Triển khai công tác phòng chống dịch cúm A (H7N9) và cúm A (H5N1)
EmailPrintAa
07:51 09/05/2013

Sáng 8-5, UBND tỉnh tổ chức hội nghị triển khai công tác phòng chống dịch cúm A (H7N9) và cúm A (H5N1). Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thiện chủ trì hội nghị.

Cúm A (H5N1) và cúm A (H7N9) thuộc bệnh truyền nhiễm cấp tính, dễ gây thành dịch lớn và có tỷ lệ tử vong cao. Theo Tổ chức Y tế thế giới, giai đoạn 2003-2013, cúm A (H5N1) đã ghi nhận tại 15 quốc gia với 623 trường hợp mắc, trong đó tỷ lệ tử vong lên đến 59,71%; từ đầu năm 2013 đến nay, ghi nhận 13 trường hợp mắc tại 4 quốc gia, trong đó có 12 trường hợp tử vong.

Ở Campuchia, nước có chung đường biên giới với Việt Nam, có 9 trường hợp mắc, trong đó 8 trường hợp đã tử vong. Dịch cúm A (H7N9) tuy mới xuất hiện ở Trung Quốc nhưng cũng đang diễn biến hết sức phức tạp. Từ cuối tháng 2/2013 đến giữa tháng 4/2013, Trung Quốc ghi nhận 60 người nhiễm, trong đó có 13 người tử vong.

Tại Việt Nam, hiện dịch cúm A (H5N1) trên đàn gia cầm và chim yến đang diễn biến rất phức tạp ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, miền Trung và Tây Nguyên và phía Bắc; đã có một bệnh nhi tử vong do cúm A (H5N1) tại tỉnh Đồng Tháp. Riêng dịch cúm A (H7N9) hiện chưa ghi nhận trường hợp mắc bệnh trên người và trên gia cầm. Tuy nhiên, căn cứ vào tình hình và đặc điểm dịch tễ của bệnh, dự báo, nguy cơ dịch có thể xâm nhập vào việt Nam và có khả năng bùng phát thành dịch lớn tại cộng đồng.

Để chủ động phòng, chống cúm A (H7N9) và cúm A (H5N1), các Bộ, ngành từ Trung ương đến địa phương đã tích cực triển khai nhiều biện pháp. Tại Hà Tĩnh, Ngành Y tế đã tham mưu cho UBND tỉnh ra nhiều Chỉ thị, thành lập BCĐ phòng chống dịch của tỉnh và xây dựng kế hoạch của tỉnh có sự tham gia của nhiều ban, ngành; chỉ đạo xây dựng kế hoạch phòng chống dịch của ngành y tế, trung tâm YTDP tỉnh, bệnh viện đa khoa tỉnh và các đơn vị y tế tuyến huyện.

Tại cuộc họp, các thành viên đã phát biểu nhiều ý kiến xung quanh công tác phòng, chống dịch như việc phối hợp triển khai trong các hoạt động; cách thức và mức độ vào cuộc; công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, kịp thời phát hiện bệnh dịch từ trong người nuôi, cộng đồng…

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thiện đề nghị ngành Y tế và Nông nghiệp nông thôn phối hợp với các cơ quan truyền thông đại chúng thông tin các thông tin cần thiết, kịp thời đến người dân; các cơ quan chức năng tổ chức kiểm soát chặt chẽ, không để gia cầm nhập lậu vào địa bàn; chủ động các phương án kịp thời đáp ứng. Riêng ngành Y tế chỉ đạo thành lập một lực lượng cơ động sẵn sàng ứng phó và chuẩn bị các phương án cấp cứu, điều trị, không để tử vong nếu dịch xảy ra.


    Ý kiến bạn đọc