Kỷ niệm 87 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2012): Báo chí - chiến sỹ xung kích trên mặt trận tư tưởng văn hoá
EmailPrintAa
14:13 14/06/2012

Suốt 87 năm lịch sử vẻ vang của báo chí cách mạng nước ta, báo chí đã thực sự giữ vai trò tuyên truyền, cổ động, một trong những động lực của phong trào cách mạng, đội quân tiên phong, chiến sỹ xung kích trên mặt trận tư tưởng văn hóa của Đảng.

Sự ra đời của Báo Thanh Niên (tờ báo đầu tiên) 87 năm trước ngày 21 - 6 - 1925 thể hiện tầm nhìn chiến lược của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trở thành công cụ quan trọng truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin, đường lối cách mạng cho lớp cán bộ đầu tiên theo tư tưởng Mác xít, chuẩn bị cơ sở lý luận, chính trị, tư tưởng và tổ chức cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam vào năm 1930. Trong một "án nghị quyết" quan trọng đầu tiên sau ngày thành lập, Đảng ta nhấn mạnh đến việc đẩy mạnh tuyên truyền cổ động, ra sách báo, truyền đơn để "quần chúng biết mục đích và ý kiến của Đảng đối với các việc quan trọng xảy ra". Các tờ báo của Đảng trở thành hồi kèn lệnh tập hợp, cổ vũ nhân dân làm nên cao trào cách mạng 1930 - 1931, phong trào vận động dân chủ 1936 - 1939, tiến tới Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cách mạng tháng Tám năm 1945. Tiếp đó, với vai trò  là vũ khí đấu tranh sắc bén trên mặt trận chính trị, tư tưởng, báo chí cách mạng đã cùng toàn Đảng, toàn dân đi vào các cuộc kháng chiến của dân tộc, đánh thắng kẻ thù xâm lược, thu giang sơn về một mối, đến sự tìm tòi, trăn trở để xây dựng lại đất nước sau chiến tranh và ngày nay trong công cuộc đổi mới đã thu được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Mỗi thành tựu, mỗi bước trưởng thành của đất nước đều có sự đóng góp quan trọng của báo chí cách mạng.

Trong suốt 87 năm qua, Đảng ta luôn luôn khẳng định báo chí là một lĩnh vực đặc biệt quan trọng trong toàn bộ công tác tư tưởng của Đảng, nhất là trong những giai đoạn có ý nghĩa bước ngoặt của cách mạng. Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhiều đồng chí lãnh đạo của Đảng đều đề cao vai trò của báo chí, tích cực viết báo, đồng thời là những nhà báo xuất sắc. Báo chí cách mạng của chúng ta thực sự là "người tuyên truyền tập thể, cổ động tập thể, tổ chức tập thể". Nhiều nhà báo xứng đáng với danh hiệu cao quý "Nhà báo - chiến sỹ". Báo chí cách mạng Việt Nam đã trải qua chặng đường vẻ vang, đầy gian khổ, hy sinh để trưởng thành và phát triển, góp phần xứng đáng làm nên những kỳ tích trong các giai đoạn cách mạng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN. Chúng ta tự hào về đội ngũ những người làm báo cách mạng, trong chiến tranh cũng như trong hòa bình, lúc thuận lợi cũng như lúc khó khăn, luôn luôn đoàn kết, phấn đấu dưới ngọn cờ lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, trung thành với lợi ích của Tổ quốc và nhân dân, kế tục và phát huy truyền thống vẻ vang, đang tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng của báo chí cách mạng trong công cuộc đổi mới, CNH, HĐH đất nước, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN.

Cùng với sự trưởng thành của báo chí cách mạng Việt Nam, thời gian này, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Hà Tĩnh nói chung, đội ngũ những người làm Báo nói riêng càng phấn khởi, tự hào kỷ niệm 20 năm thành lập Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh Hà Tĩnh, 50 năm Báo Hà Tĩnh ra số đầu tiên. Trong sự phát triển và đi lên của tỉnh, hoạt động báo chí cũng có nhiều đổi mới và vươn lên mạnh mẽ. Các cơ quan báo chí luôn hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích, định hướng chính trị, thực hiện tốt chức năng vừa là cơ quan ngôn luận của Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội nghề nghiệp, vừa là diễn đàn của nhân dân. Báo chí đã tích cực tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng, pháp luật, chính sách của Nhà nước; thông tin, cổ vũ phong trào hành động cách mạng, phản ánh tâm tư, nguyện vọng chính đáng của các tầng lớp nhân dân; phát hiện, cổ vũ nhân tố mới, điển hình tiên tiến, thành quả của công cuộc đổi mới; tham gia tích cực vào cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu; chống lại những thông tin, quan điểm sai trái, âm mưu "Diễn biến hoà bình" của các thế lực thù địch; góp phần thắt chặt tình hữu nghị, sự hợp tác nhiều mặt của tỉnh cả trong và ngoài nước. Trong những ưu điểm, thành tích đã nêu, Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh Hà Tĩnh, Báo Hà Tĩnh và đông đảo cán bộ, hội viên đã có đóng góp xứng đáng. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh nhà luôn ghi nhận, biểu dương thành tích to lớn đó của đội ngũ những người làm báo.

Kỷ niệm 87 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam trong bối cảnh toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang ra sức thi đua lập thành tích chào mừng các ngày lễ lớn, các sự kiện trọng đại của quê hương, đất nước và tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương (khoá XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII. Để phục vụ đắc lực hơn nữa sự nghiệp đổi mới đất nước, đồng thời đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động báo chí trong thời kỳ mới hơn lúc nào hết, các cơ quan báo chí và đội ngũ những người làm báo cần bám sát nhiệm vụ công tác tư tưởng; tích cực tuyên truyền, cổ vũ những thành tựu của công cuộc đổi mới; mỗi nhà báo cần ra sức học tập, tu dưỡng, rèn luyện, phấn đấu để thật sự là chiến sĩ xung kích trên mặt trận tư tưởng, văn hóa như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy; vững vàng, nhạy bén, sáng tạo, đề cao trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân, đạo đức nghề nghiệp, tích cực tuyên truyền và tiếp tục đẩy mạnh việc "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Coi trọng định hướng phát triển, thông tin, công tác cán bộ, chính sách tài chính cho hoạt động báo chí. Tăng cường trách nhiệm của các cơ quan báo chí và người làm báo; xây dựng cơ chế hợp lý để vừa tạo điều kiện cho báo chí phát triển vừa khắc phục kịp thời, dứt điểm các sai phạm; rà soát, bổ sung quy hoạch, kế hoạch phát triển báo chí; khắc phục tình trạng xa rời tôn chỉ, mục đích, chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ. Chăm lo công tác xây dựng Đảng, nâng cao vai trò, vị trí, tác dụng của tổ chức đảng trong cơ quan báo chí; đề cao trách nhiệm cán bộ, đảng viên, nhất là người giữ cương vị lãnh đạo các cơ quan báo chí. Nâng cao chất lượng giảng dạy, học tập, nghiên cứu, thực hành của các trường, các cơ sở đào tạo báo chí; đầu tư thoả đáng cho hoạt động thông tin đối ngoại. Tiếp tục mở rộng sóng phát thanh, truyền hình ra các nước, khu vực; đưa sách, báo có nội dung tốt trong nước phục vụ công chúng, nhất là đồng bào ta ở nước ngoài. Tăng cường giao lưu, hợp tác với các tổ chức báo chí trong khu vực và trên thế giới; coi trọng tuyên truyền, quảng bá hình ảnh đất nước, con người, sự nghiệp đổi mới của Việt Nam đến nhiều nước trên thế giới góp phần định hướng dư luận, làm lành mạnh đời sống xã hội, phấn đấu vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.
 
Thanh Lâm, VPTU

    Ý kiến bạn đọc