Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI khẳng định: phát triển kinh tế nhanh, bền vững, đồng thời “thực hiện có hiệu quả tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm an sinh xã hội trong từng bước và từng chính sách phát triển”. Bảo đảm an sinh xã hội trở thành một trong những vấn đề trung tâm trong chiến lược phát triển đất nước.
Hiện nay, Việt Nam đang phấn đấu đến năm 2020 hệ thống an sinh xã hội sẽ bao phủ khắp toàn dân. Để thực hiện thành công mục tiêu đó, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đóng một vai trò hết sức quan trọng, là cầu nối đưa chính sách tín dụng ưu đãi của Nhà nước đến với hộ nghèo và các đối tượng chính sách; tạo điều kiện để người dân tiếp cận dễ dàng hơn với chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước.
Thực hiện chương trình an sinh xã hội, Ngân hàng chính sách xã hội Hà Tĩnh đã đóng vai trò rất tích cực và đạt được những kết quả rõ nét. Tổng nguồn vốn tính đến cuối năm 2012 là 2.999 tỷ đồng, tăng 2.770 tỷ đồng so với đầu năm 2003 (tăng 12,6 lần, tốc độ tăng bình quân là 33,2%). NHCSXH vừa nhận bàn giao chương trình cho vay hộ nghèo từ NHNo&PTNT, cho vay giải quyết việc làm từ Kho bạc Nhà nước, vừa triển khai cho vay các chương trình tín dụng mới. Từ 2 chương trình tín dụng khi mới thành lập, đến nay đã cho vay 12 chương trình tín dụng (có 11 chương trình của Trung ương, 01 chương trình của địa phương). Doanh số cho vay trong 10 năm qua đạt 5.068 tỷ đồng, với 412 ngàn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn, doanh số thu nợ là 2.286 tỷ đồng. Tổng dư nợ đến 31/12/2012 là 2.994 tỷ đồng, tăng 2.783 tỷ đồng so với khi mới thành lập (tăng 13,2 lần), với gần 194 ngàn khách hàng; dư nợ bình quân 01 hộ năm 2003 là 2,9 triệu đồng, đến năm 2012 là 15,5 triệu đồng (tăng 5,3 lần); dư nợ bình quân 01 xã năm 2003 là 0,8 tỷ đồng, đến năm 2012 là 11,4 tỷ đồng (tăng 14,2 lần).
Trong 12 chương trình cho vay, có 11 chương trình uỷ thác từng phần thông qua các tổ chức: Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh và Đoàn Thanh niên. Đến nay có 48 hội cấp huyện, 877 hội cấp xã và 4.187 tổ tiết kiệm và vay vốn tham gia làm ủy thác; dư nợ là 2.969 tỷ đồng, chiếm 99% tổng dư nợ. Thông qua phương thức cho vay uỷ thác, vốn được giải ngân nhanh chóng, quản lý theo mô hình tổ tiết kiệm và vay vốn có sự giám sát của Hội đoàn thể; bình xét công khai, dân chủ từ cơ sở, giúp người nghèo và các đối tượng chính sách vay vốn thuận lợi, tiết kiệm chi phí và thời gian.
Bên cạnh việc tạo điều kiện thuận lợi cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách vay vốn phát triển kinh tế, NHCSXH Hà Tĩnh luôn coi trọng nhiệm vụ thu nợ đến hạn và chú trọng công tác xử lý các khoản nợ bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh, rủi ro bất khả kháng, tạo điều kiện cho người vay khắc phục thiệt hại, khôi phục sản xuất để có điều kiện trả nợ. Trong 10 năm qua, NHCSXH đã trình cấp có thẩm quyền xử lý số thiệt hại do nguyên nhân khách quan là 2.880 hộ, với số tiền 11,8 tỷ đồng; trong đó đề nghị khoanh nợ 2.528 hộ, với số tiền 9,3 tỷ đồng, xóa nợ 352 hộ, số tiền là 2,5 tỷ đồng. Số nợ đang đề nghị trong năm 2012 chưa xử lý là 345 hộ, số tiền 2,2 tỷ đồng.
Tổng số nợ xấu tính đến 31/12/2012 là 10,8 tỷ đồng, tỷ lệ 0,36% (giảm 4,84% so với năm 2003); trong đó nợ quá hạn là 8,6 tỷ đồng, tỷ lệ 0,29% (giảm 3,24% so với 2003). Một số xã thực hiện tốt việc thu hồi nợ đến hạn, quá hạn như: Kỳ Phú, Kỳ Hà, Kỳ Sơn (huyện Kỳ Anh); Cẩm Bình, Cẩm Mỹ (huyện Cẩm Xuyên); Xuân Phổ, Xuân Thành (huyện Nghi Xuân); Sơn Tân, Sơn Phúc, Sơn Thọ (huyện Hương Sơn); Trung Lễ (huyện Đức Thọ)…
Sau 10 năm hoạt động (2003 - 2013), NHCSXH đã tạo điều kiện cho hộ nghèo, hộ chính sách tiếp cận dễ dàng với vốn ưu đãi; đồng thời khẳng định chủ trương tập trung các nguồn vốn có nguồn gốc từ ngân sách vào một đầu mối, tách tín dụng chính sách ra khỏi tín dụng thương mại để thực hiện mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội là phù hợp với tiến trình đổi mới nền kinh tế và xu thế hội nhập quốc tế.
Về hiệu quả kinh tế: Các chính sách tín dụng ưu đãi đã góp phần tích cực thực hiện mục tiêu xóa đói giảm nghèo, an sinh xã hội, khắc phục tình trạng thiếu vốn sản xuất, tạo việc làm cho gần 113 ngàn lao động; gần 102 ngàn hộ thoát ngưỡng đói nghèo, trên 41 ngàn hộ cải thiện đời sống; gần 45 ngàn hộ có chuyển biến nhận thức, thay đổi cung cách làm ăn mang lại hiệu quả kinh tế ngày càng cao; 2.064 lao động đi làm việc ở nước ngoài; trên 112 ngàn học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng gần 64 ngàn công trình nước sạch và vệ sinh nông thôn; xây dựng, sửa chữa trên 10 ngàn căn nhà ở cho hộ nghèo, gần 100 nhà chòi cho hộ nghèo tránh lũ; khôi phục, phát triển một số ngành nghề truyền thống như chế biến nước mắm, chế biến gỗ, rèn đúc, chăn nuôi gia súc, gia cầm…
Về hiệu quả chính trị xã hội: Thông qua thực hiện các chính sách tín dụng ưu đãi đã gắn kết cấp ủy, chính quyền, các hội đoàn thể với nhân dân, thu hút các đoàn viên, hội viên tích cực tham gia hoạt động đoàn thể; nhân dân tin tưởng hơn vào chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Các hộ nghèo, hộ chính sách được nâng cao nhận thức, thay đổi cách nghĩ, cách làm, biết phát huy nội lực, tự vươn lên trong sản xuất để tăng thu nhập, từng bước giảm nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng. Vốn tín dụng chính sách đã góp phần thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới, làm cho nông thôn khởi sắc, đảm bảo các mục tiêu phát triển kinh tế, văn hoá - xã hội của địa phương; hạn chế nạn cho vay nặng lãi; thắt chặt hơn tình làng nghĩa xóm, gắn kết cộng đồng; góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh từ 20,5% năm 2002 xuống còn 10,5% năm 2005 (theo tiêu chí giai đoạn 2000 - 2005); giảm từ 38,89% năm 2006 xuống còn 13,1% năm 2010 (theo tiêu chí giai đoạn 2006-2010) và giảm từ 23,9% năm 2011 xuống còn 14,2% năm 2012 (theo tiêu chí giai đoạn 2011-2015).
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, hoạt động của NHCSXH Hà Tĩnh còn gặp một số khó khăn: Cơ chế tạo lập nguồn vốn chưa đáp ứng đủ nên một số chương trình có mức tăng trưởng và quy mô dư nợ còn thấp. Công tác điều tra, rà soát hộ nghèo chưa kịp thời nên gặp nhiều khó khăn trong việc hỗ trợ, giúp đỡ những hộ nghèo mới phát sinh hoặc tái nghèo do thiên tai, dịch bệnh, ốm đau... Do ảnh hưởng của những rủi ro bất khả kháng xảy ra thường xuyên nên người vay thường bị mất vốn, hiệu quả sử dụng vốn thấp, nợ đến hạn không có khả năng trả. Một số hộ dân có tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào chính sách của nhà nước, đến hạn không có ý thức trả nợ dẫn đến tỷ lệ nợ quá hạn còn cao. Cơ chế cho vay một số chương trình chưa phù hợp với thực tiễn; mức cho vay còn thấp, người vay gặp rủi ro trong quá trình vay vốn; khá nhiều học sinh, sinh viên vay vốn sau khi tốt nghiệp ra trường không tìm được việc làm, gia đình có hoàn cảnh đặc biệt nên việc trả nợ đến hạn rất khó khăn. Việc bình xét cho vay ở một số xã chưa minh bạch, thiếu dân chủ, khách quan, còn có hộ sử dụng vốn sai mục đích. Sự phối hợp trong việc cho vay giữa các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, các hoạt động hỗ trợ công tác xóa đói giảm nghèo, khuyến nông, khuyến lâm, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất, thị trường tiêu thụ sản phẩm ... hiệu quả chưa cao, làm cho việc sử dụng vốn tín dụng ưu đãi còn nhiều hạn chế.
Để góp phần thực hiện có hiệu quả chính sách an sinh xã hội trên địa bàn, thời gian tới, Ngân hàng chính sách xã hội Hà Tĩnh tiếp tục triển khai thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
- Thực hiện đầy đủ, kịp thời các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, hướng dẫn của NHCSXH Trung ương về tín dụng giảm nghèo, an sinh xã hội; tranh thủ, phát huy sức mạnh tổng hợp của xã hội hướng vào mục tiêu quốc gia xóa đói giảm nghèo, theo phương châm “Trung ương và địa phương cùng làm”, “Nhà nước và nhân dân cùng làm”.
- Tập trung nâng cao chất lượng tín dụng; thực hiện công khai cơ chế, chính sách, qui trình, thủ tục vay vốn; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, sâu sát với cơ sở, phát hiện, xử lý kịp thời các vướng mắc; ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý; chấp hành chế độ hạch toán kế toán, quản lý vốn, tài sản, tiết kiệm chi phí đảm bảo kế hoạch khoán tài chính hằng năm.
- Làm tốt công tác quản trị, điều hành đối với cơ sở theo phương châm “kiên quyết, tập trung, dân chủ và hiệu quả”. Thường xuyên quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ, đào tạo, bố trí sử dụng hợp lý, tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao ý thức chấp hành kỷ luật, kỷ cương, nhiệt tình, tâm huyết, có năng lực chuyên môn, phong cách giao tiếp văn minh, tạo lòng tin đối với khách hàng, phát huy vai trò của các tổ chức đoàn thể trong việc uỷ thác cho vay, quản lý vốn vay và thu hồi nợ đến hạn.
Tin rằng rằng được sự quan tâm, giúp đỡ, lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, cấp uỷ và chính quyền các cấp; sự phối hợp chặt chẽ của các ngành, các hội đoàn thể, cùng với sự nỗ lực, phấn đấu của tập thể cán bộ, công chức, viên chức Chi nhánh NHCSXH Hà Tĩnh sẽ tổ chức triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao, góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu về giảm nghèo, tạo việc làm và đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.
Tuấn Anh - VPTU
Tin mới cập nhật
- Phòng dịch Covid-19 ở Hà Tĩnh: Tổng hợp sức mạnh của ý Đảng - lòng dân ( 24/04)
- Hà Tĩnh vận động đoàn viên, hội viên, các tầng lớp nhân dân thực hiện tốt chủ trương sáp nhập xã ( 19/07)
- Tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động ( 30/01)
- Hội viên Hội Cựu chiến binh tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước ( 08/01)
- Tổ chức đoàn cần họp ít, nói thuyết phục, làm hiệu quả ( 08/01)
- Tăng cường quản lý hoạt động báo chí trên địa bàn Hà Tĩnh ( 04/01)