Ngày 7/6, Quốc hội dành trọn thời gian làm việc để nghe báo cáo và thảo luận tại hội trường việc thực hiện chính sách, pháp luật về giảm nghèo giai đoạn 2005-2012.
Phiên họp diễn ra sôi nổi với nhiều ý kiến thảo luận, phân tích sâu về kết quả đạt được, những khó khăn, hạn chế và một số kiến nghị, đề xuất trong thực hiện chính sách, pháp luật về giảm nghèo. Dưới đây, Hà Tĩnh Online trích đăng ý kiến thảo luận của đại biểu Võ Kim Cự - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh về nội dung này.
Thời gian qua, Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ có nhiều chủ trương, nghị quyết, các văn bản quy phạm pháp luật phục vụ chương trình giảm nghèo, huy động được cả hệ thống chính trị thường xuyên vào cuộc nên đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Hàng triệu người dân được hưởng lợi từ chính sách này. Đây là chính sách đúng đắn, vừa đảm bảo an sinh xã hội, đảm bảo ổn định chính trị theo hướng phát triển bền vững, khẳng định được chế độ ưu việt của Đảng, nhà nước ta, được bạn bè quốc tế đánh giá cao.
Đặc biệt là Nghị quyết Trung ương 5/NQ-TƯ về phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân và Quyết định 800/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng nông thôn mới. Đây là nền tảng, điều kiện, cũng là mục tiêu để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nông dân. Những nơi nào sáng tạo để thực hiện được chủ trương xã hội hoá trong giảm nghèo và liên kết hóa, doanh nghiệp hóa thì nơi đó thành công trong nông nghiệp, nông thôn, nông dân nói chung, đặc biệt là giảm nghèo bền vững và ngược lại. Nếu người nông dân biết thoát nghèo đi lên bằng chính lao động, đất đai của chính mình, biết liên kết từng hộ, từng xóm, xã với nhau và liên kết với quy mô vùng, liên vùng để có hàng hóa chủ lực lớn hơn, để chế biến và tiêu thụ thì chắc chắn vượt qua được nghèo đói. Trong đó nền tảng vẫn là xã hội hóa.
Đồng thời với các tổ chức chính trị xã hội, hệ thống của Đảng, chính quyền, và ngành lao động thì Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nông dân, phụ nữ, hội cựu chiến binh, thanh niên và các tổ chức tín dụng, nhất là ngân hàng chính sách xã hội có vai trò quan trọng. Nghị định 78/ NĐ- CP của Chính phủ rất đúng đắn, hợp lòng dân, đi vào cuộc sống, góp phần xóa đói, giảm nghèo và an sinh xã hội.
Nhìn chung, các chính sách đã ban hành khá tốt và khá đồng bộ, nhưng quan trọng nhất và có tính khả thi, hiệu quả nhất, đó là chính sách về tín dụng: hỗ trợ 16 chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó có 6 chương trình do ngân hàng chính sách xã hội đảm nhận cho hiệu quả rất cao. Ngân hàng chính sách đã kịp thời cho vay đối với người dân vùng tái định cư, vừa bị bão lũ… Nơi nào khó khăn là cán bộ của ngân hàng chính sách kịp thời có mặt và đặc biệt là quản lý vốn rất tốt (tỷ lệ vốn quá hạn chỉ 0,82%.
Mục tiêu của chúng ta chẳng những giảm nghèo mà phải thoát nghèo bền vững và vươn lên khá hơn. Vì vậy, phải tăng vốn điều lệ cho ngân hàng chính sách, bởi vì từ năm 2010 đến nay chưa được tăng vốn điều lệ. Nếu tăng khoảng 4 - 5 ngàn tỷ đồng mà giải quyết được chục vạn hộ và hàng triệu người giảm nghèo thì tăng là cần thiết, cấp bách và rất đúng đắn. Hà Tĩnh tuy đang rất khó khăn, nhưng đã bổ sung được vài chục tỷ và sẽ tiếp tục bổ sung trong thời gian tới. Đây là một nhu cầu rất cần thiết và đề nghị Quốc hội, Chính phủ quan tâm hơn nữa.
Thứ hai, trong 16 chương trình, mục tiêu quốc gia, chương trình nào cũng quan trọng, cần thiết, nhưng một số chương trình trùng lặp. Đề nghị cắt, giảm hoặc điều chỉnh một số chương trình chưa cấp bách, ưu tiên nguồn lực cho 2 chương trình vừa cơ bản, vừa cấp bách đó là: giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới. Phải trở lại gốc, đó là tổ chức sản xuất, giải quyết việc làm mới thoát nghèo bền vững.
Thứ ba, Chính phủ đã có chủ trương, có nghị định khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp là cần thiết và phải ưu tiên đầu tư hơn nữa. Bởi doanh nghiệp đầu tư trong nông nghiệp rủi ro cao, lợi nhuận thấp, do đó hỗ trợ cho doanh nghiệp chính là hỗ trợ gián tiếp cho nông dân, để doanh nghiệp là nền tảng thúc đẩy nông nghiệp, nông dân, nông thôn phát triển (đầu tư khâu giống, gia nhập công nghệ mới, chế biến và tiêu thụ sản phẩm) nhằm thực hiện mô hình đồng nhất một loại giống, một công nghệ để đồng nhất một sản phẩm.
Để nhiều xã, nhiều huyện cùng làm một loại giống, thực hiện một công nghệ sẽ có những sản phẩm hàng hóa chủ lực lớn. Thông qua doanh nghiệp để tổ chức việc làm, giải quyết vấn đề xây dựng hạ tầng và xử lý nhiều vấn đề khác. Phấn đấu mỗi xã phải có từ 5-7 doanh nghiệp, 6-8 hợp tác xã. Để thoát nghèo bền vững, đề nghị Quốc hội tiếp tục hỗ trợ lãi và giảm lãi vay cho các hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo. Mặt khác, đề nghị đơn giản hóa thủ tục cho vay nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được tiếp cận vay vốn phục vụ SXKD.
Tin mới cập nhật
- Phòng dịch Covid-19 ở Hà Tĩnh: Tổng hợp sức mạnh của ý Đảng - lòng dân ( 24/04)
- Hà Tĩnh vận động đoàn viên, hội viên, các tầng lớp nhân dân thực hiện tốt chủ trương sáp nhập xã ( 19/07)
- Tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động ( 30/01)
- Hội viên Hội Cựu chiến binh tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước ( 08/01)
- Tổ chức đoàn cần họp ít, nói thuyết phục, làm hiệu quả ( 08/01)
- Tăng cường quản lý hoạt động báo chí trên địa bàn Hà Tĩnh ( 04/01)