Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: "Thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ là những người có công với cách mạng, có công với Tổ quốc, có công với nhân dân, cho nên bổn phận của chúng ta là phải biết ơn, thương yêu và giúp đỡ họ". Thấm nhuần lời dạy của Người, những năm qua, Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm bổ sung, hoàn thiện hệ thống chính sách về lao động, thương binh và xã hội, nhất là chính sách đối với người có công và các Thông tư, văn bản hướng dẫn ban hành được thực thi đã có tác động tích cực đến tâm tư, nguyện vọng và đời sống các đối tượng chính sách.
Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng được sự giúp đỡ của Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội và các bộ, ban, ngành trung ương; sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Tĩnh đã làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền ban hành các văn bản chỉ đạo, phối hợp đồng bộ với các cấp, các ngành, tổ chức, đoàn thể triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách; quan tâm chăm sóc đời sống vật chất, tinh thần cho người có công với những phong trào, hoạt động có ý nghĩa thiết thực; góp phần ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống người có công.
Sở Lao động, Thương binh và Xã hội triển khai nhiệm vụ năm 2014
Đến nay, toàn tỉnh đã xác nhận và giải quyết chính sách cho 296.588 đối tượng. Mỗi năm có gần 50.000 người có công được hưởng trợ cấp thường xuyên, 55.000 người được trợ cấp một lần và các chế độ ưu đãi về giáo dục, y tế, trang cấp dụng cụ chỉnh hình... với kinh phí thực hiện trên 1.000 tỷ đồng. Tính từ năm 2006 đến nay, quỹ tình nghĩa các cấp đã huy động, hỗ trợ xây mới 1.614 nhà, sửa chữa 1.785 nhà, tặng 9.454 sổ tiết kiệm và hàng ngàn suất quà cho các đối tượng chính sách và gia đình người có công với số kinh phí 146,523 tỷ đồng; sửa chữa nâng cấp, xây mới 93 nghĩa trang, nhà bia ghi tên liệt sỹ; quy tập, an táng 252 hài cốt liệt sỹ từ Lào về nước; 100% Mẹ Việt Nam anh hùng được các cơ quan nhận phụng dưỡng suốt đời; 100% xã, phường, thị trấn được công nhận làm tốt phong trào đền ơn đáp nghĩa; trên 96% hộ gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của khu dân cư.
Sáu tháng đầu năm 2014, ngành Lao động, Thương binh và Xã hội giải quyết chế độ mai táng phí và tuất từ trần, chế độ thờ cúng liệt sỹ cho 1.400 đối tượng, ưu đãi giáo dục - đào tạo cho 1.329 đối tượng; chi trả kịp thời chế độ đối với các trường hợp hưởng trợ cấp thường xuyên, trợ cấp một lần và các chính sách khác; đề nghị cấp lại Bằng Tổ quốc ghi công 335 đối tượng; tổ chức lễ truy điệu, an táng 9 hài cốt liệt sỹ, chuyên gia hy sinh tại Lào về nước.
Hà Tĩnh đã chỉ đạo triển khai quyết liệt tổng rà soát chính sách ưu đãi người có công theo Chỉ thị số 23/CT-TTg, thu hút sự quan tâm hưởng ứng và đồng tình của nhân dân và các đối tượng. Đây là nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2014, là cơ sở để cấp có thẩm quyền bổ sung, điều chỉnh và thực hiện tốt hơn các chế độ chính sách người có công. Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 38-CT/TU về tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng; Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch số 126/KH-UBND; thành lập Ban Chỉ đạo, tổ chức quán triệt, tuyên truyền sâu rộng ý nghĩa, mục đích, yêu cầu tổng rà soát và các chính sách mới; tập huấn cho 14.300 lượt đối tượng cán bộ, điều tra viên từ tỉnh đến cơ sở, thôn, xóm; in trên 3.000 cuốn sổ tay hướng dẫn nghiệp vụ; tiến hành rà soát điểm tại xã Thạch Lưu (Thạch Hà) và rút kinh nghiệm triển khai toàn tỉnh; thành lập các đoàn kiểm tra, chỉ đạo địa phương thực hiện. Đến nay đã hoàn thành rà soát tại 2.157 thôn, xóm (đạt 100%) vớitrên 74.405 phiếu; các xã, phường, thị trấn đang hoàn chỉnh danh sách để niêm yết công khai, dân chủ, bảo đảm tiến độ, thời gian kế hoạch đề ra.
Ngành Lao động, Thương binh và Xã hội cũng đã phối hợp cùng ngành Nội vụ, Ban Thi đua - Khen thưởng tỉnh triển khai thực hiện Pháp lệnh 05/2012/UBTVQH 13, Nghị định 56/2013/NĐ-CP quy định danh hiệu vinh dự nhà nước “Bà Mẹ Việt Nam anh hùng”. Cơ quan chuyên môn cấp huyện đã tiếp nhận 1.033 hồ sơ; các sở, ngành cấp tỉnh đã thẩm định, trình trung ương 3 đợt với 557 hồ sơ (phong tặng 97 hồ sơ, truy tặng 460 hồ sơ), số hồ sơ còn lại đang được các huyện kiểm tra, xác minh, hoàn thiện, trình cấp thẩm quyền xem xét, quyết định.
Tuy nhiên, việc thực hiện chính sách đối với người có công trên địa bàn tỉnh vẫn còn những khó khăn, hạn chế: Công tác tuyên truyền chủ trương, chính sách về người có công và phong trào đền ơn đáp nghĩachưađược thực hiện thường xuyên, sâu rộng; nhận thức, tinh thần, trách nhiệm của một số cán bộ, công chức chưa đầy đủ, chưa am hiểu thực tế và thiếu kinh nghiệm, nhất là cán bộ cấp xã. Việc xác nhận, xác lập hồ sơ ở một số địa phương thiếu chặt chẽ; quá trình triển khai tổng rà soát chính sách ưu đãi người có công; truy tặng, phong tặng danh hiệu vinh dự nhà nước Bà Mẹ Việt Nam anh hùng còn nhiều vướng mắc chưa được bổ cứu, khắc phục kịp thời; phong trào đền ơn đáp nghĩa chưa trở thành ý thức, trách nhiệm thường xuyên của mỗi người dân; đời sống của một bộ phận người có công và các gia đình chính sách còn nhiều khó khăn.
Để tiếp tục thực hiện tốt chế độ, chính sách người có công trên địa bàn tỉnh, thời gian tới đòi hỏi sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, thường xuyên hơn của các cấp ủy đảng, chính quyền, mặt trận tổ quốc, đoàn thể và các tổ chức xã hội, đồng thời phối hợp chặt chẽ, triển khai đồng bộ một số nhiệm vụ, giải pháp sau:
1. Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với người có công, đặc biệt là Chương trình tổng rà soát việc thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng và việc truy tặng, phong tặng danh hiệu vinh dự nhà nước Bà Mẹ Việt Nam anh hùng để đối tượng, nhân dân hiểu rõ, đồng hành cùng cơ quan chức năng, tạo sự đồng thuận trong nhận thức và hành động của mỗi cán bộ, đảng viên, người dân, cộng đồng xã hội.
2. Tăng cường vai trò, trách nhiệm quản lý của cấp ủy, chính quyền cơ sở trong lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, thẩm định và hoàn thiện hồ sơ, thủ tục giải quyết chế độ, chính sách cho đối tượng, đảm bảo công khai, dân chủ, đúng quy định; xây dựng kế hoạch thực hiện cụ thể các chế độ, chính sách sau tổng rà soát, tạo điều kiện thuận lợi cho đối tượng được tiếp cận và thụ hưởng chính sách kịp thời.
3. Tiếp tục thực hiện tốt công tác vận động, huy động nguồn lực, xã hội hóa đưa phong trào đền ơn đáp nghĩa trở thành phong trào sâu rộng, có tính lan tỏa trong toàn xã hội; thành trách nhiệm, tình cảm, sự tri ân của mỗi người dân đối với người có công với cách mạng; chăm lo tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần cho người có công và gia đình chính sách.
4. Nâng cao kỹ năng nghiệp vụ, tinh thần, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ từ tỉnh đến cơ sở; tiếp tục phối kết hợp đồng bộ giữa các cấp, các ngành; tăng cường đôn đốc, kiểm tra, giám sát, kịp thời xử lý các khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện chính sách tại cơ sở.
Nguyễn Văn Sơn
Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội
Tin mới cập nhật
- Phòng dịch Covid-19 ở Hà Tĩnh: Tổng hợp sức mạnh của ý Đảng - lòng dân ( 24/04)
- Hà Tĩnh vận động đoàn viên, hội viên, các tầng lớp nhân dân thực hiện tốt chủ trương sáp nhập xã ( 19/07)
- Tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động ( 30/01)
- Hội viên Hội Cựu chiến binh tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước ( 08/01)
- Tổ chức đoàn cần họp ít, nói thuyết phục, làm hiệu quả ( 08/01)
- Tăng cường quản lý hoạt động báo chí trên địa bàn Hà Tĩnh ( 04/01)