Hà Tĩnh là vùng “địa linh nhân kiệt”, quê hương của nhiều danh nhân nổi tiếng. Nguyễn Du - Đại thi hào dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới là một trong số đó. Ông là một trong những người tiêu biểu cho mọi thời đại. Tên tuổi và sự nghiệp của Nguyễn Du cùng với tác phẩm Truyện Kiều bất hủ không những làm rạng danh cho quê hương Hà Tĩnh mà còn góp phần làm phong phú bản sắc, tôn vinh giá trị văn hoá Việt Nam. Ông là niềm tự hào lớn lao, nguồn cảm hứng sáng tạo vô tận cho thi ca, nhạc họa, là động lực giúp cho chúng ta vươn tới những giá trị nhân văn cao cả.
Nguyễn Du, tự Tố Như, hiệu Thanh Hiên, sinh năm 1765 tại Thăng Long - Hà Nội trong một gia đình quý tộc có thế lực vào loại bậc nhất đương thời. Họ Nguyễn ở Tiên Điền, Nghi Xuân thời bấy giờ có rất nhiều người đỗ đạt cao và giữ các chức vụ quan trọng. Bố ông là Nguyễn Nghiễm, đậu Nhị giáp tiến sỹ, từng giữ chức Tể tướng đầu triều, tước Xuân quận công. Mẹ là bà Trần Thị Tần, cũng sinh trưởng trong một dòng họ có truyền thống hiếu học ở vùng Kinh Bắc. Xuất phát từ những cái nôi văn hóa ấy đã hun đúc nên nhân cách và tài năng Nguyễn Du.
Nguyễn Du sống trong thời kỳ chế độ phong kiến Việt Nam lâm vào khủng hoảng sâu sắc. Cuộc đời của Ông cũng gặp nhiều nỗi gian nan. Mới 10 tuổi đã mồ côi cha, 13 tuổi mẹ mất. Thời trai trẻ Nguyễn Du phải sống nhờ trong gia đình người anh trai ở Thăng Long và bà con họ hàng ở quê nhà. 19 tuổi, Ông thi đậu Tam trường và được bổ giữ một chức quan võ ở Thái Nguyên. Do tình hình đất nước biến động, chính quyền Lê Trịnh sụp đổ, Tây Sơn quét sạch giặc Thanh, họ Nguyễn Tiên điền cũng tiêu điều, làm cho Hồng Lĩnh vô gia, huynh đệ tán. Sau năm 21 tuổi, gia đình ông bắt đầu rơi vào cảnh loạn li, “10 năm gió bụi”, ông phải lưu lạc nhiều nơi, chịu đựng bao nỗi truân chuyên, cùng cực. Khi Gia Long lên ngôi, Nguyễn Du trở lại chốn quan trường, từng giữ chức tri phủ, được thăng Đông Các điện học sỹ, tước Du đức Hầu, được bổ làm Cai bạ Quảng Bình, rồi thăng hàm Cần Chánh điện học sỹ và Chánh sứ đi Trung Quốc. Sau khi đi sứ về, vào năm 1814, Ông được thăng Hữu tham tri Bộ lễ. 18 năm làm quan cho triều Nguyễn nhưng ông luôn gần gũi nhân dân, vui cùng đồng loại, đau với nỗi đau của mọi kiếp người. Năm Minh Mạng thứ nhất, Ông bị bệnh rồi mất vào ngày 16/9/1820 tại kinh thành Huế, khi vừa mới 55 tuổi.
Truyền thống của gia đình, dòng họ, quê hương và sự giao thoa của các vùng văn hoá, đặc biệt là nền văn hiến Thăng Long, sự trải nghiệm qua phong ba bão táp của bể dâu cuộc đời, cùng tư chất thông minh đã tạo nên một thi hào Nguyễn Du với lòng yêu thương vô hạn mọi kiếp người đau khổ; sự bất bình, phẫn uất trước những thế lực chà đạp lên phẩm giá con người; sự cảm phục, ngợi ca những tình yêu cao đẹp, sự khao khát vươn tới công lý và cái đẹp vĩnh hằng... Suy nghĩ và tình cảm của Ông đã đúc kết nên nhiều tác phẩm văn học kiệt xuất bằng chữ Hán, chữ Nôm mà đặc biệt là Truyện Kiều - tác phẩm được khẳng định như một tập đại thành của nền văn học cổ điển dân tộc. Đóng góp to lớn nhất của Nguyễn Du cho nền văn học nước nhà là đã chuyển tải được thể thơ lục bát - một dòng thơ truyền thống chỉ có duy nhất ở Việt Nam lên một tầm cao mới, ngang hàng với các thể thơ chính thống; góp phần làm cho Tiếng Việt trở nên giàu đẹp và trong sáng hơn. “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn, tiếng ta còn, nước ta còn”. Nguyễn Du đã làm cho thế giới biết đến một dân tộc mà ở thời đại Ông đang bị nô dịch có một nền văn hóa phong phú, lâu đời. Cho đến nay, Nguyễn Du và Truyện Kiều vẫn là đỉnh cao của văn hoá dân tộc, có sức thu hút, lay động sâu sắc nhất đối với nhiều thế hệ người Việt Nam; có tầm ảnh hưởng, phổ biến rộng rãi nhất đối với bạn bè thế giới. Khi viết về Truyện Kiều và Nguyễn Du, một dịch giả người Pháp là Rơ - ne - Cri - sắc đã ví rằng: “Kiệt tác của Nguyễn Du có thể so sánh một cách xứng đáng với kiệt tác của bất kỳ quốc gia nào, thời đại nào”. Tài năng vĩ đại, tấm lòng nhân đạo cao cả của Nguyễn Du đã được thế giới tôn vinh là Danh nhân văn hóa thế giới, là Đại thi hào dân tộc Việt Nam. Nguyễn Du đã thực sự tiếp thêm ngọn lửa cho nhiều tài hoa hậu thế trên quê hương Lam Hồng như Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Phan Chánh, Nguyễn Khắc Viện, Nguyễn Đổng Chi, Xuân Diệu, Huy Cận,… và là tấm gương sáng cho bao thế hệ người Việt Nam nói chung và Hà Tĩnh nói riêng noi theo và tiếp bước.
Sinh thời Nguyễn Du từng băn khoăn: “Ba trăm năm nữa ta đâu biết/ Thiên hạ ai người khóc Tố Như”. Thế nhưng 200 năm sau - vào năm 1965, Hội đồng Hòa bình thế giới đã công nhận Ông là Danh nhân Văn hóa trên trái đất này. Thời điểm đó, trong hoàn cảnh đất nước còn chia cắt, chiến tranh hết sức ác liệt, nhưng Đảng và Nhà nước ta đã chỉ đạo tổ chức kỷ niệm ngày sinh của Đại thi hào một cách trọng thể, rộng khắp, đặc biệt là ở quê hương Hà Tĩnh. Đó là mốc lớn trong việc nghiên cứu, đánh giá, khẳng định, tôn vinh Nguyễn Du và Truyện Kiều. Từ đó đến nay, các hoạt động nghiên cứu, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hoá, văn học của Nguyễn Du được tiến hành sâu rộng và thu nhiều kết quả mới.
Năm 2010, các hoạt động kỷ niệm năm sinh và năm mất Đại thi hào Nguyễn Du được gắn với sự kiện Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Năm nay, kỷ niệm 247 năm sinh Nguyễn Du, nhiều hoạt động văn hóa, hội thảo khoa học về Ông tiếp tục khẳng định quan điểm kính trọng và tôn vinh hiền tài của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta trong giai đoạn hiện nay.
Phát huy truyền thống văn hóa, cách mạng của quê hương đại thi hào Nguyễn Du, trong những năm qua, Hà Tĩnh đã đạt được nhiều kết quả to lớn trên các lĩnh vực. Cùng với việc tập trung cao cho nhiệm vụ phát triển kinh tế là trọng tâm, xây dựng Đảng là then chốt, tỉnh ta đã chú trọng xây dựng và phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa - xã hội. Trong đó đã quan tâm đầu tư khai thác các tiềm năng, lợi thế về văn hoá, du lịch, nhất là hệ thống di sản văn hoá vật thể và phi vật thể trên địa bàn để đảm bảo phát triển hài hoà, bền vững. Đối với di sản văn hoá Nguyễn Du và dòng họ Nguyễn - Tiên Điền, tỉnh đã phát huy có hiệu quả các nguồn lực để xây dựng nơi đây trở thành một trung tâm văn hoá - du lịch trọng điểm của tỉnh và quốc gia. Khu di tích đã được xếp hạng quốc gia từ năm 1960, năm nay đón nhận Bằng di tích quốc gia đặc biệt. Đó là những tình cảm kính trọng, ngưỡng mộ và tự hào về Ông của các thế hệ hôm nay với tấm lòng thành kính nhất.
Tin mới cập nhật
- Phòng dịch Covid-19 ở Hà Tĩnh: Tổng hợp sức mạnh của ý Đảng - lòng dân ( 24/04)
- Hà Tĩnh vận động đoàn viên, hội viên, các tầng lớp nhân dân thực hiện tốt chủ trương sáp nhập xã ( 19/07)
- Tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động ( 30/01)
- Hội viên Hội Cựu chiến binh tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước ( 08/01)
- Tổ chức đoàn cần họp ít, nói thuyết phục, làm hiệu quả ( 08/01)
- Tăng cường quản lý hoạt động báo chí trên địa bàn Hà Tĩnh ( 04/01)