dân thực hiện tốt chủ trương sáp nhập xã ( 19/07)
- Tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động ( 30/01)
- Hội viên Hội Cựu chiến binh tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước ( 08/01)
- Tổ chức đoàn cần họp ít, nói thuyết phục, làm hiệu quả ( 08/01)
- Tăng cường quản lý hoạt động báo chí trên địa bàn Hà Tĩnh ( 04/01)