Kết quả sau một năm triển khai thực hiện Chỉ thị 20 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy
Ngày 20/3/2012, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 20-CT/TU nhằm đẩy mạnh thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 31/QĐ-UBND, ngày 6/7/2012 về Quy chế thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội và tổ chức kỷ niệm ngày truyền thống, đón nhận các danh hiệu thi đua trên địa bàn tỉnh.
Qua một năm triển khai thực hiện, nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các ban, ngành, đoàn thể về xây dựng nếp sống văn hóa trong cưới, tang, lễ hội có nhiều chuyển biến tích cực, được đông đảo quần chúng nhân dân đồng tình ủng hộ, góp phần “...làm cho văn hóa gắn kết chặt chẽ và thấm sâu vào toàn bộ đời sống xã hội trở thành sức mạnh nội sinh quan trọng của phát triển”.
Trên bình diện rộng, việc cưới đã đơn giản hóa về thủ tục (nghi lễ cưới hỏi giảm từ 3 - 4 cuộc lễ xuống 1 - 2 cuộc lễ); quy mô phù hợp với thuần phong mỹ tục, điều kiện kinh tế của gia đình, địa phương và sự tiến bộ chung của xã hội, hạn chế sự lãng phí, xa hoa, tiết kiệm tiền bạc và thời gian; các nghi lễ trong việc cưới thực hiện trang nghiêm và giữ được thuần phong mỹ tục, gọn nhẹ, trang trọng, lịch sự; việc đăng ký kết hôn phần lớn thực hiện đúng quy định của pháp luật. Phần lớn các lễ cưới trước đây được tổ chức tại các khách sạn, nhà hàng nhưng gần đây đã có một số đám cưới được tổ chức ở hội trường, Trung tâm Văn hóa các huyện, thị, thành phố, nhà văn hóa cộng đồng và tại gia đình. Một số gia đình là cán bộ, công chức tổ chức cưới cho con chỉ mời khách trong dòng tộc, láng giềng và nội bộ cơ quan, đơn vị đến dự tiệc ngọt được tổ chức tại nhà hoặc báo hỷ. Tỉnh đoàn Hà Tĩnh thông qua Cuốn Thông tin thanh niên, Trang website, các diễn đàn sinh hoạt chi đoàn cơ sở, hệ thống loa phát thanh... đã tập trung tuyên truyền về tổ chức cưới văn minh, tiết kiệm trong đoàn viên thanh niên (ĐVTN). Một số đơn vị như Thành đoàn Hà Tĩnh, Thị đoàn Hồng Lĩnh, Huyện đoàn Cẩm Xuyên, Huyện đoàn Can Lộc … đã thành lập và duy trì hoạt động các câu lạc bộ như: “Câu lạc bộ tiền hôn nhân”, “Câu lạc bộ gia đình trẻ”, “Thanh niên với việc cưới theo nếp sống mới”… Các cấp bộ đoàn đã tổ chức được hàng trăm đám cưới văn minh, tiết kiệm cho ĐVTN, tiêu biểu như mô hình cưới văn minh tiết kiệm của Đoàn xã Kỳ Hải (Kỳ Anh), Đoàn xã Xuân Phổ (Nghi Xuân), Thị đoàn Hồng Lĩnh tổ chức đám cưới cho đoàn viên giáo dân; Đoàn cơ sở cơ quan Tỉnh Đoàn, Chi đoàn Báo Hà Tĩnh, Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh... Đặc biệt trong năm 2012, đã có 45 đám cưới tổ chức theo nếp sống mới, tiêu biểu như Đoàn Phường Tân Giang, Thành phố Hà Tĩnh tổ chức được 13 đám cưới văn minh tiết kiệm. Hầu hết các đám cưới chỉ tổ chức tiệc ngọt, vui tươi, lành mạnh, tiết kiệm, chỉ mời khách trong dòng tộc, láng giềng, nội bộ cơ quan, đơn vị, bạn bè thân thích, không uống rượu bia, không sử dụng thuốc lá ...
Trong việc tang, thời gian gần đây có nhiều chuyển biến tích cực. Chính quyền địa phương đã thực hiện việc quy hoạch đất các nghĩa trang và vận động nhân dân chôn cất người chết đúng nơi quy định, đảm bảo vệ sinh môi trường. Tình trạng chôn cất người chết trên đất sản xuất, trong khuôn viên gần gia đình không còn. Khi có người qua đời, các gia đình đều khai tử, báo cáo với chính quyền địa phương và khu dân cư để nhận được sự giúp đỡ của cộng đồng, Ban Tang lễ phối hợp cùng tổ chức tang lễ chu đáo thể hiện truyền thống tốt đẹp của quê hương, dân tộc; qua đó thắt chặt tình làng nghĩa xóm trong nhân dân. Việc lưu giữ thi hài người quá cố trong gia đình thường trong vòng 48 giờ. Trong tang lễ, đa số gia đình tổ chức gọn nhẹ, hạn chế phúng điếu, ăn uống linh đình; các hủ tục lạc hậu đã giảm đi đáng kể.
Thời gian qua, hoạt động lễ hội trên địa bàn tỉnh diễn ra khá sôi động, thu hút đông đảo nhân dân tham gia, nhất là ở các lễ hội truyền thống có quy mô vùng miền. Theo số liệu thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, toàn tỉnh có 108 lễ hội dân gian. Trong đó, có những huyện số lượng lễ hội nhiều như: Nghi Xuân: 14; Đức Thọ: 14; Can Lộc: 12; Hương Sơn: 11; Kỳ Anh: 11... Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, số lễ hội dân gian dần mai một theo thời gian, hiện chỉ còn 35 lễ hội, trong đó có những lễ hội ngày càng phát triển như Lễ hội Hương Tích (Can Lộc), Lễ hội Đền Chợ Củi, Lễ hội Sỹ Nông Công Thương (Nghi Xuân), Lễ hội Đua thuyền Trung Lương, Lễ hội Đền Đô Đài (Thị xã Hồng Lĩnh), Lễ hội Đền Chiêu Trưng (Thạch Hà), Lễ hội Đền Bích Châu (Kỳ Anh)... Hoạt động lễ hội đã góp phần giáo dục truyền thống lịch sử, cách mạng, văn hoá, nâng cao ý thức gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc cho các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ.
Song nhìn chung, so với mục đích, yêu cầu theo tinh thần Kết luận số 51 -KL/TW của Bộ Chính trị và Chỉ thị số 20 -CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đặt ra thì việc cưới, việc tang và hoạt động lễ hội trên địa bàn toàn tỉnh trong thời gian qua vẫn gặp một số khó khăn, hạn chế. Một số địa phương, đơn vị chưa triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị; thiếu các giải pháp đồng bộ và cụ thể; thiếu kiểm tra, đôn đốc và chưa quyết liệt trong việc phê bình, chưa có chế tài đối với những cá nhân, đơn vị vi phạm các quy định của pháp luật, quy ước, hương ước của địa phương trong cưới, tang, lễ hội. Việc bình xét công nhận các danh hiệu gia đình, khu dân cư văn hóa, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa... ở đa số các địa phương chưa áp dụng triệt để các tiêu chí về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội đã được đề ra. Công tác tuyên truyền, vận động chưa được các cấp, các ngành, các đoàn thể tiến hành thường xuyên nên chưa thật sự đi vào chiều sâu, chưa lan tỏa đến mọi tầng lớp nhân dân, nhất là đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số. Một số đám cưới tổ chức linh đình, mời đông khách, hiện tượng thương mại hóa trong tiệc cưới vẫn tồn tại, trong đó một số cán bộ, đảng viên thiếu gương mẫu tổ chức việc cưới trong giờ hành chính và sử dụng rượu bia, gửi giấy mời tràn lan ... Trong việc tang, việc để thi hài người chết dài ngày vẫn còn diễn ra ở một số địa phương; các hiện tượng mê tín dị đoan: cúng ma, yểm bùa, đốt, rải vàng mã (thậm chí tiền thật) vẫn diễn ra ở một số nơi; việc phúng điếu có nhiều vòng hoa, bức trướng, xây mộ nhiều tiền lãng phí; hiện tượng mở nhạc với tần suất âm thanh quá lớn trong các đám tang gây ồn ào tại khu dân cư, gây bức xúc trong dư luận nhân dân ở một số địa phương... Tình trạng thương mại hoá trong các lễ hội vẫn tồn tại; một số lễ hội truyền thống chưa được quan tâm khôi phục lại, hoặc đã được khôi phục nhưng chưa được tổ chức thường xuyên và đúng tầm với giá trị nhân văn của nó; các hoạt động văn hoá, thể thao trong các lễ hội còn bị xem nhẹ, tổ chức sơ sài; hiện tượng lợi dụng lễ hội để hoạt động mê tín dị đoan: rút quẻ, xem bói, lên đồng, cầu hồn … vẫn còn diễn ra ở một số đền, chùa.
Trước tình hình đó, cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân về ý nghĩa của việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội, coi đây là mục tiêu, nhiệm vụ quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội của địa phương. Phải thường xuyên, nghiêm túc thực hiện có hiệu quả việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; tăng cường siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; học tập Bác, xây dựng phong cách quần chúng, dân chủ, nêu gương, nêu cao trách nhiệm gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong mọi hoạt động, mọi phong trào ở đơn vị công tác cũng như ở địa phương nơi cư trú; đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Hàng năm, xét công nhận cấp ủy đảng, tổ chức đảng đạt danh hiệu trong sạch vững mạnh; cơ quan, đơn vị đạt chuẩn văn hóa; bình xét các danh hiệu thi đua của từng đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên phải gắn với việc thực hiện Chỉ thị 20 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ và Quyết định 31 của UBND tỉnh... Tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động lễ hội; thường xuyên kiểm tra việc tổ chức cưới, tang, lễ hội ở các địa phương, hộ gia đình, khu dân cư... kịp thời chấn chỉnh và xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật, những việc làm sai trái, những hiện tượng tiêu cực.
Những vấn đề liên quan đến việc cưới, việc tang, lễ hội luôn tồn tại và đồng hành trong đời sống tinh thần của mỗi người, gia đình và cộng đồng. Điều chỉnh ứng xử của con người, gia đình, cộng đồng khi có việc cưới, việc tang, lễ hội là biểu hiện nhận thức về văn hóa, trình độ, năng lực quản lý, điều hành của các cấp ủy Đảng, chính quyền, trong đó việc thể chế các quan điểm, chủ trương của tỉnh trên lĩnh vực này thành các văn bản mang tính pháp lý phù hợp, thuyết phục là khâu quyết định. Chủ trương đã rõ, nhân dân đã nhận thức đầy đủ về ý nghĩa, tác dụng của việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội, vấn đề là tuyên truyền và tổ chức thực hiện, nhưng người thực hiện nêu gương trước hết phải là cán bộ, đảng viên./.
Phan Thị Hồng Lam
Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ
Tin mới cập nhật
- Phòng dịch Covid-19 ở Hà Tĩnh: Tổng hợp sức mạnh của ý Đảng - lòng dân ( 24/04)
- Hà Tĩnh vận động đoàn viên, hội viên, các tầng lớp nhân dân thực hiện tốt chủ trương sáp nhập xã ( 19/07)
- Tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động ( 30/01)
- Hội viên Hội Cựu chiến binh tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước ( 08/01)
- Tổ chức đoàn cần họp ít, nói thuyết phục, làm hiệu quả ( 08/01)
- Tăng cường quản lý hoạt động báo chí trên địa bàn Hà Tĩnh ( 04/01)