Tăng cường các biện pháp xây dựng đời sống văn hóa cơ sở trong giai đoạn hiện nay ở Hà Tĩnh
EmailPrintAa
15:37 26/08/2013

Xây dựng đời sống văn hóa cơ sở là một trong những nhiệm vụ công tác trọng tâm của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Đơn vị cơ sở trong tổ chức xây dựng đời sống văn hóa theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) là nhà máy, công trường, nông trường, lâm trường, đơn vị lực lượng vũ trang, cơ quan, trường học, bệnh viện, cửa hàng, hợp tác xã, làng xã, phường, ấp, bản, vùng dân cư, gia đình, họ tộc … Đó là những cộng đồng người có địa bàn sinh sống hoặc lao động, công tác theo một tổ chức hành chính, kinh tế, xã hội nhất định.

Đời sống văn hóa ở cơ sở là một phần thể hiện chất lượng cuộc sống của mỗi cá nhân, gia đình, cộng đồng. Việc đánh giá sự tiến bộ của xã hội qua mỗi thời kỳ, mỗi giai đoạn không chỉ bằng thước đo về điều kiện vật chất, mức sống, mức thu nhập mà còn ở khả năng đáp ứng nhu cầu văn hóa tinh thần, sự tiến bộ về nếp sống, lối sống, sự phát triển hài hòa giữa đời sống vật chất và đời sống tinh thần của người dân. Do đó, tạo điều kiện để đời sống văn hóa ở cơ sở được nâng cao còn có ý nghĩa xóa bỏ dần sự chênh lệch về mức sống, mức hưởng thụ văn hóa giữa thành thị và nông thôn, giữa miền xuôi và miền núi, vùng xa, vùng sâu, tạo sự công bằng xã hội. Ngay từ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ V, vấn đề này đã được Đảng ta đặt ra và trở thành định hướng chung trong quá trình phát triển.

Đời sống văn hóa ở tỉnh ta những năm gần đây đã có nhiều đổi mới. Nhiều chủ trương, nghị quyết của cấp uỷ, chính quyền các cấp về xây dựng “Gia đình văn hóa”, “Làng văn hóa”, “Tổ dân phố văn hóa”… được ban hành, triển khai thực hiện có hiệu quả. Nhiều đề án về phát triển sự nghiệp văn hóa, thể thao và du lịch đã xác định rõ các mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể về xây dựng và phát triển đời sống văn hóa ở cơ sở. Các địa phương đã chú ý xây dựng và củng cố hệ thống thiết chế văn hóa, chính sách đầu tư cho văn hóa thông tin cơ sở như xây dựng nhà văn hoá thôn, sân vận động… Các phong trào được phát động đã được quần chúng nhân dân hưởng ứng mạnh mẽ, có sức hấp dẫn với mọi tầng lớp nhân dân ở thành thị cũng như nông thôn. Trong đó, có những làng văn hóa ở tỉnh ta đã thành mô hình học tập cho cả nước như xã Thạch Châu (Lộc Hà); xã Tùng Ảnh (Đức Thọ); xã Tiên Điền (Nghi Xuân); xã Kỳ Hải (Kỳ Anh); xã Gia Phố (Hương Khê). Tính đến nay tỉnh ta đã có 1.005/2.887 làng, xóm, thôn, bản văn hóa (đạt 34,82%); 198/229 khối phố, tổ dân phố văn hóa (đạt 85%);249.250/342.929 gia đình văn hóa (chiếm 72,68%).

Đặc biệt, từ khi Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) và Nghị quyết số 11 (khóa XIV) của BCH Đảng bộ tỉnh được ban hành, phong trào quần chúng xây dựng đời sống văn hóa có điều kiện phát triển mạnh mẽ và sâu rộng hơn. Trình độ nhận thức và sự quan tâm của cấp uỷ Đảng, chính quyền các cấp về văn hóa có sự chuyển biến rõ rệt; nhiều công trình văn hóa, thiết chế văn hóa ở cơ sở đã được đầu tư xây dựng. Hiện nay, ở tỉnh ta 11/12 huyện, thành, thị có Trung tâm văn hóa khang trang và trang thiết đầy đủ; 155/262 nhà văn hóa xã; 2.500/2.831 nhà văn hóa làng (thôn, xóm); 2.671 làng (thôn, xóm) có hương ước; 238 điểm bưu điện văn hóa xã; 136/262 xã, phường có thư viện; 262 tủ sách pháp luật; 1.895 đội văn nghệ quần chúng; 6.401 Câu lạc bộ các loại; 322 di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh, 73 di tích cấp quốc gia, 01 di tích quốc gia đặc biệt. 

Chúng ta đã nghe nói tới văn hóa làng, văn hóa đô thị, văn hóa công sở, văn hóa học đường, văn hóa ẩm thực, văn hóa du lịch, văn hóa giao tiếp, văn hóa nghe nhìn, văn hóa đọc, văn hóa thời trang, văn hóa thương mại, văn hóa tâm linh, văn hóa dòng họ, văn hóa tôn giáo, văn hóa hội họp… Vậy rõ ràng văn hóa gắn liền với hoạt động của mỗi một con người, mỗi gia đình, mỗi cộng đồng, do vậy mà cần mang tính chất xã hội hóa rất cao. Vì thế phải xem việc xây dựng đời sống văn hóa cơ sở là một nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài, công tác tổ chức xây dựng phải tiến hành từng bước với những biện pháp cụ thể, phù hợp hoàn cảnh từng vùng, từng địa phương, theo định hướng, chủ trương của Đảng: “Tiếp tục đưa các hoạt động văn hóa thông tin về cơ sở, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào các dân tộc; phát động phong trào toàn dân tham gia thực hiện nếp sống văn minh, gia đình, bản, làng văn hóa; tiến tới hoàn chỉnh hệ thống thiết chế văn hóa bằng nguồn lực nhà nước và mở rộng xã hội hóa, làm cho văn hóa thấm sâu vào từng khu dân cư, từng gia đình, từng người”.

Theo định hướng đó, chúng ta cần thực hiện hiệu quả một số biện pháp chủ yếu nhằm đẩy mạnh công tác xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở trong giai đoạn hiện nay:

- Trước hết cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ, chính quyền các cấp và sự phối hợp của các đoàn thể, các lực lượng xã hội đối với ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc các cấp trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” và thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới.

- Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về văn hoá nói chung và xây dựng đời sống văn hóa cơ sở nói riêng đến mọi cấp, mọi ngành và toàn thể cộng đồng dân cư. Xây dựng kế hoạch, chương trình hành động cụ thể của các cấp, các ngành; phát huy vai trò gương mẫu về tư tưởng, đạo đức, lối sống văn hóa của cán bộ, đảng viên.

- Tiếp tục xây dựng và nâng cao chất lượng phong trào Gia đình văn hóa, Làng văn hóa, cơ quan đơn vị đạt chuẩn văn hóa; tăng cường thanh tra, kiểm tra, nghiêm khắc xử lý các vi phạm trong lĩnh vực kinh doanh Internet, in sao băng đĩa, tuyên truyền văn hóa phẩm độc hại… trong các hoạt động văn hóa và dịch vụ văn hóa trên địa bàn tỉnh. 

- Đẩy mạnh xã hội hóa, khai thác các nguồn lực vật chất cũng như tinh thần trong nhân dân và toàn xã hội vào việc tổ chức xây dựng đời sống văn hóa. Quan tâm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa cổ truyền của mỗi địa phương, góp phần giữ gìn và phát huy những nét đẹp văn hóa truyền thống Hà Tĩnh. 

- Xây dựng và đưa vào thực hiện những cơ chế chính sách phù hợp với việc hỗ trợ đầu tư cho hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao ở cơ sở; có chính sách phù hợp với những người trực tiếp làm công tác tổ chức, hướng dẫn xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở.

Xây dựng đời sống văn hóa cơ sở là góp phần xây dựng môi trường văn hóa xã hội lành mạnh, tạo nền tảng tinh thần vững chắc cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước hiện nay. Toàn bộ công tác này không ngoài mục đích vì sự phát triển của con người với lối sống, tư tưởng, đạo đức lành mạnh, xây dựng môi trường chính trị, kinh tế, xã hội ổn định, bảo đảm cho sự phát triển bền vững đối với Hà Tĩnh trong thời gian tới./.

Hồng Lam – BTGTU


    Ý kiến bạn đọc