Lấy ý kiến nhân dân về sửa đổi ,bổ sung Hiến pháp là một sự kiện chính trị có ý nghĩa đặc biệt quan trọng của đất nước. Nhân dịp này, báo Hà Tĩnh có cuộc phỏng vấn đồng chí Thiều Đình Duy - UVBTV T.U, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh,phó trưởng ban thường trực Ban chỉ đạotổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
- Xin đồng chí cho biết việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 tập trung vào những vấn đề gì?
Hiến pháp năm 1992 được ban hành trong bối cảnh những năm đầu thực hiện công cuộc đổi mới đất nước cho Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng (năm 1986) đề ra và để thể chế hóa Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH năm 1991. Hiến pháp năm 1992 đã tạo cơ sở chính trị - pháp lý quan trọng cho việc thực hiện công cuộc đổi mới. Qua 20 năm thực hiện Hiến pháp năm 1992, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử.
Đến nay, đất nước ta đã có nhiều thay đổi trong bối cảnh tình hình quốc tế có những biến đổi to lớn, sâu sắc và phức tạp. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (bổ sung, phát triển năm 2011) và các văn kiện khác của Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng đã xác định mục tiêu, định hướng phát triển toàn diện, bền vững đất nước trong giai đoạn cách mạng mới nhằm xây dựng nước Việt Nam XHCN dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Vì vậy, việc sửa đổi Hiến pháp năm 1992 để đảm bảo đổi mới đồng bộ cả về kinh tế và chính trị, xây dựng nhà nước pháp quyền Việt Nam XHCN của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, bảo đảm tốt hơn quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; xây dựng và bảo vệ đất nước; tích cực và chủ động hội nhập quốc tế.
So với Hiến pháp năm 1992, dự thảo sửa đổi Hiến pháp có 11 chương, 124 điều (giảm 1 chương, 23 điều; giữ nguyên 14 điều; sửa đổi, bổ sung 99 điều và bổ sung 11 điều mới), tập trung vào các nội dung: lời nói đầu; chế độ chính trị; quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường; bảo vệ Tổ quốc; bộ máy nhà nước; hiệu lực của Hiến pháp và quy trình sửa đổi Hiến pháp.
- Theo đồng chí ,việc tổ chức lấy ý kiến của nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 như thế nào để đạt hiệu quả?
Ngày 23/11/2012, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 38/2012/QH13 về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992; Bộ Chính trị đã có Chỉ thị số 22-CT/T.Ư ngày 28/12/2012, Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã có Kế hoạch số 216/KH-UBDTSĐHP về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Để việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đạt hiệu quả, đảm bảo khoa học, công khai, dân chủ, đúng tiến độ, chất lượng, thiết thực và tiết kiệm, cần thực hiện tốt một số nội dung sau:
Trước hết, các cấp ủy, tổ chức đảng cần quán triệt và thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Hội nghị lần thứ 2 và Kết luận Hội nghị lần thứ 5 của BCH T.Ư Đảng khóa XI, Nghị quyết của Quốc hội, Chỉ thị của Bộ Chính trị, Chỉ thị của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Các cấp ủy đảng cần coi đây là nhiệm vụ trọng tâm trong quý I/2013, quán triệt trong toàn thể đảng viên về mục đích, quan điểm, định hướng trong việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp. Lãnh đạo tổ chức, đơn vị do mình phụ trách tổ chức triển khai thực hiện lấy ý kiến nhân dân phù hợp với tình hình thực tế và nhiệm vụ ở cơ quan, tổ chức, đơn vị và địa phương.
Thứ hai, các cơ quan được giao nhiệm vụ tổ chức lấy ý kiến nhân dân cần đề cao trách nhiệm chính trị, phát huy dân chủ, tiếp nhận, tổng hợp và báo cáo đầy đủ, chính xác, kịp thời ý kiến đóng góp của nhân dân. Đồng thời chủ động đề phòng các đối tượng xấu, bất mãn, tiêu cực, các thế lực thù địch lợi dụng dân chủ trong việc góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp để xuyên tạc, bôi nhọ, chống phá Đảng và Nhà nước ta; truyền bá những tư tưởng sai trái với chủ trương, đường lối, quan điểm của Đảng.
Thứ ba, mỗi người dân, cán bộ, đảng viên phải xác định việc góp ý cho dự thảo sửa đổi Hiến pháp là quyền lợi, trách nhiệm của mình, nhằm góp phần xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam, nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.
Đối với tỉnh ta, sau khi tiếp thu và nghiên cứu các văn bản của T.Ư, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực HĐND, UBND tỉnh và các sở, ngành liên quan đã khẩn trương, tích cực chuẩn bị các nội dung cho việc tổ chức lấy kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Ở tỉnh đã thành lập BCĐ, tổ giúp việc, ban hành chỉ thị, kế hoạch hướng dẫn triển khai việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân. Theo kế hoạch, Thường trực HĐND tỉnh phối hợp với UBND, UB MTTQ tỉnh, Đoàn ĐBQH tỉnh tổ chức việc tuyên truyền, phổ biến nội dung Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992; tổ chức họp chuyên đề của HĐND tỉnh để thảo luận tham gia ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp; tổ chức hội nghị ở cấp tỉnh lấy ý kiến đóng góp vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp với thành phần theo quy định của T.Ư; hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc công tác tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp của các sở, ban, ngành và các đơn vị trực thuộc ở địa phương v.v…
- Để việc lấy ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đạt kết quả tốt, đồng chí muốn nhắn nhủ gì tới nhân dân tỉnh nhà?
Việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 là một đợt sinh hoạt chính trị quan trọng, rộng lớn trong toàn Đảng, toàn dân và cả hệ thống chính trị nhằm phát huy quyền làm chủ, trí tuệ của các tầng lớp nhân dân, của các cấp, ngành, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của mỗi cá nhân, cơ quan, tổ chức đối với việc sửa đổi Hiến pháp, thi hành Hiến pháp, pháp luật và góp phần xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.
Thắng lợi từ sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 một lần nữa khẳng định sự lựa chọn chế độ chính trị của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng hơn 80 năm qua, đồng thời khẳng định con đường phát triển đất nước theo định hướng XHCN đã được ghi trong Cương lĩnh 1991 và 2011 của Đảng.
Thời gian triển khai việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 không nhiều, vì vậy, tôi đề nghị toàn thể nhân dân, cán bộ và đảng viên phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm, trí tuệ và tâm huyết, đóng góp nhiều ý kiến thiết thực, chất lượng vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp. BCĐ của tỉnh và các địa phương sẽ có trách nhiệm tổng hợp kịp thời, chính xác, đầy đủ các ý kiến, phán ánh của nhân dân vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp và các cơ quan hữu quan theo quy định.
- Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!
Tin mới cập nhật
- Phòng dịch Covid-19 ở Hà Tĩnh: Tổng hợp sức mạnh của ý Đảng - lòng dân ( 24/04)
- Hà Tĩnh vận động đoàn viên, hội viên, các tầng lớp nhân dân thực hiện tốt chủ trương sáp nhập xã ( 19/07)
- Tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động ( 30/01)
- Hội viên Hội Cựu chiến binh tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước ( 08/01)
- Tổ chức đoàn cần họp ít, nói thuyết phục, làm hiệu quả ( 08/01)
- Tăng cường quản lý hoạt động báo chí trên địa bàn Hà Tĩnh ( 04/01)