Cuối thế kỷ XIX, thực dân Pháp đã hoàn toàn biến Việt Nam thành một nước thuộc địa nửa phong kiến. Chính sách cai trị hà khắc của chủ nghĩa thực dân đã thổi bùng ngọn lửa yêu nước của nhân dân Việt Nam.
Các phong trào đấu tranh giành độc lập dân tộc của nhân dân ta diễn ra sôi nổi, rộng khắp, song cuối cùng đều bị dìm trong biển máu do thiếu một đường lối cứu nước đúng đắn, một tổ chức lãnh đạo có đủ khả năng tập hợp sức mạnh toàn dân tộc để chống lại kẻ thù. Trong bối cảnh đó, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã rời Tổ quốc ra đi tìm đường cứu nước. Trải qua nhiều năm bôn ba khắp thế giới, khảo sát các đường lối cứu nước, Người đã từ chủ nghĩa yêu nước đến với chủ nghĩa Mác - Lênin, trở thành người cộng sản Việt Nam đầu tiên.
Sau khi tiếp thu chủ nghĩa Mác - Lênin - một học thuyết khoa học, cách mạng, chắc chắn, chân chính nhất, Nguyễn Ái Quốc đã tích cực truyền bá vào phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam. Mùa Xuân năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời là một tất yếu lịch sử, mở ra bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử cách mạng Việt nam, đáp ứng được yêu cầu bức thiết của phong trào yêu nước Việt Nam và xu thế của thời đại lúc bấy giờ.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta đã làm nên Cách mạng Tháng Tám long trời, lở đất, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, mở ra kỷ nguyên độc lập dân tộc và CNXH; giành thắng lợi trong các cuộc chiến tranh chống xâm lược mà đỉnh cao là chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954 “lững lẫy năm châu, chấn động địa cầu” và đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, đưa cả nước tiến lên xây dựng CNXH, phấn đấu vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Trong 83 năm qua, dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, dân tộc ta đã vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, có những thử thách tưởng chừng không thể vượt qua nổi. Trong thế kỷ XX, dân tộc ta phải mất 45 năm để giành chính quyền, nhưng cũng chỉ trở thành hiện thực từ khi có Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo; và cũng bằng thời gian ấy, dân tộc ta phải hy sinh to lớn để vừa giữ vững, vừa xây dựng chính quyền, xây dựng chế độ mới. Phải đến những năm cuối thập kỷ 80, đầu thập kỷ 90 của thế kỷ XX, Việt Nam mới từng bước ổn định để phát triển và đã có được cơ đồ tốt đẹp như ngày nay.
Từ chỗ là một xứ thuộc địa, Việt Nam trở thành một nước tự do, độc lập đi theo con đường XHCN; nhân dân ta từ thân phận nô lệ trở thành người tự do làm chủ xã hội mới; từ một nước không có tên trên bản đồ chính trị thế giới và bị bao vây cấm vận, Việt Nam đã từng bước hội nhập sâu rộng với thế giới, là bạn, đối tác tin cậy, thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế. Năm 1991, Việt Nam bình thường hoá quan hệ với Trung quốc; năm 1995 bình thường hoá quan hệ với Mỹ và gia nhập ASEAN; năm 1996 là thành viên sáng lập Diễn đàn hợp tác kinh tế Á - Âu (ASEM); năm 1998 gia nhập Diễn đàn kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC); năm 2007 là thành viên chính thức Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO); năm 2008 Việt Nam được bầu làm Uỷ viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Cùng với lộ trình mở rộng hội nhập, vị thế Việt Nam ngày càng được nâng cao. Nếu trong các cuộc chiến tranh chống xâm lược, nhân dân thế giới ngưỡng mộ một dân tộc Việt Nam anh hùng, yêu chuộng hoà bình, công lý và lẽ phải thì hiện nay bạn bè biết đến một Việt Nam không cam chịu nghèo nàn lạc hậu, vượt qua khủng hoảng kéo dài, đang vươn lên mạnh mẽ cùng các nước trong cộng đồng quốc tế.
Từ ngày có Đảng do Bác Hồ sáng lập, giáo dục và rèn luyện, với bản lĩnh chính trị và đường lối đúng đắn, sáng tạo, sự phấn đấu hy sinh của đội ngũ cán bộ, đảng viên, sự đoàn kết thống nhất, gắn bó máu thịt với nhân dân, Đảng ta đã lãnh đạo toàn dân tộc giành nên những kỳ tích. Tuy nhiên cũng có lúc do nóng vội, chủ quan, duy ý chí Đảng ta đã phạm phải sai lầm, khuyết điểm. Nhưng với bản lĩnh chính trị của một đảng mác- xít chân chính, Đảng ta đã thường xuyên tự đổi mới, tự chỉnh đốn. Đặc biệt, trong năm qua, việc triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” đã đạt được kết quả bước đầu quan trọng, tạo sự đồng thuận, tin tưởng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao của sự nghiệp cách mạng trong tình hình mới.
Cùng với truyền thống vẻ vang của Đảng Cộng sản Việt Nam, Đảng bộ Hà Tĩnh cũng đã trải qua một chặng đường lịch sử đầy tự hào. Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, tháng 3/1930, Đảng bộ Hà Tĩnh được thành lập. Trải qua 83 năm chiến đấu, xây dựng và trưởng thành, vượt qua bao khó khăn, thách thức, Đảng bộ đã lãnh đạo nhân dân giành được những thành tựu to lớn, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc.
Vừa mới thành lập, Đảng bộ đã phát động cao trào cách mạng rộng lớn 1930 - 1931, đỉnh cao là sự ra đời của 170 làng Xô viết trong toàn tỉnh, tạo tiền đề để giành thắng lợi to lớn trong cao trào đòi dân sinh, dân chủ 1936 - 1939 và cao trào cách mạng 1939 - 1945. Trong Cách mạng Tháng Tám, Hà Tĩnh là một trong bốn tỉnh giành được chính quyền về tay nhân dân sớm nhất trong cả nước.
Thời kỳ 1945 - 1954, trước những khó khăn chồng chất, Đảng bộ Hà Tĩnh đã lãnh đạo nhân dân nhanh chóng củng cố và xây dựng chính quyền cách mạng, tập trung chống giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm; động viên sức người, sức của, đẩy mạnh tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, phục vụ kịp thời cho kháng chiến, kiến quốc, góp phần to lớn cùng cả nước đánh bại chủ nghĩa thực dân kiểu cũ ở Đông Dương. Sau hiệp định Giơ - ne - vơ, Đảng bộ Hà Tĩnh tiếp tục lãnh đạo nhân dân nhanh chóng khắc phục hậu quả chiến tranh, phát động giảm tô, hoàn thành cải cách ruộng đất; khôi phục và phát triển kinh tế, văn hóa, xây dựng cơ sở vật chất ban đầu của CNXH, sẵn sàng cùng cả nước bước vào giai đoạn cách mạng mới.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Hà Tĩnh vừa là hậu phương, vừa là tiền tuyến. Với chân lý "không có gì quý hơn độc lập tự do", quân và dân Hà Tĩnh đã cùng cả nước đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc, bước vào giai đoạn cùng cả nước xây dựng CNXH. Mặc dù bị chiến tranh tàn phá nặng nề, lại thường xuyên bị thiên tai đe doạ, từ điểm xuất phát đi lên ban đầu rất thấp, nhưng trong giai đoạn cùng cả nước xây dựng CNXH, nhất là trong công cuộc đổi mới và sau hơn 20 năm tái lập tỉnh, cùng với sự giúp đỡ to lớn và có hiệu quả của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các ban, bộ, ngành Trung ương, Đảng bộ và nhân dân Hà Tĩnh đã phát huy truyền thống văn hóa và cách mạng, đoàn kết, thống nhất, vượt qua khó khăn, nỗ lực vươn lên giành được nhiều thành tựu trên các lĩnh vực. Đặc biệt năm 2012, mặc dù bị tác động tiêu cực của tình hình thế giới, khu vực và suy giảm kinh tế trong nước, nhưng Hà Tĩnh vẫn giành được những kết quả khá toàn diện. Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 14%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp, xây dựng và dịch vụ. Thu hút đầu tư đạt kết quả khá, đến nay đã có nhiều dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài trên địa bàn tỉnh tầm cỡ quốc tế với số vốn hàng chục tỷ đô la. Các công trình, dự án trọng điểm như Khu kinh tế Vũng Áng, hệ thống thủy lợi Ngàn Trươi - Cẩm Trang, Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo được triển khai tích cực. Nông nghiệp, nông thôn phát triển toàn diện, bức tranh nông thôn mới ngày càng khởi sắc. Thu ngân sách tăng dần qua các năm, riêng năm 2012 đã vượt hơn 4.000 tỷ đồng. Lĩnh vực văn hoá - xã hội tiếp tục đạt được nhiều thành tựu to lớn, trong đó giáo dục, đào tạo và nhiều chỉ tiêu khác thuộc tốp đầu cả nước. Tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn hơn 14%. Cải cách hành chính đạt được nhiều kết quả vượt bậc; các chỉ số về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), chỉ số sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp với cơ quan công quyền (PAPI) và chỉ số về ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin của các cơ quan nhà nước (ICT Index) xếp ở nhóm các địa phương đứng đầu cả nước. Quốc phòng - an ninh được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Công tác xây dựng Đảng và các tổ chức trong hệ thống chính trị đạt nhiều kết quả rõ nét. Đặc biệt, kết quả bước đầu của việc triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” đã có tác dụng tích cực, kịp thời khắc phục những yếu kém, khuyết điểm trong các tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị cũng như trong từng cán bộ, đảng viên, tiếp tục củng cố và nâng cao niềm tin trong nhân dân đối với sự lãnh đạo, điều hành của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp.
Ôn lại những thắng lợi to lớn của cách mạng Việt Nam do Đảng lãnh đạo trong 83 năm qua, chúng ta càng tự hào hơn về Đảng quang vinh, Bác Hồ vĩ đại. Bước sang năm 2013, năm giữa nhiệm kỳ triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm vụ đặt ra rất nặng nề, đòi hỏi mỗi tổ chức đảng, mỗi cán bộ, đảng viên và người dân phải nhận thức sâu sắc hơn trọng trách lớn lao trong tình hình mới, tiếp tục xây dựng Đảng ta mãi mãi xứng đáng là Đảng của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của toàn dân tộc Việt Nam; nâng cao niềm tin son sắt, vững bước tiến lên theo ngọn cờ vinh quang của Đảng và Bác Hồ đã chọn.
Trọng Thường - Hoài Nam, VPTU
Tin mới cập nhật
- Phòng dịch Covid-19 ở Hà Tĩnh: Tổng hợp sức mạnh của ý Đảng - lòng dân ( 24/04)
- Hà Tĩnh vận động đoàn viên, hội viên, các tầng lớp nhân dân thực hiện tốt chủ trương sáp nhập xã ( 19/07)
- Tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động ( 30/01)
- Hội viên Hội Cựu chiến binh tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước ( 08/01)
- Tổ chức đoàn cần họp ít, nói thuyết phục, làm hiệu quả ( 08/01)
- Tăng cường quản lý hoạt động báo chí trên địa bàn Hà Tĩnh ( 04/01)