Kỷ niệm 66 năm ngày Thương binh - Liệt sỹ (27/7/1947-27/7/2013): Hà Tĩnh thực hiện tốt công tác thương binh, liệt sỹ, người có công
EmailPrintAa
09:27 22/07/2013

Trải qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân, đế quốc dành độc lập, tự do và thống nhất Tổ quốc, nhân dân ta đã phải chịu những tổn thất vô cùng to lớn, hàng triệu người con ưu tú đã anh dũng hy sinh hoặc thương tật suốt đời, nhiều người còn mang trong mình các di chứng chất độc hóa học. Sự hy sinh của các liệt sỹ, thương binh, người có công với cách mạng vì dân tộc, vì đất nước là vô giá. Ðảng, Nhà nước và nhân dân ta mãi mãi khắc ghi những cống hiến to lớn đó.

Khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bước vào giai đoạn ác liệt, số người bị thương và hy sinh trong chiến đấu tăng lên. Cùng với việc kêu gọi giúp đỡ thương binh, gia đình liệt sỹ, ngày 16/2/1947 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh số 20/SL “Quy định chế độ hưu bổng thương tật và tiền tuất tử sĩ”. Đây là văn bản pháp quy đầu tiên khẳng định vị trí quan trọng của công tác thương binh liệt sĩ đối với công cuộc kháng chiến cứu nước của dân tộc. 

Tháng 6/1947 Người đã đề nghị Chính phủ chọn một ngày nào đó để đồng bào ta tỏ lòng hiếu nghĩa đối với các thương binh, liệt sỹ. Tại Hội nghị trù bị được tổ chức ở xã Phú Minh, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, Chính phủ đã chọn ngày 27/7 hằng năm làm ngày Thương binh, Liệt sỹ. Đây là dịp để toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta ghi nhớ, tôn vinh công ơn các anh hùng liệt sỹ, thương binh, bệnh binh và người có công với nước và trở thành ngày có ý nghĩa lịch sử, chính trị, xã hội sâu sắc, mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa” cao đẹp, giàu tính nhân văn của nhân dân ta đối với những người không tiếc máu xương, vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Cùng với cả nước, những năm qua Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Tĩnh đã tích cực hưởng ứng và thực hiện tốt các chính sách đối với người có công nói chung, thương binh liệt sỹ nói riêng. Hà Tĩnh hiện có gần 17 vạn đối tượng hưởng chế độ chính sách, người có công, trong đó có hơn 13 vạn gia đình liệt sỹ, người có công với cách mạng; 3,5 vạn đối tượng được hưởng chính sách như thương binh, bệnh binh; gần 7.000 trường hợp nạn nhân chất độc da cam Điôxin; gần 2.000 liệt sỹ, 553 người từng bị tù đày trong nhà tù đế quốc, 700 cán bộ tiền khởi nghĩa và 535 bà mẹ Việt Nam Anh hùng… 

Đến nay, toàn tỉnh đang quản lý, xác nhận và đã thực hiện chế độ, chính sách cho 296.588 đối tượng. Đặc biệt là từ năm 2006 đến nay, thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng theo Pháp lệnh 26 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Nghị định 54 của Chính phủ, Hà Tĩnh đã xác nhận và giải quyết chế độ cho 60.158 đối tượng, trong đó có 169 liệt sỹ, 19 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng lực lượng vũ trang, Anh hùng lao động; 11.829 thương binh, người hưởng chính sách như thương binh; 2.404 người bị nhiễm chất độc hóa học; mỗi năm có gần 50 nghìn người được hưởng trợ cấp thường xuyên, 55 nghìn người được hưởng chế độ trợ cấp một lần và các ưu đãi trong y tế, giáo dục, trang cấp dụng cụ chỉnh hình với tổng kinh phí thực hiện trên 800 tỷ đồng. 

Bên cạnh chế độ trợ cấp ưu đãi của Nhà nước, các hoạt động chăm lo, đảm bảo đời sống người có công được duy trì thường xuyên. Hầu hết người có công và thân nhân đã được hưởng các chế độ ưu đãi về chăm sóc sức khỏe, cải thiện nhà ở, ưu đãi trong giáo dục, đào tạo và dạy nghề, giải quyết việc làm… Hàng nghìn người có công được vay vốn từ quỹ quốc gia giải quyết việc làm để phát triển sản xuất kinh doanh; các cơ sở sản xuất, kinh doanh của thương, bệnh binh và người có công được hỗ trợ, tạo điều kiện cho con em họ có việc làm, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống…

Công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ, xây dựng nghĩa trang liệt sỹ là một nhiệm vụ quan trọng và được các cấp, các ngành quan tâm. Tỉnh đã chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương phối hợp chặt chẽ với Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh thực hiện nghiêm túc việc tìm kiếm và quy tập hài cốt liệt sỹ. Tổ chức chu đáo việc đón nhận hài cốt liệt sỹ đã hy sinh trên khắp mọi miền của Tổ quốc và liệt sỹ làm nhiệm vụ quốc tế về an táng tại quê hương. Toàn tỉnh hiện có 09nghĩa trang liệt sỹ, hàng trăm đài tưởng niệm liệt sỹ ở các địa phương, cơ sở. Tất cả các công trình nghĩa trang liệt sỹ, đài tưởng niệm, mộ liệt sỹ được chăm sóc xanh - sạch - đẹp, có ý nghĩa chính trị, nhân văn sâu sắc, góp phần giáo dục lòng yêu nước, giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ hôm nay và mai sau. 

Cùng với chính sách của Nhà nước, các phong trào xây dựng, sửa chữa nhà tình nghĩa; tặng sổ tiết kiệm tình nghĩa; phụng dưỡng các Mẹ Việt Nam anh hùng, chăm sóc thân nhân liệt sỹ; xây dựng Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”… được các cấp, các ngành và toàn xã hội quan tâm, thu hút sự tham gia tích cực của nhân dân, các tổ chức, cá nhân, nhất là các doanh nghiệp, tập đoàn trong tỉnh và cả nước... Tính từ năm 2006 đến nay, toàn tỉnh đã huy động trên 46,523 tỷ đồng vào quỹ tình nghĩa các cấp, qua đó hỗ trợ xây mới 1.614 nhà, sửa chữa 1.785 nhà, tặng 9.545 sổ tiết kiệm tình nghĩa và hàng ngàn suất quà cho các đối tượng chính sách và gia đình người có công với số kinh phí trên 146,523 tỷ đồng; sửa chữa nâng cấp, xây mới 93 nghĩa trang, nhà bia ghi tên liệt sỹ; tổ chức tốt việc đón nhận, an táng 243 trên tổng số 685 hài cốt liệt sỹ được quy tập từ Lào về nước đảm bảo nghiêm trang, trọng thể.

Với những chính sách ưu đãi của Nhà nước cùng sự chung tay, góp sức chăm lo của toàn xã hội, đến nay, 100% Mẹ Việt Nam anh hùng còn sống được các cơ quan nhận phụng dưỡng suốt đời, 100% xã, phường, thị trấn được công nhận làm tốt phong trào đền ơn đáp nghĩa, trên 96% hộ gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình tại nơi cư trú. 

Năm nay, nhân dịp kỷ niệm 66 năm ngày Thương binh liệt sỹ, Hà Tĩnh tiếp tục tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực nhằm tỏ lòng tri ân đối với sự hy sinh, mất mát của các thương binh, liệt sỹ và người có công với cách mạng, như: tổ chức các đoàn đi dâng hương tại nghĩa trang liệt sỹ Quốc gia Đường 9, nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn (tỉnh Quảng Trị); viếng nghĩa trang liệt sỹ Nầm, nghĩa trang liệt sỹ Núi Nài, Khu mộ Cố Tổng Bí thư Trần Phú, Hà Huy Tập, Khu lưu niệm Bác Hồ về thăm Hà Tĩnh, Khu di tích TNXP Ngã ba Đồng Lộc; thăm hỏi, tặng quà các đối tượng chính sách tại 12 huyện, thành phố, thị xã và các đơn vị nuôi dưỡng thương, bệnh binh, đơn vị bảo trợ xã hội trong và ngoài tỉnh; tổ chức thắp nến tri ân tại các nghĩa trang liệt sỹ trên địa bàn toàn tỉnh...

Trong sự chăm lo của Đảng, Nhà nước và xã hội, nhiều tập thể thương binh, các thương bệnh binh, thân nhân liệt sỹ, người có công với cách mạng đã vượt khó vươn lên, trở thành những gương sản xuất, kinh doanh giỏi, đồng thời thường xuyên giúp đỡ nhau trên tình đồng chí, đồng đội, phấn đấu là người công dân kiểu mẫu, gia đình cách mạng gương mẫu, là nhân tố, điển hình mới trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

"Uống nước nhớ nguồn" là nét đẹp truyền thống nhân nghĩa của đất nước, nhân dân ta, là tình cảm và trách nhiệm của Ðảng, Nhà nước, cộng đồng xã hội đối với những cống hiến, hy sinh to lớn của thương binh, gia đình liệt sỹ, người có công với cách mạng. Thời gian tới, để tiếp tục thực hiện tốt công tác thương binh, liệt sỹ và chăm sóc người có công với cách mạng, thiết thực, tỉnh tập trung triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

Một là, tuyên truyền sâu rộng đến các cấp, các ngành, các cán bộ, đảng viên và mọi tầng lớp nhân dân về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với công tác thương binh, liệt sỹ. Bồi dưỡng, giáo dục cho thế hệ trẻ hiểu rõ những cống hiến, hy sinh to lớn, rất đỗi tự hào của các anh hùng liệt sỹ, thương binh, người có công với cách mạng, để phát huy, tiếp nối truyền thống anh hùng của cha anh vào sự nghiệp xây dựng đất nước. 

Hai là, thực hiện tốt Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng, đẩy mạnh phong trào toàn dân chăm sóc thương bệnh binh, gia đình liệt sỹ, nhận phụng dưỡng suốt đời bà mẹ Việt Nam anh hùng và giúp đỡ những người có công, để mức sống của họ bằng và cao hơn mức sống trung bình so với cộng đồng nơi cư trú. Đặc biệt quan tâm đến các đối tượng chính sách ở những vùng, những xã khó khăn, đảm bảo có cuộc sống ổn định về vật chất, vui vẻ về tinh thần. 

Ba là, tiếp tục thực hiện tốt 5 chương trình chăm sóc thương binh, gia đình liệt sỹ và người có công với cách mạng; phát triển nhiều hình thức hoạt động đền ơn đáp nghĩa với nội dung phong phú, thiết thực, phù hợp với điều kiện mới. Khuyến khích, động viên, tạo điều kiện thuận lợi để thương binh, gia đình liệt sỹ, người có công tích cực trong học tập, công tác, trong lao động sản xuất, kinh doanh, tham gia các hoạt động xã hội, ổn định và nâng cao đời sống của gia đình, xứng đáng là người công dân kiểu mẫu, gia đình cách mạng gương mẫu.

Bốn là, thực hiện đầy đủ, kịp thời, công khai, minh bạch và tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chế độ, chính sách đối với người có công; gắn công tác “Đền ơn đáp nghĩa” với đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ cơ sở; kiện toàn và nâng cao hiệu quả hoạt động Ban Quản lý quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” các cấp; xem kết quả vận động Quỹ đền ơn đáp nghĩa hằng năm trở thành tiêu chí thi đua của từng địa phương, đơn vị.

Thanh Lâm - VPTU


    Ý kiến bạn đọc