Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến 2 dự án Luật
EmailPrintAa
09:12 14/03/2014

Đưa Học viện Tòa án vào cơ cấu tổ chức bộ máy Tòa án thực ra là trái luật Giáo dục và Luật Giáo dục đại học.

Tiếp tục Phiên họp thứ 26, trong ngày làm việc hôm nay (13/3), Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào 2 dự án luật: Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân (sửa đổi) và Luật tổ chức tòa án nhân dân (sửa đổi). Đây là hai dự án luật được trình Quốc hội cho ý kiến nhằm cụ thể hóa Hiến pháp sửa đổi năm 2013.

Cho ý kiến vào dự án Luật tổ chức TAND sửa đổi chiều nay, nhiều đại biểu tán thành với một số nội dung được nêu trong dự thảo luật như sự cần thiết phải thể chế hóa đầy đủ các chủ trương của Đảng về cải cách tư pháp, cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013. Trong đó khẳng định, TAND  là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp.

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị ban soạn thảo làm rõ khái niệm thực hiện quyền tư pháp và mối quan hệ với các cơ quan liên quan trong quá trình thực thi nhiệm vụ. Đồng thời, khi xây dựng dự thảo luật cần quán triệt Thông báo của Bộ Chính trị, nhất là Kết luận về tổng kết nâng cao hoạt động hệ thống chính trị, trong đó có cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp.

Ông Phan Trung Lý-Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nêu ý kiến: Hiến pháp hiện nay quy định Chủ tịch nước có nhiệm vụ bổ nhiệm thẩm phán để làm nhiệm vụ xét xử những vụ án và giải quyết những việc khác thuộc thẩm quyền của Tòa án. Nhưng trong dự thảo Luật lại quy định có thẩm phán chính ngạch và thẩm phán ngoài ngạch, điều này gây khó hiểu và hạ thấp vai trò của thẩm phán. Ngoài ra, quy định Học viện Tòa án do Chánh án TAND tối cao quyết định thành lập cũng trái với Luật Giáo dục đại học, cần phải sửa đổi.

Ông Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội khẳng định: Liên quan đến việc đưa Học viện Tòa án vào cơ cấu tổ chức bộ máy Tòa án thực ra là trái luật Giáo dục và Luật Giáo dục đại học, vì Học viện Tòa án là cơ sở đào tạo cụ thể, một cấp đào tạo đại học và sau đại học. Nhưng Luật Giáo dục và Luật Giáo dục đại học quy định việc sát nhập, thành lập, giải thể một cơ sở đại học là thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ, còn ở cấp cao đẳng là thuộc về Bộ trưởng Bộ GD-ĐT. Bởi vậy, không thể đưa vào luật được.

Trước đó, cho ý kiến vào dự thảo Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân (sửa đổi) sáng nay, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khẳng định: Để đảm bảo quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân như trong Hiến pháp đã nêu về nhiệm vụ của Viện kiểm sát nhân dân, ban soạn thảo cần tiếp thu và cụ thể hóa rõ hơn tinh thần của Hiến pháp trong luật nhằm bảo vệ quyền con người.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh: Mục đích cuối cùng của hoạt động tư pháp là đảm bảo Hiến pháp, pháp luật liên quan đến hoạt động tư pháp được thực hiện. Viện Kiểm sát có thực hiện quyền giám sát tốt thì quyền con người, quyền công dân mới được đảm bảo, tránh tình trạng án oan sai, xét xử không đúng người đúng tội. Do vậy, trong dự thảo luật cần nêu rõ các khái niệm về công tố, kiểm soát tư pháp, chức năng nhiệm vụ và các quyền của viện kiểm sát, cũng như kiểm sát viên để thực thi tốt nhiệm vụ được giao../.


    Ý kiến bạn đọc