Kỷ niệm 55 năm ngày Bác Hồ về thăm Hà Tĩnh: “Đảng ta không phải là Đảng làm quan mà Đảng phải chăm lo xây dựng đời sống cho nhân dân”
EmailPrintAa
08:12 15/06/2012

Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ vĩ đại, danh nhân văn hoá kiệt xuất của Việt Nam, người anh hùng giải phóng dân tộc, là tấm gương đạo đức sáng ngời, mãi mãi cho chúng ta học tập và làm theo. Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành cho Hà Tĩnh những tình cảm đặc biệt.

Người rất mực quan tâm, động viên, uốn nắn, chỉ đạo kịp thời phong trào cách mạng ở Hà Tĩnh. Từ năm 1930 đến năm 1969, Bác Hồ đã nhiều lần gửi thư, điện, viết bài để biểu dương khen ngợi các tập thể, cá nhân lập được nhiều thành tích trên các lĩnh vực và ba lần Bác trực tiếp nói chuyện với cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân Hà Tĩnh. Một vinh dự to lớn cho Đảng bộ và nhân dân Hà Tĩnh là ngày 15 tháng 6 năm 1957 đã được Bác Hồ kính yêu về thăm. Mặc dù trong bộn bề công việc của đất nước ở thời điểm khó khăn lúc bấy giờ, nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành cho Hà Tĩnh những tình cảm đặc biệt. Trong thời gian chưa trọn một ngày, Người đã đi thăm, động viên cán bộ, đảng viên, đoàn viên thanh niên, chiến sĩ và các tầng lớp nhân dân Hà Tĩnh. Trong chuyến thăm, Bác đã ghi nhận, biểu dương những thành tích đồng thời Người cũng nghiêm khắc chỉ ra những khuyết điểm, hạn chế còn tồn tại của đảng bộ và nhân dân Hà Tĩnh trên nhiều lĩnh vực. Nhưng có lẽ sâu sắc nhất, ý nghĩa nhất và cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị là những lời dạy của Người về công tác xây dựng Đảng.

Trong bài nói chuyện với đại biểu cán bộ và đảng viên tỉnh nhà Bác đã biểu dương: “Cán bộ trong Đảng và ngoài Đảng, các đoàn viên thanh niên đã tích cực công tác”, và “các đồng chí đều tin tưởng vào Trung ương, vào Đảng, vào lực lượng của mình...”

 Bác Hồ cùng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đứng trên cầu Ao sen, khu vườn Tỉnh uỷ Hà Tĩnh lúc bấy giờ

Đồng thời Bác cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế của Đảng bộ, phân tích về tác hại của những hạn chế đó và chỉ ra các biện pháp khắc phục trên các mặt xây dựng Đảng ở địa phương. Trước tiên Bác nhắc nhở việc giữ gìn sự đoàn kết trong Đảng, Người nghiêm khắc chỉ ra: “Có hiện tượng trong và ngoài Đảng, cán bộ cũ và cán bộ mới, đoàn kết kém...” và Bác phân tích: “Các cô, các chú biết đoàn kết là sức mạnh của mình. Nhờ đoàn kết mà cách mạng thành công, kháng chiến thắng lợi; nhờ đoàn kết mà chúng ta vượt qua nhiều khó khăn làm tròn nhiệm vụ. Chúng ta kém đoàn kết làm lực lượng ta kém sút một phần. Vì vậy, khuyết điểm ấy phải cố gắng sửa cho kỳ được”. Về kỷ luật Đảng, Người nói: “Hiện giờ cán bộ, đảng viên tỉnh ta ý thức tổ chức kỷ luật, tinh thần trách nhiệm kém...”. và Bác giải thích rõ: “...nếu kém ý thức tổ chức là làm cho lực lượng Đảng ta yếu đi một phần...muốn mọi chính sách của Đảng thực hiện được thì phải có kỷ luật... Nếu sợ khó, không thích làm, hoặc chọn việc dễ, là không có tinh thần trách nhiệm, làm giảm bớt lực lượng của Đảng...”…Về tinh thần thái độ công tác, Người nói “ không được suy bì so sánh cá nhân, thắc mắc về phụ cấp, cấp bậc...mà nên so sánh với những đồng chi lập trường vững chắc, tác phong tốt, ý chí hăng, xem mình đã được như thế chưa, so sánh để mà học mà tiến bộ”, và “...Một số có óc công thần, cho rằng “choa” đây là cách mạng trước hết, có nhiều công đã tổ chức ra Xô Viết.v.v. nên tự kiêu, tự đại không coi ai ra gì, thái độ thiếu khiêm tốn...” ...Người căn dặn “các cô, các chú có biết đối với cách mạng cái gì cao quí nhất? được phục vụ nhân dân, phục vụ Đảng và cách mạng là cao quý hơn cả”.

Về xây dựng khối đoàn kết giữa đảng với dân, cấp trên và cấp dưới, Người chỉ rõ: “Cấp trên, cấp dưới, trong Đảng và ngoài Đảng, quan hệ chư­a mật thiết. Khuyết điểm này cả hai bên, cấp trên không dân chủ, xa quần chúng; thiếu phê bình xây dựng. Cấp trên phải tự phê bình, cấp d­ưới có quyền đòi hỏi dân chủ. Phê bình giúp cấp trên, đó là dân chủ đúng mức, không phải tự do quá trớn, tự do bừa bãi. Muốn làm thì làm, muốn nghỉ thì nghỉ là tự do bừa bãi, tự do tếu. Dân chủ phải thực hiện từ trên xuống d­ưới. Tự phê bình phải thật thà, phê bình phải thành khẩn, không mỉa mai, nói xấu. Chúng ta do đoàn kết mới có lực lượng. Muốn đoàn kết, lực l­ượng mạnh, phải có phê bình, tự phê bình. Phê bình, tự phê bình là để tăng thêm đoàn kết”. “Đảng ta, Chính phủ ta, ngoài lợi ích của nhân dân, không có lợi ích nào khác, nên đảng viên, cán bộ trong và ngoài Đảng phải một lòng một dạ phục vụ nhân dân, phục vụ giai cấp. Nh­ưng còn có những bộ phận tham ô, lãng phí, không tôn trọng của công, không thương xót mồ hôi nư­ớc mắt của đồng bào”…

 Phó Bí thư Thường Trực Tỉnh uỷ Đinh Xuân Việt đã dẫn đầu đoàn lãnh đạo tỉnh đến dâng hương, đặt vòng hoa và báo công tại Khu lưu niệm Bác Hồ về thăm Hà Tĩnh. Ảnh: Quang Linh

Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ cách mạng, Người dạy: “phải nâng cao chí khí chiến đấu, cảnh giác; mở rộng chế độ tự phê bình và phê bình, nâng cao tinh thần kỷ luật, tinh thần trách nhiệm, đẩy mạnh sản xuất, thực hành tiết kiệm, chống tham ô lãng phí”. “Muốn làm được, trước hết phải đoàn kết chặt chẽ, đoàn kết nội bộ, đoàn kết nhân dân...Có đoàn kết, quyết tâm, tin tưởng thì việc gì cũng làm được...”, “phải đoàn kết, cái đó là gốc”, “phải đoàn kết giữa lương và giáo, giữa quân và dân, giữa miền Bắc và miền Nam...”. “...Đảng viên, cán bộ trong và ngoài Đảng phải một lòng, một dạ phục vụ nhân dân, phục vụ giai cấp...”. “Đảng viên, đoàn viên phải gương mẫu, phải đoàn kết, giữ gìn kỷ luật của Đảng”, “Phải thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện tư cách đạo đức phẩm chất người cán bộ, đảng viên”, “cán bộ, đảng viên phải thực hành tiết kiệm, chống lãng phí”.

Bác khẳng định “...Đảng ta không phải là Đảng làm quan mà Đảng phải chăm lo xây dựng đời sống cho nhân dân...”, “Chính phủ ta không phải làm quan, Chính phủ ta làm đầy tớ để phục vụ nhân dân”. Và :“Lãnh đạo phải có quyết tâm, có tinh thần tự lực cánh sinh, biết lắng nghe ý kiến quần chúng. Có việc mình không biết, nhưng quần chúng biết”. “Biết tổ chức khéo thì nhất định việc gì cũng làm được, nhất định đưa phong trào nổi lên”.

Trong công tác cán bộ, Người căn dặn: “Phải mạnh dạn cất nhắc cán bộ trẻ và cán bộ nữ. Lãnh đạo phải thiết thực. Đừng ngồi trên bàn giấy mà ra chỉ thị, phải sâu sát cơ sở. Lãnh đạo phải chặt chẻ, thiết thực”. Vấn đề cán bộ trẻ và nữ luôn được người nhắc nhở, trong lần nói chuyện với đoàn cán bộ Hà Tĩnh đi tham quan tỉnh Thái Bình về, câu đầu tiên Người nói: “ Đoàn cán bộ Hà Tĩnh đi tham quan lần này hơn 40 đồng chí mà chỉ có 4 phụ nữ, hai thanh niên, thế là ít quá, chứng tỏ các đồng chí chư­a xem trọng vai trò phụ nữ và thanh niên” và “thanh niên phải biết công lao các đồng chí, phải thấy các đồng chí già đã trải qua phong ba bão táp, có kinh nghiệm, thanh niên phải học tập”…

Bác luôn theo sát những bước đi của phong trào cách mạng Hà Tĩnh, Bác nắm chắc tình hình từng ngành, từng địa phương, đơn vị. Bác biết từng chiến công của các tập thể, cá nhân, từng tấm gương trên các lĩnh vực... Chính vì vậy mà những lời dạy bảo của Người đối với cán bộ, đảng viên, đoàn viên, thanh niên, bộ đội và các tầng lớp nhân dân Hà Tĩnh trong chuyến thăm thật sâu sắc. Điều đó luôn nhắc nhở, động viên cán bộ, đảng viên và nhân dân tỉnh nhà đoàn kết, thống nhất, phát huy truyền thống của Xô viết - Nghệ Tĩnh anh hùng, quyết tâm xây dựng quê hương giàu mạnh như Bác hằng mong muốn. Những lời dạy bảo ấy không chỉ có ý nghĩa trong thời điểm lịch sử nhất định mà còn có ý nghĩa lâu dài đối với Đảng bộ và nhân dân Hà Tĩnh, nhất là trong thời điểm toàn đảng đang thực hiện nghị quyết trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng chỉnh đốn đảng.


    Ý kiến bạn đọc