Những bài học kinh nghiệm để làm tốt công tác Dân số - KHHGĐ
EmailPrintAa
07:56 14/12/2012

Dân số vừa là yếu tố của lực lượng sản xuất vừa là lực lượng tiêu dùng, vì vậy làm tốt công tác Dân số - KHHGĐ là góp phần vào công cuộc xây dựng quê hương đất nước.

Trong suốt 51 năm qua, kể từ ngày 26/12/1961, Hội đồng Chính phủ ban hành Quyết định số 216/QĐ-CP về sinh đẻ có hướng dẫn; từ đó đến nay dù trong hoàn cảnh chiến tranh khốc liệt hay trong tiến trình xây dựng phát triển đất nước, Đảng và Nhà nước ta luôn đặt công tác Dân số - KHHGĐ là một trong những nội dung trọng tâm của việc lãnh đạo, chỉ đạo và điều hành. Ngày 19/5/1997, Chính phủ ban hành Quyết định số 326/TTg lấy ngày 26/12 hàng năm làm Ngày Dân số Việt Nam và ngày 26/11/2010 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 2161/QĐ - TTg về việc lấy tháng 12 hàng năm là Tháng hành động Quốc gia về Dân số. Quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện để có những thành quả hôm nay là cả quá trình phấn đấu gian khổ và bền bỉ của toàn Đảng, toàn dân trong công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình, chăm sóc sức khỏe sinh sản. Từ một nước có mức sinh rất cao, với số con trung bình của một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ là 6,4 con vào năm 1960 đến năm 2010 đã giảm xuống chỉ còn 2 con (đạt mục tiêu duy trì mức sinh thay thế); từ một nước có tỷ lệ gia tăng dân số là 3,5% năm 1960 đến năm 2010 đã giảm xuống chỉ còn 1,05%; từ một đội ngũ ít ỏi những người làm công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình, trong đó chỉ có một số tuyên truyền viên, cộng tác viên tự nguyện thì nay chúng ta đã có một đội ngũ chuyên môn hùng hậu và một đội quân tình nguyện hàng chục vạn người hoạt động theo một chiến lược thống nhất.

Cùng với ngành Dân số - KHHGĐ của cả nước và của tỉnh, công tác Dân số - KHHGĐ ở thành phố Hà Tĩnh cũng đã trải qua rất nhiều biến đổi với nhiều lần chia tách, sáp nhập, giải thể và thay đổi tên gọi khiến cho công tác Dân số - KHHGĐ đứng trước những khó khăn, thách thức. Nắm rõ thực tế đó dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh và Thường trực Thành ủy, HĐND, UBND thành phố, ngành Dân số luôn kịp thời tham mưu ban hành các chủ trương đúng đắn, phù hợp với thực tế địa phương. Hàng năm ban hành quyết định giao chỉ tiêu, kế hoạch công tác Dân số - KHHGĐ ngay từ đầu năm để các phường xã có định hướng hoạt động.

Thời gian qua là cả một quá trình phấn đấu gian khổ và bền bỉ của cấp ủy Đảng, chính quyền và sự nỗ lực hết mình của cả một hệ thống cán bộ Dân số thành phố trong công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình, chăm sóc sức khỏe sinh sản. Từ một địa bàn có mức sinh cao, đến nay thành phố đã duy trì giảm sinh vững chắc; nâng cao chất lượng dân số, giảm tỷ lệ sinh bình quân mỗi năm 0,2%0, giảm tỷ lệ sinh trên hai con bình quân mỗi năm 1%; Tăng tỷ lệ các cặp vợ chồng sử dụng các biện pháp tránh thai bình quân mỗi năm 1%; Đạt các chỉ tiêu giảm tỷ lệ nạo hút thai; giảm tỷ lệ chết sơ sinh; tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh. Tăng cường tuyên truyền giáo dục chuyển đổi hành vi; nâng cao chất lượng dịch vụ kế hoạch hóa gia đình - chăm sóc sức khỏe sinh sản; đẩy mạnh xã hội hóa công tác dân số và kế hoạch hóa gia đình trên địa bàn.

Thành quả đó là kết tinh của nhiều yếu tố tác động tổng hợp, trước hết là có chủ trương, đường lối đúng đắn của Đảng; chính sách, pháp luật và đầu tư của Nhà nước; đồng thời đó là kết quả của quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện đã được đúc rút thành những bài học kinh nhiệm quý báu. Bài học về sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ, chính quyền các cấp là nhân tố hàng đầu, quyết định thành công của Chương trình; bài học về hiệu quả của việc xã hội hóa, huy động sự tham gia tích cực, có hiệu quả của của các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội; xây dựng được đội ngũ cán bộ có kiến thức, kỹ năng tổ chức, quản lý, điều phối các hoạt động, có tâm huyết, nhiệt tình, năng động, sáng tạo trong thực thi nhiệm vụ; đó là bài học về công tác thông tin, giáo dục, truyền thông phải đi trước một bước, phải gắn truyền thông vận động với cung cấp dịch vụ kế hoạch hóa gia đình một cách thuận lợi, phù hợp với đặc điểm, nhu cầu của từng đối tượng và đặc biệt là sự đồng lòng, hưởng ứng của các tầng lớp nhân dân khi họ hiểu được lợi ích của công tác dân số - KHHGĐ; bài học về cơ chế quản lý, điều hành hiệu quả theo mô hình thực hiện của một Chương trình mục tiêu quốc gia v.v…

Để phát huy tinh thần đó và đồng thời hướng tới hưởng ứng Tháng hành động Quốc gia về Dân số và Ngày Dân số Việt Nam 26-12 năm nay, chúng ta tiếp tục phát huy và tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau đây:

Thứ nhất , tiếp tục quán triệt một cách đầy đủ và sâu sắc chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác dân số, (đặc biệt là Nghị quyết số 47 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính sách DS-KHHGĐ; Pháp lệnh Dân số và các Nghị định, quyết định hướng dẫn thực hiện; Chiến lược Dân số/SKSS giai đoạn 2011 - 2020; Chỉ thị 44 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng đối với công tác DS-KHHGĐ; Quyết định số 18 của UBND tỉnh về việc ban hành quy định một số chế độ, chính sách DS-KHHGĐ trên địa bàn thành phố Hà Tĩnh; Nghị quyết 03 của BCH Đảng bộ tỉnh về về tăng cường lãnh đạo của Đảng đối với  công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân; Chỉ thị 18- CT/Th.U của Ban thường vụ Thành ủy và Chương trình hành động của UBND thành phố về công tác Dân số KHHGĐ, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính sách dân số KHHGĐ giai đoạn 2010 - 2015) đến các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội và mọi tầng lớp nhân dân. Cấp uỷ, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể các cấp phải tiếp tục xác định việc thực hiện Chiến lược Dân số - sức khỏe sinh sản là nhiệm vụ quan trọng thường xuyên, vừa là mục tiêu vừa là tiền đề cốt yếu để nâng cao chất lượng dân số, góp phần chủ động, chuẩn bị nguồn nhân lực có chất lượng cao đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá; là tiêu chí đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị.

Thứ hai, đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục về dân số - sức khỏe sinh sản với nhiều hình thức phong phú, đa dạng phù hợp với nhu cầu, trình độ, nhận thức của các tầng lớp dân cư khác nhau; hướng mạnh hoạt động này về các phường xã, xóm phố đến với từng hộ gia đình và người dân nhằm làm chuyển biến sâu sắc về nhận thức, tâm lý, tập quán sinh đẻ trong toàn xã hội; vận động, thuyết phục để xã hội và người dân chấp nhận và tự nguyện thực hiện mỗi cặp vợ chồng chỉ có từ 1 đến 2 con để nuôi dạy cho tốt, tự giác thực hành các biện pháp nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe sinh sản. Cán bộ, đảng viên phải thực sự gương mẫu đi đầu trong thực hiện chính sách dân số - sức khỏe sinh sản; gắn việc thực hiện chính sách dân số với việc xây dựng gia đình, xóm, phố, khu dân cư, đơn vị văn hóa.

Thứ ba, các phường xã, xóm phố có tỷ suất sinh, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên, tỷ số giới tính khi sinh cao cần tham mưu cho cấp ủy, chính quyền có biện pháp đồng bộ, quyết liệt để giảm mức sinh, giảm tình trạng chênh lệch tỷ số giới tính khi sinh trên địa bàn.

Thứ tư, đẩy mạnh xã hội hoá công tác DS-KHHGĐ, tích cực huy động sự đóng góp của toàn xã hội, khuyến khích các thành phần kinh tế, các tổ chức chính trị - xã hội, các cá nhân tích cực đồng tình ủng hộ, tham gia có hiệu quả công tác dân số - KHHGĐ và chăm sóc sức khỏe sinh sản.

Thứ năm, nhân dịp hưởng ứng Tháng hành động Quốc gia về Dân số và kỷ niệm Ngày Dân số Việt Nam 26-12 kêu gọi nhân dân địa phương mình vì sức khỏe, hạnh phúc, tương lai của mỗi người, mỗi gia đình hãy tự giác, tích cực thực hiện kế hoạch hóa gia đình, chăm sóc sức khỏe sinh sản để góp phần vào thực hiện thắng lợi chính sách dân số của Đảng và nhà nước.


    Ý kiến bạn đọc