Tuần đầu kỳ họp thứ 8 Quốc hội: Khởi đầu của nhiều vấn đề thiết thực
EmailPrintAa
09:12 27/10/2014

Nhiều vấn đề quốc kế, dân sinh đã được đưa ra bàn thảo, thu hút sự quan tâm của đông đảo cử tri cả nước.

Ngay trong tuần đầu tiên của kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII đang diễn ra tại Hà Nội, nhiều vấn đề quốc kế, dân sinh đã được đưa ra bàn thảo, thu hút sự quan tâm của đông đảo cử tri và nhân dân cả nước.

 

Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIII đã trải qua tuần làm việc đầu tiên (Ảnh: Quang Trung)

 

Nhiều nội dung quan trọng của Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII được đề cập ngay trong phiên khai mạc. Ngoài báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế xã hội là Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri cả nước; Báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng; Báo cáo kết quả thu - chi ngân sách nhà nước, thì báo cáo về Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông – một vấn đề thiết thực, nhạy cảm, liên quan đến hàng triệu gia đình Việt Nam cũng được trình bày trước Quốc hội.

Báo cáo của Chính phủ do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trình bày tại phiên khai mạc cho biết, trong số 14 chỉ tiêu Quốc hội giao Chính phủ thực hiện, thì có 13 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đề ra với chỉ tiêu quan trọng nhất là tăng trưởng GDP năm nay dự kiến đạt trên 5,8%. Một chỉ tiêu không đạt là tỉ lệ lao động qua đào tạo mới dừng lại ở con số 49% so với 52% kế hoạch.

Đạt được những kết quả đó trong bối cảnh “tình hình thế giới diễn biến rất phức tạp, kinh tế thế giới phục hội chậm hơn dự báo; “Xung đột xảy ra ở nhiều nơi” và việc “Trung Quốc bất chấp luật pháp quốc tế, ngang nhiên hạ đặt giàn khoan trái phép trong vùng biển của Việt Nam, đe dọa nghiêm trọng hòa bình, ổn định và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước” – là “sự nỗ lực phấn đấu của cả hệ thống chính trị, đồng bào cả nước và cộng đồng doanh nghiệp”.

Tuy nhiên, Báo cáo của Chính phủ cũng nêu rõ những khó khăn, thách thức đang hiện hữu khi mà kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn của nền kinh tế chưa vững chắc. Bội chi ngân sách còn cao. Nợ công tăng nhanh; kết quả giảm nghèo chưa bền vững, khoảng cách giàu nghèo giữa các nhóm cư dân còn lớn. Đời sống vật chất và tinh thần của một bộ phận cư dân nông thôn, vùng sâu vùng xa còn nhiều khó khăn. Số người thiếu việc làm và việc làm không ổn định còn lớn ,nhất là trong thanh niên….

Những khó khăn ấy liên quan tới tất cả người dân, nhất là những người nghèo, đã ảnh hưởng  đến hầu hết các quan hệ xã hội. Người dân vẫn còn lo lắng khi tỉ lệ tội phạm hình sự, tội phạm ma túy chưa giảm;  bất an mỗi khi ra đường khi tai nạn giao thông vẫn là vấn đề nhức nhối, mặc dù so với cùng kỳ năm ngoái đã giảm cả ba tiêu chí.

Cử tri cũng chưa thể hài lòng với công tác phòng chống tham nhũng khi báo cáo về lĩnh vực này cho biết, trong số gần 1 triệu người phải kê khai tài sản, mới chỉ có ít trường hợp bị kiểm điểm do kê khai không đúng; công tác phòng chống tham nhũng vẫn chưa đạt yêu cầu đề ra; khiếu kiện liên quan đến đất đai vẫn còn nhiều.

Trước những khó khăn, thách thực đó, đặt ra quyết tâm cao trong năm 2015, phấn đấu GDP tăng khoảng 6,2% và nhiều chỉ tiêu khác về xã hội và môi trường, Chính phủ đề ra 9 nhiệm vụ, giải pháp cụ thể. Trong đó đẩy mạnh thực hiện các đột phá chiến lược,  tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, hiệu quả và năng lực cạnh tranh; nhấn mạnh nhiệm vụ “Tăng cường quốc phòng, an ninh giữ vững chủ quyền quốc gia, đảm bảo an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội” trong bối cảnh những căng thẳng, phức tạp trên biển Đông đang tiếp tục diễn ra.

 

Các đại biểu trao đổi bên hành lang Quốc hội (Ảnh: Quang Trung)

 

Cũng trong tuần làm việc đầu tiên, trong số các Tờ trình trước Quốc hội, đáng chú ý là Tờ trình của Chủ tịch nước về việc phê chuẩn Công ước của Liên Hợp Quốc về quyền của người khuyết tật; về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người. Đây là những văn bản pháp lý quan trọng, thể hiện quyết tâm chính trị của Việt Nam về những vấn đề dân chủ, nhân quyền, đề cao quyền con người trong cộng đồng xã hội nhằm thực hiện đúng cam kết của quốc gia, tạo cơ sở cho việc tăng cường đối thoại về nhân quyền và trao đổi với các nước, các tổ chức quốc tế về nhân quyền.

Đây cũng là một trong những căn cứ pháp lý để Việt Nam khẳng định quan điểm của mình đối với thế giới trong lĩnh vực người khuyết tật nói riêng và nhân quyền nói chung, có ý nghĩa quan trọng khi Việt Nam đã trở thành thành viên Hội đồng nhân quyền của Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2014-2016.

Trong tuần, Quốc hội cũng đã nghe 9 Tờ trình dự án Luật, trong đó có nhiều dự án luật được dư luận quan tâm như: dự án Luật nhà ở, Luật kinh doanh bất động sản; Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi) …. Quốc hội cũng đã nghe và thảo luận Báo cáo về công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm; công tác thi hành án; Báo cáo công tác của Chánh án TANDTC và Viện trưởng VKSNDTC.

Tuần làm việc thứ hai, cùng với việc cho ý kiến và thảo luận về các dự án Luật, Quốc hội sẽ dành hai ngày rưỡi phát thanh, truyền hình trực tiếp thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế - xã hội năm 2014 và nhiệm vụ năm 2015 cũng như việc dự toán thu chi ngân sách nhà nước; thảo luận việc thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế trong lĩnh vực đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và hệ thống ngân hàng./.

TT CNTT (Nguồn: Vov.vn)


    Ý kiến bạn đọc