Kỷ niệm 10 năm thành lập Sở TT&TT Hà Tĩnh (12/8/2004 - 12/8/2014): Mười năm góp sức vào sự phát triển quê hương
EmailPrintAa
08:58 12/08/2014

Cách đây 10 năm, ngày 12/8/2004, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 81/2004/QĐ-UB-NV thành lập Sở Bưu chính - Viễn thông (nay là Sở Thông tin và Truyền thông). 10 năm qua, Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã có bước trưởng thành và phát triển toàn diện, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp đổi mới, hội nhập và phát triển của tỉnh.

Sở TT&TT có 6 phòng, 1 trung tâm công nghệ TT&TT với 40 cán bộ, công chức, viên chức, trong đó 82,5% trình độ đại học trở lên. Hiện nay, đơn vị đã tập trung xây dựng, trình UBND tỉnh phê duyệt 5 quy hoạch quan trọng về: phát triển báo chí; phát triển xuất bản, in, phát hành; phát triển bưu chính - viễn thông; phát triển công nghệ thông tin (CNTT) và quy hoạch khu công nghiệp CNTT tập trung Hà Tĩnh, bảo đảm phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 của tỉnh; tập trung xây dựng hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý của ngành, trong 10 năm, đã tham mưu UBND tỉnh ban hành 25 văn bản quy phạm pháp luật.

 

Lãnh đạo Sở TT&TT và Đồn Biên phòng Phú Gia (Hương Khê) ký kết nhận đỡ đầu và trao tặng 8 bộ máy tính cho các xã khó khăn, biên giới.

 

Trên lĩnh vực quản lý nhà nước về báo chí, xuất bản, thông tin đối ngoại đã có chuyển biến rõ nét, từng bước đi vào nền nếp. 10 năm qua, lĩnh vực báo chí, xuất bản đã có sự phát triển vượt bậc về quy mô. Đến nay, Hà Tĩnh đã có 6 cơ quan báo chí ở địa phương, trong đó Báo Hà Tĩnh có ấn phẩm báo in và báo điện tử; Đài PT-TH tỉnh tiếp tục được đầu tư cả về cơ sở vật chất và đội ngũ, hiện đang triển khai đề án số hóa và phát sóng vệ tinh; có 6 văn phòng đại diện, 19 phóng viên thường trú các báo T.Ư và tỉnh bạn hoạt động trên địa bàn, 44 trang thông tin điện tử, 53 bản tin của các sở, ban, ngành và các huyện, thành phố, thị xã; 10 doanh nghiệp in và 2 công ty phát hành. Nhìn chung, các cơ quan báo chí, xuất bản đã đồng hành với sự nghiệp đổi mới và phát triển của tỉnh, kịp thời tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quảng bá hình ảnh của tỉnh đến với bạn bè trong nước và quốc tế, góp phần kêu gọi các nhà đầu tư đến với Hà Tĩnh. Quản lý hoạt động thông tin đối ngoại tuy mới nhưng Sở đã kịp thời tham mưu UBND tỉnh kế hoạch thực hiện đến năm 2017, là một trong những tỉnh dẫn đầu cả nước về hoạt động này.

Công tác quản lý nhà nước về CNTT và hoạt động ứng dụng, phát triển CNTT tiếp tục đạt nhiều thành tựu. UBND tỉnh đã phê duyệt 2 đề án quan trọng, đó là xây dựng Chính phủ điện tử cấp tỉnh và phát triển công nghiệp CNTT, là tỉnh đầu tiên trong cả nước thể hiện cấu trúc chính quyền điện tử bằng quyết định của UBND tỉnh. Về phát triển công nghiệp CNTT, khu CNTT đã được quy hoạch trên 10 ha ở TP Hà Tĩnh. Hiện đang trình Bộ TT&TT tham mưu Thủ tướng Chính phủ đưa vào quy hoạch các khu CNTT tập trung của cả nước.

Việc ứng dụng CNTT trong các cơ quan nhà nước đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính được chú trọng. Sở tham mưu Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 60 CT/TU về tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo ứng dụng và phát triển CNTT giai đoạn 2006-2010 và những năm tiếp theo; năm 2008, bắt đầu đánh giá mức độ ứng dụng CNTT trong các cơ quan nhà nước (hatinh-ict index); năm 2010, đưa chỉ số ứng dụng CNTT vào tiêu chí đánh giá ứng dụng CNTT trong cải cách hành chính; năm 2011, UBND tỉnh ban hành quyết định quy định về tổ chức thực hiện ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước, quy định hệ thống chuyên trách CNTT… Đến nay, 100% cơ quan đảng, đoàn thể và chính quyền từ cấp tỉnh đến xã, phường đã được trang bị máy tính, kết nối Internet, tỷ lệ cán bộ cấp tỉnh được trang bị máy tính là 100%, cán bộ cấp huyện 81%, cán bộ cấp xã 40%, 100% sở, ban ngành, UBND cấp huyện có máy chủ. 100% cơ quan nhà nước và hơn 80% cán bộ, công chức, viên chức thường xuyên sử dụng hệ thống thư điện tử để gửi, nhận văn bản.

Hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến được xây dựng tại 13 điểm cầu, phục vụ tốt các cuộc họp trực tuyến của tỉnh với T.Ư và các địa phương. Bên cạnh đó, quy định về an toàn, an ninh thông tin đã được ban hành và triển khai thực hiện. Vị trí xếp hạng về mức độ ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước của Hà Tĩnh đã vươn lên tốp 10 trong cả nước.

Quản lý nhà nước về bưu chính viễn thông, Internet, truyền dẫn phát sóng và tần số vô tuyến điện đã có những bước tiến đáng kể. Hạ tầng mạng triển khai đúng quy hoạch, nhiều dịch vụ mới ra đời, công nghệ hiện đại, giá thành ngày càng giảm, phù hợp với nhu cầu sử dụng và thu nhập của người dân. Bảo đảm giữ vững thông tin liên lạc trong phòng chống bão lụt và tìm kiếm cứu nạn, diễn tập khu vực phòng thủ; 100% xã có báo Đảng đọc trong ngày. Bưu điện tỉnh tách hoạt động độc lập, có nhiều đổi mới, hoạt động sản xuất, kinh doanh hiệu quả. Quản lý nhà nước về thông tin, truyền thông cấp huyện dần đi vào nền nếp.

Hoạt động sự nghiệp CNTT được đổi mới và tự đảm bảo kinh phí thường xuyên từ năm 2014. Các doanh nghiệp (DN) viễn thông luôn giữ được tốc độ phát triển, tăng trưởng bình quân đạt 15-20%/năm. Hiện tại, có trên 80 DN hoạt động trong lĩnh vực TT&TT, tăng trên 65 DN so với năm 2005, đã tạo việc làm ổn định cho trên 2.400 lao động, với thu nhập bình quân trên 4 triệu đồng/người/tháng.

Từ năm 2010 đến nay, Sở, các DN, đơn vị thuộc ngành đã lồng ghép các chương trình, dự án hỗ trợ bằng tiền và hiện vật cho các xã xây dựng NTM trên địa bàn với tổng trị giá trên 30 tỷ đồng; hỗ trợ quỹ xóa đói giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa, xây dựng nhà tình nghĩa, tặng quà các gia đình có công với cách mạng, trị giá trên 2 tỷ đồng.

Nhìn lại chặng đường 10 năm xây dựng và trưởng thành, bên cạnh những kết quả đáng ghi nhận, công tác quản lý nhà nước đang còn bộc lộ nhiều khó khăn, bất cập, đó là: nhận thức của các cấp, ngành về lĩnh vực TT&TT còn hạn chế; trong chỉ đạo phát triển hạ tầng, các quy hoạch, kế hoạch, đề án mặc dù đã được xây dựng và phê duyệt nhưng thiếu nguồn lực để thực hiện; công nghiệp CNTT chậm phát triển; các DN viễn thông chưa phối hợp tốt trong sử dụng chung cơ sở hạ tầng; các điểm bưu điện văn hóa xã, hệ thống trạm truyền thanh cơ sở xuống cấp; công tác quản lý báo chí, xuất bản còn khó khăn, chưa có sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, ngành trong phối hợp cung cấp, xử lý thông tin trên báo chí…

Phát huy kết quả đạt được trong 10 năm qua, toàn thể cán bộ, công nhân viên chức ngành TT&TT tiếp tục nỗ lực phấn đấu, vượt qua khó khăn, thách thức, tăng cường các hoạt động quản lý nhà nước trên các lĩnh vực, gắn cải cách hành chính với triển khai quyết liệt đề án đổi mới phương thức làm việc; đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, hoàn thành sớm các chỉ tiêu của ngành giai đoạn 2010-2015, xây dựng kế hoạch cho giai đoạn tiếp theo, tiếp tục góp sức vào công cuộc đổi mới toàn diện, thực hiện thành công sự nghiệp CNH-HĐH quê hương Hà Tĩnh.

Phan Tấn Linh - Giám đốc Sở TT&TT


    Ý kiến bạn đọc