Một số nội dung mới của Hiến pháp (sửa đổi)
EmailPrintAa
09:56 06/12/2013

Hiến pháp (sửa đổi) gồm 11 chương, 120 điều (giảm 1 chương và 27 điều so với Hiến pháp năm 1992) có hiệu lực từ ngày 1/1/2014...

Hiến pháp là đạo luật cơ bản của Nhà nước, có hiệu lực pháp lý cao nhất, thể hiện bản chất của Nhà nước và chế độ, điều chỉnh những quan hệ xã hội cơ bản, quan trọng nhất. Thực hiện nghị quyết của Quốc hội khóa XIII về việc sửa đổi Hiến pháp năm 1992, từ năm 2011 đến nay, Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội, các ĐBQH và các cơ quan, tổ chức hữu quan đã xác định sửa đổi, bổ sung Hiến pháp là nhiệm vụ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, dành nhiều thời gian, công sức và tâm huyết cho công việc này. Quốc hội, từng ĐBQH đã làm việc tận tụy với tinh thần khoa học, lắng nghe, thấu hiểu, tiếp thu, chắt lọc tinh hoa trí tuệ của đồng bào và chiến sĩ cả nước, đồng bào ta ở nước ngoài, các cấp, ngành với sự tham gia của cả hệ thống chính trị để hoàn thiện Hiến pháp.

Hiến pháp được thông qua tại kỳ họp này gồm 11 chương, 120 điều (giảm 1 chương và 27 điều so với Hiến pháp năm 1992) có hiệu lực từ ngày 1/1/2014. Hiến pháp (sửa đổi) quy định bao quát hầu hết các quyền cơ bản về chính trị, dân sự, KT-XH, văn hóa của con người; làm rõ hơn các quyền, nghĩa vụ cơ bản của công dân và trách nhiệm của Nhà nước trong việc bảo đảm thực hiện quyền con người, quyền công dân; thể hiện rõ bản chất dân chủ của Nhà nước ta, khẳng định nền tảng vững chắc của chính quyền nhân dân là liên minh giữa giai cấp công nhân, giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức.

Các đại biểu bấm nút biểu quyết thông qua Hiến pháp sửa đổi - Ảnh: Việt Dũng - TTO

Hiến pháp (sửa đổi) tiếp tục quy định Đảng lãnh đạo Nhà nước và xã hội; thể hiện một cách khái quát nhất nguyên tắc tổ chức và thực hiện quyền lực nhà nước, về vị trí, vai trò quan trọng và chức năng cơ bản của MTTQ Việt Nam và Công đoàn Việt Nam, về vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước; khẳng định vai trò của Nhà nước và kinh tế nhà nước trong việc định hướng, điều tiết sự phát triển của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN; làm rõ thẩm quyền của Chủ tịch nước trong từng lĩnh vực lập pháp, hành pháp, tư pháp và làm rõ hơn vai trò của Chủ tịch nước trong thống lĩnh LLVT; phân biệt rõ nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ trong việc đề xuất, xây dựng chính sách; phân định rõ thẩm quyền của tập thể Chính phủ trong việc tổ chức đàm phán, ký điều ước quốc tế; quyết định việc ký, gia nhập, phê duyệt hoặc chấm dứt hiệu lực điều ước quốc tế; quy định một cách tổng quát về mô hình tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, nguyên tắc hoạt động của TAND, Viện KSND, Kiểm toán Nhà nước; quy định khái quát “Chính quyền địa phương được tổ chức ở các đơn vị hành chính của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam. Cấp chính quyền địa phương gồm có HĐND và UBND được tổ chức phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt do luật định”...

Đồng thời, Hiến pháp cũng đã bổ sung một số quy định mới, như quy định về bản chất của Đảng; quy định về trách nhiệm của Đảng phải gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình, các tổ chức của Đảng và đảng viên hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật; quy định Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính dưới tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư; phê chuẩn các phó chủ tịch, ủy viên Hội đồng Dân tộc và các phó chủ nhiệm, ủy viên ủy ban của Quốc hội; phê chuẩn để Chủ tịch nước bổ nhiệm, cử, triệu hồi đại sứ; quy định về đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, đơn vị hành chính tương đương với quận, huyện, thị xã thuộc thành phố trực thuộc T.Ư; chế định Hội đồng Bầu cử quốc gia; bổ sung và khẳng định rõ hơn vai trò của MTTQ Việt Nam là đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội, giám sát, phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, hoạt động đối ngoại nhân dân...

Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam (sửa đổi) đã thể hiện được ý Đảng, lòng dân, tinh thần dân chủ, đổi mới, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền và phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới.

Để Hiến pháp sớm đi vào cuộc sống, Quốc hội đã ban hành nghị quyết quy định một số điểm thi hành Hiến pháp, trong đó quy định hiệu lực của Hiến pháp; việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan nhà nước; việc sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các luật, pháp lệnh và các văn bản quy phạm pháp luật khác được ban hành trước ngày Hiến pháp mới có hiệu lực; trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức ở T.Ư và địa phương trong việc tổ chức thi hành, tuyên truyền, phổ biến sâu rộng nội dung của Hiến pháp để bảo đảm Hiến pháp được tuân thủ và nghiêm chỉnh chấp hành trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.


    Ý kiến bạn đọc