Để chống lại chính sách văn hóa nô dịch, phản động của Nhật - Pháp và tay sai, chống lại những hoạt động văn hóa, văn nghệ suy đồi, bi quan, bế tắc, những khuynh hướng học thuật cải lương, đồng thời đáp ứng xu thế phát triển của nền văn hóa cách mạng, Nghị quyết của Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương họp từ ngày 25 đến 28 tháng 02-1943 đề ra chủ trương “gây ra một phong trào văn hóa tiến bộ, văn hóa cứu quốc, chống lại văn hóa phát xít thụt lùi”.
Đề cương văn hóa năm 1943 nêu lên ba quan điểm: Mặt trận văn hóa là một trong ba mặt trận (kinh tế, chính trị, văn hóa); không phải chỉ làm cách mạng chính trị mà còn phải làm cách mạng văn hóa nữa; có lãnh đạo được phong trào văn hóa, Đảng mới ảnh hưởng được dư luận, việc tuyên truyền của Đảng mới có hiệu quả. Cách mạng văn hóa muốn hoàn thành phải do Đảng Cộng sản Đông Dương lãnh đạo. Cách mạng văn hóa chỉ có thể hoàn thành khi nào cách mạng chính trị thành công. Những phương pháp cải cách văn hóa đề ra bây giờ chỉ là dọn đường cho cuộc cách mạng triệt để mai sau.
Cách mạng tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thành lập (02/9/1945). Một ngày sau, tại phiên họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu 6 nhiệm vụ cấp bách cần phải thực hiện: Phát động ngay một chiến dịch tăng gia sản xuất để chống đói; Mở ngay một phong trào chống nạn mù chữ; Tổ chức càng sớm càng hay cuộc tổng tuyển cử; Mở một phong trào giáo dục cần kiệm liêm chính để bài trừ những thói hư tật xấu; Bỏ ngay ba thứ thuế (thuế thân, thuế chợ, thuế đò), tuyệt đối cấm hút thuốc phiện; Tuyên bố tự do tín ngưỡng và lương giáo đoàn kết. Tiếp đó, trong thư gửi đồng bào nông dân, Hồ Chủ tịch nêu hai nhiệm vụ cấp bách trước mắt “Hiện nay chúng ta có hai việc quan trọng nhất: cứu đói ở Bắc, chống giặc ở Nam”.
Đi đôi với phát động phong trào đẩy mạnh tăng gia sản xuất để chống giặc đói, các địa phương trong cả nước đều dấy lên mạnh mẽ cuộc vận động xây dựng đời sống mới. Mục tiêu cuộc vận động đời sống mới lúc bấy giờ là giáo dục tinh thần yêu nước, lòng căm thù bọn cướp nước, yêu lao động, yêu chính nghĩa, căm ghét bóc lột và xây dựng đạo đức cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, bài trừ những thói hư, tật xấu do chế độ thực dân, phong kiến để lại. Ngày nay, Đảng và Nhà nước ta giáo dục chủ nghĩa yêu nước gắn với thi đua yêu nước và phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) và nhiều phong trào khác. Hai cuộc vận động cách nhau hơn nửa thế kỷ nhưng đều cùng một mục tiêu xây dựng nền văn hóa mới, con người mới Việt Nam tiên tiến, mang đậm bản sắc dân tộc phù hợp với từng giai đoạn lịch sử.
Sau ngày nước nhà giành độc lập, nhân dân ta vô cùng phấn khởi, tự hào trước sự đổi đời lịch sử: Nhân dân Việt Nam từ thân phận nô lệ trở thành người tự do, Nước Việt nam từ thuộc địa nửa phong kiến trở thành một nước độc lập và dân chủ. Phát huy khí thế cách mạng sôi động, hào hùng, nhân dân ta hăng hái thi đua thực hiện lời kêu gọi của Bác Hồ về chống giặc đói, chống giặc dốt và chống giặc ngoại xâm gắn liền với cuộc vận động xây dựng đời sống mới. Những hình ảnh sinh động về cuộc vận động đời sống mới trước đây đã để lại trong tâm khảm nhân dân ta những dấu ấn không thể nào quên, đó là phong trào bình dân học vụ. Sau cách mạng tháng Tám, ở Hà Tĩnh, số người không biết chữ chiếm hơn 90%. Hưởng ứng lời kêu gọi của Bác Hồ ‘‘mọi người Việt Nam phải biết đọc, biết viết chữ quốc ngữ’’, cùng với phong trào tăng gia sản xuất chống đói, Đảng bộ và chính quyền Hà Tĩnh đã phát động, lãnh đạo và tổ chức phong trào chống nạn mù chữ, xây dựng đời sống mới, mở thêm nhiều trường, lớp, thực hiện giáo dục bình dân, các lớp bình dân học vụ được tổ chức khắp mọi nơi, trong nhà dân, đình chùa, miếu mạo... lôi cuốn từ các em bé đến các cụ già đều tích cực tham gia, giáo viên là những người đã biết chữ dạy người chưa biết chữ, chồng dạy vợ, anh dạy em, con, cháu dạy chữ cho ông bà, cha mẹ, không có giấy viết nhân dân dùng lá chuối khô, nền hay tường nhà để tập viết, phấn viết là những lát sắn khô, những mảnh gạch, ngói. Một số phiên chợ ở miền quê Hà Tĩnh tổ chức bàn đố chữ ở cổng vào, ai biết đọc, biết viết thì được vào chợ buôn bán, ai mù chữ thì phải trở về học chữ. Các khẩu hiệu “đi học là yêu nước”, “thi đua thanh toán nạn mù chữ”, “tuyền tuyến diệt xâm lăng, hậu phương trừ giặc dốt”, tinh thần “mỗi gia đình là một lớp học”…được thực hiện ở khắp nơi. Nhờ những biện pháp tích cực đó nên chỉ trong một thời gian ngắn, phong trào xóa nạn mù chữ đã phát triển đều khắp trong toàn tỉnh. Ngành bình dân học vụ của tỉnh còn xuất bản tờ báo “Bạn dân”, nhằm cổ động và hướng dẫn phong trào học tập văn hóa, xây dựng đời sống mới. Các phong trào xây dựng đời sống mới, bài trừ các hủ tục, cải đổi cách ăn mặc, xưng hô đều được đẩy mạnh khắp các địa phương, đám giổ, đám cưới, đám tang đều được tổ chức theo đời sống mới, tiết kiệm mà trang trọng, không phô trương mà đầm ấm tình cảm gia đình, tộc họ, sâu nặng tình làng, nghĩa xóm. Nhiều nơi đã xuất hiện phong trào “hợp tự ”... Chỉ hơn một năm sau ngày Cách mạng tháng Tám thành công, sự nghiệp giáo dục của Hà Tĩnh đã có bước phát triển mạnh. Đến tháng 10/1946, Hà Tĩnh đã có trên 15 vạn người được thanh toán nạn mù chữ, toàn tỉnh mở được 181 trường tiểu học, 2 trường trung học (Trường Phan Đình Phùng ở thị xã, Trường Đức Thọ). Một cuộc sống mới phấn khởi, vui tươi, lành mạnh bắt đầu hình thành và ngày càng phát triển, từng bước đẩy lùi tình trạng tối tăm lạc hậu của những ngày nô lệ trước kia.
Trong những năm kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ phong trào văn nghệ quần chúng luôn sôi động khắp mọi miền thôn xóm, làm cho không khí nông thôn luôn tưng bừng, phấn chấn là một trong những hình ảnh đẹp, gây ấn tượng sâu đậm trong ký ức mỗi người dân Hà Tĩnh. Đây cũng là một trong những động lực tinh thần tạo nên phong trào thi đua kháng chiến trường kỳ, gian khổ, không mệt mỏi cho đến ngày thắng lợi. Thời bấy giờ phong trào văn nghệ quần chúng không đa dạng, phong phú về nội dung, hình thức như ngày nay, nhưng nó đã cuốn hút các tầng lớp nhân dân từ những em bé đến các cụ già, từ thanh niên, phụ nữ, đến nông dân, công nhân hào hứng tham gia, đêm đêm thôn xóm vang lừng lời ca, tiếng hát những bài ca cách mạng, trong nhân dân xuất hiện nhiều ca dao, hò, vè có tác dụng giáo dục tư tưởng, sâu sắc, động viên các phong trào tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, bài trừ mê tín dị đoan, động viên thanh niên tòng quân đánh giặc...
Ngày nay, nhân dân ta đang hăng hái thi đua thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng cuộc sống mới ở khu dân cư” do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khởi xướng, nối tiếp là phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII). Nhiều phong trào như: Người tốt việc tốt, uống nước nhớ nguồn, đền ơn đáp nghĩa, xóa đói giảm nghèo, xây dựng gia đình văn hóa, làng, xã, phường văn hóa... Cuộc vận động đề ra những tiêu chí cụ thể về sự tăng trưởng kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân, về phát triển giáo dục, nâng cao dân trí, nâng cao ý thức sống và làm việc theo pháp luật, về phát triển cơ sở hạ tầng, các thiết thiết chế văn hóa, về xây dựng nếp sống cộng đồng, tình làng nghĩa xóm, về giữ gìn thuần phong mỹ tục, bài trừ mê tín dị đoan, về thực hiện quy chế dân chủ, xây dựng hương ước... Các phong trào nói trên đều hướng vào công cuộc đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước theo định hướng XHCN, tất cả vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Trong công cuộc đổi mới, Đảng bộ và nhân dân Hà Tĩnh đã đạt được những kết quả đáng khích lệ về phát triển kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học kỹ thuật... ; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân có những chuyển biến rõ nét. Đã xuất hiện một số điển hình như: huyện Cẩm Xuyên phát triển kinh tế đến từng hộ gia đình và thực hiện tốt các chính sách xã hội; huyện Can Lộc xây dựng nông thôn mới bắt đầu từ xây dựng gia đình văn hóa; huyện Đức Thọ với việc xây dựng quy ước tự quản ở từng làng… Ban Chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” các cấp đã lồng ghép việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” vào các phong trào văn hóa. Các địa phương, cơ sở đầu tư xây dựng các tiêu chí văn hóa gắn với các tiêu chí xây dựng nông thôn mới… Gần đây xuất hiện nhiều mô hình: Ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo; Phụ nữ giúp nhau làm kinh tế, xóa đói giảm nghèo; Người tốt - việc tốt; Vì người nghèo; Gia đình nông dân 6 chuẩn mực; xây dựng quỹ đền ơn đáp nghĩa; Tuổi trẻ sống đẹp, sống có ích; Câu lạc bộ khuyến học, Câu lạc không sinh con thứ ba…
Sau hơn 10 năm thực hiện phong trào TDĐKXDĐSVH, Hà Tĩnh đã có hơn 1.600 gương người tốt việc tốt; 72,68% gia đình văn hóa; 34,81% làng văn hóa; 85% tổ dân phố văn hoá và trên 90 % cơ quan, đơn vị đạt chuẩn về văn hóa… Tình hình văn hóa - xã hội trên phạm vi toàn tỉnh đã có bước chuyển biến tích cực; an sinh xã hội được đảm bảo; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 14% năm 2012.
Ôn lại và suy nghĩ về hào khí nhân dân hăng hái thi đua xây dựng đời sống mới sau Cách mạng tháng Tám, chúng ta rất đỗi tự hào về dân tộc anh hùng, Đảng quang vinh, Bác Hồ vĩ đại đã hết sức coi trọng và quan tâm xây dựng nền văn hóa mới. Nhưng chúng ta cũng không thể không suy nghĩ, trăn trở về sự bất cập và những vấn đề phức tạp trong thực tiễn của văn hóa đạo đức và lối sống hiện nay như: nạn mê tín dị đoan, nhiều hủ tục cũ trong việc cưới, việc tang và lễ hội xuất hiện tràn lan; một số vùng quê, miền núi đang còn tỷ lệ học sinh bỏ học khá cao; các tệ nạn mại dâm, ma tuý, cờ bạc đang có nguy cơ gia tăng; tư tưởng bảo thủ và những hành động, cách cư xử, ứng xử, phương pháp giáo dục con cái giữa các thành viên trong gia đình đang có sự hẫng hụt, lúng túng; ở thành thị nhiều gia đình không đảm đương nổi vai trò nuôi dưỡng và chăm sóc cho thế hệ trẻ về mặt tinh thần…
Để công tác lãnh đạo và quản lý các hoạt động văn hóa trên địa bàn tỉnh tiếp tục thực hiện có hiệu quả trong thời gian tới, theo chúng tôi cần tập trung làm tốt một số nội dung:
- Cấp uỷ, chính quyền các cấp và bản thân người làm công tác văn hóa cần nhận thức đúng đắn về lý luận văn hóa và quản lý văn hóa, làm cho lý luận đó thấm sâu vào nhận thức tư tưởng của cán bộ, đảng viên và cộng đồng xã hội. Nếu không có một cách nhìn nhận sâu sát về văn hóa thì không thể có được một phương thức chỉ đạo, quản lý thích hợp với yêu cầu mới hiện nay.
- Công tác văn hóa ở cơ sở có vai trò quan trọng động viên và phát huy tính năng động, sáng tạo của nhân dân trong lao động sản xuất, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Vì vậy, cấp uỷ, chính quyền địa phương cần xây dựng chiến lược phát triển văn hóa, có cơ chế lãnh đạo, quản lý và đào tạo cán bộ có kinh nghiệm để quản lý văn hóa; luôn luôn nắm bắt, chỉ đạo, kiểm tra, tạo điều kiện thuận lợi cho ngành chuyên môn phát huy tính chủ động, sáng tạo. Tích cực xây dựng các thiết chế văn hoá cơ sở theo tiêu chí xây dựng nông thôn mới, đáp ứng nhu cầu đời sống tinh thần của mọi tầng lớp ở từng cộng đồng dân cư.
- Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về xây dựng nền văn hóa Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc và Nghị quyết số 11 -NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XIV) về xây dựng và phát triển văn hóa Hà Tĩnh gắn với việc tổ chức thực hiện tốt Chỉ thị số 20 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ và Quyết định số 31 của UBND tỉnh về đẩy mạnh thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội nhằm xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở thực sự trở thành vừa là mục tiêu, vừa là động lực phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh trên địa bàn tỉnh./.
Hồng Lam – BTGTU
Tin mới cập nhật
- Phòng dịch Covid-19 ở Hà Tĩnh: Tổng hợp sức mạnh của ý Đảng - lòng dân ( 24/04)
- Hà Tĩnh vận động đoàn viên, hội viên, các tầng lớp nhân dân thực hiện tốt chủ trương sáp nhập xã ( 19/07)
- Tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động ( 30/01)
- Hội viên Hội Cựu chiến binh tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước ( 08/01)
- Tổ chức đoàn cần họp ít, nói thuyết phục, làm hiệu quả ( 08/01)
- Tăng cường quản lý hoạt động báo chí trên địa bàn Hà Tĩnh ( 04/01)