Lần này sửa đổi Hiến pháp có nhiều ý kiến nói về Điều 4, theo tôi cần được khẳng định lại Điều 4 trong Hiến pháp để thể hiện vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội.
Trước hết, có thể hiểu: Hiến pháp là đạo luật cơ bản, đạo luật gốc của một nhà nước. Quy định những nguyên tắc chính trị cơ bản và thiết lập kiến trúc, thủ tục, quyền hạn và trách nhiệm của Nhà nước, cũng như đảm bảo quyền của con người, của công dân, thể hiện ý chí và nguyện vọng của nhân dân.
Tuy nhiên, ở mỗi nước có một thể chế chính trị riêng, nhà nước ra đời được xây dựng trên một thiết chế chính trị đó.
Chẳng hạn: Ở nước ta, sự ra đời của nước Việt Nam gắn liền với sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và mục tiêu của Đảng khi chưa có nhà nước đó là giải phóng đất nước, giải phóng dân tộc, giải phóng nhân dân thoát khỏi nạn ngoại xâm, áp bức, bóc lột, đem lại quyền lợi, ấm no, hạnh phúc cho nhân dân. Khi Nhà nước ra đời, mục tiêu của Đảng và mục tiêu của Nhà nước là đồng nhất, Đảng lãnh đạo Nhà nước thể hiện sự trung thành của Đảng đối với Nhà nước, đối với nhân dân, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.
Lần này sửa đổi Hiến pháp có nhiều ý kiến nói về Điều 4, theo tôi cần được khẳng định lại Điều 4 trong Hiến pháp để thể hiện vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội.
Tuy nhiên, để mục tiêu của Đảng và Nhà nước là đồng nhất, Đảng vì nhân dân, Nhà nước là của dân, quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân, nhân dân trao quyền cho Nhà nước điều hành xã hội và nhân dân sẵn sàng tước bỏ quyền đó nếu sai phạm, theo tôi, 2 nội dung này cần được làm rõ trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp lần này. Nếu đảng viên được trao quyền quản lý nhà nước, quản lý, điều hành chính quyền thì cả 2 mục tiêu của Đảng và Nhà nước là vì dân thì người cán bộ, đảng viên đó phải thực sự là “người đầy tớ của nhân dân” như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy. Hiện nay, quyền và trách nhiệm của một số đảng viên có tư tưởng, biểu hiện lạm quyền và điều này trong Nghị quyết T.Ư 4 khóa XI đã chỉ rõ. Để gắn được vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và trách nhiệm của tổ chức Đảng và đảng viên phải chịu sự giám sát của nhân dân, mọi hoạt động quyết định phải chịu trách nhiệm trước Hiến pháp và pháp luật.
Thứ hai: Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân.
Theo tôi, đây là nội dung cốt yếu nhất vì không có con người chắc chẳng cần phải bàn và không phải bàn. Chế độ ưu việt của một nhà nước cũng được đánh giá và thể hiện ở quyền này nên phải thể hiện được tính ưu việt về quyền con người trong Hiến pháp. Lấy tư tưởng trong Tuyên ngôn độc lập ngày 2/9 của Chủ tịch Hồ Chí Minh làm định hướng tư tưởng về quy định quyền con người trong Hiến pháp.
Quyền con người, quyền công dân là thiêng liêng được Hiến pháp và pháp luật bảo vệ. Trong dự thảo ở một số điều có kèm theo cụm từ: “theo quy định của pháp luật” như một sự ràng buộc mất đi quyền thiêng liêng, tính ưu việt của chế độ khi Hiến pháp là đạo luật gốc. Nếu con người, công dân có hành vi vi phạm sẽ được điều chỉnh ở các bộ luật, luật cụ thể, chẳng hạn như tại Điều 26, Khoản 2 Điều 31 của bản dự thảo nên bỏ cụm từ “theo quy định của pháp luật”.
Thứ ba: Về chế định Chủ tịch nước.
Trong Hiến pháp năm 1992: Chủ tịch nước là người đứng đầu nhà nước, thay mặt Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam về đối nội và đối ngoại, nhưng thiếu thực quyền, mang tính đối ngoại là chính, lần này cần được thể chế hóa thực quyền của Chủ tịch nước.
Chẳng hạn tại Điều 95 bản dự thảo quy định:
Chủ tịch nước có quyền tham dự các phiên họp của UBTV Quốc hội, của Chính phủ;
Khi cần thiết, Chủ tịch nước yêu cầu Chính phủ họp bàn về những vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch nước.
Theo tôi, nên bỏ cụm từ “khi cần thiết” mà Chủ tịch nước có quyền yêu cầu Chính phủ… không chỉ thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch nước mà cả nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ.
Thứ tư: Trong Bản dự thảo Hiến pháp sửa đổi lần này cần xây dựng một chương về MTTQ và các tổ chức chính trị xã hội.
Hệ thống chính trị ở nước ta bao gồm: Đảng - Nhà nước - Mặt trận và các tổ chức chính trị xã hội. Trong đó, Đảng và Nhà nước ta đã khẳng định: Mặt trận là tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội, các tổ chức xã hội, xã hội nghề nghiệp, các nhân sỹ, trí thức, tôn giáo, dân tộc, người Việt Nam ở nước ngoài. Được quy định nhiều nhiệm vụ quan trọng về tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước và chính quyền các cấp. Trong đó có một số nhiệm vụ quan trọng đó là: hiệp thương, lựa chọn, giới thiệu người ra ứng cử ĐBQH, HĐND các cấp, cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước ta và chính quyền các địa phương; thực hiện chức năng giám sát và phản biện xã hội.
Do vậy, cần phải đặt đúng vị trí của MTTQ và các tổ chức chính trị xã hội trong Hiến pháp sửa đổi lần này. Không thể xem nhẹ mặt trận và các tổ chức chính trị xã hội, hay được đề cập ở Khoản 8 Điều 101; tại Điều 106: chỉ được mời tham dự phiên họp của Chính phủ khi bàn các vấn đề liên quan, là không tương xứng với vị trí, chức năng, quyền hạn, nhiệm vụ của mặt trận trong hệ thống chính trị.
Tin mới cập nhật
- Phòng dịch Covid-19 ở Hà Tĩnh: Tổng hợp sức mạnh của ý Đảng - lòng dân ( 24/04)
- Hà Tĩnh vận động đoàn viên, hội viên, các tầng lớp nhân dân thực hiện tốt chủ trương sáp nhập xã ( 19/07)
- Tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động ( 30/01)
- Hội viên Hội Cựu chiến binh tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước ( 08/01)
- Tổ chức đoàn cần họp ít, nói thuyết phục, làm hiệu quả ( 08/01)
- Tăng cường quản lý hoạt động báo chí trên địa bàn Hà Tĩnh ( 04/01)