Kỷ niệm 62 năm Ngày truyền thống Ngành Công thương Việt Nam (1951-2013): Ngành Công thương Hà Tĩnh quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong tình hình mới
EmailPrintAa
10:19 14/05/2013

Cách mạng Tháng Tám thành công, ngày 28/8/1945, Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà thành lập Bộ Kinh tế phụ trách các sở kinh tế, đến tháng 11 năm 1950 thành lập Bộ Nội thương. Ngày 14/5/1951 đổi tên thành Bộ Công thương. Năm 1956 Bộ Công Thương được tách thành 2 bộ là Bộ Công nghiệp và Bộ Thương nghiệp; tiếp đó Bộ Thương nghiệp tách thành hai bộ là Bộ Nội Thương và Bộ Ngoại thương. Để phù hợp với tình hình phát triển kinh tế trong thời kỳ mới, ngày 31/7/2007, Chính phủ hợp nhất Bộ Công nghiệp với Bộ Thương mại thành Bộ Công Thương.

Trải qua 62 năm xây dựng và trưởng thành (14/5/1951 - 14/5/2013), Ngành Công thương Việt Nam xứng đáng là Ngành kinh tế chủ đạo, góp phần quan trọng vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Cùng với truyền thống của Ngành Công thương Việt Nam, Ngành Công thương Hà Tĩnh cũng trải qua một thời kỳ lịch sử đầy tự hào. Ngay từ khi mới thành lập, được sự quan tâm, giúp đỡ của các bộ, ban, ngành Trung ương, trực tiếp là sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Công thương và cấp uỷ, chính quyền địa phương, các thế hệ cán bộ, công nhân, viên chức Ngành Công thương Hà Tĩnh đã phát huy tinh thần trách nhiệm, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, thi đua lao động sản xuất, lưu thông hàng góp phần phục vụ cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp thắng lợi. 

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nhiều cơ sở sản xuất phải sơ tán nhưng các đơn vị, xí nghiệp, các công ty mua bán và lưu thông hàng hoá vẫn bám sát nhiệm vụ, đẩy mạnh sản xuất phục vụ nhân dân, phục vụ tiền tuyến. Trong thời kỳ này đã xuất hiện nhiều đơn vị tiêu biểu của Ngành như Xí nghiệp cơ khí Ấp Bắc, Xí nghiệp sản xuất sành sứ thuỷ tinh, Xí nghiệp sản xuất bánh kẹo, Công ty nông sản thực phẩm Hà Tĩnh, HTX mua bán xã Đức Hoà (Đức Thọ)…Trong điều kiện chiến tranh hết sức ác liệt, nhưng hàng vạn cán bộ, công nhân Ngành Công Thương Hà Tĩnh đã vượt qua mưa bom, bão đạn của kẻ thù, gắn bó với công xưởng, hăng hái thi đua lao động sản xuất, lưu thông hàng hóa kịp thời; hàng trăm người đã anh dũng hi sinh vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. 

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, thực hiện Nghị quyết Kỳ họp thứ II, Quốc hội Khoá V, ngày 27/12/1975, hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh hợp nhất thành tỉnh Nghệ Tĩnh. Thời gian này, Ngành Công nghiệp và Thương nghiệp tuy gặp nhiều khó khăn về cơ sở vật chất kỹ thuật, nhưng đã chủ động, nỗ lực vượt qua bằng nhiều biện pháp, hoàn thành vượt mức chỉ tiêu kế hoạch, giao nộp cho Trung ương hàng chục ngàn tấn nông sản, thực phẩm, ổn định thị trường bán buôn, bán lẻ trên địa bàn tỉnh. 

Từ ngày tái lập tỉnh (9 - 1991) đến nay, ngành Công nghiệp và Thương nghiệp Hà Tĩnh mặc dù phải đối mặt với nhiều thách thức khi chuyển sang cơ chế thị trường nhưng bằng sự năng động, sáng tạo, toàn Ngành đã tự nỗ lực tạo dựng một diện mạo mới, tiếp tục khẳng định vai trò, vị thế quan trọng của mình đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Nhiều quy hoạch, cơ chế, chính sách, dự án thuộc các lĩnh vực công nghiệp, thương mại, dịch vụ - du lịch đã được ngành tham mưu và phối hợp thực hiện có hiệu quả. Các cơ sở sản xuất kinh doanh công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và thương mại - du lịch tăng lên đáng kể, giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp bình quân hàng năm tăng 18% - 19%. Tổng mức lưu chuyển hàng hoá bán lẻ và doanh thu dịch vụ bình quân hàng năm tăng 24% - 26%, tạo được nhiều việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động. 

Trong xu thế hội nhập kinh tế khu vực và thế giới, theo tiến trình đổi mới của đất nước, Năm 2007, Bộ Công thương được tái lập trên cơ sở hợp nhất Bộ Công nghiệp và Bộ Thương mại. Từ chủ trương đó, Sở Công thương Hà Tĩnh cũng được thành lập theo Quyết định số 842/QĐ-UBND, ngày 31/3/2008 của UBND tỉnh, trên cơ sở hợp nhất Sở Công nghiệp và Sở Thương mại - Du lịch, chuyển chức năng quản lý nhà nước về du lịch cho Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch. Những năm gần đây, tuy chịu ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu, nhưng toàn Ngành đã tiếp tục phấn đấu thực hiện tốt các chỉ tiêu đề ra. Chủ động tham mưu cho UBND tỉnh về công tác quy hoạch phát triển, đôn đốc theo dõi các dự án quan trọng như: Dự án khai thác Mỏ Sắt Thạch Khê và các nhà máy thép liên hợp, Nhà máy tinh bột sắn Vedan, Nhà máy tuyển quặng sắt Vũ Quang, Nhà máy thuỷ điện Hố Hô, Thuỷ điện Hương Sơn, Khu Kinh tế Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo, góp phần tích cực trong việc thúc đẩy lộ trình các dự án trong và ngoài nước tại khu kinh tế Vũng Áng, dự án mở rộng nâng cấp một số chợ đầu mối… Công nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp tiếp tục tăng trưởng ổn định đảm bảo định hướng phát triển của tỉnh. Giá trị sản xuất công nghiệp năm 2012 đạt hơn 8.510 tỷ đồng, bằng 115% kế hoạch, tăng gần 25% so với năm 2011. Nhiều sản phẩm sản xuất có mức tăng trưởng ổn định như sản phẩm từ gỗ, điện thương phẩm, thủy sản đông lạnh, chè, cao su… Một số nhà máy, cơ sở sản xuất đã vượt qua khó khăn, đang dần ổn định sản xuất. Tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ năm 2012 tăng 29% so với năm tr­ước, đạt 108,26% so với kế hoạch năm. Kim ngạch xuất khẩu tăng 1,7% so với cùng kỳ năm trước, đạt 102,1% kế hoạch. Kim ngạch nhập khẩu tăng 20,5% so với cùng kỳ năm trước, đạt 56,63% kế hoạch. Các doanh nghiệp kinh doanh thương mại - dịch vụ tiếp tục mở rộng, nâng cao chất lượng, đa dạng hóa các loại hình dịch vụ, sản phẩm, nâng cấp hệ thống phân phối,... đáp ứng tốt hơn nhu cầu về trao đổi hàng hoá, tiêu thụ sản phẩm, quyền lợi người tiêu dùng ngày càng được đảm bảo. Các doanh nghiệp hoạt động xuất khẩu tiếp tục tăng cường công tác xúc tiến thương mại, tìm kiếm, mở rộng thị trường mới, góp phần tăng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh.

Với những thành tích xuất sắc đó, Ngành Công thương Hà Tĩnh đã vinh dự được Đảng, Nhà nước và tỉnh Hà Tĩnh tặng nhiều phần thưởng cao quý. 

Tuy vậy, hoạt động của ngành Công thương vẫn còn một số khó khăn, hạn chế: Các khu, cụm công nghiệp, khu kinh tế làng nghề, hạ tầng chưa đồng bộ, thiếu vốn đầu tư nên chưa phát huy tối đa hiệu quả; hạ tầng thương mại, dịch vụ chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội; các doanh nghiệp hoạt động xuất khẩu chưa chủ động tìm kiếm thị trường mới; kim ngạch xuất khẩu hàng hoá so với các địa phương khác còn khiêm tốn; doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và kinh doanh thương mại tại các địa phương đa số còn manh mún, năng lực hạn chế, chưa gắn chặt giữa sản xuất với tiêu thụ. Hệ thống phân phối bán lẻ trên địa bàn toàn tỉnh chưa thực hiện nghiêm túc về việc niêm yết giá đầy đủ; tình trạng vận chuyển hàng cấm, hàng lậu, hàng giả, hàng nhái còn diễn ra phức tạp. Khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp trong tỉnh chưa cao, thiếu đội ngũ lao động lành nghề. Hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, việc tiếp cận vốn của doanh nghiệp còn hạn chế, sản phẩm hàng hóa khó tiêu thụ, tồn đọng nhiều...

Phát huy những kết quả đạt được, trong thời gian tới, Ngành Công thương Hà Tĩnh sẽ bám sát chức năng nhiệm vụ của mình, thực hiện tốt hơn công tác tham mưu hoạch định những chiến lược phát triển nhanh, bền vững, khai thác một cách có hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường sinh thái. Tiếp tục triển khai thực hiện, quản lý tốt các quy hoạch đã được phê duyệt. Rà soát, điều chỉnh bổ sung và xây dựng mới các quy hoạch đảm bảo phù hợp, thống nhất, đồng bộ giữa các quy hoạch với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, theo hướng ưu tiên phát triển các sản phẩm hàng hóa chủ lực. Hoàn thiện các cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ. Đẩy mạnh hiệu quả hoạt động khuyến công, xúc tiến thương mại; thực hiện có hiệu quả Đề án phát triển xuất khẩu và kế hoạch phát triển xuất khẩu giai đoạn 2010 - 2015. Hỗ trợ các doanh nghiệp tổ chức thực hiện đưa hàng Việt về nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng tái định cư...,tích cực ứng dụng công nghệ thông tin, thương mại điện tử trong sản xuất, kinh doanh và tìm kiếm thị trường. Tham mưu xây dựng, ban hành Nghị quyết về phát triển cụm công nghiệp đến năm 2020 và Nghị quyết về phát triển thương mại nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới; Quy chế phối hợp quản lý nhà nước về xăng dầu và các chương trình, quy chế phối hợp bán hàng đa cấp, đề án phát triển công nghiệp, thương mại nông thôn đảm bảo phù hợp với yêu cầu phát triển bền vững. Thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, nhất là Chương trình xây dựng Nông thôn mới, chú trọng đẩy mạnh sản xuất, nâng cao mức sống người dân, tận dụng tối đa mọi nguồn lực thực hiện tốt các tiêu chí thuộc ngành; chú trọng lồng ghép các chương trình của ngành.Tuyên truyền việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, sử dụng điện an toàn, giảm tổn thất điện năng và sớm hoàn thành tiêu chí ở các xã xây dựng nông thôn mới. Tổ chức rà soát, đánh giá xếp loại các cơ quan hành chính trong thực hiện tiết kiệm điện. Tham mưu cơ chế, chính sách phát triển các ngành, sản phẩm công nghiệp chủ lực, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư trọng điểm. Thu hút đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng công nghiệp và thương mại, dịch vụ đồng bộ, hiện đại; quy hoạch, đào tạo phát triển nguồn nhân lực công nghiệp, thương mại dịch vụ đủ về số lượng và đảm bảo về chất lượng.

Phát huy truyền thống 62 năm xây dựng và trưởng thành, tin tưởng rằng đội ngũ cán bộ, công chức Ngành Công thương sẽ nỗ lực phấn đấu, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong thời kỳ mới, góp phần xây dựng quê hương Hà Tĩnh ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Khánh Huyền, VPTU


    Ý kiến bạn đọc