Với đặc điểm thiên tai đa dạng và phức tạp, hàng năm, Hà Tĩnh phải hứng chịu nhiều ảnh hưởng trực tiếp của thiên tai, bão lũ, gây thiệt hại lớn về người và tài sản của nhân dân…
Các hình thái thiên tai, bão lũ thường thấy là: lũ lụt, lũ quét, sạt lở đất (ở các huyện miền núi Hương Khê, Vũ Quang, Hương Sơn, thượng Đức Thọ và thượng Kỳ Anh), ngập lụt ngoài đê La Giang (ở Đức Thọ, Nghi Xuân), ngập úng nội đồng dọc theo sông Nhà Lê - Sông Nghèn và vùng hạ du hồ Kẻ Gỗ.
Đặc biệt, với chiều dài 137km bờ biển từ Cửa Hội đến Đèo Ngang, trong đó có 4 cửa lạch là: Cửa Hội, Cửa Sót, Cửa Nhượng và Cửa Khẩu; có 31 xã dọc bờ biển với khoảng 120.000 nhân khẩu, có gần 3.800 tàu thuyền thường xuyên hoạt động đánh bắt trên biển, nhất là đa số dân cư sống chủ yếu bằng nghề đánh bắt, nuôi trồng, chế biến, dịch vụ thủy hải sản nên đây là những đối tượng thường chịu nhiều rủi ro khi thiên tai, bão tố xẩy ra…
Do tác động của biến đổi khí hậu, trong hơn thập kỷ qua, tỉnh ta bị tác động ác liệt của thiên tai với các trận lũ quét năm 2002, lũ lịch sử năm 2007 và đặc biệt là trận "lũ chồng lũ" năm 2010 (làm ngập chìm 182/262 xã) gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản của nhân dân.
Trước diễn biến phức tạp của thiên tai, bão lũ, những năm qua, cấp ủy, chính quyền các cấp đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc trong tổ chức, chỉ đạo, điều hành, quyết liệt triển khai các biện pháp phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả nên góp phần đáng kể vào việc giảm thiểu thiệt hại.
Tuy vậy, chúng ta cũng nhận thấy còn những tồn tại đó là công tác chuẩn bị "4 tại chỗ" còn hình thức, còn biểu hiện chủ quan ở một số bộ phận cán bộ và nhân dân dẫn đến thiệt hại về người do bất cẩn, xẩy ra sự cố công trình không đáng có...
Tăng cường trồng rừng ngập mặn để hạn chế sự xâm thực của biển và tác động của triều cường
Để chủ động ứng phó với thiên tai, đặc biệt tình hình thiên tai ngày càng cực đoan, bất thường, không tuân theo quy luật, ngoài việc tiếp tục phát huy những kinh nghiệm và kết quả đạt được thì trong thời gian tới, các cấp, các ngành cần tập trung triển khai có hiệu quả: "Đề án Nâng cao năng lực cộng đồng và Quản lý thiên tai dựa vào cộng đồng" đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1002/QĐ-TTg ngày 13/7/2009.
Với mục tiêu "Nâng cao nhận thức cộng đồng và tổ chức có hiệu quả mô hình quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng cho các cấp, các ngành, đặc biệt là chính quyền và người dân ở các làng, xã nhằm giảm đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản, hạn chế sự phá hoại tài nguyên thiên nhiên, môi trường và di sản văn hóa do thiên tai gây ra, góp phần bảo đảm phát triển bền vững đất nước, bảo đảm quốc phòng, an ninh", Đề án Quản lý thiên tai dựa vào cộng đồng (CBDRM) đề cao vai trò của người dân trực tiếp tham gia, đóng vai trò trung tâm từ việc phân tích, đánh giá, xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện.
Bản chất của CBDRM là giải quyết các yếu tố rủi ro vì thiên tai từ dưới lên trên, nghĩa là bắt đầu từ những người dân tại các địa phương - đối tượng dễ bị tổn thương nhất, đồng thời cũng chịu nhiều rủi ro nhất nếu có thiên tai xảy ra. Đây là giải pháp phòng tránh, giảm nhẹ thiên tai thiết thực, đảm bảo tính bền vững, kịp thời và hiệu quả.
Tin mới cập nhật
- Phòng dịch Covid-19 ở Hà Tĩnh: Tổng hợp sức mạnh của ý Đảng - lòng dân ( 24/04)
- Hà Tĩnh vận động đoàn viên, hội viên, các tầng lớp nhân dân thực hiện tốt chủ trương sáp nhập xã ( 19/07)
- Tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động ( 30/01)
- Hội viên Hội Cựu chiến binh tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước ( 08/01)
- Tổ chức đoàn cần họp ít, nói thuyết phục, làm hiệu quả ( 08/01)
- Tăng cường quản lý hoạt động báo chí trên địa bàn Hà Tĩnh ( 04/01)