Những năm qua, hội nhập trên các mặt về chính trị, KT-XH, QP-AN có bước chuyển từ chiều rộng sang chiều sâu. Việt Nam cơ bản hoàn thành việc xác lập khuôn khổ quan hệ với các đối tác quan trọng, đẩy mạnh đối ngoại đa phương theo phương châm “chủ động tham gia xây dựng, định hình luật chơi chung”, góp phần nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.
Quá trình hội nhập đã thúc đẩy cải cách hệ thống pháp luật và tư pháp Việt Nam phù hợp với nhu cầu phát triển nội tại của đất nước cũng như quá trình hội nhập, tiếp cận hơn với trình độ phát triển pháp luật của thế giới.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dự Khai mạc Hội nghị Thượng đỉnh hợp tác tiểu vùng Mekong mở rộng lần thứ 5 năm 2014 (GMS 5). Trong ảnh: Các trưởng đoàn chụp ảnh chung. Ảnh: Đức Tám – TTXVN |
Các bộ, ngành chủ động lồng ghép các hoạt động hội nhập quốc tế vào quá trình xây dựng và triển khai chiến lược, kế hoạch, đề án về phát triển, nhằm tranh thủ sự hợp tác, hỗ trợ quốc tế, tiếp thu kiến thức, tinh hoa văn hóa nhân loại, quảng bá hình ảnh đất nước và con người Việt Nam tới bạn bè quốc tế, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước...
Trong bối cảnh hội nhập, doanh nghiệp Việt Nam đã vươn lên thích ứng với môi trường kinh doanh quốc tế, nắm bắt cơ hội do thị trường toàn cầu mang lại; liên tục tăng trưởng cả về lượng và chất, nhất là sau khi gia nhập WTO.
Gần 1 năm triển khai Nghị quyết 49/NQ-CP cho thấy các bộ, ngành Trung ương, địa phương đều nỗ lực thực hiện nhiệm vụ, cụ thể hóa thành chương trình hành động, tạo chuyển biến toàn diện trên các mặt. Đặc biệt tập trung hoàn thiện pháp luật và thể chế kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, doanh nghiệp, sản phẩm; phát triển đồng bộ các yếu tố của nền kinh tế thị trường; hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; bảo vệ tài nguyên, môi trường và phát triển bền vững, đảm bảo an sinh xã hội và QP-AN...
Tại hội nghị, đại biểu đã chỉ ra những tồn tại, thách thức trong quá trình hội nhập như: môi trường hòa bình, ổn định khu vực bị đe dọa, vấn đề Biển Đông ngày càng phức tạp; công tác nghiên cứu, dự báo chưa theo kịp diễn biến tình hình; nhận thức của các cấp, ngành và doanh nghiệp về hội nhập quốc tế còn hạn chế; tính chuyên nghiệp của cán bộ làm công tác hội nhập chưa cao; năng suất, hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp chưa đạt kết quả như mong đợi; thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài kết quả chưa như mong muốn; chưa có cơ chế đánh giá hiệu quả với các chỉ số về hội nhập quốc tế trong lĩnh vực VH-XH, KHCN, GD&ĐT...
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh đề nghị các bộ, ngành cần xây dựng chương trình, phối hợp với Bộ Công thương triển khai hiệu quả các phương án hội nhập sâu rộng; các bộ, ngành và địa phương cần xây dựng chương trình thực hiện theo hiệp định đã ký kết; có phương thức hữu hiệu cung cấp thông tin cho doanh nghiệp, người dân.
Các doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động hơn trong quá trình hội nhập quốc tế, hoạch định chiến lược kinh doanh cụ thể, đầu tư cơ sở hạ tầng, máy móc kỹ thuật để nâng cao hiệu quả SXKD, tăng sức cạnh canh của doanh nghiệp, chú trọng xây dựng thương hiệu sản phẩm...
Để Việt Nam hội nhập sâu rộng, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Đức Đam nhấn mạnh: Nguồn nhân lực đóng vai trò quan trọng trong quá trình hội nhập quốc tế, do đó cần ưu tiên phân bổ kinh phí, đẩy mạnh đào tạo, nâng cao chất lượng, năng lực, trình độ, ngoại ngữ...
Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh khẳng định: Thời gian qua, Việt Nam đã nỗ lực, xây dựng chương trình hành động, tích cực, chủ động hội nhập trên các lĩnh vực, đặc biệt về kinh tế.
Với mục tiêu nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trong khu vực và thế giới, Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh yêu cầu: Các bộ, ngành Trung ương và địa phương quán triệt sâu sắc nội dung Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ để triển khai thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ được giao; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, cung cấp thông tin cần thiết về hội nhập quốc tế tới doanh nghiệp và người dân; nâng cao chất lượng bộ máy quản lý, chất lượng nghiên cứu, dự báo tình hình; hỗ trợ địa phương, doanh nghiệp về chính sách và triển khai hội nhập;tăng cường phổ biến, nâng cao nhận thức về hội nhập quốc tế và các cam kết quốc tế tới cán bộ, doanh nghiệp và người lao động...
Phát biểu chỉ đạo tại điểm cầu Hà Tĩnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh yêu cầu soát xét, kiện toàn lại Ban Chỉ đạo Hội nhập quốc tế cấp tỉnh. Các sở, ngành cần rà soát lại Chương trình 274, theo đầu việc của ngành mình để triển khai hiệu quả Nghị quyết 22 của Thủ tướng Chính phủ. Sở Ngoại vụ tổng hợp kết luận của hội nghị trực tuyến toàn quốc về hội nhập quốc tế, cụ thể hóa Chỉ thị 15 của Chính phủ; tổng hợp, tham mưu UBND tỉnh để triển khai hiệu quả Nghị quyết 22, đồng thời xây dựng chương trình nâng cao chỉ số cải cách hành chính, chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh; theo dõi, đôn đốc quá trình thực hiện của các sở, ngành, địa phương; tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp hoạt động, tạo môi trường thu hút đầu tư tích cực... |
Theo Thu Phương/Baohatinh.vn
Tin mới cập nhật
- Phòng dịch Covid-19 ở Hà Tĩnh: Tổng hợp sức mạnh của ý Đảng - lòng dân ( 24/04)
- Hà Tĩnh vận động đoàn viên, hội viên, các tầng lớp nhân dân thực hiện tốt chủ trương sáp nhập xã ( 19/07)
- Tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động ( 30/01)
- Hội viên Hội Cựu chiến binh tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước ( 08/01)
- Tổ chức đoàn cần họp ít, nói thuyết phục, làm hiệu quả ( 08/01)
- Tăng cường quản lý hoạt động báo chí trên địa bàn Hà Tĩnh ( 04/01)