Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “Muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”. Khi đã có đường lối đúng thì cán bộ là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng, là khâu then chốt trong công tác xây dựng Đảng. Việc đổi mới, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức không chỉ góp phần xây dựng một hệ thống chính trị, một nền hành chính trong sạch, vững mạnh mà còn có tác động mạnh mẽ đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội. Vì vậy, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức có ý nghĩa hết sức quan trọng trong công tác xây dựng Đảng.
Nhận thức được tầm quan trọng đặc biệt của công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta đã có nhiều chủ trương lớn nhằm không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ như: Nghị quyết Trung ương 3 (khóa VII), Nghị quyết Trung ương 3 và Trung ương 7 (khóa VIII), Nghị quyết TW 6 (lần 2, khóa VIII), Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX. Ban Bí thư Trung ương đã ban hành Quyết định số 100-QĐ/TW ngày 03/6/1995 “Về việc tổ chức trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện”, Thông báo Kết luận số 181-TB/TW ngày 3/9/2008 về đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động của Trường Chính trị cấp tỉnh và Trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện, Kết luận số 57-KL/TW ngày 8/3/20013 về tiếp tục đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp v.v..; theo đó, trong những năm qua, Trường Chính trị tỉnh và các Trung tâm BDCT cấp huyện đã và đang đi vào hoạt động nền nếp, có những chuyển biến tích cực và thu được những kết quả quan trọng.
Ở tỉnh ta, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 07 -NQ/TU, ngày 20/10/2008 về nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ tại trường Chính trị Trần Phú và trung tâm bồi dưỡng chính trị các huyện, thành, thị xã; Tháng 9/2013, BCH đảng bộ tỉnh thông qua đề án “Nâng cao chất lượng toàn diện Trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện trong tình hình mới” với nhiều chỉ tiêu và giải pháp mới nhằm “Xây dựng Trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện thành trung tâm đạt chuẩn trong bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ cấp huyện và cơ sở”. Cùng với đó, tỉnh đã xây dựng Trường Chính trị Trần Phú và 12 trung tâm BDCT cấp huyện cả cơ sở vật chất trường lớp lẫn đội ngũ giảng viên và giảng viên kiêm chức, cơ bản đáp ứng nhu cầu đào tạo cán bộ từ tỉnh đến cơ sở. Trong từng giai đoạn, tỉnh đã thường xuyên ban hành chính sách khuyến khích đào tạo, bồi dưỡng và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao. Hàng năm đều ban hành kế hoạch đào tạo cán bộ trên cơ sở quy hoạch cán bộ và hướng dẫn của Trung ương vv... Ngoài ra, trên cơ sở các chính sách của tỉnh, các huyện, thành phố, thị xã đều chủ động ban hành các quyết định triển khai thực hiện cụ thể, cách làm sáng tạo nhằm thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, cũng như các chính sách động viên, khuyến khích cán bộ tự giác học tập, nâng cao trình độ, chuyên môn nghiệp vụ, vv…
Thực hiện các chủ trương trên, trung bình mỗi năm tỉnh cử 25 -30 cán bộ học Cao Cấp lý luận chính trị tập trung tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, mở 1 lớp Cao cấp lý luận chính trị tại chức ở tỉnh cho trên 110 đồng chí góp phần đào tạo nâng cao được trình độ lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ, nhất là những cán bộ nằm trong quy hoạch cán bộ lãnh đạo quản lý các cấp. Các lớp trung cấp lý luận chính trị do Ban Tổ chức Tỉnh ủy phối hợp Trường Chính trị Trần Phú duyệt mở theo đúng quy định và tổ chức học tập tại Trường Chính trị Trần Phú và các trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện, thị xã trong tỉnh. Từ 2008 đến nay, toàn tỉnh đã cử đi đào tạo cao cấp, cử nhân lý luận chính trị cho trên 860 đồng chí; sau đại học cho trên 760 đồng chí; trung cấp lý luận chính trị cho trên 2.750 đồng chí; các lớp đại học chính trị cho trên 30 đồng chí.
Bên cạnh việc quan tâm đào tạo nâng cao trình độ lý luận chính trị, tỉnh đã chú trọng việc cử cán bộ đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, trung bình mỗi năm đã cử 3 cán bộ đi nghiên cứu sinh, trên 130 cán bộ đào tạo sau đại học, trên 300 cán bộ đào tạo đại học. Từ năm 2008 đến nay đã cử trên 2.200 đồng chí học quản lý nhà nước và trên 4.500 người được bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ, tin học, kiến thức trong xây dựng nông thôn mới, trên 500 cán bộ bồi dưỡng ngạch chuyên viên chính.
Ngoài việc đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ, năm 2011 thực hiện chủ trương của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Tổ chức Tỉnh ủy đã chủ trì, phối hợp với trường Chính trị Trần Phú và các sở, ban, ngành liên quan tổ chức 3 lớp chỉnh huấn cho trên 750 cán bộ chủ trì cơ sở nhiệm kỳ 2010 - 2015, gồm bí thư, phó bí thư đảng ủy, chủ tịch hội đồng nhân dân, chủ tịch ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn; ngay sau đó đã kịp thời chỉ đạo các huyện, thành, thị uỷ mở các lớp chỉnh huấn cho trên 3.000 lượt cán bộ cơ sở (những thành phần chưa được chỉnh huấn tại tỉnh) và cán bộ thôn, xóm, khối phố. Qua các đợt chỉnh huấn đã góp phần chấn chỉnh ý thức, trách nhiệm, nâng cao vai trò của người cán bộ, công chức trong thực thi chức trách, nhiệm vụ, đồng thời nâng cao nhận thức của cán bộ trước những nguy cơ lệch lạc, tiềm ẩn trong đời sống chính trị và tình hình hiện nay. Hiện nay tỉnh tiếp tục chỉ đạo trường Chính trị Trần Phú chủ trì phối hợp Ban Tổ chức Tỉnh ủy và Sở Nội vụ mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ tập trung tại tỉnh cho các chức danh cán bộ xã, phường thị trấn trong toàn tỉnh, đến nay đã tổ chức được6 lớp với trên 1.500 cán bộ, gồm các chức danh: bí thư đảng ủy, bí thư đoàn thanh niên, chủ tịch hội nông dân, hội cựu chiến binh, cán bộ tư pháp, địa chính xã, phường, thị trấn, mỗi lớp học tập trung 01 tuần tại tỉnh, vv…
Có thể khẳng định, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ngày càng đi vào nền nếp, góp phần quan trọng trong xây dựng đội ngũ cán bộ của tỉnh. Có được những kết quả trên là nhờ sự chỉ đạo sâu sát, kịp thời của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, sự chủ động tham mưu của cơ quan tổ chức cấp ủy các cấp, sự phối kết hợp của cơ quan chuyên môn trong việc thực hiện tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ.
Tuy vậy, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đang đặt ra những vấn đề cần tiếp tục quan tâm chỉ đạo như: Cơ sở vật chất, trường lớp, thiết bị dạy học còn thiếu và chưa đồng bộ; chưa có các điểm thực hành các mô hình phát triển dành riêng cho đào tạo cán bộ. Chưa xây dựng một cách căn cơ đội ngũ giảng viên đảm bảo số lượng và chất lượng cả ở tuyến huyện và tuyến tỉnh. Cán bộ, công chức chủ yếu vừa học vừa làm nên thời gian học tập trung không nhiều. Công tác đào tạo, bồi dưỡng tuy có nhiều cố gắng nhưng một số nơi còn chạy theo số lượng và nguyện vọng cá nhân, chưa cử đúng đối tượng đào tạo theo quy hoạch, vì thế chưa đáp ứng được nhu cầu của cơ quan, đơn vị. Việc sử dụng chưa sát với đào tạo, chưa quản lý chặt đội ngũ cán bộ dự nguồn sau đào tạo, có trường hợp được cử đi đào tạo nhưng chưa được bố trí công việc theo quy hoạch. Chất lượng đào tạo, nhất là hệ tại chức chưa cao, giáo trình đào tạo tuy đã được cải tiến song vẫn chưa thật phù hợp với từng đối tượng cán bộ, phương thức đào tạo chưa đa dạng. Một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức đi học nhằm hợp thức hoá bằng cấp. Nhiều cán bộ cơ sở, nhất là cán bộ vùng sâu, vùng xa, cán bộ có tuổi, có hoàn cảnh kinh tế khó khăn ngại đi học. Việc đào tạo chưa được thực hiện đồng bộ, nặng về đào tạo lý luận chính trị hoặc chuyên môn nghiệp vụ mà chưa chú ý đúng mức bồi dưỡng về kỹ năng quản lý điều hành, tổ chức thực hiện, nhất là xử lý những tình huống trong thực tiễn. Tính chuyên nghiệp, kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ quản lý nhà nước còn hạn chế, nhưng rất khó khắc phục ngay vì số lượng quá lớn. Thêm vào đó là chế độ chính sách cho cán bộ, công chức được cử đi đào tạo, bồi dưỡng tuy đã được điều chỉnh, bổ sung, nhưng so với thực tế còn nhiều bất cập. Một số cán bộ, công chức cấp xã chưa đáp ứng đủ các tiêu chuẩn trình độ đào tạo theo quy định, không đủ điều kiện đào tạo bổ sung, nhất là đối với cán bộ chuyên trách đã có tuổi, ảnh hưởng đến việc thực hiện các tiêu chí nông thôn mới.
Để công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ đề ra, cần quan tâm một số nội dung sau:
- Tập trung nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, những người đề ra chủ trương, chính sách về đào tạo, bồi dưỡng, đồng thời là người trực tiếp quản lý, sử dụng cán bộ, công chức. Khi nhận thức được điều này, họ không chỉ tích cực học tập, trau dồi năng lực quản lý, điều hành cho bản thân mình, mà quan trọng hơn là tạo ra cơ chế, chính sách và điều kiện thuận lợi để cán bộ, công chức tham gia tích cực vào các chương trình đào tạo, bồi dưỡng.
- Chỉ đạo thống nhất công tác đào tạo, bồi dưỡng, đồng thời thực hiện phân công, phân cấp rõ ràng, rành mạch hợp lý về thẩm quyền, trách nhiệm giữa các cấp, các trường, trung tâm đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng; bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, các cấp, giữa cơ quan chủ trì với cơ quan phối hợp. Tăng cường phối hợp, liên kết với các trung tâm đào tạo, viện, trường ở trung ương để đa dạng hóa loại hình đào tạo, bồi dưỡng.
- Rà soát, đánh giá đội ngũ, bổ sung quy hoạch cán bộ, trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch cụ thể về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ thuộc diện quản lý sát đúng với yêu cầu, nhiệm vụ vị trí công tác và yêu cầu đặt ra của địa phương, đơn vị. Quan tâm đào tạo cán bộ trẻ, cán bộ nữ. Quy định cụ thể và nghiêm ngặt về các khóa đào tạo bắt buộc mà cán bộ, công chức phải trải qua trước khi nhận nhiệm vụ hay được thuyên chuyển, bổ nhiệm lên các vị trí cao hơn; cán bộ không được đào tạo bồi dưỡng đủ thì không đề bạt.
- Tiếp tục đầu tư xây dựng các cơ sở đào tạo cán bộ ở tỉnh và ở huyện, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học; nghiên cứu tổ chức các điểm đào tạo thực tiễn cho cán bộ, nhất là cán bộ cơ sở. Khuyến khích mạnh mẽ các hình thức tự học, tự đào tạo qua hoạt động thực tế và qua mạng công nghệ thông tin (mục tiêu nâng cao trình độ, không vì bằng cấp).
- Đổi mới chương trình đào tạo trên cơ sở thiết kế dựa vào nhu cầu đào tạo khác nhau của các đối tượng cán bộ. Giảm những phần kiến thức về lý luận chung chung. Đảm bảo hợp lý giữa tỷ lệ giờ lên lớp, giờ thảo luận - trao đổi, giờ khảo sát - thực hành thực tế…, lý luận gắn với thực tế, học tập gắn liền với ứng dụng, coi trọng hiệu quả thiết thực để tạo nên ba phẩm chất chủ yếu của cán bộ công chức, đó là trình độ lý luận chính trị, năng lực hoạt động thực tiễn và đức tính tự trọng, tự lập.
- Tiếp tục tăng cường xây dựng, nâng cao chất lượng, đổi mới phương pháp giảng dạy của đội ngũ giảng viên. Quan tâm xây dựng đội ngũ giảng viên kiêm chức, các chuyên gia đầu ngành trong các lĩnh vực để đáp ứng yêu cầu đào tạo, bồi dưỡng ngày càng cao của cán bộ, công chức.
- Xây dựng tiêu chí, thực hiện đánh giá chất lượng cán bộ công chức sau đào tạo, bồi dưỡng một cách khách quan, khoa học. Chú trọng năng lực thực hiện công việc. Không sa vào thống kê bằng cấp, bởi vì bằng cấp chưa thực sự phản ánh đúng năng lực làm việc của cán bộ, công chức.
Ngoài ra, “Không phải vài ba tháng hoặc vài ba năm mà đào tạo được một cán bộ tốt. Cần phải công tác, đấu tranh, huấn luyện lâu năm mới được” (Bác Hồ); do đó, bên cạnh việc đào tạo, bồi dưỡng qua trường lớp, việc đào tạo cán bộ, công chức qua hoạt động thực tiễn, qua luân chuyển cán bộ cần được quan tâm và phải được thực hiện liên tục trong quá trình sử dụng cán bộ./.
Nguyễn Đình Phú - Phó BTCTU
Tin mới cập nhật
- Phòng dịch Covid-19 ở Hà Tĩnh: Tổng hợp sức mạnh của ý Đảng - lòng dân ( 24/04)
- Hà Tĩnh vận động đoàn viên, hội viên, các tầng lớp nhân dân thực hiện tốt chủ trương sáp nhập xã ( 19/07)
- Tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động ( 30/01)
- Hội viên Hội Cựu chiến binh tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước ( 08/01)
- Tổ chức đoàn cần họp ít, nói thuyết phục, làm hiệu quả ( 08/01)
- Tăng cường quản lý hoạt động báo chí trên địa bàn Hà Tĩnh ( 04/01)