Khu kinh tế Vũng Áng (Hà Tĩnh) đang ngày một sôi động hơn với sự góp mặt của những nhà đầu tư “tên tuổi”. Hàng loạt dự án với số vốn “khổng lồ” đã và đang biến khu kinh tế này thành một trong những địa chỉ đầu tư có nhiều dự án “tỷ đô” nhất. Từ những con số thực tế trên công trường, mục tiêu đến năm 2015 số thu ngân sách tại Khu kinh tế này đạt mức 2.000 tỷ đồng và tăng lên hàng chục nghìn tỷ đồng trong tương lai đang trở thành hiện thực.
Hà Tĩnh thuộc khu vực Bắc Trung Bộ vùng duyên hải Miền Trung, có 137 km bờ biển, vị trí địa lý thuận lợi, là nơi hội tụ các tuyến giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy. Hệ thống giao thông nối liền Bắc - Nam, Đông - Tây; nối với nước bạn Lào và vùng Đông Bắc Thái Lan bằng Quốc lộ 8A qua cửa khẩu quốc tế Cầu Treo, Quốc lộ 12 qua cửa khẩu Chalo; có cụm cảng nước sâu Vũng Áng - Sơn Dương là cửa ngõ thông ra biển Đông thuận lợi và ngắn nhất tới Lào, vùng Đông Bắc Thái Lan và Mi-an-ma...
Với vị trí vượt trội về địa kinh tế thuộc mặt tiền của tiểu vùng sông Mê-kông và châu Á - Thái Bình Dương nên việc phát triển Khu kinh tế gắn với Cảng biển nước sâu Vũng Áng - Sơn Dương đã dẫn đến hình thành một trung tâm đại công nghiệp với các trụ cột là công nghiệp năng lượng, luyện cán thép, lọc hóa dầu, các ngành công nghiệp thứ cấp, các ngành công nghiệp phụ trợ, công nghiệp nhẹ và hình thành các ngành du lịch, dịch vụ, tài chính, ngân hàng...
Trọng tâm phát triển của khu vực kinh tế là cụm cảng biển nước sâu Vũng Áng - Sơn Dương (sâu nhất khu vực Bắc Trung Bộ, cho phép tàu có tải trọng từ 30 đến 50 vạn tấn cập bến), nằm trên hành lang của các tuyến hàng hải quốc tế. Từ cảng nước sâu Vũng Áng - Sơn Dương, các tàu lớn dễ dàng đến các nước Nam Á, Bắc Mỹ và châu Âu. Vũng Áng còn là cửa ngõ ra biển thuận tiện đối với Lào và Thái Lan khi được kết nối.
Cách Vũng Áng 60km về phía Bắc là thành phố Hà Tĩnh và mỏ sắt Thạch Khê quy mô lớn hàng đầu khu vực Đông Nam Á với trữ lượng 544 triệu tấn, bằng 60% tổng trữ lượng quặng sắt Việt Nam. Hiện nay mỏ Thạch Khê đang tiến hành bóc đất tầng phủ, đầu tư xây dựng hạ tầng và hoàn thiện hồ sơ thiết kế kỹ thuật thi công; có cơ sở và vị trí thuận lợi để xây dựng và phát triển cụm ngành sắt thép, sản xuất các sản phẩm từ thép và ngành công nghiệp hỗ trợ bền vững, quy mô lớn.
Khu kinh tế Vũng Áng
Khu kinh tế Vũng Áng là một trong 5 khu kinh tế trọng điểm được Chính phủ lựa chọn phê duyệt tại Đề án “Rà soát, xây dựng tiêu chí lựa chọn một số khu kinh tế ven biển để tập trung đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2013 – 2015”. Được Tập đoàn tư vấn Monitor (Mỹ) đặc biệt quan tâm trong quá trình xây dựng Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050, khu kinh tế Vũng Áng là vùng kinh tế động lực, nơi tập trung phát triển cụm ngành trọng điểm của tỉnh và khu vực trong định hướng phát triển không gian và lãnh thổ, với các cụm ngành trụ cột có ý nghĩa chiến lược của quốc gia như: khu liên hợp luyện cán thép công suất từ 15-20 triệu tấn, là trung tâm sản xuất, chế biến sắt, thép và các sản phẩm từ thép; trung tâm nhiệt điện 6.300 MW thuộc Quy hoạch điện VII (Tổng sơ đồ điện VII quốc gia); trung tâm lọc hóa dầu công suất 16 triệu tấn; trung tâm thương mại và dịch vụ hậu cần gắn với tổ hợp cảng Vũng Áng - Sơn Dương.
Để triển khai xây dựng, vận hành các khu chức năng bảo đảm tính đồng bộ, đúng mục tiêu, chức năng được xác định trong quy hoạch tổng thể, khu kinh tế đã xây dựng và hoàn chỉnh hệ thống quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2000, 1/500 với 37 đồ án. Các khu chức năng khác theo quy hoạch đã và đang tiếp tục được kêu gọi đầu tư, triển khai thực hiện với tiến độ nhanh.
Về kết cấu hạ tầng
Được sự quan tâm đầu tư từ ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương; với tổng nguồn vốn huy động lên đến hàng ngàn tỉ đồng. Đến nay khu kinh tế Vũng Áng đã hoàn thành khung kết cấu hạ tầng quan trọng, cơ bản.
Hệ thống giao thông đối ngoại, đối nội khu kinh tế Vũng Áng được đầu tư tập trung, đã hình thành các tuyến giao thông trục chính, tuyến đường dọc, ngang kết nối các công trình dự án quan trọng như cụm cảng nước sâu, nhà máy nhiệt điện, khu liên hợp thép với các hành lang đường bộ quốc gia ở phía Tây như đường cao tốc, đường Hồ Chí Minh, nối Vũng Áng - quốc lộ 1A - quôc lộ 12A qua 2 khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Chalo (Quảng Bình) và Cầu Treo (Hà Tĩnh), nối khu kinh tế Đông Nam (Nghệ An) và Hòn La (Quảng Bình) qua tuyến quốc lộ ven biển; từng bước hình thành hệ thống đường liên đô thị, đường khu vực các khu đô thị quy hoạch trong khu kinh tế Vũng Áng; đã hoàn thành kết cấu hạ tầng kỹ thuật và kết cấu hạ tầng xã hội 5 khu tái định cư với tổng diện tích 377 ha theo tiêu chí phát triển đô thị, đáp ứng đủ điều kiện để các hộ dân tái định cư, phục vụ giải phóng mặt bằng triển khai các dự án đầu tư vào khu kinh tế.
Nằm trong quy hoạch trung tâm nhiệt điện 6.300MW, Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1 công suất 1.200 MW đã cơ bản hoàn thành, dự kiến quý IV-2013 điện sẽ hòa lên mạng lưới quốc gia. Chuẩn bị khởi công nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 2 có công suất 1.200 MW; tổ hợp 5 Nhà máy điện Formosa (giai đoạn 1) công suất 750 MW đang xây dựng, cùng hệ thống trạm biến áp và lưới điện riêng đấu nối trực tiếp lưới điện quốc gia, hạ tầng điện khi kinh tế Vũng Áng đã sẵn sàng đáp ứng đủ nhu cầu điện phục vụ sản xuất kinh doanh trên toàn địa bàn khu. Đầu tư nâng công suất Nhà máy nước sạch khu kinh tế Vũng Áng lên 30.000 m3/ngày đêm. Đây là dự án xã hội hóa đầu tư với tổng mức huy động trên 4.400 tỷ đồng. Dự án hoàn thành sẽ cung cấp 1,005 triệu m3 nước/ngày đêm, bảo đảm nhu cầu phục vụ sinh hoạt và sản xuất công nghiệp trong toàn bộ khu kinh tế.
Hà Tĩnh có lực lượng lao động trẻ, cần cù, chịu khó, sáng tạo, được Chính phủ cho thực hiện cơ chế đặc thù đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, bảo đảm cung ứng nhu cầu lao động của các doanh nghiệp trong khu kinh tế Vũng Áng. Với các dự án trọng điểm, quy mô lớn, dự báo nhu cầu sử dụng nhân lực trong khu kinh tế đến năm 2015 sẽ lên 7 vạn lao động. Nhằm chủ động bảo đảm nguồn nhân lực cho nhu cầu của các dự án, việc chuẩn bị về nhà ở cho người lao động làm việc tại chỗ, Vũng Áng đã quy hoạch khu đất xây dựng nhà ở diện tích 91,46 ha và đang triển khai thực hiện Dự án thí điểm xây dựng khu nhà ở cho công nhân và người lao động thuê với quy mô giai đoạn 1 là 6.000 chỗ ở vào năm 2015.
Cơ chế, chính sách phát triển khu kinh tế Vũng Áng
Các dự án đầu tư vào khu kinh tế Vũng Áng được hưởng các ưu đãi tối đa áp dụng đối với địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn. Cơ chế, chính sách về đầu tư, các phương thức huy động vốn ở khu kinh tế Vũng Áng đa dạng, từ nhiều nguồn lực và có tính mở. Các dự án lớn, trọng điểm trong khu kinh tế được Thủ tướng Chính phủ cho phép áp dụng cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ trong đầu tư.
Ngoài ra, Hà Tĩnh còn ban hành chính sách riêng về ưu đãi, hỗ trợ đầu tư; chính sách đặc thù về bồi thường, hỗ trợ di dân, tái định cư khi thu hồi đất để thực hiện các dự án trọng điểm trong khu kinh tế; chính sách hỗ trợ, ưu đãi đối với dự án nhà ở cho người có thu nhập thấp tại khu vực đô thị và nhà ở cho công nhân lao động tại khu kinh tế, Khu công nghiệp trên địa bàn Hà Tĩnh. Tỉnh cũng xây dựng và ban hành nhiều cơ chế ưu đãi cho đào tạo nghề để cung ứng nhân lực cho khu kinh tế Vũng Áng và Cầu Treo. Các Đề án quy hoạch phát triển nguồn nhân lực, Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn, nhất là lao động nông thôn vùng tái định cư,... cũng được tỉnh Hà Tĩnh đặc biệt quan tâm và có cơ chế, chính sách hợp lý nhằm cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, lực lượng lao động với nhiều trình độ, ngành nghề.
Về thu hút đầu tư và định hướng phát triển
Sau 7 năm hình thành và phát triển, khu kinh tế Vũng Áng đang có hàng ngàn chuyên gia, công nhân làm việc liên tục 3 ca trên các công trình, dự án đang trong giai đoạn thi công. Khu kinh tế đã có trên 200 doanh nghiệp được cấp đăng ký kinh doanh và giấy chứng nhận đầu tư với số vốn đăng ký hơn 16 tỷ USD. Một số dự án đã hoàn thành đi vào hoạt động và đang phát huy hiệu quả ban đầu như: Tổng kho khí hóa lỏng Bắc Trung Bộ; Tổng kho xăng dầu Vũng Áng; Cảng Vũng Áng với 02 cầu cảng số 1 và số 2 công suất 1,3 triệu tấn/năm. Một số công trình, dự án lớn đang được các nhà đầu tư tích cực huy động nguồn lực đẩy nhanh tiến độ, như: nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng I, vốn đầu tư 1,5 tỷ USD chuẩn bị phát điện thương mại; Khu Liên hợp gang thép và cảng Sơn Dương Formosa công suất giai đoạn đoạn 1 là 7,5 triệu tấn, vốn đầu tư gần 10 tỷ USD (giai đoạn nâng công suất lên 15 triệu tấn, vốn đầu tư tăng thêm 9 tỷ USD) dự kiến sẽ hoạt động trong năm 2014; dự án khách sạn 5 sao và cao ốc văn phòng (78,6 triệu USD); dự án khu du lịch dịch vụ hồ Tàu Voi (70 triệu USD), Dự án Trung tâm thương mại, khách sạn, văn phòng, chung cư Lobana (57,5 triệu USD), Dự án Khu đô thị dịch vụ và thương mại Phú Vinh (27 triệu USD)... Nhiều dự án có quy mô đầu tư lớn đang hoàn chỉnh hồ sơ để được cấp giấy chứng nhận đầu tư như: nhà máy lọc hoá dầu công suất 16 triệu tấn/năm (12,47 tỷ USD); nhà máy luyện thép công suất 4,5 triệu tấn (5 tỷ USD); nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng II công suất 1200 MW (2,5 tỷ USD)... Hiện vẫn còn nhiều nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước đang tìm hiểu cơ hội đầu tư, hợp tác kinh doanh.
Khu kinh tế Vũng Áng đã đi qua giai đoạn đầu tư và định hướng phát triển. Trong giai đoạn tiếp theo (từ nay đến năm 2020), với phương châm lấy hoạt động sản xuất kinh doanh làm thước đo hiệu quả, các dự án sẽ phát triển theo chiều sâu bằng cách ứng dụng công nghệ mới nhằm tạo ra sản phẩm hàng hóa và dịch vụ có giá trị cao, bảo vệ môi trường,… Các dự án cũng được gắn với chiến lược hướng ra biển và phát triển kinh tế biển xanh. Hà Tĩnh đang kêu gọi sự đầu tư của các tập đoàn đa quốc gia để tiếp cận công nghệ và kinh nghiệm quản lý của họ; đồng thời, khuyến khích các doanh nghiệp vừa và nhỏ đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ phụ trợ nhằm khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của khu kinh tế Vũng Áng, thuộc các lĩnh vực: xây dựng và kinh doanh hạ tầng kỹ thuật các khu công nghiệp; các ngành công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ, các ngành chế biến sâu sản phẩm sau thép; dịch vụ thương mại; nhà hàng, khách sạn, khu nghỉ dưỡng cao cấp; du lịch biển, du lịch sinh thái; cảng biển; dịch vụ bốc xếp, vận tải biển; nhà ở cho người lao động; khu phi thuế quan... Các dự án đầu tư vào khu kinh tế Vũng Áng sẽ tiếp tục được hưởng các ưu đãi tối đa áp dụng đối với địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn.
Kết quả đạt được từ cách làm năng động và sáng tạo đã khẳng định, khu kinh tế Vũng Áng có vai trò quan trọng trong chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Hà Tĩnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050. Vũng Áng đang trở thành khu kinh tế mạnh ven biển, hướng ra biển, phát huy tiềm năng lợi thế về biển, thu hút mạnh nguồn lực bên ngoài, kết hợp phát triển vùng ven biển với phát triển vùng nội địa theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, góp phần đưa Nghị quyết 09-NQ/TW ngày 9-2-2007 của Đảng về “Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020” vào cuộc sống.
Mặc dù còn nhiều khó khăn về nguồn lực, kết cấu hạ tầng, việc giải phóng mặt bằng, tái định cư, giải quyết các vấn đề giữa yêu cầu phát triển nhanh với vấn đề bảo vệ môi trường, phát triển bền vững, bảo đảm an sinh, trật tự an toàn xã hội... nhưng với nguồn nhân lực dồi dào, hệ thống cơ chế chính sách thông thoáng; môi trường cạnh tranh tốt,… khu Kinh tế Vũng Áng sẽ phát huy được những tiềm năng, lợi thế của mình để vận hành đúng hướng, có bước phát triển phù hợp, trở thành điểm sáng về phát triển kinh tế biển nhanh và bền vững của tỉnh Hà Tĩnh và của cả vùng Bắc Trung Bộ./.
Tin mới cập nhật
- Phòng dịch Covid-19 ở Hà Tĩnh: Tổng hợp sức mạnh của ý Đảng - lòng dân ( 24/04)
- Hà Tĩnh vận động đoàn viên, hội viên, các tầng lớp nhân dân thực hiện tốt chủ trương sáp nhập xã ( 19/07)
- Tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động ( 30/01)
- Hội viên Hội Cựu chiến binh tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước ( 08/01)
- Tổ chức đoàn cần họp ít, nói thuyết phục, làm hiệu quả ( 08/01)
- Tăng cường quản lý hoạt động báo chí trên địa bàn Hà Tĩnh ( 04/01)