Trong giai đoạn hiện nay, khi tỉnh nhà đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, vừa tạo ra nhiều cơ hội nhưng cũng đặt ra nhiều vấn đề đòi hỏi công tác vận động quần chúng phải có sự đổi mới, góp phần giữ vững ổn định chính trị, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân. Một trong những nhiệm vụ cơ bản của công tác dân vận hiện nay là hướng về cơ sở, bám sát địa bàn, phát huy vai trò công tác vận động quần chúng tham gia xây dựng, củng cố tổ chức cơ sở (TCCS) đảng trong sạch, vững mạnh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh.
Nhờ thường xuyên đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, những năm qua, công tác dân vận đã đạt được nhiều thành tựu, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, tạo thành sức mạnh tổng hợp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh. Mối quan hệ giữa những người làm công tác dân vận và đội ngũ cán bộ, đảng viên trong các TCCS đảng được tăng cường; vị trí, vai trò của hệ thống dân vận bên cạnh các TCCS đảng ngày càng được củng cố. Lực lượng dân vận đã làm tốt công tác tham mưu trong việc hoạch định đường lối, chủ trương của Đảng; do vậy đã tập hợp, vận động được đông đảo cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước và bảo vệ Tổ quốc.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác dân vận còn có một số hạn chế như: trình độ và năng lực của một bộ phận cán bộ làm công tác dân vận, nhất là cán bộ ở cơ sở chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới; một số nơi, sự phối hợp giữa đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận và cấp ủy các cấp chưa thực sự đồng bộ, chặt chẽ; chế độ, chính sách cho đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận còn bất cập; công tác vận động quần chúng tham gia xây dựng Đảng còn hạn chế.
Để công tác dân vận thực sự đóng góp vào công tác xây dựng Đảng có hiệu quả, góp phần tích cực phát huy được vai trò, vị trí của TCCS đảng, nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng ở cơ sở, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, theo chúng tôi cần tập trung thực hiện tốt các nội dung và biện pháp cơ bản sau:
- Quan tâm lãnh đạo, đổi mới và nâng cao chất lượng công tác dân vận trong đội ngũ cán bộ, đảng viên.Lấy vận động, thuyết phục, giác ngộ, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân làm chính. Công tác vận động quần chúng phải đa dạng, phong phú và hấp dẫn. Coi trọng và phát huy tính chủ động, sáng tạo của đội ngũ cán bộ, đảng viên trong công tác dân vận. Đẩy mạnh phong trào xây dựng làng, xã văn hoá, công sở văn minh. Làm cho cán bộ, đảng viên và nhân dân thật sự thống nhất về ý chí và hành động. Đó cũng là nền tảng của sức mạnh thống nhất giữa ý Đảng với lòng dân.
- Xây dựng và thực hiện nghiêm túc chế độ làm việc theo quy chế, chương trình, kế hoạch, chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan trong hệ thống chính trị.Đổi mới tác phong làm việc theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Thực hiện Quyết định 202 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị đảm bảo tính khoa học trong tổ chức thực hiện của TCCS đảng, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể ở địa phương, cơ quan, đơn vị. TCCS đảng cần tiếp tục sửa đổi, bổ sung hoàn thiện và thực hiện nghiêm quy chế làm việc, đồng thời lãnh đạo các cơ quan chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể xây dựng quy chế, phối hợp trong triển khai thực hiện nghị quyết của Đảng và chính sách của Nhà nước. Duy trì thường xuyên chế độ thông tin, báo cáo; ứng dụng công nghệ thông tin; chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện cải cách hành chính để giảm bớt phiền hà, tốn kém cho nhân dân.
- Trên cơ sở nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân và tình hình cụ thể của địa phương, cán bộ làm công tác dân vận phải được tích cực tham gia vào quá trình ban hành chỉ thị, nghị quyết. Để chỉ thị, nghị quyết đáp ứng được đòi hỏi của thực tiễn cuộc sống.
Sau khi có chỉ thị, nghị quyết phải tổ chức phân công từng thành viên phụ trách cụ thể trên từng mặt công tác để phát huy tính năng động, sáng tạo và tinh thần quyết đoán, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, đảng viên, tránh tư tưởng dựa dẫm, ỷ lại vào tập thể. Đồng thời, phải tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân; chú ý lắng nghe ý kiến đóng góp của nhân dân; dựa vào nhân dân thường xuyên kiểm tra, giám sát quá trình triển khai thực hiện chỉ thị, nghị quyết để lãnh đạo thấy rõ tình hình từng địa phương, đơn vị.
- Thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách và mở rộng dân chủ trong tổ chức và sinh hoạt Đảng trong hệ thống chính trị. Tập trung dân chủ là nguyên tắc sống còn của Đảng ta, vì vậy, các tổ chức Đảng phải giữ vững nguyên tắc này. Trong tình hình hiện nay, nhiều TCCS đảng đã và đang vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ ở mức độ và hình thức khác nhau, có nơi thì dân chủ hình thức, có nơi thì độc đoán chuyên quyền, vi phạm kỷ luật, kỷ cương. Do vậy, các TCCS đảng cần phải thực hiện đúng nguyên tắc tập trung dân chủ trong tổ chức, sinh hoạt và lãnh đạo. Có như vậy mới phát huy được đầy đủ trí tuệ và năng lực của đội ngũ cán bộ, đảng viên.
- Phải thật sự gần gũi với nhân dân, nói đi đôi với làm và làm có hiệu quả.Hiện nay có một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức cư trú, sinh sống trên các địa bàn dân cư, nhưng lại xa dân và không hiểu dân, nói không đi đôi với làm. Những biểu hiện đó đã gây phản cảm cho nhân dân và sự bất bình trong xã hội. Do vậy, gần gũi nhân dân, gặp gỡ, đối thoại trực tiếp với đảng viên và nhân dân phải được coi là một tiêu chí để đánh giá phẩm chất của cán bộ, đảng viên hiện nay. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: Việc dân vận rất quan trọng "Dân vận kém thì việc gì cũng kém, dân vận khéo thì việc gì cũng thành công".Sâu sát, gần gũi với nhân dân không những để nắm tâm tư, tình cảm, nguyện vọng chính đáng của nhân dân mà còn học tập được ở nhân dân nhiều kinh nghiệm hay, cách làm tốt, đưa lại hiệu quả thiết thực trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ của mình.
Với tư cách là hạt nhân lãnh đạo chính trị của Đảng ở cơ sở, các TCCS đảng cần tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo công tác vận động quần chúng. Thông qua đó, phát huy được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và khối đại đoàn kết toàn dân. Đó cũng là một trong những điều kiện quan trọng bảo đảm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2010 - 2015), đưa Hà Tĩnh trở thành tỉnh có công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ phát triển.
Mai Lê Thuộc, BDV
Tin mới cập nhật
- Phòng dịch Covid-19 ở Hà Tĩnh: Tổng hợp sức mạnh của ý Đảng - lòng dân ( 24/04)
- Hà Tĩnh vận động đoàn viên, hội viên, các tầng lớp nhân dân thực hiện tốt chủ trương sáp nhập xã ( 19/07)
- Tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động ( 30/01)
- Hội viên Hội Cựu chiến binh tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước ( 08/01)
- Tổ chức đoàn cần họp ít, nói thuyết phục, làm hiệu quả ( 08/01)
- Tăng cường quản lý hoạt động báo chí trên địa bàn Hà Tĩnh ( 04/01)