Kỷ niệm 40 năm Ngày thành lập Ngành Kiểm lâm Việt Nam (21/5/1973 - 21/5/2013): Nguyễn Tạo - vị Tổng Cục trưởng đầu tiên của Ngành Lâm nghiệp Việt Nam
EmailPrintAa
11:00 21/05/2013

Trong những ngày tháng 5 lịch sử năm nay, lực lượng Kiểm lâm cả nước đang náo nức chuẩn bị tổ chức kỷ niệm 40 năm thành lập ngành (21/5/1973 - 21/5/2013). Trong không khí ấy, nhiều cán bộ kiểm lâm kỳ cựu đã hồi tưởng lại những kỷ niệm sâu sắc và xúc động về cố Tổng cục trưởng Nguyễn Tạo - vị thủ trưởng đầu tiên và rất đáng kính trọng của Ngành.

Nguyễn Tạo (1905 - 1994), sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống yêu nước tại xã Thái Yên, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Ông nội là cụ Nguyễn Trọng Tốn đậu tú tài nho học được bổ nhiệm Tri huyện, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên từng tham gia phong trào Cần Vương. Thân sinh ra đồng chí Nguyễn Tạo là cụ Nguyễn Trọng Tấn đậu tú tài, bất hợp tác với chính quyền thực dân, chỉ ở nhà làm nghề Đông y. Cụ có 3 người con trai là Nguyễn Trọng Cầu, Nguyễn Tạo, Nguyễn Trọng Tám, đều tham gia hoạt động cách mạng trước và sau năm 1945.

Bộc lộ tư chất thông minh từ bé, lại sinh trưởng trong một gia đình có truyền thống hiếu học, nên Nguyễn Tạo vừa giỏi cả Hán văn, Quốc ngữ và Pháp văn. Nhưng do hoàn cảnh gia đình và thời cuộc nên ông không thể tiếp tục học lên cao mà sớm tham gia hoạt động cách mạng. Đầu tiên, Nguyễn Tạo tham gia Hội Phục Việt của các ông: Trần Đình Thanh, Trần Phú, Hà Huy Tập, Tôn Quang Phiệt, Đặng Thai Mai, Đào Duy Anh, Phan Đăng Lưu… Năm 1926, tiếp tục tham gia Tân Việt cách mạng Đảng và cuối cùng là Đảng Cộng sản Đông Dương (1930). Ông đã đi khắp các tỉnh Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Thái Bình, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh để xây dựng cơ sở đảng.

Hơn 70 năm hoạt động cách mạng, Nguyễn Tạo đã từng ba lần bị chính quyền thực dân Pháp và phong kiến Nam triều bắt và kết án 29 năm tù và ông đã phải ngồi tù 3 lần với thời gian 12 năm. Ông đã cùng với các đồng chí khác mưu trí và táo bạo tổ chức 2 lần vượt ngục thành công: vượt ngục Hỏa Lò năm 1932 và vượt ngục Đắc Min năm 1941. Sau Cách mạng tháng Tám, ông được giao rất nhiều trọng trách: Phó Giám đốc Sở Công an Bắc Bộ (1946-1947), Trưởng ty Điệp báo thuộc Nha Công an Trung ương (1947-1950), Trưởng ty Công an Hà Nội (1950-1951), Cục trưởng Cục Chấp pháp đầu tiên của Bộ Công an (1953-1957), Thứ trưởng Bộ Nông Lâm (1958-1961), Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (1961- 1971), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nông nghiệp Trung ương (1971-1975). Ông đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng: Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập hạng Nhất và nhiều phần thưởng cao quý khác. 

Ngoài sự nghiệp chính trị, Nguyễn Tạo còn là một nhà văn. Với tài năng và sự từng trải phong phú, sâu sát thực tiễn cách mạng, Nguyễn Tạo đã viết nhiều thiên truyện ký hấp dẫn như "Sống để mà hoạt động" (NXB Văn học 1960), "Vượt ngục Đắk - min" (NXB Thanh niên 1976), "Chúng tôi vượt ngục" (NXB Văn học 1977)... Ông đã được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam năm 1977.

Quá trình hoạt động cách mạng của Nguyễn Tạo gặp vô vàn gian nan, nguy hiểm nhưng bằng tài năng, ý chí và đức độ của mình, ông đều vượt qua; trải qua nhiều cương vị công tác quan trọng nhưng dù trong hoàn cảnh, điều kiện nào, ông cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Trong 10 năm giữ chức Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, với tấm lòng yêu đất nước nồng nàn, nghị lực và trí tuệ sẵn có, ông đã lãnh đạo ngành Lâm nghiệp giành được nhiều thành tựu lớn lao.

Năm 1962, khi nghe Cục trưởng Cục Điều tra rừng báo cáo khu vực nằm giữa ba tỉnh Hòa Bình, Ninh Bình và Thanh Hóa có rừng quý và lạ, ông vào tận nơi khảo sát, sau đó đề nghị với Chính phủ quyết định quy hoạch và bảo tồn khu vực này thành Vườn quốc gia để phục vụ cho công tác nghiên cứu. Đó chính là Vườn Quốc gia Cúc Phương ngày nay - vườn Quốc gia đầu tiên của Việt Nam.

Trước thực trạng rừng bị tàn phá, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, Nguyễn Tạo đã đề nghị Chính phủ cho thành lập Cục Kiểm lâm đóng vai trò nòng cốt trong bảo vệ rừng. Khi giữ cương vị Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, Nguyễn Tạo đã chỉ đạo khảo sát lập đề án mang tính chiến lược về quy hoạch trồng và bảo vệ rừng. Năm 1965 Tổng cục Lâm nghiệp chi đạo ngành và toàn thể nhân dân tích cực tham gia tết trồng cây do Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động. Theo chương trình đã xắp xếp gần đến Tết nguyên đán Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp đến báo cáo về tình hình trồng rừng và trình Bác góp ý cho bài viết tết trồng cây. Sau khi đưa ra bản thống kê về rừng ở miền Bắc bị bom đạn Mỹ phá hoại so sánh với số rừng bị dân chặt phá, Tổng cục trưởng xót xa nhận định: "Cứ đà này vài năm nữa là chúng ta sẽ triệt hạ hết rừng…". Bác ngồi lặng yên một lát không nói gì, đồng chí Vũ Kỳ nhắc: "Thế còn bài báo Tết trồng cây đã viết chưa anh?". Tổng cục trưởng trình bài viết lên Bác. Đọc kỹ bài viết Bác góp ý: "Trong bài có câu: Tết trồng cây đã thành một mỹ tục của toàn dân ta. Bác đồng ý với nội dung nhưng nên sửa lại là: đã thành một tục lệ tốt đẹp của nhân dân ta." Bác nói: “Tiếng nói và chữ viết của dân tộc ta vốn giàu và đẹp, nếu thiếu chữ mới nên đi mượn của nước ngoài”. Hôm ấy, Tổng cục trưởng không những tiếp thu được những tư tưởng quý về trồng cây gây rừng mà còn được một bài học về cách viết. 

Trong một lần khác gặp Bác, ông Vũ Kỳ có hỏi Tổng cục trưởng Nguyễn Tạo rằng: "Có đồng chí lương y Trung Quốc nói: củ phục linh là nhựa thông ở dưới đất 1000 năm anh có biết không?" Đồng chí Nguyễn Tạo trả lời: "Sách thuốc ta có nói:Thiên niên hổ phách, bách niên phục linh” tức là những rễ cây thông lớn bị thương, nhựa thông chảy ra thành khối nằm dưới đất 1000 năm thì thành hổ phách. Các cụ ngày xưa thường mua để làm cúc áo gọi là cúc mã não. Nếu chỉ có khoảng 100 năm thì thành củ phục linh, trong thuốc bắc thường dùng làm thuốc bổ....". Bác trìu mến nhìn Tổng cục trưởng cười và khen: “Chú cũng biết nhiều đấy nhỉ”. Thấy Bác vui, Tổng cục trưởng rất phấn khởi, vì ông biết rằng Bác rất tin tưởng bản thân ông trên cương vị mới.

Cả cuộc đời làm cách mạng, Nguyễn Tạo luôn luôn theo đuổi mục đích giải phóng dân tộc và đưa lại hạnh phúc cho nhân dân. Ở giai đoạn hoạt động bí mật những năm 1930, trong khi tuyên truyền giác ngộ quần chúng xây dựng cơ sở đảng tại Thái Bình, ông đã có công vận động nông dân di dân khai hoang lấn biển ở Cồn Vành và lập nên làng Thủy Lạc, xã Nam Ngư, huyện Tiền Hải, Thái Bình ngay nay. Gần đây, vào ngày 11/8/2011, nhân dân làng Thủy Lạc đã suy tôn ông làm Đức bản cảnh thành hoàng làng, với tư cách là người có công khai cơ lập địa ra làng quê của họ. 

Thật vinh dự cho quê hương Hà Tĩnh, khi Nguyễn Công Trứ và Nguyễn Tạo, những người con ưu tú của mảnh đất "địa linh nhân kiệt" này đã có công lớn với nhân dân, đất nước, được người dân ở địa phương khác thờ phụng. Quả thực, ai biết thương dân, có công lao với dân tộc và đất nước, thì người dân Việt Nam không bao giờ quên. 

Chú thích: Tất cả tư liệu trong bài viết đều lấy trong tài liệu của Thư viện Quốc gia, hồ sơ lưu trữ của Sở Công an Hà Nội, Bộ Công an, Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ Tài nguyên môi trường và Gia phả họ tộc đồng chí Nguyễn Tạo.

Phạm Quang Ái – PTBT TC VH HT


    Ý kiến bạn đọc