Sức lan tỏa của một tấm ảnh và truyền thống quê hương anh hùng
EmailPrintAa
17:05 27/03/2015

Nhân dịp kỷ niệm 80 năm Ngày truyền thống Dân quân tự vệ Việt Nam (28/3/1935 - 28/3/2015), xem lại bức ảnh “O du kích nhỏ” dẫn giải tên giặc lái Mỹ chúng ta không khỏi xúc động, tự hào về truyền thống của quê hương, đất nước.
 

O du kích nhỏ” dẫn giải tên giặc lái Mỹ

 

Sau thất bại trong chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”, để cứu vãn chế độ Sài Gòn, đế quốc Mỹ chuyển hướng chiến lược chiến tranh, đẩy chiến tranh lên hình thức cao nhất - “chiến tranh cục bộ” đưa quân đội Mỹ và chư hầu trực tiếp tham chiến ở miền Nam Việt Nam. Dựa vào ưu thế quân sự của một cường quốc, đế quốc Mỹ huênh hoang tuyên bố: “Đưa miền Bắc Việt Nam trở về thời kỳ đồ đá”.

Ở Hương Khê, từ đầu năm 1965, máy bay Mỹ thường xuyên bay lượn trinh sát tuyến vận tải đường sắt, đường ô tô, đường sông Ngàn Sâu và các cơ sở quân sự, dân sự như doanh trại bộ đội, các công trường, lâm trường... Liên tục trong các tháng giữa năm 1965, máy bay Mỹ đã đánh phá dồn dập, bắn cháy trường cấp II Hương Thanh, đánh phá cầu Thanh Luyện, phà Địa Lợi, Lộc Yên, cầu 30 thước, cầu Cửa Rào, thị trấn Chu Lễ...

Căm phẫn trước tội ác của giặc Mỹ, phong trào chống Mỹ cứu nước xuất hiện sôi động trong các giới, các đoàn thể nhân dân như phong trào Ba sẵn sàng, Ba đảm đang, phong trào đi bộ đội, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến. Chưa bao giờ tuổi trẻ Hương Khê, phụ nữ Hương Khê lại tình nguyện tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước sôi nổi như thời kỳ này. Toàn huyện có hàng trăm quân nhân phục viên được gọi tái ngũ, hàng ngàn người đi thanh niên xung phong, đi bộ đội.

Phong trào bắn máy bay được đẩy mạnh với hàng chục đội quân trực chiến, nhất là các xã dọc theo các tuyến đường vận tải, nơi trọng điểm giao thông, khu vực nông, lâm trường, xí nghiệp... Khẩu hiệu "Tay cày tay súng", "Tay búa tay súng" được nông dân, công nhân Hương Khê thực hiện sinh động, hiệu quả trên thực tế.

Ngày 20/9/1965, quân dân Hương Vĩnh, Hương Xuân và tự vệ Nông trường 20/4 đã phối hợp bắn máy bay, vây bắt giặc lái Mỹ nhảy dù. Quân dân Hương Khê đã bắn rơi 1 trực thăng, bắt sống 5 tên giặc Mỹ. Hình ảnh "O du kích nhỏ” dẫn giải giặc lái Mỹ là do nhiếp ảnh gia Phan Thoan ghi lại được trong sự kiện này.

O du kích nhỏ bé trong tấm ảnh quý giá đó tên là Nguyễn Thị Kim Lai quê ở xã Phú Phong, huyện Hương Khê. Trong bức ảnh, Nguyễn Thị Kim Lai đội mũ bộ đội, chân đi dép lốp, giản dị mà rắn rỏi. O du kích giương cao súng, áp giải tên phi công Mỹ cao lớn lênh khênh, hai tay bị trói, cúi đầu bước trên đường. Sau khi xem, Bác Hồ đã cho chuyển tới tòa soạn Báo ảnh Việt Nam bức ảnh này cùng một bức ảnh khác chụp cô y tá băng bó cho một phi công Mỹ để đăng báo. Hình ảnh O du kích nhỏ đã được ngành bưu chính in thành tem thư càng làm cho tác phẩm có sự lan tỏa rộng lớn.

Bức ảnh của Phan Thoan đã đoạt Huy chương Vàng tại cuộc thi ảnh của Đại hội liên hoan thanh niên, sinh viên thế giới lần thứ 9 tại Xôphia (Bungari) năm 1968. Nhiều tờ báo trên thế giới, đặc biệt là Liên Xô (cũ) đã đăng tấm ảnh và bình luận về ý nghĩa của nó. Nhân dân Cuba đã phóng lớn bức ảnh này, chiều cao 8 mét, chiều rộng 5 mét, dựng ở trung tâm thủ đô Lahabana. Trong số những bức ảnh quí hiếm được in trên cột thép ở Quảng trường Mác - Ănghen (Berlin) cũng có tấm ảnh O du kích giải giặc lái Mỹ mà lúc đầu đặt tên là "Uy thế của không lực Huê Kỳ". Từ năm 1994-1995 Hãng truyền hình NHK Nhật Bản đã làm bộ phim tài liệu nổi tiếng “Kim Lai - Robinson…” gây xúc động cho khán giả toàn thế giới thông qua báo chí, điện ảnh và văn học. Bức ảnh có sức lan tỏa mạnh mẽ. Nữ văn sỹ Ấn Độ Pon Dra Carti khẳng định: “Tôi đã xem nhiều bức ảnh nhân loại, nhưng chưa có bức ảnh nào làm tôi rung cảm như bức ảnh này của ông Phan Thoan... Thế giới chẳng những đã hiểu thêm cuộc chiến đấu anh hùng của dân tộc Việt Nam mà còn biểu hiện lòng khâm phục sâu sắc. Đây chính là sự thể hiện tuyệt vời bản lĩnh của một dân tộc đã và đang chiến đấu cho độc lập tự do".

Nhà thơ Tố Hữu đã cảm hứng viết bài thơ "Tấm ảnh" gồm 4 câu mà hầu như ai cũng thuộc, cũng đồng cảm:
                           “O du kích nhỏ giương cao súng
                            Thằng Mỹ lênh khênh bước cúi đầu
                            Ra thế! To gan hơn béo bụng
                            Anh hùng đâu cứ phải mày râu!”
Thế là từ bức tượng đài trong nhiếp ảnh, nhà thơ đã dựng lên một bức tượng đài lịch sử trong thơ - đó là người nữ dân quân gan dạ, tiêu biểu cho thế hệ những con người kiên cường chống Mỹ xâm lược.

Trần Phúc Anh - Huyện ủy Hương Khê


    Ý kiến bạn đọc