Nhìn lại 5 năm thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” ở Hà Tĩnh
EmailPrintAa
14:49 07/08/2015

Sau 5 năm thực hiện Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" theo Thông báo Kết luận số 264-TB/TW, ngày 31-7-2009 của Bộ Chính trị, tỉnh Hà Tĩnh đã đạt nhiều kết quả quan trọng, từng bước thay đổi nhận thức của các nhà sản xuất, nhà phân phối và người tiêu dùng; góp phần nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh, quảng bá thương hiệu sản phẩm, dịch vụ cho các doanh nghiệp trong nước và trong tỉnh; tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho người lao động.
 

Cửa hàng rau, củ, quả của Tổng Công ty Khoáng sản và Thương mại Hà Tĩnh

tại số 120 đường Xuân Diệu, thành phố Hà Tĩnh

 

Cấp ủy đảng, chính quyền, mặt trận và đoàn thể các cấp đã lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn triển khai thực hiện các nội dung của Cuộc vận động với nhiều hình thức phong phú, thiết thực, phù hợp với tình hình thực tế; phát hiện, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và đề xuất các giải pháp, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thúc đẩy sản xuất, mở rộng thị trường, khuyến khích doanh nghiệp tham gia hưởng ứng Cuộc vận động.  

Từ năm 2009 đến nay, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh phối hợp với Sở Công thương đã xây dựng xây dựng Chuyên mục “Người Việt dùng hàng Việt” và 242 phóng sự tuyên truyền về Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” phát trên truyền hình tỉnh; sản xuất 262 đĩa VCD tuyên truyền về Cuộc vận động tới các xã, phường, thị trấn; tuyên truyền bằng hình ảnh, bài viết trên Báo Hà Tĩnh, Bản tin Công Thương Hà Tĩnh và các bản tin của cấp ủy đảng, mặt trận, các ngành, đoàn thể. Các buổi họp dân, sinh hoạt thôn, xóm, tổ dân phố lồng ghép nội dung tuyên truyền Cuộc vận động trực tiếp đến người dân. Kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10), Ngày Quyền của người tiêu dùng thế giới (15/3) đều lồng ghép các nội dung tuyên truyền Cuộc vận động cho các doanh nghiệp, doanh nhân trên địa bàn. Mặt trận Tổ quốc các cấp phối hợp với ngành chức năng, các tổ chức thành viên tập trung tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của Cuộc vận động bằng những việc làm cụ thể, thiết thực; phối hợp với Công ty Rồng Vàng tổ chức 12 hội nghị tuyên truyền ở các huyện, thành phố, thị xã; hơn 200 buổi tuyên truyền tại các xã, phường, thị trấn và hàng ngàn lượt tuyên truyền ở khu dân cư.

Các cơ quan quản lý nhà nước đã ban hành và sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách nhằm nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh cho các doanh nghiệp, nhà sản xuất; bảo vệ và tăng sức mua của người tiêu dùng: Ban hành chính sách khuyến công, khuyến nông, khuyến ngư; hỗ trợ bình ổn giá cả thị trường những dịp lễ, Tết; hỗ trợ vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh các sản phẩm chủ lực của địa phương.  

Về sản xuất, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đã hình thành 110 mô hình chăn nuôi lợn liên kết giữa người chăn nuôi và doanh nghiệp, sản phẩm tiêu thụ trong tỉnh chiếm khoảng 70%,  ngoài tỉnh chiếm 30%; 708 mô hình chăn nuôi bò nhốt tập trung, quy mô từ 05 con trở lên. Các mô hình trồng rau, củ, quả công nghệ cao phát triển mạnh, nhất là tại các xã ven biển huyện Thạch Hà. Diện tích sản xuất rau, củ, quả công nghệ cao được mở rộng, đạt 85,75 ha, trong đó có 39,5ha liên kết với doanh nghiệp.

Về tiêu thụ sản phẩm, 5 năm qua, Sở Công Thương phối hợp tổ chức và hướng dẫn các doanh nghiệp tham gia 78 hội chợ trong và ngoài tỉnh.Hàng năm, Sở còn tổ chức các phiên chợ hàng Việt (quy mô 25 - 45 gian hàng) tại các xã miền núi, biên giới; đồng thời hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã ký kết cung ứng hàng hóa vào Siêu thị Co.op mart với trên 50 sản phẩm, chủ yếu là nông sản, thủy hải sản, sản phẩm tiểu thủ công nghiệp của Hà Tĩnh phân phối trong hệ thống Co.opmart các tỉnh Thanh Hóa, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi; hỗ trợ các cơ sở chế biến thủy sản áp dụng các chương trình quản lý chất lượng tiên tiến như: HACCP, GAP, SSOP, VietGAP…. Hàng năm, Sở Công Thương phối hợp tổ chức tập huấn kiến thức, kỹ năng ứng dụng thương mại điện tử; xây dựng sàn giao dịch thương mại điện tử. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có hàng ngàn đơn vị thực hiện giao dịch thương mại điện tử.

  Hầu hết các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ trên địa bàn tỉnh đã tích cực hưởng ứng triển khai thực hiện Cuộc vận động: Tổ chức “Tuần lễ hàng Việt Nam”, tăng cường quảng cáo, tổ chức hơn 6.500 chương trình khuyến mãi hàng Việt trên địa bàn tỉnh. Nhiều doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ nhằm tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả, điển hình là Tổng Công ty Khoáng sản và Thương mại Hà Tĩnh, Công ty Cổ phần Dược Hà Tĩnh, Nhà máy bia Sài Gòn - Hà Tĩnh... Các siêu thị Co.opmart, Vinmart tiêu thụ hàng trong nước sản xuất chiếm tỷ lệ hơn 95% với chủng loại, mẫu mã ngày càng phong phú, bảo đảm chất lượng. Các doanh nghiệp tổ chức 370 đợt đưa hàng Việt vềKhu kinh tế Vũng Áng, về vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, đáp ứng nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng, đặc biệt vào các dịp lễ, Tết. Hàng hóa chủ yếu là hàng Việt Nam, chất lượng đảm bảo, có thương hiệu, an toàn vệ sinh thực phẩm, thu hút hàng nghìn lượt người đến tham quan, mua sắm.

Bên cạnh đó, các lực lượng chức năng trong tỉnh đã tăng cường công tác quản lý thị trường. Trong 5 năm qua, đã phát hiện, xử lý hàng ngàn vụ buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả.

Sau 5 năm triển khai thực hiện, đông đảo người tiêu dùng trong tỉnh đã nhận thức sâu sắc mục đích, ý nghĩa Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", thay đổi hành vi tiêu dùng theo hướng ưu tiên mua sắm hàng sản xuất trong nước thay cho việc mua sắm hàng ngoại. Theo kết quả thăm dò ý kiến người tiêu dùng, 70% người tiêu dùng trong tỉnh ưu tiên sử dụng hàng Việt Nam chất lượng cao thay cho hàng ngoại nhập.

Tuy vậy, việc thực hiện Cuộc vận động vẫn nhiều hạn chế: Một số cấp ủy, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể chưa quan tâm đúng mức đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện Cuộc vận động. Nhiều doanh nghiệp chưa thật sự quan tâm đến việc cạnh tranh về giá cả, chất lượng, tiến độ cung ứng hàng hóa, dịch vụ với doanh nghiệp nước ngoài. Có doanh nghiệp chưa thực hiện đầy đủ cam kết bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng về sản phẩm hàng hóa, dịch vụ. Sự liên kết giữa các doanh nghiệp trong cùng lĩnh vực sản xuất, cũng như giữa lĩnh vực sản xuất và phân phối chưa chặt chẽ, thống nhất. Công tác quản lý thị trường, đấu tranh chống hàng nhập lậu, hàng giả, hàng không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm hiệu quả chưa cao. Do đó hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng nhập lậu vẫn còn xuất hiện trên thị trường ảnh hưởng quyền lợi của người tiêu dùng và các nhà sản xuất trong nước. 

  Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong thời gian tới, các sở, ban, ngành, các cơ quan, đơn vị, Mặt trận và đoàn thể các cấp cần đẩy mạnh tuyên truyền, quán triệt và tổ chức thực hiện Thông báo Kết luận số 264-TB/TW của Bộ Chính trị; Chỉ thị số 24/CT-TTg, ngày 17-9-2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường thực hiện Cuộc vận động“Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; Quyết định số 634/QĐ-TTg, ngày 29-4-2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2014 - 2019 và các văn bản liên quan. Ủy ban nhân dân tỉnh, các sở, ban, ngành tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện Cuộc vận động ở địa phương nhằm tạo hiệu ứng sâu rộng trong toàn xã hội.

Lê Đình Thọ - Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh


    Ý kiến bạn đọc