Quảng cáo ngoài trời tại Hà Tĩnh - Thực trạng và giải pháp
EmailPrintAa
10:22 17/04/2013

Quảng cáo là hoạt động không thể thiếu của doanh nghiệp và được đánh giá là một trong những ngành công nghiệp không khói mang lại lợi nhuận cao. Những năm gần đây, trên địa bàn Hà Tĩnh, hoạt động quảng cáo đặc biệt là quảng cáo ngoài trời (quảng cáo bằng bảng, biển, pa-nô, băng rôn, màn hình đặt nơi công cộng, vật phát quang, vật thể trên không, dưới nước, phương tiện giao thông, vật thể di động) diễn ra khá sôi động. Mặc dù đã có sự quản lý chặt chẽ của cơ quan nhà nước nhưng hoạt động này vẫn tồn tại khá nhiều bất cập.

Theo quy định của Luật Quảng cáo, việc thực hiện các loại hình quảng cáo trên phải được Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch cấp giấy phép. Tuy nhiên, tình trạng quảng cáo không giấy phép vẫn tồn tại, gây khó khăn cho công tác quản lý của các cơ quan nhà nước. Từ năm 2005 đến đầu năm 2009, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hà Tĩnh đã cấp gần 500 giấy phép thực hiện quảng cáo ngoài trời các loại như: quảng cáo tấm lớn, băngrôn, bảng tấm nhỏ... Nhưng trên thực tế con số tồn tại của các bảng, biển... quảng cáo ngoài trời lớn hơn rất nhiều. Anh Nguyễn Ngọc Thịnh, Trưởng phòng Nghiệp vụ Văn hóa (Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch) cho biết: "Thời gian qua, việc cấp giấy phép quảng cáo được Sở thực hiện theo cơ chế “một cửa” đã tạo nhiều thuận lợi cho các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân có nhu cầu quảng cáo. Tuy nhiên, bên cạnh những đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân nghiêm túc thực hiện quy định về cấp phép quảng cáo thì nhiều trường hợp vẫn cố tình quảng cáo không xin phép". 

Dạo quanh Thành phố Hà Tĩnh, nơi có hoạt động quảng cáo diễn ra sôi nổi nhất trên địa bàn tỉnh, chúng ta bắt gặp rất nhiều loại bảng biển quảng cáo khác nhau. Số lượng, hình thức phong phú kèm theo đó là những vi phạm như không ghi hoặc ghi không đầy đủ số giấy phép, thời hạn giấy phép, tên người xin phép thực hiện quảng cáo. Tình trạng quảng cáo nói trên không những gây khó khăn cho công tác quản lý mà còn làm thất thoát vì không thu được phí quảng cáo, nhất là những quảng cáo nhỏ trong dân.

Bên cạnh đó, một bất cập dễ thấy ở các bảng, biển... quảng cáo ngoài trời là sự sai lệch trong nội dung viết, vẽ quảng cáo. Không quá khó để tìm thấy những lỗi sai chính tả như viết hoa sai, viết sai từ ngữ, thừa từ, ngữ ... ở các bảng, biển quảng cáo. Trên đường La Sơn Phu Tử có biển "Nhà hàng Rồng vàng quán". Ở biển hiệu này đã mắc lỗi dùng thừa từ, đã nhà hàng thì cũng không cần phải ghi thêm từ quán....Trên đường 1A, có rất nhiều biển hiệu quảng cáo cho thuê xe, và việc tồn tại các sai sót về dấu như "Cho thuê xe 8 chổ, 12 chổ" (nhầm lẫn dấu hỏi và dấu ngã) cũng rất nhiều. Lỗi viết hoa một cách vô lối, tùy tiện thì hầu như ở biển quảng cáo nào cũng có... Những sai sót ấy không chỉ gây phản cảm cho người dân, làm mất mỹ quan đô thị mà rõ ràng đã và đang làm ảnh hưởng đến sự trong sáng của Tiếng Việt.

Về kích thước của bảng, biển quảng cáo cũng còn nhiều bất cập, phóng biển hiệu to, nhỏ tuỳ thích, với màu sắc bắt mắt. Sặc sỡ nhất là các cửa hàng bán bếp ga, máy tính, điện thoại và không ít các ngân hàng cổ phần. Biển hiệu của họ thường to hết cỡ, thậm chí che lấp hết cả toà nhà mấy tầng, với màu sắc chói gắt. Một tồn tại cũng gây phản cảm không kém đó là sự rỉ nát, thậm chí gãy đổ của các bảng quảng cáo tấm lớn tập trung trên đường quốc lộ 1A, quốc lộ 8 và trung tâm Thành phố Hà Tĩnh như quảng cáo xi măng Hoàng Mai trên đường quốc lộ 1A, bảng quảng cáo bia Huda tại ngã 4 Phan Đình Phùng (quốc lộ 1) và  một số bảng quảng cáo cho các hãng bia, sơn Juton... rất nguy hiểm khi mùa mưa bão đến. Ở Nghi Xuân, khu vực Bến Thủy giáp với tỉnh Nghệ An có đến 7 bảng quảng cáo đặt với mật độ dày, vừa giảm hiệu quả quảng cáo vừa ảnh hưởng đến thẩm mỹ, đặc biệt ở đây còn có sự khập khiễng trong hình thức quảng cáo. Bên cạnh những bảng quảng cáo xây mới hiện đại theo hình thức một cột như Viettel, Vinaphone...là những biển đã cũ như của Xi măng sông Gianh, Công ty Gang thép Thái Nguyên... Điều này cũng dễ bắt gặp ở các địa phương khác như Thạch Hà, Thành phố Hà Tĩnh, Đức Thọ... 

Ngoài sự những bất cập trong kích thước, hình thức trình bày, là sự lộn xộn trong vị trí treo các bảng biển quảng cáo. Từ cột điện đến bờ tường, nóc nhà, cây lớn, cây bé... tất cả đều được tận dụng để treo bảng, biển, băng rôn quảng cáo... Các cửa hàng không chỉ treo một bảng hiệu duy nhất, mà đều dùng từ hai đến bốn, năm bảng hiệu khác nhau về kích thước. Điển hình như Cửa hàng Mỹ phẩm Hồng Nhung ở đường Nguyễn Công Trứ, cùng một nội dung quảng cáo là chuyên bán các loại mỹ phẩm nhưng chủ nhân dùng đến hai bảng hiệu, che mất mặt tiền của ngôi nhà. Có thể nói, sự lộn xộn về nội dung và hình thức biển hiệu kinh doanh, bảng biểu quảng cáo ở Hà Tĩnh đang phá vỡ cảnh quan đường phố, làm ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông trên địa bàn.

Trước thực trạng đó, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hà Tĩnh cũng đã có nhiều nỗ lực để giảm thiểu vi phạm. Hằng năm, đều có kế hoạch hướng dẫn Trung tâm Văn hóa tỉnh, phòng, trung tâm văn hóa các huyện, thị xã, thành phố tích cực tuyên truyền Luật Quảng cáo tới mọi tổ chức, cá nhân bằng nhiều hình thức. Quán triệt đến các đơn vị trực thuộc các văn bản pháp luật về lĩnh vực quảng cáo, đẩy mạnh tuyên truyền tới các tổ chức xã hội, doanh nghiệp và nhân dân để thực hiện; đồng thời tăng cường kiểm tra, xử lý, chấn chỉnh nhằm hạn chế thấp nhất hành vi vi phạm. Ngành còn thành lập phòng một cửa tiếp nhận hồ sơ quảng cáo, rút ngắn thời gian cấp phép đúng qui trình thẩm định. Quy trình này được phổ biến công khai trên website của sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch phục vụ nhu cầu tìm hiểu, tra cứu của các tổ chức, cá nhân. 

Tuy nhiên, do điều kiện cơ sở vật chất, kinh phí cũng như con người phục vụ cho công tác quản lý quảng cáo còn khó khăn; địa bàn rộng, lực lượng thanh tra văn hóa mỏng công tác kiểm tra hoạt động quảng cáo chưa được thường xuyên; các sở, ban, ngành liên quan chưa có sự phối hợp chặt chẽ trong hoạt động quảng cáo. Do vậy, hoạt động này chưa đạt hiệu quả cả về chất lượng, hình thức cũng như công tác quản lý trên địa bàn. Một nguyên nhân quan trọng nữa là do thiếu hiểu biết pháp luật về những quy định trong hoạt động quảng cáo, đặc biệt là ý thức, văn hóa kinh doanh của người dân, doanh nghiệp còn hạn chế.

Trong thời gian tới, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ tăng cường công tác thanh kiểm tra và xử lý nghiêm các hoạt động vi phạm; phối hợp với các ngành chức năng phổ biến các văn bản pháp luật về lĩnh vực quảng cáo tới các cơ sở sản xuất, kinh doanh. Từ đó, nâng cao hiểu biết và nhận thức cũng như văn hóa kinh doanh cho người dân. Đặc biệt, để quản lý hiệu quả công tác quảng cáo ngoài trời trên địa bàn tỉnh, Sở đã xây dựng và trình UBND tỉnh phê duyệt Quy hoạch quảng cáo ngoài trời. Sự ra đời của Quy hoạch này cùng với Quyết định số 148/QĐ -UBND ngày 18 tháng 01 năm 2011 sẽ góp phần tăng cường công tác quản lý hoạt động quảng cáo, thúc đẩy hoạt động quảng cáo thương mại phát triển, để quảng cáo thực sự là một “ngành công nghiệp không khói” mang lại hiệu quả cao.

Ái Vân, Tạp chí Văn hóa HT


    Ý kiến bạn đọc