Trân trọng, lắng nghe ý kiến nhân dân
EmailPrintAa
08:22 05/02/2013

Lấy ý kiến nhân dân là việc rất quan trọng trong quá trình sửa đổi, bổ sung Hiến pháp lần này. Ngày 28/12/2012, thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Chỉ thị số 22-CT/TW về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Có thể hiểu rằng, đây là “đợt sinh hoạt chính trị quan trọng, rộng lớn trong toàn Đảng, toàn dân” với sự chuẩn bị nghiêm túc từ trung ương xuống tận cơ sở. Ngoài sự chấp hành nghiêm chỉ thị, nghị quyết của lãnh đạo, chính quyền nhà nước các cấp, còn là ý thức và trách nhiệm của mỗi công dân đối với một vấn đề rất hệ trọng của quốc gia.

Nước ta đã trải qua 4 lần sửa đổi, bổ sung Hiến pháp và cả 4 lần đều thu được kết quả tốt đẹp, làm cho nhà nước Việt Nam ngày càng đi vào quỹ đạo là một nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, tất cả quyền lực nhà nước thuộc nhân dân.

Mục đích của việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân lần này là nhằm phát huy quyền làm chủ tối đa, huy động trí tuệ, tâm huyết của nhân dân, tạo sự đồng thuận của toàn xã hội, thể hiện ý chí, nguyện vọng của nhân dân trong việc sửa đổi Hiến pháp năm 1992; nâng cao nhận thức và trách nhiệm của mọi cá nhân, cơ quan, tổ chức đối với Hiến pháp và thi hành Hiến pháp.

Vì vậy, muốn việc lấy ý kiến đạt được kết quả như mong muốn, theo tôi, chúng ta cần làm tốt những vấn đề sau đây:

- Một là, cần tạo điều kiện để nhân dân tiếp cận với Dự thảo Hiến pháp sửa đổi. Với tính chất quan trọng như vậy nên Nghị quyết 38/3012/QH13 của Quốc hội quy định việc lấy ý kiến của nhân dân sẽ được thực hiện thông qua 12 kênh khác nhau và bắt đầu từ ngày 2/1/2013 phải chuyển tải thông tin tới mọi người dân qua các phương tiện truyền thông đại chúng. Trước hết, các cơ quan có trách nhiệm, chính quyền và MTTQ các cấp cần thông tin đầy đủ về dự thảo, bản thuyết minh để tìm hiểu, góp ý vào những nội dung cụ thể đã được quy định tại dự thảo.

Phải làm thật tốt khâu tuyên truyền, vận động để mọi người dân đều hiểu rõ, đồng thuận, đóng góp bằng cả trách nhiệm, trí tuệ, tình cảm của mình cho Hiến pháp sửa đổi, tránh dân chủ hình thức, lấy ý kiến theo kiểu chiếu lệ. Có như vậy, Hiến pháp sửa đổi mới sát cuộc sống, thể hiện được ý chí, nguyện vọng của nhân dân.

- Hai là, phải trân trọng lắng nghe ý kiến đóng góp của nhân dân. Mục đích của việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân là nhằm phát huy quyền làm chủ, huy động trí tuệ, tâm huyết của nhân dân, qua đây cũng để nâng cao nhận thức và trách nhiệm của mỗi cá nhân, cơ quan, tổ chức đối với Hiến pháp và thi hành Hiến pháp. Vì thời gian lấy ý kiến kéo dài đến gần 3 tháng nên phải tiến hành rộng rãi, dân chủ, công khai, khoa học. Để việc lấy ý kiến được hiệu quả, cần khuyến khích thảo luận, tranh luận một cách công khai, dân chủ về nội dung của dự thảo Hiến pháp.

Theo GS–TS KH Đào Trí Úc (Đại học Quốc gia Hà Nội), thảo luận toàn dân là cách thức dân chủ, tạo điều kiện để các tầng lớp nhân dân có thể tham gia ý kiến vào quá trình xây dựng, ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp. Qua đó, người dân có thể thể hiện các quan điểm, chính kiến của mình đối với từng điều khoản cụ thể của Hiến pháp. Cũng vì thế mà người dân cảm nhận được vai trò, sự gắn bó của mình, với các vấn đề quốc gia đại sự.

Chính quyền các cấp, các cơ quan, đơn vị cần hết sức quan tâm chỉ đạo việc thảo luận và ghi chép, tổng hợp ý kiến đóng góp của những người dự họp. Bởi đối tượng lấy ý kiến rất rộng, trình độ, nhận thức khác nhau, vì thế, thư ký ghi chép cần chịu khó lắng nghe, sàng lọc, “đãi cát tìm vàng” để tập hợp cho hết mọi trí tuệ, tâm huyết của nhân dân. Đặc biệt, hơn ai hết, Đảng và Nhà nước cần lắng nghe và trân trọng trí tuệ, tình cảm của nhân dân. Các ý kiến đóng góp của nhân dân phải được tập hợp, tổng hợp đầy đủ, chính xác và nghiên cứu tiếp thu, giải trình nghiêm túc để hoàn thiện Dự thảo sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 đạt yêu cầu, đúng thời gian đã định.


    Ý kiến bạn đọc