Mỗi người dân cần tự nâng cao ý thức khi tham gia các lễ hội đầu xuân
EmailPrintAa
15:40 07/02/2014

 

Nhằm giữ gìn và phát huy những truyền thống văn hóa của dân tộc, cùng với sự đầu tư của Nhà nước, những năm gần đây, các địa phương đã quan tâm đến việc trùng tu các di tích lịch sử, đền chùa... thành khu du lịch tâm linh, nơi sinh hoạt văn hoá của cộng đồng. Vào dịp đầu xuân mới, các địa phương đều tổ chức nhiều hoạt động lễ hội hết sức ý nghĩa.

Lễ hội và các hoạt động liên quan có ý nghĩa giáo dục ý thức cộng đồng, khơi dậy truyền thống yêu nước, nâng cao sự hiểu biết đối với các di tích, nhân vật lịch sử, giá trị văn hoá tinh thần của dân tộc trong mọi tầng lớp nhân dân. Lễ hội được ví như cây cầu nối giữa quá khứ với hiện tại, là đòn bẩy kích cầu cho các hoạt động văn hoá, du lịch, góp phần quảng bá hình ảnh của địa phương đến với du khách, bạn bè trong nước, quốc tế. Việc đi đền chùa, cầu phúc, cầu an, cầu may mắn là nhu cầu tinh thần rất chính đáng của bản thân mỗi cá nhân, gia đình. Trong cuộc sống, mỗi cá nhân đều mang những tâm nguyện khác nhau, song do nhiều điều kiện chủ quan và khách quan chưa thể thành hiện thực nên họ gửi gắm ước nguyện đó vào thế giới tâm linh. Ở khía cạnh này, việc tham gia các hoạt động lễ hội đền chùa có ý nghĩa tích cực giúp mỗi người vượt qua khó khăn, thử thách trong cuộc sống. Tuy nhiên, chứng kiến việc tổ chức lễ hội từ trước đến nay, nhất là trên địa bàn tỉnh ta vẫn thấy còn nhiều bất cập. Bất cập từ công tác tổ chức như đảm bảo an ninh trật tự, giữ xe, vệ sinh công cộng, tuyên truyền, quy hoạch các điểm vui chơi, giải trí, dịch vụ... cho đến ý thức tham gia của người dân, du khách với những hành xử thiếu văn minh như chen lấn, xô đẩy, đốt vàng mã tràn lan, xả rác bừa bãi, thắp hương, cúng tiền, đặt lễ vật không đúng nơi quy định. Không ít người vẫn đặt tiền, lễ vật trên cánh tay phật, hành lang ra vào, lấy nhầm lễ của người khác. Vào chốn cửa phật, cửa đền nhưng vẫn phải thực hiện cơ chế "xin-cho" trên mối quan hệ quen biết mới được làm lễ trước. Nhiều thầy "cúng" phải chạy xô do quá đông khách nên có hiện tượng làm ẩu, đọc sai sớ... Những hình ảnh phản cảm ấy quả là không hiếm vào những dịp đầu năm ở nhiều đền chùa, nhất là những địa điểm tâm linh lớn, có uy tín. Chưa hết, không ít cá nhân, tổ chức tham gia dường như vẫn đi chùa, đền theo kiểu phong trào, chạy theo tâm lý đám đông. Nhiều người tranh thủ đi trong thời gian rất gấp gáp để đến được nhiều địa điểm nên tranh giành, xô đẩy nhau, phát ngôn thiếu văn hoá ngay tại những nơi linh thiêng nhất. Lễ vật đi chùa thường chuẩn bị rất tốn kém, rườm rà hết sức lãng phí gây ô nhiễm môi trường.

Khắc phục những biểu hiện trên, đòi hỏi các ban, ngành, địa phương cần phối hợp vào cuộc quyết liệt để đưa các hoạt động lễ hội vào nền nếp theo đúng tinh thần Chỉ thị 27-CT/TW ngày 12/1/1998 của Bộ Chính trị (khoá VIII), Chỉ thị 20-CT/TU của Tỉnh uỷ Hà Tĩnh về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, tang, lễ hội. Song muốn tạo được sự thay đổi thực sự thì ý thức của người dân vẫn là yếu tố quyết định. Mỗi cá nhân, tổ chức khi tham gia cần phải nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành tốt nội quy, quy định của các lễ hội, ngoài thắp hương, cầu bình an, may mắn cần tìm hiểu giá trị lịch sử, các trò chơi để nâng cao hiểu biết về các giá trị văn hoá truyền thống của vùng đất, con người. Quan trọng nhất, mỗi người phải nhận thức được rằng thắp hương, làm lễ là để gửi gắm tâm nguyện của bản thân vào thế giới tâm linh, tìm kiếm động lực tinh thần. Việc thực hiện được nó hay không phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó nỗ lực của bản thân là điều quyết định. Không cứ phải chen chúc, giẫm đạp nhau, đặt vào điện thờ thật nhiều lễ vật, thật nhiều tiền mới là thành tâm mà quan trọng vẫn là sự thành tâm trong chính suy nghĩ, hành vi để có thái độ sống tích cực.

Thiên Nhẫn


    Ý kiến bạn đọc