Long trọng Lễ vinh danh, rước Bằng ghi danh dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh
EmailPrintAa
10:07 02/02/2015

Tối 31/1, tại Quảng trường Hồ Chí Minh (TP. Vinh, tỉnh Nghệ An), Bộ VH-TT&DL và UBND tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh đã tổ chức trọng thể lễ đón nhận bằng UNESCO vinh danh dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Tham dự buổi lễ có Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam và lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương; Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Hà Tĩnh Nguyễn Thanh Bình, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Nghệ An Hồ Đức Phớc và lãnh đạo hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh. Cùng dự còn có bà Katherine Muller Marin - Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO Hà Nội và đông đảo các nghệ sĩ, nghệ nhân, doanh nhân và nhân dân hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh.

 

Chương trình vinh danh được tổ chức tại Quảng trường Hồ Chí Minh (TP. Vinh, Nghệ An)

 

Ngày 27/11/2014, tại kỳ họp thứ 9 của Ủy ban liên chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể diễn ra tại thủ đô Paris (Pháp), UNESCO đã ghi danh dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Đây là sự kiện đặc biệt có ý nghĩa, nâng tầm ví, giặm từ chỗ là di sản của miền đất Nghệ Tĩnh thành di sản của nhân loại, được tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hiệp quốc bảo hộ, có giải pháp giữ gìn.

 
 
 

Bà Katherine Muller Marin - Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO Hà Nội và Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Hoàng Tuấn Anh trao Bằng UNESCO công nhận dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại cho lãnh đạo, nghệ nhân hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh

 

Ví, giặm Nghệ Tĩnh là hai lối hát dân ca không nhạc đệm, xuất hiện đã hàng trăm năm, được cư dân Nghệ Tĩnh sáng tạo ra trong quá trình lao động, sản xuất, sinh hoạt đời thường. Bởi vậy, các lối hát ví, giặm cũng được gọi tên theo các hoạt động như: Ví phường vải, ví trèo non, ví phường cấy, giặm kể, giặm vè, giặm cửa quyền…

Được trao truyền bền bỉ từ thế hệ này sang thế hệ khác, ví, giặm Nghệ Tĩnh đã thể hiện vai trò rất quan trọng trong đời sống văn hóa, tinh thần của cộng đồng dân cư. Không chỉ được sản sinh trong quá trình thực hành lao động, ví, giặm Nghệ Tĩnh còn là hình thức giải trí cộng đồng, là phương tiện nghệ thuật rất đặc trưng biểu đạt tâm tư, tình cảm, cốt cách và diện mạo người Nghệ.

 
 
 

Các chương trình văn hóa, văn nghệ dân gian đặc sắc tại chương trình.

 

Tổ chức UNESCO cũng khẳng định, ghi danh ví, giặm vào “danh sách đại diện” là hướng tới tạo sự lan tỏa, khuyến khích sự khoan dung, đồng cảm giữa các cộng đồng, tạo nên sự đối thoại, giao lưu văn hóa. Theo kiểm kê trước lễ vinh danh, dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh được lưu truyền rộng rãi ở 26 huyện, thị, thành phố thuộc hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh. Hiện tại, hai tỉnh có hơn 100 CLB dân ca ví, giặm cùng 803 nghệ nhân.

Phát biểu tại buổi lễ vinh danh, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Xuân Đường nhấn mạnh: Dân ca ví, giặm được công nhận di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại là niềm vui chung của nhân dân của cả nước, là niềm tự hào của nhân dân hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh.

Từ đây dân ca Nghệ Tĩnh đã có trên bản đồ văn hóa thế giới, thực sự trở thành một phần của di sản văn hóa nhân loại.

 
 

Đông đảo người dân tham gia lễ vinh danh

 

Dân ca ví, giặm là món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân Nghệ Tĩnh; luôn luôn có sự kế thừa, nâng cao, truyền tải những ca từ, thể hiện tình yêu quê hương, con người, thể hiện cốt cách con người Nghệ Tĩnh.

Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Xuân Đường bày tỏ sự tri ân đối với các bậc tiền nhân, các nghệ nhân đã sáng tạo ra các làn điệu dân ca đậm đà bản sắc dân tộc; cảm ơn UNESCO đã vinh danh dân ca ví, giặm là di sản phi vật thể của nhân loại, để ví, giặm tiếp tục là món ăn tinh thần đầy ý nghĩa của người dân Nghệ Tĩnh...

Bà Katherine Muller Marin, Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Hà Nội khẳng định, hồ sơ đề cử di sản văn hóa phi vật thể dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh đáp ứng cả 5 tiêu chí để trở thành di sản đại diện của nhân loại và được các thành viên của Ủy ban Liên chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể đánh giá cao.

UNESCO mong muốn chính quyền và người dân hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh sẽ có những biện pháp để phát huy giá trị của dân ca ví, giặm xứ Nghệ, thực hiện những nội dung trong chương trình hành động quốc gia đã được xây dựng để di sản phát triển hơn nữa.

 

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam: Xứ Nghệ là mảnh đất giàu truyền thống văn hóa, cách mạng, hiếu học. Người dân lao động xứ Nghệ đã sáng tác, trao truyền nên những làn điệu dân ca ví, giặm đặc sắc, góp phần hun đúc nên cốt cách, tinh thần con người xứ Nghệ, điển hình cho con người Việt Nam.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh: “Cha ông ta quen chịu khổ nhưng không bao giờ chịu đánh mất mình. Trung trực, can trường mà mưu lược, sáng tạo. Trong khó khăn, trước thử thách vẫn luôn hào sảng yêu đời. Bằng phẩm giá ấy, bằng mồ hôi, nước mắt và cả xương máu, các thế hệ đi trước đã viết lên những trang sử rất đỗi tự hào, trao truyền cho chúng ta những di sản vô giá, mãi rực rỡ”.

Phó Thủ tướng cũng khẳng định, Nghệ Tĩnh là vùng đất gian khó, người dân cần cù, chịu khó. Đây cũng là vùng đất tác thành nên nhiều lớp danh nhân, hào kiệt; là cái nôi của kho tàng văn hóa dân gian phong phú, trong đó có dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh. Thứ thổ sản ấy được kết tinh từ lao động, sự đấu tranh, từ tình yêu, trí tuệ tài hoa của cư dân ở vùng đất lấy núi Hồng, sông Lam làm biểu tượng. Ngôn ngữ diễn xướng của ví, giặm là sự kết tinh tuyệt vời của tiếng Việt với khẩu ngữ địa phương và làn điệu dân ca Việt Nam ở vùng quê nắng gió, nhọc nhằn, quả cảm.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ VH-TT-DL, hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh cùng các nghệ sĩ, nghệ nhân và nhân dân với tất cả tình cảm và trách nhiệm hãy hợp tác chặt chẽ, triển khai có hiệu quả Chương trình hành động quốc gia bảo vệ và phát huy giá trị của dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh luôn được bảo tồn và phát triển sáng tạo, có vị trí xứng đáng trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân Nghệ Tĩnh, của cả nước và của nhân loại.

 
 

Thay mặt Đảng bộ, chính quyền và nhân dân hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Nguyễn Thanh Bình cảm ơn sự ghi nhận của bạn bè quốc tế, của các cơ quan, ban ngành trung ương. Trong thời gian tới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Nghệ An, Hà Tĩnh sẽ tiếp tục nỗ lực phát huy giá trị của dân ca ví, giặm để nâng tầm những giá trị văn hóa dân tộc, xứng đáng là di sản văn hóa phi vật thể điển hình của nhân loại.

 
 

Nghệ nhân Hoàng Nghĩa Hợi - Chủ nhiệm CLB xã Nghĩa Hội (Nghĩa Đàn)

 
 
 
 
 
 

Sau phần lễ trao bằng công nhận là chương trình vinh danh dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh với chủ đề "Về miền ví giặm". Chương trình nghệ thuật được dàn dựng công phu, hoành tráng với sự tham gia của hơn 560 nghệ sỹ, diễn viên, nghệ nhân dân gian, sinh viên, học sinh.

Chương trình nghệ thuật là sự tái hiện miền ví, giặm gắn bó chặt chẽ với đời sống, tâm tư, nguyện vọng của người Nghệ Tĩnh trong quá khứ đến đương đại, đồng thời hướng đến sự lan tỏa các giá trị trong tương lai khi chúng ta hội nhập sâu rộng hơn nữa với các nền văn hóa trên thế giới.

Chương trình gồm 5 trường đoạn: Đêm đò đưa nhớ Bác, một khúc tâm tình, ân tình xứ Nghệ, bảo tồn và phát huy dân ca xứ Nghệ, ví, giặm kết nối những miền di sản.

 
 

Đại biểu dự lễ

 

Ngay sau lễ vinh danh dân ca ví, giặm tại TP. Vinh (Nghệ An), Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Tĩnh đã tiến hành rước Bằng ghi danh về Hà Tĩnh. Đúng 22h50p, đoàn xe rước về đến Trung tâm Văn hóa – Điện ảnh. Người dân Hà Tĩnh ai nấy đều không giấu được niềm xúc động khi dân ca ví, giặm trở thành một trong những di sản phi vật thể của nhân loại.

 
 
 
 
 
 
   
 
 
 
 

Tại TP. Hà Tĩnh, rất nhiều người dân háo hức đón xem chương trình trực tiếp qua màn hình ti vi. Khuôn mặt mỗi người đến xem đều hiện rõ sự mừng vui, tự hào và không kém phần háo hức.

 

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thiện khẳng định: Việc UNESO ghi danh loại hình dân ca ví, giặm là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại là niềm tự hào của người dân Nghệ Tĩnh nói riêng và cả nước nói chung; đồng thời minh chứng sống động về sức sống, sức lan tỏa của văn hóa truyền thống dân tộc Việt Nam trong dòng chảy hội nhập của văn hóa thế giới.

Để dân ca ví, giặm trở thành di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại là một hành trình dài với sự chung tay góp sức của các tầng lớp nhân dân, các nghệ nhân, CLB, các tổ chức trong và ngoài nước. Vì vậy trong thời gian tới mỗi cộng đồng xã hội cùng chung tay thực hiện chương trình, hành động để bảo tồn, phát huy giá trị của di sản dân ca ví, giặm để xứng đáng với công lao của cha ông, với tình cảm của nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế.

TT CNTT (Theo Nhóm PV CT-XH/Baohatinh.vn)


    Ý kiến bạn đọc