Xác định tầm quan trọng của phụ nữ và công tác phụ nữ trong giai đoạn cách mạng hiện nay, đồng thời để thực hiện có hiệu quả các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết số 11 -NQ/TW, ngày 27/4/2007 của Bộ Chính trị đã đề ra. Thời gian qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận tổ quốc, các ban, ngành đoàn thể toàn tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác phụ nữ, qua đó đã phát huy được vai trò, tiềm năng, sức sáng tạo và nâng cao vị thế của phụ nữ Hà Tĩnh trong sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước.
Tại hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 11 -NQ/TW, ngày 27/4/2007 của Bộ Chính trị, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã đánh giá, khẳng định những kết quả, thành tích, bài học kinh nghiệm và cách làm đã mang lại hiệu quả trong công tác phụ nữ đó là: Nhận thức toàn xã hội về công tác phụ nữ được nâng lên rõ rệt; các cấp uỷ đảng, chính quyền đã quán triệt sâu sắc các quan điểm, mục tiêu công tác phụ nữ trong tình hình mới; chủ động đưa vấn đề bình đẳng giới vào kế hoạch công tác nhằm tạo sự chuyển biến trong nhận thức về công tác phụ nữ và bình đẳng giới ở từng địa phương, đơn vị; tạo điều kiện thuận lợi cho đội ngũ cán bộ nữ tham gia nhiều hơn vào các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội, quản lý nhà nước để phụ nữ được cống hiến, trưởng thành. Đồng thời, ban hành các cơ chế, chính sách sát đúng, phù hợp tạo điều kiện cho sự phát triển của phụ nữ. UBND các cấp tiếp tục thực hiện tốt Nghị định số 19/NĐ-CP của Chính phủ về tạo cơ hội cho phụ nữ tham gia công tác quản lý nhà nước. Ban Vì sự tiến bộ Phụ nữ cấp tỉnh triển khai kế hoạch hành động, phối hợp lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng và thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đến nay, 12/12 huyện, thành, thị, 45 sở, ngành và các đơn vị cấp tỉnh đã kiện toàn, thành lập Ban Vì sự tiến bộ Phụ nữ và xây dựng được chương trình công tác lồng ghép các mục tiêu, chỉ tiêu về giới và bình đẳng giới.
Các hoạt động hỗ trợ phụ nữ xây dựng gia đình “No ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”; xây dựng người phụ nữ Việt Nam có sức khoẻ, tri thức, kỹ năng nghề nghiệp, năng động, sáng tạo, có lối sống văn hóa, có lòng nhân hậu được gắn kết chặt chẽ với phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” và cuộc vận động “toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư”, qua đó đã phát huy được các giá trị văn hóa tốt đẹp của gia đình Việt Nam, phòng chống tệ nạn xã hội, buôn bán phụ nữ, trẻ em, bạo lực gia đình... Công tác xây dựng đội ngũ cán bộ khoa học nữ, cán bộ lãnh đạo, quản lý nữ đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá được thực hiện có hiệu quả. Năm năm qua, đã có 19 đồng chí cán bộ Hội phụ nữ được học cao cấp chính trị, 02 đồng chí học sau đại học, 105 đồng chí học đại học tại chức; gần 200 chủ tịch, phó chủ tịch Hội Phụ nữ học trung cấp lý luận chính trị, tham gia các lớp bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ. Đến nay, toàn tỉnh có 243/1.215 đồng chí cán bộ nữ có bằng cao cấp, cử nhân chính trị, 281 đồng chí có trình độ thạc sĩ, 16.843 đồng chí có trình độ đại học, cao đẳng, 9.254 đồng chí có trình độ trung cấp. Tỷ lệ cán bộ nữ tham gia công tác quản lý, điều hành ngày càng tăng; đến nay, toàn tỉnh đã có 47 đồng chí thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý: 27 đồng chí giữ chức vụ giám đốc, phó giám đốc sở, ngành, chủ trì cấp huyện và tương đương. Tỷ lệ cán bộ nữ tham gia cấp ủy đảng đã có chuyển biến tích cực, nhiệm kỳ 2010 - 2015: cấp tỉnh đạt 16,35%, cấp huyện 16,26 %, cấp xã 17.8 %. Có 84 đồng chí là ủy viên BTV đảng ủy cấp xã, 11 đồng chí là bí thư và 36 đồng chí là phó bí thư đảng uỷ xã; 17 đồng chí là ủy viên BTV huyện ủy; 02 đồng chí là bí thư cấp huyện. Tỷ lệ nữ đại biểu tham gia HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011 - 2016: cấp tỉnh đạt 20%; cấp huyện đạt 28.91%; cấp xã đạt 22.8%. Có 1 đồng chí là Ủy viên Thường trực HĐND tỉnh, 6 đồng chí là chủ tịch, phó chủ tịch và ủy viên thường trực HĐND cấp huyện. Trong 5 năm, đã bồi dưỡng, giới thiệu, kết nạp 8.579 quần chúng nữ ưu tú vào Đảng.
Công tác xây dựng, củng cố tổ chức Hội vững mạnh, phát huy đầy đủ vai trò nòng cốt trong công tác vận động phụ nữ được quan tâm đúng mức. Trên địa bàn toàn tỉnh hiện có 262/262 Hội liên hiệp phụ nữ cấp xã, phường, thị trấn với 2744 chi hội, 2948 tổ phụ nữ, 100% các thôn, tổ dân phố đều có tổ chức hội, đa số duy trì được chế độ sinh hoạt định kỳ; 100% cơ sở hội xây dựng được lực lượng hội viên nòng cốt; tỷ lệ tập hợp hội viên đạt 88%. Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” được các cấp hội trong tỉnh thực hiện với các hình thức đa dạng, phong phú và cụ thể hóa bằng các phong trào như: “nuôi lợn tiết kiệm”, “bát cháo tình thương”, “nắm cơm vùng lũ”, xây dựng các bể Bioga tiết kiệm nhiên liệu, chất đốt, đảm bảo vệ sinh môi trường, sử dụng men sinh học trong chăn nuôi để giảm chi phí... Năm năm qua, các cấp Hội đã xây dựng được trên 700 mô hình “Dân vận khéo”; tiết kiệm 10 tỷ đồng, 150 tấn gạo, 205 nghìn tấn phân xanh, 40.000 ngày công, giúp đỡ 12.560 hội viên, phụ nữ, trẻ em nghèo, xây mới 271 ngôi nhà trị giá trên 6 tỷ đồng, xây dựng được 62 nhà “Mái ấm Công đoàn” cho lao động nữ có hoàn cảnh khó khăn. Quản lý và điều hành trên 1.700 tỷ đồng cho 132.380 lượt phụ nữ vay vốn để phát triển sản xuất kinh doanh, xây dựng mô hình, xây dựng các công trình cấp nước vệ sinh môi trường nông thôn.
Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức thực hiện Nghị quyết này của Bộ Chính trị cũng còn bộc lộ một số hạn chế, khuyết điểm đó là: Việc tổ chức nghiên cứu, quán triệt Nghị quyết ở một số địa phương, đơn vị còn hình thức, nhiều đơn vị xây dựng chương trình hành động thực hiện Nghị quyết chưa cụ thể, chưa gắn với điều kiện thực tế và nhiệm vụ của từng địa phương, đơn vị. Việc thể chế hóa nhiều chính sách quy định trong Nghị quyết và các văn bản hướng dẫn của Trung ương về công tác phụ nữ còn chậm, thiếu đồng bộ; khoảng cách thu nhập và mức sống giữa các nhóm phụ nữ, các vùng miền còn lớn, đời sống của một bộ phận phụ nữ, đặc biệt nữ công nhân lao động còn nhiều khó khăn, việc làm không ổn định, thu nhập thấp, đời sống vật chất và tinh thần còn hạn chế. Việc xây dựng đội ngũ cán bộ khoa học nữ, cán bộ lãnh đạo quản lý nữ chưa đáp ứng yêu cầu, tỷ lệ nữ tri thức còn khiêm tốn. Một số cán bộ hội, nhất là ở cơ sở còn hạn chế về năng lực, trình độ nên việc tiếp thu triển khai các nội dung Nghị quyết và các chủ trương công tác hội còn khó khăn, bên cạnh đó một bộ phận phụ nữ còn có tư tưởng tự ty, an phận, chưa chủ động vươn lên khẳng định vai trò, vị thế của mình...
Tuy còn có những khó khăn, hạn chế nhất định nhưng những kết quả, thành tích sau 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 11 -NQ/TW của Bộ Chính trị ở tỉnh ta là rất đáng trân trọng, là những tín hiệu vui tạo nhiều thời cơ và thuận lợi cho phụ nữ và hoạt động của Hội Liên hiêp phụ nữ các cấp. Tin tưởng rằng, từ những bài học kinh nghiệm được rút ra trong quá trình tổ chức thực hiện cùng với sự quyết tâm cao của cấp ủy Đảng, chính quyền, Hội phụ nữ các cấp, trong thời gian tới việc thực hiện Nghị quyết số 11 -NQ/TW của Bộ Chính trị tiếp tục gặt hái nhiều thành tích, kết quả nổi bật, góp phần xây dựng Hà Tĩnh trở thành tỉnh có công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ phát triển như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh (nhiệm kỳ 2010 2015) đã đề ra.
Tin mới cập nhật
- Phòng dịch Covid-19 ở Hà Tĩnh: Tổng hợp sức mạnh của ý Đảng - lòng dân ( 24/04)
- Hà Tĩnh vận động đoàn viên, hội viên, các tầng lớp nhân dân thực hiện tốt chủ trương sáp nhập xã ( 19/07)
- Tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động ( 30/01)
- Hội viên Hội Cựu chiến binh tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước ( 08/01)
- Tổ chức đoàn cần họp ít, nói thuyết phục, làm hiệu quả ( 08/01)
- Tăng cường quản lý hoạt động báo chí trên địa bàn Hà Tĩnh ( 04/01)