Nguyễn Thanh Bình, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh
Sinh ra trong một gia đình nhà nho nghèo, yêu nước tại huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên, nhưng quê hương của đồng chí Trần Phú là xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Mặc dù mồ côi cả cha lẫn mẹ từ lúc còn nhỏ, nhưng với nghị lực phi thường và được sự đùm bọc của người thân, họ hàng, làng xóm, Trần Phú đã nỗ lực học tập, đỗ đầu kỳ thi thành chung và sớm tham gia các tổ chức yêu nước. Sau khi kết nối được với Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, được học tập tại Trường Đại học Phương Đông, Trần Phú càng thêm tin tưởng vào con đường cách mạng của Lênin mà Nguyễn Ái Quốc đã chọn. Tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương tháng 10/1930, Trần Phú được bầu làm Tổng Bí thư của Đảng. Trên cương vị Tổng Bí thư, đồng chí đã cùng Ban Chấp hành Trung ương Đảng cụ thể hoá Luận cương chính trị, lãnh đạo đưa phong trào cách mạng có những bước tiến mới.
Trước sự phát triển mạnh mẽ của cao trào cách mạng và uy tín của Đảng Cộng sản ngày càng được khẳng định, thực dân Pháp đã ráo riết truy lùng người Tổng Bí thư tài năng, trẻ tuổi. Ngày 18/4/1931, đồng chí Trần Phú bị địch bắt và bị tra tấn dã man, nhưng với chí khí cách mạng kiên cường, lòng kiên trung sắt son với Đảng, đồng chí đã giữ vững chí khí chiến đấu, bình tĩnh, hiên ngang trước kẻ thù. Do bị tra tấn cực hình, đồng chí Trần Phú lâm bệnh nặng và đã trút hơi thở cuối cùng tại Nhà thương Chợ Quán (Sài Gòn) vào ngày 06/9/1931, khi mới 27 tuổi.
Cuộc đời cách mạng của đồng chí Trần Phú tuy ngắn ngủi và giữ cương vị Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng trong thời gian sáu tháng, nhưng chí khí cách mạng của người cộng sản trẻ tuổi và những đóng góp quan trọng của đồng chí vào sự nghiệp cách mạng của dân tộc mãi mãi được Đảng ta, nhân dân ta ghi nhận, góp phần soi rọi đường lối cách mạng mà Đảng ta, nhân dân ta đã lựa chọn.
Noi gương đồng chí Trần Phú và các thế hệ cách mạng tiền bối, từ ngày có Đảng lãnh đạo, Đảng bộ và nhân dân Hà Tĩnh đã phát huy truyền thống tốt đẹp của quê hương, vượt qua mọi khó khăn, nỗ lực vươn lên giành thắng lợi to lớn trên mọi lĩnh vực, là địa phương có nhiều phong trào dẫn đầu trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Ngay từ những năm 30 của thế kỷ XX, dưới sự lãnh đạo của Đảng và sức lan tỏa của tư tưởng, chí khí cách mạng của đồng chí Trần Phú, phong trào đấu tranh của nhân dân Hà Tĩnh đã dấy lên mạnh mẽ. Tháng 3/1930, khi Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh vừa mới thành lập đã cùng với Đảng bộ tỉnh Nghệ An phát động cao trào cách mạng 1930-1931 sôi nổi, rộng khắp, với đỉnh cao là sự ra đời của 170 làng Xô viết trong toàn tỉnh. Mặc dù bị kẻ thù đàn áp dã man, nhưng Cao trào cách mạng 1930-1931 với đỉnh cao là Xô viết Nghệ Tĩnh đã để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý báu, giúp Đảng ta kịp thời đề ra đường lối đấu tranh đúng đắn, giành thắng lợi to lớn trong cao trào cách mạng 1936-1939 và 1939-1945, tiếp tục hoàn thiện đường lối cách mạng theo Luận cương chính trị tháng 10/1930 do đồng chí Trần Phú chủ trì khởi thảo.
Phát huy tinh thần Xô viết Nghệ Tĩnh, 15 năm sau, Đảng bộ và nhân dân Hà Tĩnh đã cùng đồng bào cả nước nhất tề đứng lên làm nên cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 long trời lở đất. Hà Tĩnh là một trong bốn tỉnh giành chính quyền về tay nhân dân sớm nhất của cả nước. Suốt chín năm kháng chiến trường kỳ anh dũng chống thực dân Pháp xâm lược, trước những khó khăn chồng chất, Hà Tĩnh đã tập trung củng cố, xây dựng chính quyền cách mạng, chống giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm; động viên sức người, sức của, phục vụ kịp thời kháng chiến, kiến quốc, góp phần to lớn cùng cả nước đánh bại chủ nghĩa thực dân cũ ở Đông Dương. Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954, Hà Tĩnh nhanh chóng khắc phục hậu quả chiến tranh, hoàn thành cải cách ruộng đất; khôi phục và phát triển kinh tế, văn hóa; xây dựng cơ sở vật chất ban đầu của chủ nghĩa xã hội và cùng cả nước bước vào giai đoạn cách mạng mới.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, với tình cảm và ý chí “tất cả vì miền Nam ruột thịt”, Đảng bộ, quân và dân Hà Tĩnh đã phát động và hưởng ứng nhiều phong trào thi đua yêu nước thiết thực, chiến đấu kiên cường, dũng cảm, bảo vệ vững chắc hậu phương, đồng thời hết lòng chi viện cho tiền tuyến miền Nam và thực hiện tốt nghĩa vụ quốc tế cao cả. Những chiến công hiển hách gắn với các địa danh lịch sử như Ngã ba Đồng Lộc, Sông Phủ - Núi Nài, Khe Giao, Địa Lợi, Linh Cảm, Bến Thủy, Làng K130… mãi mãi là niềm tự hào của quân, dân Hà Tĩnh và quân, dân cả nước.
Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc, tỉnh Hà Tĩnh có hơn 296 ngàn đối tượng chính sách, trong đó có hơn 28 ngàn con em đã hy sinh trên các chiến trường, hơn 47 ngàn thương binh, bệnh binh. Với những thành tích xuất sắc trong chiến đấu và phục vụ chiến đấu, tất cả các huyện, thành phố, thị xã và 183 đơn vị, 33 cán bộ, chiến sỹ được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang, Anh hùng Lao động trong kháng chiến; 549 bà mẹ được phong tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam anh hùng; hàng chục vạn cán bộ, chiến sĩ và nhân dân được Đảng, Nhà nước tặng thưởng những danh hiệu cao quý.
Ngày nay, trong sự nghiệp đổi mới của đất nước, sức mạnh từ truyền thống tốt đẹp của quê hương, cũng như chí khí cách mạng của cố Tổng Bí thư Trần Phú và các thế hệ cha anh đang được Đảng bộ và nhân dân Hà Tĩnh gìn giữ, bồi đắp, phát huy.
Những năm qua, được sự quan tâm lãnh đạo, giúp đỡ của Trung ương, sự động viên, hợp tác của các tỉnh, thành bạn, các tổ chức quốc tế, Đảng bộ và nhân dân Hà Tĩnh đã đoàn kết vươn lên giành được kết quả toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Kinh tế tiếp tục phát triển với tốc độ tăng trưởng khá cao, từ năm 2006 đến nay đạt bình quân trên 12%, riêng năm 2013 đạt 19,2%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Kết thúc năm 2013, đã hoàn thành cơ bản, hầu hết các chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội do Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2010-2015 đề ra; tỷ trọng công nghiệp, xây dựng, thương mại, dịch vụ chiếm 82%, nông - lâm - ngư nghiệp giảm còn 18%; thu ngân sách đạt gần 5.500 tỷ đồng, vượt 58% kế hoạch Trung ương giao. Diện mạo tỉnh Hà Tĩnh đang từng ngày, từng giờ đổi thay, từng bước trở thành tỉnh có công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ phát triển vững chắc, là trung tâm công nghiệp của Bắc miền Trung.
Khu Kinh tế Vũng Áng là một trong 5 khu kinh tế trọng điểm của cả nước, phát triển theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực mà chủ lực là luyện cán thép, cảng biển nước sâu, trung tâm nhiệt điện, lọc hóa dầu, dự kiến tạo việc làm cho trên 75 ngàn lao động vào năm 2015. Đến nay, đã có 89 dự án đầu tư, trong đó có 52 dự án có vốn đầu tư trong nước, 37 dự án đầu tư nước ngoài, tổng vốn đăng ký trên 16 tỷ USD. Khu Liên hợp luyện cán thép và cảng nước sâu Sơn Dương do tập đoàn Formosa (Đài Loan) đầu tư giai đoạn I là 10 tỷ USD đang triển khai đồng bộ các hạng mục, dự kiến đầu năm 2015 có sản phẩm thép ra lò;Trung tâm Nhiệt điện Vũng Áng được quy hoạch có 5 nhà máy, tổng công suất 6.900MW; Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng I với công suất 1.200MW đã hòa lưới điện quốc gia vào tháng 12/2013; Tổ hợp Nhà máy Nhiệt điện Formosa công suất 2.500MW, dự kiến tổ máy I phát điện vào tháng 9/2014; Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng II dự kiến khởi công trong Quý II/2014.
Khu Kinh tế cửa khẩu quốc tế Cầu Treo tiếp tục được đầu tư ngày càng phát triển, góp phần làm sôi động hành lang kinh tế Đông - Tây, kết nối Quốc lộ 8A với các tỉnh của nước bạn Lào và vùng Đông Bắc Thái Lan; là một trong 8 khu kinh tế cửa khẩu quốc tế được Chính phủ ưu tiên đầu tư, hưởng các chính sách ưu đãi đặc biệt về đầu tư và xuất nhập khẩu.
Lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn được quan tâm đúng mức; các chính sách được ban hành kịp thời, sát hợp với thực tiễn, khuyến khích ra đời hàng ngàn mô hình sản xuất kinh doanh có hiệu quả. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được triển khai quyết liệt, đến nay có 7 xã đã đạt 19 tiêu chí, trong đó có xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ - quê hương của cố Tổng Bí thư Trần Phú.
Kinh tế phát triển, chính trị ổn định, quốc phòng an ninh được bảo đảm đã tạo điều kiện để Hà Tĩnh chăm lo phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa - xã hội. Giáo dục - đào tạo nhiều năm liên tục đứng tốp đầu của cả nước. Công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm được chú trọng. Xóa đói, giảm nghèo đạt được kết quả tích cực, bình quân mỗi năm giảm từ 3-4% số hộ nghèo, hiện còn 10,7%; các chính sách an sinh xã hội được thực hiện đầy đủ, kịp thời; đời sống nhân dân không ngừng cải thiện. Công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân được quan tâm và có chuyển biến tiến bộ. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa gắn với xây dựng nông thôn mới” ngày càng đi vào chiều sâu.
Công tác xây dựng Đảng và các tổ chức trong hệ thống chính trị được tăng cường; việc triển khai học tập, sơ kết, tổng kết các chủ trương, nghị quyết của Trung ương, của tỉnh kịp thời, có nhiều đổi mới, nâng cao chất lượng. Đã chú trọng việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang; thực hiện nghiêm việc sửa chữa, khắc phục những hạn chế, khuyết điểm được chỉ ra trong kiểm điểm, tự phê bình và phê bình theo Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI), tăng niềm tin, uy tín của cán bộ, đảng viên đối với nhân dân. Việc đánh giá, phân loại tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên được quan tâm chỉ đạo sâu sát, đảm bảo dân chủ, khách quan, thực chất. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân, các hội quần chúng tiếp tục được củng cố, kiện toàn tổ chức; từng bước đổi mới nội dung, phương thức hoạt động.
Trên con đường phát triển, Hà Tĩnh cũng đang gặp không ít thách thức: Các dự án trên địa bàn có quy mô rất lớn về vốn, nhân lực và yêu cầu cao về trình độ khoa học, công nghệ, quản lý, trong khi nguồn nhân lực tỉnh nhà chưa thực sự đáp ứng yêu cầu, nhất là đội ngũ công nhân kỹ thuật, cán bộ quản lý; khối lượng giải phóng mặt bằng phục vụ các dự án rất lớn, trong khi đó ngân sách của địa phương còn hạn chế; giải quyết hài hòa giữa phát triển kinh tế - xã hội với bảo vệ môi trường còn nhiều khó khăn, nhất là công tác ứng phó với biến đổi khí hậu; nhiều vấn đề xã hội bức xúc cần tập trung giải quyết như việc làm, nhà ở cho công nhân và hộ gia đình có thu nhập thấp, tệ nạn xã hội...
Trong thời gian tới, Hà Tĩnh tiếp tục nỗ lực phấn đấu thực hiện vượt mức các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2010-2015 đề ra. Trọng tâm là triển khai thực hiện có hiệu quả Quy hoạch Tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; rà soát, điều chỉnh, bổ sung và xây dựng mới các quy hoạch ngành, địa phương phù hợp. Đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế gắn với chuyển dịch cơ cấu lao động, phát huy lợi thế, nâng cao hiệu quả đầu tư và chất lượng tăng trưởng, duy trì phát triển kinh tế nhanh và bền vững. Quan tâm cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi, nhất là trong công tác giải phóng mặt bằng, bảo đảm an ninh trật tự, cấp giấy chứng nhận đầu tư... để các nhà đầu tư, các doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ các dự án đã triển khai và khởi công các dự án đã cam kết.
Chỉ đạo nâng cao chất lượng phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội. Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo theo Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI), đáp ứng nguồn nhân lực trước mắt và lâu dài cho sự phát triển của tỉnh. Quan tâm nâng cao trình độ chuyên môn, tăng cường giáo dục y đức cho đội ngũ y, bác sỹ và nhân viên y tế, tạo chuyển biến rõ nét hơn trong công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Thực hiện tốt công tác xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội.
Tăng cường công tác đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, nắm chắc tình hình hoạt động và âm mưu thủ đoạn của các thế lực thù địch, phản động và các loại tội phạm trên địa bàn; giải quyết kịp thời các vụ việc, khiếu nại, tố cáo của công dân. Mở các đợt tấn công trấn áp, điều tra, khám phá, xử lý nghiêm minh các loại tội phạm; kịp thời phát hiện và xóa bỏ các băng nhóm tội phạm ngay từ khi mới hình thành, đảm bảo cuộc sống bình yên cho nhân dân.
Tổ chức học tập, quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các chủ trương, nghị quyết của Trung ương, của tỉnh. Tập trung khắc phục, sửa chữa những khuyết điểm, hạn chế của tập thể, cá nhân được chỉ ra trong kiểm điểm, tự phê bình và phê bình theo Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) và những hạn chế, khuyết điểm mới phát sinh. Đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, gắn với thực hiện Quy định về những điều đảng viên không được làm, các chủ trương của tỉnh về siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính; phát huy tính gương mẫu của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị. Củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy các cơ quan trong hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, trọng tâm hướng vào các lĩnh vực nhạy cảm, có nhiều bức xúc, đấu tranh phòng chống tham nhũng, thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ. Đổi mới sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với công tác dân vận theo Nghị quyết Trung ương 7 (khóa XI). Quán triệt và triển khai thực hiện có hiệu quả Quy định của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị-xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội.
Phát huy truyền thống tốt đẹp của quê hương, noi gương Cố Tổng Bí thư Trần Phú, Đảng bộ và nhân dân Hà Tĩnh tiếp tục tăng cường đoàn kết thống nhất, khắc phục khó khăn, quyết tâm xây dựng tỉnh nhà ngày càng giàu mạnh, văn minh.
N-T-B
Tin mới cập nhật
- Phòng dịch Covid-19 ở Hà Tĩnh: Tổng hợp sức mạnh của ý Đảng - lòng dân ( 24/04)
- Hà Tĩnh vận động đoàn viên, hội viên, các tầng lớp nhân dân thực hiện tốt chủ trương sáp nhập xã ( 19/07)
- Tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động ( 30/01)
- Hội viên Hội Cựu chiến binh tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước ( 08/01)
- Tổ chức đoàn cần họp ít, nói thuyết phục, làm hiệu quả ( 08/01)
- Tăng cường quản lý hoạt động báo chí trên địa bàn Hà Tĩnh ( 04/01)