Mùa xuân là mùa của lễ hội. Tự bao đời, lễ hội đã trở thành nét văn hóa đặc sắc trong đời sống của con cháu Lạc Hồng. Lễ hội ở nước ta rất phong phú, thường diễn ra vào những tháng đầu năm - đó là khoảng thời gian mà con người và thiên nhiên có mối giao hòa đặc biệt, là khoảng thời gian thuận lợi nhất để con người có thể cảm nhận được sự linh thiêng của đất trời, sông núi, suy ngẫm về quá khứ và hiện tại để hướng tới tương lai.
Đó cũng chính là thời điểm thích hợp để tổ chức các lễ tế mang tính sùng bái thiên nhiên, hướng về tổ tiên, ông bà, những người có công lao to lớn đối với đất nước... để tỏ lòng biết ơn và cầu mong cho một năm mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an. Lễ hội gồm hai phần có mối quan hệ chặt chẽ với nhau: phần lễ và phần hội. Lễ là phần linh thiêng, là tinh thần của hội, thường bao gồm cả việc cúng, tế, rước, xách… Hội là phần vui của cộng đồng làng xã, họ tộc, dân tộc với những hoạt động văn hóa, văn nghệ và vui chơi giải trí. Đã từ lâu lễ hội được ví như bảo tàng dân tộc học sinh động, muôn màu đa sắc, là sự tái hiện lịch sử có nghệ thuật văn hóa. Lễ hội đáp ứng nhu cầu tâm linh, thưởng ngoạn, du lịch, khám phá… của con người. Bởi vậy lễ hội mang đậm tính nhân văn, hướng thiện sâu sắc và có giá trị giáo dục truyền thống cho mọi thế hệ, mọi lớp người trong xã hội.
Hà Tĩnh là mảnh đất giàu truyền thống văn hóa. Thời gian qua, công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa luôn được tỉnh quan tâm. Các ban quản lý di tích thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ được giao; hệ thống di tích lịch sử, văn hóa đã và đang được trùng tu, tôn tạo; các di sản văn hóa phi vật thể được bảo tồn, khai thác và phát huy có hiệu quả. Nhiều lễ hội dân gian được tổ chức mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống đã thu hút đông đảo quần chúng nhân dân tham gia. Trong năm 2012, Khu lưu niệm Đại Thi hào Nguyễn Du được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt; tiến hành tu bổ 45 di tích cấp tỉnh và 26 di tích cấp quốc gia. Đến nay toàn tỉnh có 296 di tích được xếp hạng cấp tỉnh và 73 di tích cấp quốc gia.
Ai đã từng về Hà Tĩnh vào những ngày xuân, sẽ nhận thấy những nét độc đáo, sự phong phú, đa dạng về lễ hội văn hóa ở mảnh đất này. Du khách thập phương rất ấn tượng với một số lễ hội truyền thống được tổ chức quy mô gắn với thưởng ngoạn du lịch như lễ hội chùa Hương - Can Lộc, lễ hội đền Chiêu Trưng - Thạch Hà, lễ hội đền Bích Châu - Kỳ Anh, chùa Chân Tiên - Thịnh Lộc, Miếu Ao - Thạch Trị, đền cả Du Đồng - Đức Đồng, lễ hội Cầu ngư - Cẩm Nhượng... Có thể nói, lễ hội dân gian truyền thống được phục hồi đã làm cho đời sống văn hóa, tinh thần của người dân Hà Tĩnh ngày càng phong phú cùng với đời sống vật chất đang từng bước được cải thiện và nâng cao. Không phân biệt già, trẻ, thành phần, địa vị xã hội, tất cả mọi người đều bình đẳng tham gia lễ hội. Thông qua lễ hội, tính cộng đồng được củng cố, góp phần khắc phục những biểu hiện lệch lạc, những vi phạm đạo đức trong mối quan hệ giữa người với người... Đây cũng là một bộ phận quan trọng trong nền văn hóa mới, góp phần tích cực trong việc xây dựng con người mới XHCN. Qua đó những giá trị truyền thống tốt đẹp được tôn vinh, góp phần làm cho việc tiếp thu cái mới, hiện đại một cách sáng tạo và đảm bảo cho việc hòa nhập mà vẫn giữ được bản sắc dân tộc.
Tuy nhiên, lễ hội hiện nay cũng đang đặt ra nhiều vấn đề đáng quan tâm. Sự thương mại hóa trong các lễ hội đã đến mức báo động, dường như ở đâu có lễ hội là có các dịch vụ thương mại “ăn theo”, các hàng quán tràn lan, hàng hóa xô bồ, có khi lễ hội gần như hội chợ... Mặc dù các địa phương, các ban quản lý lễ hội đã cố gắng để giải quyết mối quan hệ giữa thương mại và lễ hội nhưng kết quả chưa nhiều, tư tưởng kinh doanh lễ hội chưa được ngăn chặn, ngược lại có xu hướng phát triển. Ngoài việc kinh doanh đồ ăn uống, hàng tiêu dùng, các loại hàng lưu niệm ngày càng tràn ngập cả không gian lễ hội... Hơn thế việc “buôn thần bán thánh”, chèo kéo, bắt chẹt, ăn xin... vẫn còn xẩy ra. Ở các lễ hội có nhiều biểu hiện thiếu tính văn hóa như khách chen nhau xếp hàng tế lễ, người sau vái lên lưng người trước; thậm chí người ta lễ bái cả những nơi không đáng lễ (như một số điểm dọc đường lên chùa Hương - Can Lộc). Để tiền ở nhiều nơi rất tùy tiện. Hiện tượng xem bói, xem tướng đã xuất hiện ở một số lễ hội; các ấn phẩm trái phép còn bày bán công khai... Những hiện tượng ấy vừa thiếu thẩm mỹ, vừa làm giảm tính linh thiêng của lễ hội ở các đền chùa. Bên cạnh đó các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao bổ ích, trò diễn dân gian lý thú chưa phát huy tác dụng tích cực ở các lễ hội và có phần bị mai một. Việc đảm bảo trật tự giao thông ở nhiều nơi có tiến bộ, song vẫn là vấn đề cần quan tâm giải quyết bởi xu hướng đi trẩy hội ngày một tăng. Không gian, thời gian lễ hội mở rộng, nhu cầu đi lễ hội gia tăng mà hạ tầng cơ sở, dịch vụ ở các lễ hội chưa phát triển theo kịp...
Để khắc phục những vấn đề trên, nhằm đảm bảo tính linh thiêng, nhân văn sâu sắc của lễ hội, trước hết đòi hỏi sự quan tâm, chỉ đạo của các cấp uỷ, chính quyền địa phương và toàn xã hội. Trong đó, Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa là lực lượng tham mưu vừa trực tiếp tham gia tổ chức, phối hợp với các lực lượng khác để làm tốt công tác lễ hội ở các địa phương. Quan tâm đến công tác đào tạo chuyên sâu và nâng cao năng lực hiểu biết về quản lý di sản văn hoá đối với đội ngũ làm công tác này. Tăng cường kiểm tra, thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Kết luận số 51-KL/TW của Bộ Chính trị (khóa X) về tiếp tục thực hiện Chỉ thị 27-CT/TW và Chỉ thị 20-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội; Chỉ thị 46-CT/TW của Ban Bí thư về chống sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại gây hủy hoại đạo đức xã hội. Tuyên truyền, định hướng hoạt động lễ hội trong nhân dân; nghiêm khắc phê phán và đẩy lùi những tiêu cực còn tồn tại, đặc biệt cán bộ, đảng viên phải thực sự mẫu mực, làm gương để đảm bảo cho lễ hội trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh ngày một tốt hơn, góp phần thiết thực cho việc xây dựng, phát huy, giữ gìn bản sắc văn hóa Việt Nam và của địa phương.
Hồng Lam, BTGTU
Tin mới cập nhật
- Phòng dịch Covid-19 ở Hà Tĩnh: Tổng hợp sức mạnh của ý Đảng - lòng dân ( 24/04)
- Hà Tĩnh vận động đoàn viên, hội viên, các tầng lớp nhân dân thực hiện tốt chủ trương sáp nhập xã ( 19/07)
- Tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động ( 30/01)
- Hội viên Hội Cựu chiến binh tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước ( 08/01)
- Tổ chức đoàn cần họp ít, nói thuyết phục, làm hiệu quả ( 08/01)
- Tăng cường quản lý hoạt động báo chí trên địa bàn Hà Tĩnh ( 04/01)