Tiếp tục xây dựng văn hóa Hà Tĩnh tiên tiến, đậm đà bản sắc, tạo động lực thúc đây tỉnh nhà phát triển
EmailPrintAa
08:32 23/05/2013

Đinh Xuân Việt - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy

Ngày 16/7/1998, Hội nghị lần thứ 5, BCH T.Ư Đảng khóa VIII đã ban hành Nghị quyết (gọi tắt là NQ T.Ư 5) về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Là vùng đất có truyền thống văn hóa và cách mạng lâu đời, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Tĩnh đã bắt nhịp nhanh chóng với tinh thần của nghị quyết. Ngày 5/10/1998, BCH Đảng bộ tỉnh khóa XIV đã họp và ban hành Nghị quyết số 11-NQ/T.U (gọi tắt là NQ 11) về xây dựng và phát triển văn hóa Hà Tĩnh theo tinh thần NQ T.Ư 5 (khóa VIII).

Nhận thức rõ “văn hóa vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển”, “tăng trưởng kinh tế đi liền với tiến bộ và công bằng xã hội”, ngay sau khi NQ T.Ư 5 (khóa VIII) ra đời, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, UB MTTQ tỉnh đã tập trung chỉ đạo quán triệt các nội dung của Nghị quyết cho đội ngũ cán bộ cốt cán toàn tỉnh. Các huyện cũng nhanh chóng triển khai Nghị quyết ở cơ sở. Hầu hết các tổ chức cơ sở đảng đã xây dựng chương trình hành động hoặc kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết; định kỳ hàng năm, cuối nhiệm kỳ đã tổng kết đánh giá, rút kinh nghiệm.

Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã tích cực chỉ đạo các ban đảng Tỉnh ủy, các đảng bộ trực thuộc, huyện ủy, thành ủy, thị ủy các huyện, thị, thành phố tích cực, chủ động xây dựng chương trình hành động bám sát các quan điểm và nhiệm vụ đã nêu trong Nghị quyết. 15 năm qua, đã có nhiều chỉ thị, nghị quyết, chương trình hành động, kế hoạch, quyết định của các cấp ủy Đảng và chính quyền triển khai và đi vào thực tiễn cuộc sống, trở thành cẩm nang hành động của nhiều địa phương, đơn vị, góp phần điều chỉnh hành vi của nhiều cán bộ, đảng viên và nhân dân…

Trước hết, với nhiệm vụ xây dựng con người Hà Tĩnh trong giai đoạn cách mạng mới, các cấp ủy Đảng và chính quyền xác định: con người là nhân tố quan trọng, muốn tỉnh nhà phát triển phải chăm lo cuộc sống cho người dân cả về vật chất lẫn tinh thần. Vì thế, tỉnh đã đầu tư xây dựng và từng bước hoàn thiện các thiết chế văn hóa, thể thao từ tỉnh xuống cơ sở, tạo cho nhân dân có điều kiện tham gia, tổ chức và hưởng thụ các hoạt động văn hóa. Các phong trào thi đua yêu nước, hướng về cội nguồn như “Đền ơn đáp nghĩa”, “Xóa đói giảm nghèo”, “Xóa nhà tranh tre dột nát”, “Ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo”, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM… được phát động và tổ chức rộng khắp, được đông đảo nhân dân hưởng ứng nhiệt tình. Bản tính cần cù, hiếu học, trọng nghĩa tình, đoàn kết, tương thân tương ái… của con người Hà Tĩnh ngày càng được khẳng định và phát huy. Nhiều nét mới trong giá trị văn hóa và chuẩn mực đạo đức từng bước được hình thành. Ngày càng xuất hiện nhiều gương người tốt, việc tốt, nhiều điển hình tiên tiến.

Nghị quyết số 11 của Tỉnh ủy (khóa XIV) cũng nêu ra nhiệm vụ trọng tâm là cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Phong trào xây dựng gia đình văn hóa là một trong những nội dung cốt lõi của việc xây dựng môi trường văn hóa được nhân dân tích cực hưởng ứng. Điển hình như các gia đình: ông Dương Đức Tiếp (Cẩm Xuyên), anh Hiền (xã Đức Lạng - Đức Thọ), anh Bình (xã Thiên Lộc - Can Lộc), anh Chất (xã Sơn Mai - Hương Sơn), anh Đức (xã Hương Minh - Vũ Quang)… vừa là những gia đình văn hóa tiêu biểu vừa là những hộ nông dân sản xuất giỏi, tạo việc làm cho nhiều con em địa phương.

Sau 15 năm phát động, phong trào xây dựng làng văn hóa, tổ dân phố văn hóa, thôn, bản văn hóa... đã xuất hiện nhiều mô hình, điển hình như làng Hưng Mỹ - xã Cẩm Thành (Cẩm Xuyên); làng Kim Chùy - xã Tân Lộc (Lộc Hà); làng Xuân Dục - xã Kỳ Tân (Kỳ Anh); làng Kỳ Trúc - xã Thanh Lộc, làng Mật Thiết - xã Kim Lộc (Can Lộc); làng Vĩnh Thành - xã Hà Linh (Hương Khê); làng Trường Thanh - xã Xuân Trường (Nghi Xuân); làng Bằng Châu - xã Thạch Châu, thôn Yên Bình - xã Thạch Bằng (Lộc Hà); thôn Hòa Bình - xã Phù Việt, làng Tân Tiến - xã Thạch Tân (Thạch Hà); thôn Châu Phong - xã Tùng Ảnh (Đức Thọ); khối phố 7 - phường Bắc Hồng (TX Hồng Lĩnh); khối phố 9, 10 - phường Bắc Hà, khối phố 5 - phường Nam Hà (TP Hà Tĩnh)… Đến nay, tỉnh ta đã có 1.005/2.287 làng văn hóa, khối phố, thôn, tổ dân phố văn hóa, đạt tỷ lệ 43,94%. Đến cuối năm 2010, tỉnh ta đã công nhận 198/229 đơn vị văn hóa, đạt tỷ lệ 86,46%.

Thành phố Hà Tĩnh

Tỉnh đã luôn quan tâm, tạo mọi điều kiện thuận lợi để đội ngũ văn nghệ sỹ tỉnh nhà phấn đấu sáng tạo, đổi mới đề tài, nội dung, phương pháp sáng tác. Nhiều tác phẩm đã có sự đổi mới ý thức, khai thác hiện thực và thi pháp; nhiều văn nghệ sỹ của Hà Tĩnh như: Xuân Hoài, Đức Ban, Duy Thảo, Bùi Quang Thanh, Hà Quảng, Phan Trung Hiếu, Quốc Nam, Ngọc Thịnh, Quốc Việt… đã có những tác phẩm hay, được đông đảo công chúng trong cả nước biết đến, mến mộ…

Đối với việc bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa dân tộc, trong 15 năm qua, tỉnh đã triển khai nhiều dự án trùng tu, tôn tạo các di tích quốc gia như: đình Hội Thống, nhà thờ Đại thi hào Nguyễn Du, đền thờ Nguyễn Biểu, đền Võ Miếu, chùa Thiên Tượng, đền Nen, đền thờ Ngô Phúc Vạn, bia dẫn tích Trường Quân chính và vườn hoa tại Khu du lịch Thiên Cầm… Công tác nghiên cứu, khai quật khảo cổ học thu được nhiều thành công như khai quật thành lũy đá cổ tại xã Kỳ Lạc, di chỉ khảo cổ học Cồn Sò tại xã Thạch Lạc, di chỉ Phôi Phối - Bãi Cọi tại xã Xuân Viên... Nhiều di tích cấp tỉnh được hỗ trợ, chống xuống cấp và tôn tạo bằng nguồn vốn của tỉnh và huy động xã hội hóa…

Văn hóa phi vật thể và các hình thức sinh hoạt cộng đồng được quan tâm, phát triển cả về số lượng lẫn chất lượng. Ca trù, chèo Kiều (Nghi Xuân), hát sắc bùa (Kỳ Anh), ví phường vải (Can Lộc), hát giặm (Thạch Hà), ví đò đưa (Đức Thọ), lễ hội cầu ngư (Cẩm Xuyên), lễ hội đua thuyền (xã Trung Lương), thị trấn Hương Khê, xã Cẩm Nhượng… lễ hội báo ân Đô đài Ngự sử Bùi Cầm Hổ (TX Hồng Lĩnh), lễ hội chùa Hương Tích (Can Lộc), lễ hội đền Chế thắng phu nhân Nguyễn Thị Bích Châu (Kỳ Anh), lễ hội đền Chiêu Trưng Đại vương Lê Khôi (Thạch Hà)… được khôi phục và phát huy; di sản ca trù được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại cần được bảo vệ khẩn cấp; di sản dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh được công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia…

Sự nghiệp GD-ĐT của tỉnh ngày càng được quan tâm và coi trọng, truyền thống hiếu học được phát huy. 15 năm qua, GD-ĐT Hà Tĩnh đã đạt được những kết quả nổi bật. Công tác phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, phổ cập THCS được củng cố vững chắc. Chất lượng dạy và học không ngừng được nâng lên, tỷ lệ học sinh trúng tuyển vào các trường đại học, cao đẳng năm sau cao hơn năm trước, kết quả thi học sinh giỏi tỉnh và toàn quốc đạt thành tích ngày càng cao. Phong trào khuyến học, khuyến tài phát triển mạnh mẽ. Hệ thống thông tin, báo chí ngày càng phát triển, đáp ứng yêu cầu.

Đường về Hà Tĩnh

Để bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số, tỉnh, huyện và BĐBP đã chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào các dân tộc, đồng thời tiến hành sưu tầm, nghiên cứu, bảo tồn các giá trị văn hóa của dân tộc thiểu số như lễ hội Ăn cơm mới của dân tộc Chứt, một số làn điệu dân ca và một số nét đẹp trong việc cưới, việc tang và lễ tết của dân tộc Mường, Chứt, Lào…

Hoạt động tôn giáo trên địa bàn tỉnh nhìn chung diễn ra trong khuôn khổ pháp luật. Tinh thần sống tốt đời, đẹp đạo, đoàn kết, gắn bó, đồng hành cùng dân tộc được đồng bào theo đạo hưởng ứng. Nhiều công trình tôn giáo được đầu tư tôn tạo, trở thành di tích kiến trúc văn hóa, nghệ thuật như: chùa Hương, đền Chợ Củi, đền Chế thắng phu nhân Nguyễn Thị Bích Châu… Nhiều hoạt động lễ hội như: Noel, Phật đản, Vu lan… trở thành nét đẹp văn hóa được đông đảo nhân dân hưởng ứng.

Hoạt động văn hóa đối ngoại với các địa phương khác trong cả nước và các nước trong khu vực được tỉnh đặc biệt quan tâm. Các đoàn nghệ thuật, các đội thể thao của Hà Tĩnh và các tỉnh của Lào, Thái Lan; tỉnh Côtes d’Armor của Cộng hòa Pháp… đã nhiều lần giao lưu, biểu diễn, thi đấu giao hữu. Tỉnh cũng triển khai những cam kết song phương, đa phương về du lịch với Lào, Thái Lan và Campuchia.

Các thiết chế văn hóa cấp tỉnh, cấp huyện như trung tâm văn hóa - điện ảnh, thư viện, bảo tàng, nhà hát nghệ thuật truyền thống, trung tâm phát hành phim và chiếu bóng, trung tâm văn hóa, thể thao… đã được đầu tư xây dựng và phát huy tốt. Đến nay, toàn tỉnh đã có 100% làng văn hóa, khối phố văn hóa có hội quán, 693 cổng làng; 1.407 tủ sách, thư viện; 5.197 sân chơi thể thao.

Tuy nhiên, nhìn lại 15 năm qua, vẫn còn nhiều hạn chế, khuyết điểm của các cấp ủy Đảng, chính quyền và các đoàn thể trong việc thực hiện NQ T.Ư 5. Trong xu thế hội nhập sâu rộng và toàn cầu hóa, văn hóa Việt Nam, văn hóa Hà Tĩnh đứng trước nhiều nguy cơ thách thức. Việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các nghị quyết là một nhân tố quyết định để nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân, làm cho nền tảng tinh thần của chế độ, của xã hội nước ta ngày càng vững chắc, góp phần giữ vững độc lập, thống nhất, thúc đẩy nhanh quá trình phát triển đất nước.

Để tiếp tục tạo chuyển biến mạnh mẽ hơn về chất lượng và hiệu quả trong việc xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam, văn hóa Hà Tĩnh tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, trong thời gian tới, Đảng bộ tỉnh xác định các nhiệm vụ trọng tâm như sau:

- Tập trung xây dựng con người có lối sống văn hóa, đời sống văn hóa và môi trường văn hóa lành mạnh, đáp ứng những yêu cầu ngày càng cao của công cuộc CNH-HĐH; đưa cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đi vào chiều sâu, có kết quả thiết thực, trở thành phong trào của toàn xã hội; bảo tồn và phát huy giá trị những làng cổ truyền, những làng nghề thủ công truyền thống gắn kết với phát triển du lịch, nâng cao đời sống nhân dân; nâng cao dần mức hưởng thụ văn hóa - thông tin cho người dân nông thôn, đặc biệt là vùng núi, vùng sâu, vùng xa. Thực hiện tốt cuộc vận động xây dựng cơ quan, công sở, trường học, bệnh viện, doanh nghiệp, khu công nghiệp, khu tập thể… đạt tiêu chuẩn văn hóa, nếp sống văn minh.

- Phát triển văn hóa quần chúng trên cơ sở tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân được tham gia sáng tạo, tổ chức và hưởng thụ văn hóa. Quy hoạch, hình thành đồng bộ và nâng cao hiệu quả các thiết chế văn hóa; đầu tư trang thiết bị kỹ thuật, công nghệ hiện đại để nâng cao chất lượng các sản phẩm văn hóa, thông tin, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ ngày càng cao của người dân.

- Tập trung điều tra, nghiên cứu, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể tiêu biểu; ưu tiên đầu tư bảo tồn, tôn tạo các di tích quốc gia, di sản văn hóa được UNESCO công nhận là di sản thế giới, các loại hình nghệ thuật truyền thống đặc sắc, lễ hội tiêu biểu. Kết hợp hài hòa việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa với các hoạt động phát triển kinh tế, du lịch.

- Phát triển văn học nghệ thuật, phấn đấu sáng tạo nhiều tác phẩm nghệ thuật có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao, thấm nhuần tinh thần nhân văn, dân chủ.

- Tăng cường công tác thông tin cơ sở, xây dựng, triển khai và thực hiện có hiệu quả quy hoạch phát triển báo chí, xuất bản tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; không ngừng nâng cao trình độ chính trị và nghề nghiệp, chất lượng tư tưởng, văn hóa của hệ thống truyền thông đại chúng.

- Hoàn thiện bộ máy tổ chức ngành Văn hóa các cấp đảm bảo tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, sự quản lý có hiệu quả của Nhà nước, vai trò làm chủ của nhân dân. Xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù về văn hóa, nghệ thuật, xã hội hóa các hoạt động văn hóa, giáo dục, khoa học, y tế, thể thao...

- Tăng cường hợp tác về văn hóa với các tỉnh trong nước, ngoài nước; tiếp thu có chọn lọc các giá trị nhân văn, khoa học, tiến bộ; chủ động ngăn ngừa các sản phẩm văn hóa độc hại.

Hy vọng với những nhiệm vụ trọng tâm nói trên, Hà Tĩnh sẽ tiếp tục xây dựng và phát triển tốt nền văn hóa Việt Nam, văn hóa Hà Tĩnh tiên tiên, đậm đà bản sắc, tạo động lực phát triển KT-XH tỉnh nhà.


    Ý kiến bạn đọc