Phát triển nhận thức về vai trò của Đảng qua các bản Hiến pháp
EmailPrintAa
08:53 12/03/2013

Một trong những nội dung thu hút được sự quan tâm, đóng góp ý kiến của các tầng lớp nhân dân đối với Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, trong thời gian qua đó là nội dung sửa đổi, bổ sung Điều 4 quy định về Đảng Cộng sản Việt Nam. Trong khi các thế lực thù địch tìm cách xóa bỏ Điều 4 Hiến pháp, hòng phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đòi thực hiện đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập… thì việc nâng cao nhận thức về Đảng phải luôn được bổ sung, phát triển để phù hợp với yêu cầu thực tiễn.

Khẳng định vai trò của Đảng trong Hiến pháp là một vấn đề có tính nguyên tắc, bất di bất dịch, thể hiện bản chất của chế độ chính trị ở Việt Nam và đảm bảo tính thống nhất, xuyên suốt về quan điểm, tôn chỉ mục đích của Đảng. Trong quá trình xây dựng và hoàn thiện Hiến pháp qua các thời kỳ, nhận thức về vai trò của Đảng ngày càng đầy đủ, hoàn thiện hơn. Trước tiên, nội dung phần mở đầu của các bản Hiến pháp đều giúp chúng ta nhận thức được: Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện. Đảng ra đời là kết quả của sự kết hợp chín muồi giữa 3 yếu tố: Chủ nghĩa Mác-Lênin, phong trào công nhân và phong trào yêu nước của người dân Việt Nam vào những năm cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20. Từ một Đảng non trẻ, sau khi ra đời, Đảng đã lãnh đạo nhân dân giành được thắng lợi trong cuộc cách mạng tháng Tám lập nên nhà nước Vviệt Nam dân chủ cộng hòa - Nhà nước công - nông đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á. Bằng bản lĩnh, trí tuệ, phát huy tinh thần đoàn kết, nhất trí cao cùng với sự hy sinh anh dũng của các thế hệ cán bộ, đảng viên, được nhân dân tin yêu, đùm bọc, che chở, Đảng đã trở thành ngọn cờ tập hợp và quy tụ sức mạnh của mọi tầng lớp, giai cấp đưa cách mạng đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta đã tiến hành công cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, bảo vệ Tổ quốc thống nhất toàn vẹn lãnh thổ, tiến hành công cuộc đổi mới toàn diện, đưa đất nước thoát khỏi tình trạng nước nghèo, trở thành nước có thu nhập trung bình trên thế giới. Sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam là nhân tố quan trọng hàng đầu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam.

Hòng phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, có ý kiến góp ý cho Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 nên bỏ Điều 4 vì trong Hiến pháp năm 1946 và Hiến pháp năm 1959 không có điều quy định về Đảng. Quan điểm này là hết sức phiến diện, không căn cứ vào hoàn cảnh lịch sử cụ thể của đất nước ta lúc bấy giờ cần phải kiên quyết bác bỏ. Sở dĩ, cả hai bản Hiến pháp 1946 và 1959 chưa có quy định về Đảng không phảivì trong giai đoạn này Việt Nam không coi trọng, đề cao vai trò lãnh đạo của Đảng như luận điệu của các thế lực thù địch vẫn thường rêu rao mà do bối cảnh lịch sử lúc bấy giờ. Vào thời điểm sau cách mạng tháng Tám năm 1945. Chính quyền cách mạng non trẻ mới ra đời lại phải đối phó với “thù trong giặc ngoài” đặt đất nước vào thế “ngàn cân treo sợi tóc”. Trước tình hình đó, Đảng phải tuyên bố tự giải tán nhưng thực chất là rút lui vào hoạt động bí mật. Do đó, cùng với nhiệm vụ tổng tuyển cử trong cả nước xây dựng bộ máy chính quyền mới, chúng ta cũng ra sức xây dựng Hiến pháp đầu tiên - Hiến pháp của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Còn thời điểm lịch sử ban hành Hiến pháp 1959 là thời điểm Đế quốc Mỹ vào can thiệp ở Miền Nam, đất nước bị chia cắt thành 2 miền. Bộ luật 10/1959 của ngụy quyền Sài Gòn với khẩu hiệu hà khắc “đánh nhầm còn hơn bỏ sót” nhằm tiêu diệt cộng sản hết sức man rợ làm cho các đồng chí đảng viên và các tổ chức Đảng ở Miền Nam phải hoạt động bí mật để tránh tổn thất về sau cho cách mạng, do đó Hiến pháp 1959 cũng chưa đề cập đến vai trò lãnh đạo của Đảng nhưng thực tế mọi chủ trương, quyết sách, chiến lược cách mạng đều do Đảng lãnh đạo và quyết định. Các tổ chức Đảng và đảng viên được nhân dân che chở, ủng hộ, lực lượng được củng cố, xây dựng về mọi mặt để lãnh đạo cách mạng vượt qua khó khăn. Sau khi miền Nam Việt Nam được giải phóng hoàn toàn, giang sơn thu về một mối, đất nước ta tiến hành công cuộc đổi mới toàn diện, đồng bộ, nhận thức về vai trò của Đảng và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta ngày càng rõ hơn trên cả phương diện lí luận lẫn thực tiễn. Kể từ Hiến pháp 1980 đến Hiến pháp 1992đã bổ sung thêm Điều 4 nhằm khẳng định rõ hơn địa vị pháp lí, bản chất, vai trò của Đảng. Điều 4 Hiến pháp 1980 ghi: “Đảng Cộng sản Việt Nam, đội tiên phong và bộ tham mưu chiến đấu của giai cấp công nhân Việt Nam, được vũ trang bằng học thuyết Mác - Lênin, là lực lượng duy nhất lãnh đạo Nhà nước, lãnh đạo xã hội; là nhân tố chủ yếu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Đảng tồn tại và phấn đấu vì lợi ích của giai cấp công nhân và nhân dân Việt Nam. Các tổ chức của Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp”. Nội dung về Đảng tiếp tục được khẳng định tại Hiến pháp 1992: “Đảng Cộng sản Việt Nam, đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam, đại biểu trung thành quyền lợi của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, theo chủ nghĩa Mác - Lê Nin và tư tưởng Hồ Chí Minh, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Mọi tổ chức của Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật” và đến Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, lần này xác định 3 vấn đề cơ bản:1. Đảng Cộng sản Việt Nam, đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội. 2. Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình. 3. Các tổ chức của Đảng và đảng viên hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật”. 

Điều 4 Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 hiện nay đang được nhiều ý kiến góp ý để hoàn thiện, song từ Hiến pháp 1980 đến Hiến pháp sửa đổi năm 1992 quy định về Đảng ngày càng cụ thể hơn. Đảng là đội tiên phong của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam là sự tiếp tục khẳng định vai trò của đội tiên phong trong việc nắm vững ngọn cờ lãnh đạo cách mạng - thống nhất được quyền và lợi ích của toàn dân tộc. Cùng với khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng, Hiến pháp cũng xác định nền tảng tư tưởng của Đảng là chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Một Đảng cách mạng muốn vững mạnh và đủ sức lãnh đạo trước tiên phải được xây dựng trên nền tảng tư tưởng vững chắc. Điều này đã được Hồ Chí Minh khẳng định:  Đó là con đường cách mạng vô sản “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản1, đồng thời xác định chủ nghĩa Mác - Lênin không chỉ là “cẩm nang” thần kỳ, kim chỉ nam mà còn là ngọn cờ soi sáng cho chúng ta đi tới chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản. Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng là sự lựa chọn tất yếu khách quan, hợp với quy luật, hợp với lòng dân do lịch sử chọn lọc.

Cùng với quy định về vai trò lãnh đạo, Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 đã xác định được trách nhiệm pháp lí ràng buộc giữa Đảng với nhân dân và giữa nhân dân với Đảng. Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ lợi ích của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình. Khẳng định Đảng chịu sự giám sát của nhân dân là quy định kép buộc Đảng phải phát huy dân chủ, tạo điều kiện, cơ chế phù hợp để nhân dân thực hiện tốt việc giám sát hoạt động của Đảng, đồng thời cũng ngầm quy định trách nhiệm, vai trò của nhân dân trong việc đóng góp ý kiến của mình đối với Đảng trong việc ban hành, tổ chức thực hiện các chủ trương, đường lối. Giám sát nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của Đảng là quyền và nghĩa vụ thiêng liêng của mỗi người dân. Quy định vai trò của Đảng trước nhân dân đồng thời xác định trách nhiệm của nhân dân với Đảng là điểm mới so với các bản Hiến pháp trước, là bước phát triển mới về tư duy, nhận thức về Đảng. Đây chính là cơ sở để củng cố, phát huy và mở rộng dân chủ trong Đảng và dân chủ trong toàn xã hội, nhằm khơi dậy được sức mạnh từ nhân dân vào xây dựng, cụ thể hóa đường lối, chủ trương của Đảng.

Khoản 3, Điều 4 Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 còn khẳng định mọi tổ chức Đảng và đảng viên đều hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và Pháp luật. So với Hiến pháp năm 1992 thì Dự thảo sửa đổi Hiến pháp lần này mở rộng thêm đối tượng “đảng viên”. Thực tế, trong tổ chức Đảng đã bao hàm cả đảng viên song việc xác định cụ thể hơn đối tượng điều chỉnh của Hiến pháp chính là nhận thức mới nhằm nâng cao vai trò, vị trí, trách nhiệm của người đảng viên trong mỗi tổ chức Đảng. Tính chịu trách nhiệm của mỗi cá nhân đảng viên là vấn đề mấu chốt quyết định sức mạnh của tổ chức Đảng, từ đó thôi thúc mỗi đảng viên luôn tự trau dồi đạo đức, lối sống, bản lĩnh chính trị, kiên định mục tiêu lí tưởng, hành động đúng đắn không trái với nguyên tắc hoạt động của Đảng, ngăn ngừa sự suy thoái về tư tưởng chính trị đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên. Điều này càng có ý nghĩa thực tiễn trong thời điểm toàn Đảng đang ra sức triển khai thực hiện các giải pháp về xây dựng Đảng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI.

Qua các bản Hiến pháp ở từng thời điểm lịch sử, nhận thức về vai trò của Đảng ngày càng hoàn thiện và đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ cách mạng. Quy định về vai trò của Đảng tại Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992đã thể hiện một cách khá đầy đủ bản chất, vị trí lãnh đạo của Đảng với Nhà nước, toàn xã hội cũng như mối quan hệ của Đảng với các giai cấp và dân tộc. Tuy nhiên, để xây dựng Đảng cầm quyền duy nhất lãnh đạo thực sự trong sạch vững mạnh ở nước ta trong bối cảnh hiện nay, cần xây dựng cơ chế phối hợp giữa Đảng, Nhà nước, các tổ chức trong hệ thống chính trị để thực hiện nghiêm các nguyên tắc xây dựng Đảng, kỷ luật nghiêm minh đối với đảng viên, tổ chức Đảng vi phạm Hiến pháp và Pháp luật. 

 1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t9,tr314

Thiên Nhẫn


    Ý kiến bạn đọc