Kiểm soát dân số vùng ven biển (bài 1): Bài toán chưa có lời giải
EmailPrintAa
09:50 21/08/2014

Chất lượng dân số ở vùng biển chậm được cải thiện so với thành thị do trình độ dân trí còn thấp, quan niệm sinh con trai, sinh đông con dường như đã trở thành tập quán và đây chính là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến đói nghèo. Người dân vùng biển ít có điều kiện tiếp cận và hưởng thụ các chính sách, dịch vụ xã hội cơ bản, trong đó có dịch vụ chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, sức khỏe sinh sản/kế hoạch hóa gia đình (SKSS/KHHGĐ).

Những “điểm nóng” dân số

Chưa đầy 30 tuổi nhưng chị Nguyễn Thị H. (Thạch Kim, Lộc Hà) đã có 3 con và hiện đang mang bầu đứa thứ 4. Chị H. cho biết: “Sinh đẻ nhiều vất vả lắm. Sức khỏe lại yếu. Có 2 gái, 1 trai rồi nhưng gia đình vẫn muốn sinh thêm, nếu được con trai thì tốt...”. Gia đình chị 3 đời bám biển, chồng theo thuyền đi đánh cá, chị ở nhà buôn bán nhỏ, cuộc sống hết sức khó khăn.

 

Dân số đông khiến người dân các xã vùng biển đối mặt với nhiều áp lực về việc làm, chất lượng cuộc sống...

 

Ở xã vùng biển cửa có quy mô dân số lớn thứ 2 toàn huyện này, người dân chủ yếu làm nghề đánh bắt thủy sản nên quan niệm lạc hậu về sinh nhiều con và phải có con trai để đi biển đã ăn sâu vào nhận thức cũng như hành động của người dân. Những đứa trẻ sinh ra, nếu học hành tử tế thì bố mẹ cũng cố bám trụ cho học hết cấp 3, khá thì học tiếp, bằng không chỉ cần sức khỏe, con trai bám biển chài lưới, con gái bám nghề dịch vụ trên bờ hoặc vào Nam, ra Bắc kiếm việc làm thuê... Vẫn biết sinh nhiều, khổ nhiều nhưng với người dân nơi đây, con cái là phúc phận, quan niệm “đông con hơn nhiều của” đã ăn sâu vào tiềm thức. Tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên của xã Thạch Kim trong những năm gần đây luôn cao so với nhiều xã khác trên địa bàn. Năm 2011, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên tại Thạch Kim là 38%, năm 2012 là 35,6% và năm 2013 là 32,8%. Chị Nguyễn Thị Thúy Diệu - Chuyên trách dân số xã cho biết: “Với đặc thù 40% dân số là đồng bào giáo dân, lại thường xuyên sống trên biển nên việc tuyên truyền, vận động gặp nhiều khó khăn. Bởi vậy, mỗi khi tổ chức chiến dịch chăm sóc SKSS/KHHGĐ, chúng tôi phải “đi từng ngõ, gõ từng nhà” thì đối tượng mới tham gia chiến dịch”.

Ở huyện ven biển Lộc Hà, sinh đẻ nhiều dường như đã trở thành tập quán. 6 tháng đầu năm 2014, Lộc Hà đứng đầu bảng trên toàn tỉnh về tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên (32,57%). Ở một số xã, tỷ lệ này cao hơn nhiều so với mức trung bình chung của toàn huyện như: Hồng Lộc 41%, Bình Lộc 34%, Mai Phụ 33,3%...

Chất lượng sống thấp

Hà Tĩnh có 137 km đường bờ biển trải dài 5 huyện: Nghi Xuân, Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Lộc Hà, Kỳ Anh. Dân số của 123 xã thuộc 5 huyện ven biển chiếm gần 50% tổng dân số toàn tỉnh. Hàng năm, có hơn 8.600 cháu được sinh ra (chiếm 54% tổng số sinh), tỷ lệ sinh trên 2 con là 26,6% (cao hơn 3% so với toàn tỉnh). Quy mô dân số vùng biển lớn nhưng hiện nay, công tác chăm sóc SKSS/KHHGĐ vẫn còn nhiều hạn chế.

 

Ở các xã ven biển, công tác tuyên truyền về kế hoạch hóa gia đình còn gặp nhiều khó khăn.

 

Bà Nguyễn Thị Tùng Hoa - Phó Chi cục trưởng Chi cục DS–KHHGĐ tỉnh cho biết: “Năm 2009, ngành đã có điều tra khái quát về tình hình dân số, chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em và chăm sóc SKSS/KHHGĐ ở các xã ven biển. Tại 43 xã ven biển, bãi ngang, xã ngập mặn, 50% số xã chưa có bác sỹ, y sỹ; tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng, trẻ em bị dị tật còn cao; tỷ lệ các cặp vợ chồng sử dụng các biện pháp tránh thai thấp (73%); tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên nhiều xã còn ở mức trên 40%”.

Cũng theo bà Nguyễn Thị Tùng Hoa, ở các xã ven biển, bãi ngang, điều kiện sống, sinh hoạt của người dân không đảm bảo, phải sử dụng nước sông rạch bị ô nhiễm; nhiều gia đình không có nhà vệ sinh, nhà tắm hợp vệ sinh, cộng với việc bận rộn mưu sinh nên phụ nữ ít chú ý đến việc chăm sóc bản thân. Trong điều kiện vệ sinh kém, các loại nấm, vi khuẩn phát triển gây viêm nhiễm đường sinh dục. Kết quả tại các đợt chiến dịch chăm sóc SKSS/KHHGĐ cho thấy, có đến 70% phụ nữ vùng biển bị viêm nhiễm phụ khoa, tỷ lệ này cao hơn nhiều so với thành thị.

Một trong những đặc thù của nghề biển là thường xuyên phải xa nhà dài ngày, bởi vậy, nam giới thường không muốn vợ sử dụng các biện pháp tránh thai dài hạn như: triệt sản, đặt vòng. Bên cạnh đó, vùng nông thôn ven biển có đông đồng bào công giáo nên việc tuyên truyền đã khó lại càng khó hơn. Anh Biện Lương Hiền - Giám đốc Trung tâm DS–KHHGĐ huyện Lộc Hà chia sẻ: “Bà con giáo dân khi nghe đến KHHGĐ là họ ái ngại lắm. Nhiều lúc tổ chức chiến dịch tuyên truyền, vận động tận nơi nhưng vẫn không hiệu quả vì họ ngại khi để người khác biết mình sử dụng biện pháp tránh thai”. Ở các xã ven biển, bãi ngang, công tác tuyên truyền gặp nhiều khó khăn do đặc thù nghề nghiệp của người dân. Chị em nếu không lênh đênh trên biển cùng chồng thì ở nhà cũng bận rộn với việc buôn bán, dịch vụ nghề cá…, thành ra, mỗi khi có các đợt chiến dịch chăm sóc SKSS/KHHGĐ, tùy theo đặc thù của từng địa phương mà triển khai để thu hút chị em tham gia. “Có những đợt chiến dịch phải tổ chức từ 4h chiều đến 9h đêm vì chị em chỉ rảnh rang những giờ đó. Chiến dịch thường triển khai tháng 3 hoặc tháng 8 nhưng ở những xã đặc thù như: Thạch Kim, Thịnh Lộc, Hộ Độ… thì chúng tôi phải chọn thời điểm sát tết âm lịch. Đây là lúc nhàn rỗi nhất đối với phụ nữ vùng biển” - anh Hiền cho hay.

TT CNTT (Nguồn: Baohatinh.vn)


    Ý kiến bạn đọc