Ngành Văn hóa, Thể thao & Du lịch Hà Tĩnh với việc thực hiện Nghị quyết TW 5 khóa XVIII
EmailPrintAa
15:50 06/12/2012

Xác định văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội nên nhiều năm qua Đảng và Nhà nước ta đã cho ra đời nhiều nghị quyết, chỉ thị về phát triển văn hóa. Trong đó, nghị quyết TW 5 khóa XVIII (1998) về Xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc là một trong những nghị quyết quan trọng, nhiều ý nghĩa, được đánh giá là văn kiện chuyên đề văn hóa đầu tiên của Đảng "trúng ý Đảng, hợp lòng dân" đặt ra chiến lược xây dựng và phát triển văn hóa nước ta trong thời kỳ CNH, HĐH. Mười lăm năm kể từ ngày nghị quyết ra đời và triển khai, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Tĩnh đã nỗ lực thực hiện bằng nhiều hình thức, biện pháp và đến nay đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Trước hết, để mục đích, ý nghĩa của việc Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc lan tỏa và thấm sâu vào đời sống từng người, từng gia đình, từng tập thể và cộng đồng, ngành Văn hóa, Thể thao & Du lịch Hà Tĩnh đã chú trọng đẩy mạnh và đổi mới các hình thức tuyên truyền. Các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước được đa dạng hóa cả về nội dung và hình thức, các nội dung của nghị quyết, chỉ thị đến với người dân bằng nhiều hình thức như treo panô, ápphích, sinh hoạt CLB văn hoá, nghệ thuật, thơ... Bên cạnh đó, ngành còn tổ chức nhiều hội thảo chuyên đề như: Hội thảo nghiên cứu, quán triệt và áp dụng nội dung chỉ thị 27/TW vào tình hình thực tế Hà Tĩnh năm 1999; Hội thảo về tổ chức mô hình đám cưới văn minh năm 2003. Triển khai nhiều đề tài liên quan đến việc cưới, tang, lễ hội như đề tài “Lễ hội Hà Tĩnh” do nhà nghiên cứu văn hoá Thái Kim Đỉnh chủ trì; đề tài “Dòng họ và ảnh hưởng của văn hoá dòng họ đối với tiến trình xây dựng, phát triển văn hoá làng xã ở Hà Tĩnh” của TS Võ Hồng Hải, ; đề tài Bảo tồn, phục dựng Lễ hội truyền thống Ăn cơm mới (Chăm Cha Bới) của dân tộc Chứt đã được triển khai thành công trong tháng 10/2007 tại bản Rào Tre, xã Hương Liên, Hương Khê. Những chuyên đề, hội thảo ấy một phần khẳng định, quảng bá được những giá trị văn hóa của Hà Tĩnh mặt khác góp phần tìm ra các giải pháp để bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của hệ thống di sản. Công tác tuyên truyền càng đạt hiệu quả cao hơn khi hầu hết các chuyên đề hội thảo khoa học sau đó đều được sở Văn hóa Thông tin (nay là sở VH,TT & DL) tập hợp và xuất bản thành các sách, kỷ yếu như Kỷ yếu Văn hóa làng và xây dựng làng văn hóa (1995)... hay xuất bản các tập sách mới viết về "Di tích danh thắng Hà Tĩnh",  "Danh nhân Hà Tĩnh", "Làng cổ Hà Tĩnh"...Mười lăm năm qua, gần 100 đầu sách đã được ngành xuất bản, tất cả đã góp phần không nhỏ trong việc Xây dựng và phát huy nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc của Hà Tĩnh nói riêng của dân tộc Việt Nam  nói chung. Cùng với đó, việc xuất bản đều đặn hàng tháng Tạp chí Văn hóa Hà Tĩnh - cơ quan ngôn luận của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng là một việc làm thiết thực trong việc thực hiện nghị quyết TW 5 khóa VIII. Bằng các chuyên mục như "Đất nước con người" "Diễn đàn văn hóa""Tư liệu", Đời sống văn hóa hôm nay..., Tạp chí Văn hóa đã chuyển tải các thông tin, kiến thức về văn hóa Hà Tĩnh, văn hóa quá khứ và đương đại cho người đọc. Để đây thực sự là một trong những kênh “tuyên truyền, quảng bá” và “bảo lưu” có hiệu quả các giá trị văn hóa của Hà Tĩnh trong thời gian qua. Nói đến việc chuyển tải các giá trị văn hóa bằng văn hóa đọc, ta cũng không thể không nhắc đến Thư Viện Hà Tĩnh - một trong những đơn vị trực thuộc ngành VH,TT & DL Hà Tĩnh.Với 50 năm xây dựng và trưởng thành, bằng những dữ liệu lưu trữ nơi đây, Thư Viện Hà Tĩnh là một kho tàng kiến thức để người đọc tìm hiểu về văn hóa tỉnh nhà. Để rồi những trang sách, trang tạp chí mà ngành xuất bản hay giới thiệu trở thành nơi khơi dậy tình yêu quê hương, lòng tự hào về văn hóa đất Hồng Lam. Không chỉ qua kênh đọc, Văn hóa Hà Tĩnh còn được năng động thẩm thấu vào tâm thức người dân qua trang truyền hình Văn hóa phát sóng thường kỳ trên đài PTTH Hà Tĩnh. Tuy còn những bất cập vì đây không phải là trang của những người làm nghề chuyên nghiệp nhưng bằng sự am hiểu, vốn kiến thức của chính mình khi xây dựng về ngành mình, những công chức ngành văn hóa đã say sưa tác nghiệp đưa lại những thông tin nóng hổi về ngành, về những hoạt động của ngành cũng như truyền tải bằng hình ảnh về đất nước, con người Hà Tĩnh.

Là một vùng đất có bề dày lịch sử, văn hóa, Hà Tĩnh có một hệ thống di tích lịch sử - văn hóa phong phú và đa dạng, đủ các loại hình như di tích danh thắng, kiến trúc nghệ thuật, khảo cổ học, lịch sử cách mạng; đặc biệt có nhiều di tích nổi tiếng như khu lưu niệm Đại thi hào Nguyễn Du, khu lưu niệm danh y Lê Hữu Trác, khu lưu niệm Tổng Bí thư Trần Phú, Tổng Bí thư Hà Huy Tập, di tích Ngã ba Đồng Lộc, chùa Hương Tích...Trong những năm qua, để Xây dựng và phát triển nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc như nghị quyết TW 5 khóa VIII đã nêu, Hà Tĩnh luôn chú trọng công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa. Trước hết, việc kiểm kê, xếp hạng di tích được tiến hành đúng quy trình, đảm bảo tính khoa học. Khi tái lập tỉnh (1991) trên địa bàn mới chỉ có 16 di tích được xếp hạng cấp quốc gia, nhưng đến nay tổng số di tích cấp quốc gia là 71 di tích, 297 di tích cấp tỉnh, 01 di tích quốc gia đặc biệt quan trọng (Khu lưu niệm Đại thi hào Nguyễn Du). Công tác tu bổ, tôn tạo được quan tâm thường xuyên; nhiều di tích được đầu tư khá lớn từ nguồn chương trình MTQG về văn hóa và nguồn hỗ trợ có mục tiêu của Chính phủ như Khu lưu niệm Đại thi hào Nguyễn Du, Nhà thờ và mộ Nguyễn Công Trứ, nhà thờ và mộ danh y Lê Hữu Trác, Ngã ba Đồng Lộc, Khu lưu niệm TBT Trần Phú, Hà Huy Tập, ... Với phương châm nhà nước và nhân dân cùng làm, nhiều địa phương đã thực hiện tốt công tác xã hội hóa trong việc huy động nguồn lực để trùng tu, tôn tạo di tích như đền Bích Châu, đền Phương Giai, đền thờ và mộ Lê Quảng Ý - Lê Quảng Chí, chùa Hương Tích, chùa Chân Tiên, chùa Yên Lạc, đền Lê Khôi, đền Song Trạng… Hệ thống di tích cấp tỉnh hàng năm cũng được tỉnh hỗ trợ ngân sách chống xuống cấp. Công tác quản lý tại các di tích được tăng cường, xử lý kịp thời tình trạng xâm lấn đất đai, xây dựng trái phép, vi phạm quy chế hoạt động lễ hội... . Việc sưu tầm, kiểm kê, bảo quản hiện vật tại các di tích và bảo tàng tỉnh được tiến hành thường xuyên. Nhà trưng bày tại các khu lưu niệm Trần Phú, Nguyễn Du, Ngã ba Đồng Lộc… đã nâng cấp và chỉnh lý nội dung, hình thức trưng bày, hàng năm thu hút hàng vạn lượt người đến tham quan, tìm hiểu. Ngoài ra, ngành cũng đã chỉ đạo tổ chức trưng bày các chuyên đề lưu động ở nhiều địa phương nhằm mục đích giới thiệu và giáo dục truyền thống văn hóa, cách mạng cho các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ. Công tác sưu tầm, nghiên cứu, tư liệu hóa và phát  huy giá trị văn hóa phi vật thể được quan tâm. Nhiều loại hình di sản văn hóa phi vật thể được thống kê và tiến hành nghiên cứu như: Hát ca Trù của người Việt ở các địa phương (xã Cổ Đạm, huyện Nghi Xuân, xã Kỳ Hưng, huyện Kỳ Anh…,) đến nay Ca Trù đã được UNESCO xếp hạng là di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu của nhân loại cần được bảo vệ khẩn cấp,; hát sắc bùa Kỳ Anh; ví phường vải Trường Lưu; hát giặm Thạch Hà; tổng điều tra văn hóa phi vật thể toàn tỉnh; điều tra làng nghề truyền thống Hà Tĩnh; điều tra di sản văn hóa làng Việt cổ Cương Gián (Nghi Xuân), làng Tùng Ảnh (Đức Thọ), Làng Trường Lưu (Can Lộc); phục dựng trò hát chèo Kiều ở làng Tiên Điền (Nghi Xuân), hò chèo cạn ở làng Nhượng Bạn (Cẩm Xuyên)...Đặc biệt, năm 2012, Sở đã phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nghệ An tổ chức Liên hoan Dân ca xứ Nghệ lần thứ Nhất và lập đề án “Bảo tồn dân ca Ví, Giặm” trình công nhận di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, làm tiền đề trình UNESCO công nhận Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Nhiều lễ hội truyền thống được nâng cấp và tổ chức chu đáo như lễ hội chùa Hương Tích (Can Lộc), lễ hội đền Lê Khôi (Thạch Hà), lễ hội đền Bích Châu (Kỳ Anh), chùa Chân Tiên (Lộc Hà)... Một số lễ hội được phục hồi và phát triển như lễ hội Sỹ nông công thương ở Nghi Xuân, Tri ân phụ mẫu ở Cẩm Xuyên, lễ Báo ân đền thờ Bùi Cầm Hổ ở thị xã Hồng Lĩnh.... Các lễ hội đón nhận bằng di tích lịch sử văn hóa được tổ chức trọng thể với nhiều hình thức đa dạng, hấp dẫn tuỳ theo điều kiện thực tế của từng địa phương đã thực sự trở thành ngày hội lớn của nhân dân trong vùng. Nhiều di tích, di sản văn hoá phi vật thể sau khi được bảo tồn đã phát huy tốt giá trị, vừa góp phần làm đậm đà hơn bản sắc văn hoá quê hương, giáo dục truyền thống, vừa tạo ra tài nguyên độc đáo phục vụ cho hoạt động du lịch, dịch vụ...

Không chỉ chú trọng công tác tuyên truyền, công tác bảo tồn các giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, Hà Tĩnh còn thực hiện nghiêm túc và có hiệu quả Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng văn hóa do TW khởi xướng. 15 năm qua bằng các phong trào thiết thực như xây dựng gia đình văn hóa, khối phố văn hóa...đến nay, toàn tỉnh đã có 249.250/342.929 gia đình văn hóa (72,68%),  1.005/2.287 làng văn hóa (đạt tỷ lệ 43,94%); 198/229 tổ dân phố văn hóa (đạt tỷ lệ 85%). Thông qua phong trào Hà Tĩnh đã xây dựng tốt môi trường văn hóa, văn minh từ gia đình đến thôn, xóm, cơ quan. Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa còn mang ý nghĩa thời đại khi kết hợp với phong trào Nông thôn mới. Thông qua việc kết hợp này, Hà Tĩnh đã và đang nỗ lực để không chỉ xây dựng nền văn hóa "đậm đà bản sắc dân tộc" mà còn là một nền văn hóa "tiên tiến". Trong 19 tiêu chí của bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới có 2 tiêu chí về văn hóa, ngành Văn hóa, Thể thao & Du lịch đang từng bước cùng các địa phương hoàn thành các tiêu chí này. Đặc biệt, Sở còn hưởng ứng giúp đỡ 2 đơn vị là xã Yên Hồ, xã Kỳ Tân theo ký kết chung của Đảng bộ khối cơ quan tỉnh. Sở còn nhận đỡ đầu xã Thịnh Lộc (Lộc Hà) - một trong những xã nghèo khó nhất của tỉnh.

Xây dựng và phát triển nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc còn  là mở rộng giao lưu văn hóa với các vùng, miền khác. Giao lưu văn hóa đã được thực hiện bằng nhiều hình thức như tham gia các hội diễn nghệ thuật, tham gia các hội chợ, các cuộc trưng bày triển lãm trên toàn quốc. Nếu trên sân khấu biểu diễn, văn hóa Hà Tĩnh lan tỏa qua những khúc dân ca, các điệu hò, ví giặm, nhịp phách của ca trù thì trong các hội chợ, các cuộc trưng bày, triển lãm...là các đặc sản của miền quê Hà Tĩnh, từ cu đơ đến nước chè xanh, nước mắm Cẩm Nhượng hay cam bù Hương Sơn...Tất thảy đều là những dấu ấn văn hóa của miền quê Hà Tĩnh đầy nắng gió. Dấu ấn ấy càng đậm nét hơn qua các cuộc giao lưu văn hóa với các tỉnh như Bình Định, Bắc Giang được tổ chức hàng năm... Đây là những nhịp cầu nối văn hóa Hà Tĩnh với mọi miền đất khác trên mảnh đất hình chữ S thân thương. Hà Tĩnh còn tập trung tuyên truyền quảng bá hình ảnh đất nước con người Hà Tĩnh để mời gọi khách du lịch ghé thăm. Thông qua các tour, tuyến du lịch trên đất Hà Tĩnh, bạn bè biết nhiều hơn về đất và người quê ta. Số lượng khách du lịch đến Hà Tĩnh tăng đều qua các năm. Năm 2011, tổng lượt khách du lịch đạt 721.380 lượt (tăng 15% so với năm 2010), trong đó khách quốc tế 11.849 lượt và khách nội địa 709.531 lượt người; doanh thu đạt 265 tỷ, nộp ngân sách 26,5 tỷ.

Để công tác xây dựng và bảo vệ nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc văn hóa đạt hiệu quả, ngành Văn hóa, Thể thao & Du lịch Hà Tĩnh còn chủ động phối hợp với nhiều sở ngành, đoàn thể, địa phương khác như phối hợp với UBMTTQ hướng dẫn và triển khai thực hiện cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư; phối hợp với Bộ đội Biên phòng xây dựng đời sống văn hóa và tủ sách vùng biên; phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo thực hiện phong trào Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực và giảng dạy, rèn luyện TDTT trong nhà trường; ... phối hợp với các đoàn thể, địa phương như Liên đoàn Lao động, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Tỉnh đoàn, UBND huyện Cẩm Xuyên, Can Lộc, Nghi Xuân, Lộc Hà, Đức Thọ… tổ chức toạ đàm khoa học, hoạt động văn nghệ, thể thao, lễ hội hoặc khai trương mùa du lịch...Hoạt động phức hợp này tạo nên sức mạnh đa chiều, tổng hợp trong việc thực hiện Nghị quyết TW 5, khóa VIII, để tinh thần của Nghị quyết lan tỏa và thấm sâu vào đời sống của mỗi người dân.

Giữ gìn bản sắc dân tộc phải đi liền với chống lạc hậu, lỗi thời trong phong tục, tập quán, lề thói cũ. Điều này được thể hiện trong việc Sở tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh uỷ ban hành Chỉ thị số 22 CT/TU ngày 8/7/1998 về "Thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội" trên địa bàn Hà Tĩnh và các văn bản hướng dẫn cụ thể quy chế này. Ngày càng nhiều càng đám cưới văn minh tiết kiệm, đám tang cũng không tổ chức rườm ra như trước. Đặc biệt công tác thanh kiểm tra được đẩy mạnh nhằm hạn chế và bài trừ những thói mê tín dị đoan, bói toán, lên đồng...để đời sống văn hóa của người dân ngày càng lành mạnh.

Trong 15 năm qua bằng sự quyết tâm, đoàn kết, đồng lòng,  ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Tĩnh đã thực hiện có hiệu quả nghị quyết TW 5 khóa XVIII (1998) về Xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Những kết quả đạt được ấy tiếp tục khẳng định, tôn vinh thêm những giá trị văn hóa, lịch sử mà biết bao thế hệ đi trước đã dày công gây dựng và góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà.

Nguyễn Ái Vân


    Ý kiến bạn đọc