Thực trạng, giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh
EmailPrintAa
16:25 11/08/2014

Ngày 20/6/2013, Quốc hội ban hành Luật Hòa giải ở cơ sở, có hiệu lực từ ngày 01/1/2014. Để Luật Hòa giải ở cơ sở nhanh chóng đi vào cuộc sống, một trong những nhiệm vụ hết sức quan trọng và cấp thiết là đánh giá một cách khách quan, toàn diện thực trạng công tác hòa giải ở cơ sở trong quá trình thực hiện Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở từ khi ban hành (ngày 25/12/1998) cho đến khi Luật Hòa giải ở cơ sở có hiệu lực, từ đó đưa ra những giải pháp để công tác hòa giải ở cơ sở được tiến hành có chất lượng, hiệu quả thiết thực.

Trong 15 năm qua, các cấp có thẩm quyền trên địa bàn Hà Tĩnh đã quan tâm đến việc tổ chức thực hiện Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hòa giải cơ sở. Nhờ đó, tỷ lệ vụ việc hòa giải thành đạt khoảng 70%. Việc phát hiện và giải quyết tận gốc những mâu thuẫn, tranh chấp đã góp phần ổn định trật tự xã hội ở địa bàn dân cư, tạo điều kiện thuận lợi cho các cấp chính quyền tăng cường công tác quản lý xã hội ở cơ sở; hạn chế khiếu kiện trong nhân dân, giảm bớt tình trạng gửi đơn khởi kiện lên Tòa án, đơn thư khiếu nại, tố cáo đến cơ quan hành chính cấp trên; tiết kiệm thời gian và tiền bạc của cơ quan nhà nước và của công dân, tạo điều kiện thuận lợi cho các cấp chính quyền tập trung vào công tác phát triển kinh tế xã hội, nâng cao đời sống dân sinh.

Thực tế cho thấy, mâu thuẫn, tranh chấp phát sinh trên rất nhiều lĩnh vực tranh chấp đất đai, tài sản khác, va quệt, tai nạn giao thông, gây mất trật tự, đánh nhau gây thương tích... Hòa giải là con đường ngắn nhất, nhanh nhất, thuận tiện nhất, đảm bảo nghĩa tình. Con đường khởi kiện ra tòa án, gửi đơn thư lên các cấp chính quyền là con đường tốn kém, phức tạp, cần nhiều thời gian để giải quyết.

Tuy nhiên, nhiều vụ việc, đương sự không lựa chọn phương án hòa giải. Ngay như khi đã chọn phương án hòa giải, vẫn có khoảng 30% vụ việc không hòa giải thành. Có nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng chủ yếu là do nhận thức của một bộ phận cán bộ các cấp, nhất là cấp cơ sở chưa đầy đủ nên đầu tư chưa đúng mức cho công tác hòa giải, dẫn đến chưa làm tốt công tác tuyên truyền cho cán bộ cấp cơ sở và thôn/xóm/tổ dân phố để nâng cao nhận thức pháp luật về hòa giải, công tác tổ chức, quản lý hoạt động tổ hòa giải; chưa bồi dưỡng để Hòa giải viên nắm vững kiến thức pháp luật, phạm vi, nguyên tắc hòa giải ở cơ sở cũng như kỹ năng hòa giải, phân tích, áp dụng pháp luật...

 

Hội nghị về công tác hòa giải ở cơ sở của Hội Luật gia tỉnh

 

Nhận diện được tồn tại, hạn chế trong thời gian qua, thời gian tới cần tăng cường chỉ đạo công tác tuyên truyền để mọi người hiểu rõ mục đích, ý nghĩa to lớn và vai trò quan trọng của công tác hòa giải ở cơ sở đến công tác quản lý nhà nước về hòa giải, công tác tổ chức, cơ chế chính sách cũng như bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho những người làm công tác hòa giải. Đồng thời, thấy rõ công tác hòa giải có vai trò rất quan trọng trong đời sống xã hội, thể hiện truyền thống, đạo lý tốt đẹp của dân tộc, đậm tính nhân văn, vì mọi người và trên cơ sở tình người. Công tác hòa giải là một kênh quan trọng để phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhân dân, hình thành trong mỗi cá nhân ý thức chấp hành pháp luật, kỷ cương của Đảng, Nhà nước và đạo đức xã hội; góp phần giải quyết những việc vi phạm pháp luật nhỏ và tranh chấp trong nội bộ nhân dân; giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, phòng ngừa vi phạm pháp luật và tội phạm.

Để công tác hoà giải thực sự đi vào cuộc sống, các cấp uỷ, chính quyền cần có những giải pháp cụ thể sau:

- Nâng cao nhận thức và trách nhiệm cho đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã trong lãnh đạo chỉ đạo công tác hòa giải ở cơ sở để hiểu rõ mục đích và ý nghĩa hết sức to lớn, thiết thực của công tác hòa giải, hướng dẫn, giúp đỡ, thuyết phục các bên tranh chấp đạt được thỏa thuận, tự nguyện giải quyết với nhau những việc vi phạm pháp luật và tranh chấp ngay từ đầu, không để việc nhỏ phát sinh thành việc lớn dẫn đến phức tạp, kéo dài, gây ra những hậu quả nghiêm trọng.

- Các cấp chính quyền phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cùng cấp tổ chức phổ biến sâu rộng Luật Hòa giải ở cơ sở cho các tầng lớp nhân dân, theo lộ trình trước hết là cho Ban hòa giải cấp xã, Tổ hòa giải và Hòa giải viên, sau đó cho người dân từng thôn/xóm/tổ dân phố.

- Tăng cường năng lực cho những người làm công tác hòa giải, nhất là Hòa giải viên, Tổ trưởng hòa giải, Trưởng thôn/xóm, cán bộ các tổ chức quần chúng ở thôn/xóm; công chức Tư pháp hộ tịch cấp xã. Hòa giải viên cần được bồi dưỡng kiến thức pháp luật có liên quan, nhất là kỹ năng nghiệp vụ hòa giải; cần được hưởng các chính sách, chế độ, thù lao xứng đáng theo quy định của Luật Hòa giải ở cơ sở và các luật khác có liên quan.

- Ngành Tư pháp chủ trì biên soạn đề cương phổ biến luật và kỹ năng nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở đồng thời lập dự toán kinh phí cho hoạt động hòa giải ở cơ sở hằng năm trình Hội đồng nhân dân cùng cấp xem xét phê duyệt.

- Xây dựng Mô hình hòa giải cơ sở có sự liên kết với Tổ hòa giải và hội viên Hội Luật gia cơ sở để được hướng dẫn việc áp dụng pháp luật, đưa ra được tiên liệu hậu quả pháp lý bất lợi nếu các bên không lựa chọn con đường hòa giải mà chọn con đường khiếu nại, tố cáo hay khởi kiện.

Hội Luật gia Hà Tĩnh có nhiệm vụ tham gia công tác hòa giải theo quy định của pháp luật và Điều lệ Hội. Hội có thế mạnh ở chỗ hội viên hầu hết có trình độ Đại học chuyên ngành luật, trong đó có nhiều người là Thạc sỹ, có kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực tư vấn pháp luật, năng động, tâm huyết.

Theo đó, ngành Tư pháp cần phối hợp chặt chẽ với Hội luật gia các cấp để đẩy mạnh công tác tư vấn, trợ giúp pháp lý và coi đây là một trong những giải pháp quan trọng nhằm nâng cao hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở.

 Lê Hoàn - Hội Luật gia tỉnh


    Ý kiến bạn đọc