Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đình Sơn vừa chủ trì buổi làm việc với Vườn Quốc gia Vũ Quang, BQL rừng phòng hộ sông Tiêm và chính quyền địa phương Hương Khê, Vũ Quang về công tác quản lý, bảo vệ rừng.
Thời gian gần đây tình trạng lâm tặc vào Vườn Quốc gia và rừng phòng hộ sông Tiêm để khai thác, vận chuyển trái phép lâm sản diễn ra khá phức tạp. Tại các tiểu khu 198, 204 (Vườn Quốc gia Vũ Quang) và 228, 247 (rừng phòng hộ sông Tiêm) đã bị bọn lâm tặc khai thác hàng trăm m3 gỗ các loại. Lâm tặc không chỉ tàn phá rừng mà còn chống đối, tổ chức cướp tang vật cản trở người thi hành công vụ.
Qua các đợt truy quét, lực lượng chức năng đã bắt giữ và xử lý 22 vụ vi phạm lâm luật, tịch thu 135 m3 gỗ các loại, phá hủy 27 lán trại tại rừng, 550 dây bẫy thú và nhiều dụng cụ phá rừng khác.
Các đối tượng phá rừng chủ yếu là người dân địa phương sống gần rừng và một số ở Quảng Bình được các đầu nậu gỗ ở xã Hòa Hải, Phúc Đồng (Hương Khê) thuê vào khai thác lâm sản trái phép.
Tang vật lực lượng chức năng thu giữ được trong đợt truy quét
Kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đình Sơn cho rằng, để xẩy ra tình trạng phá rừng phức tạp như trên, ngoài các nguyên nhân khách quan như địa hình phức tạp hiểm trở, lực lượng chức năng mỏng không kiểm soát hết thì nguyên nhân chính vẫn từ phía chủ quan của chủ rừng chưa thực hiện tốt trách nhiệm, việc tuần tra ngăn chặn tại gốc còn hạn chế.
Công tác quản lý nhà nước của các cơ quan Kiểm lâm, Biên phòng và chính quyền địa phương còn nhiều yếu kém, bất cập, quan liêu. Việc thực hiện qui chế phối hợp giữa các lực lượng không hiệu quả. Đặc biệt, có dấu hiệu một số cán bộ liên quan tha hóa, biến chất tiếp tay lâm tặc.
Những chiếc thuyền trong lòng hồ Đá Hàn được lâm tặc thuê vận chuyển gỗ lậu
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đình Sơn yêu cầu chủ rừng phối hợp với cơ quan chức năng, chính quyền địa phương đánh giá lại thực trạng chặt phá rừng, kiểm đếm số gỗ đã chặt còn lại ở trong rừng; kiên quyết chặn đứng phá rừng, không cho vận chuyển; bố trí, tăng cường lực lượng giám sát, bảo vệ rừng 24/24 giờ; kiểm soát chặt chẽ các đối tượng ra, vào rừng, các phương tiện vận chuyển, cưa xẻ gỗ tại các địa phương.
Đặc biệt, các ban, ngành đoàn thể cấp huyện, xã phải tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục cán bộ, nhân dân trong công tác bảo vệ rừng; nêu cao tinh thần phát giác tin báo tội phạm.
Tin mới cập nhật
- Phòng dịch Covid-19 ở Hà Tĩnh: Tổng hợp sức mạnh của ý Đảng - lòng dân ( 24/04)
- Hà Tĩnh vận động đoàn viên, hội viên, các tầng lớp nhân dân thực hiện tốt chủ trương sáp nhập xã ( 19/07)
- Tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động ( 30/01)
- Hội viên Hội Cựu chiến binh tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước ( 08/01)
- Tổ chức đoàn cần họp ít, nói thuyết phục, làm hiệu quả ( 08/01)
- Tăng cường quản lý hoạt động báo chí trên địa bàn Hà Tĩnh ( 04/01)