Vài suy nghĩ về công tác quản lý báo chí ở Hà Tĩnh
EmailPrintAa
14:34 17/06/2013

Quản lý nhà nước về báo chí là một đặc thù, đây là nhiệm vụ của mọi cấp, ngành và của mỗi công dân. Để công tác quản lý báo chí góp phần thúc đẩy báo chí phát triển, thiết nghĩ cần hơn sự quan tâm, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, của các cơ quan chức năng trong giám sát thực thi pháp luật về báo chí. Và, cái cốt lõi nhất chính là ở cái tâm của mỗi nhà báo...

Báo chí đồng hành với sự nghiệp đổi mới

Báo chí Việt Nam là nền báo chí cách mạng. Các cơ quan báo chí từ Trung ương đến địa phương đều hoạt động theo một tôn chỉ, mục đích, đó là: Phục vụ lợi ích của nhân dân và dân tộc. Lịch sử vẻ vang của nền báo chí cách mạng bắt nguồn từ sự ra đời của báo Thanh niên do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập năm 1925. Suốt 88 năm qua, các thế hệ làm báo đã đóng góp nhiều công lao to lớn cho sự nghiệp cách mạng. Nhiều nhà báo đã hy sinh trên chiến trường chống giặc ngoại xâm, bảo vệ Tổ quốc. Ngày nay, trên mặt trận tư tưởng - văn hóa, các nhà báo cách mạng đang không ngừng đấu tranh chống lại các luận điệu sai trái, xuyên tạc, làm thất bại các âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực phản động, thù địch trong và ngoài nước. Đó luôn là điểm son chói lọi của những chiến sĩ cầm bút.

Vai trò của truyền thông, đặc biệt của báo chí trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội ngày càng được khẳng định. Báo chí tiếp tục góp phần biểu dương, cỗ vũ cái mới, cái tiến bộ; góp thêm kênh phản biện xã hội để các chủ trương, chính sách của Nhà nước liên tục được cải cách và ngày càng hoàn thiện hơn; tích cực trong cuộc chiến chống tội phạm, tham nhũng…

Hà Tĩnh có 6 cơ quan báo chí địa phương, gồm: Báo Hà Tĩnh, Đài PT - TH, Tạp chí Văn hóa Hà Tĩnh, Tạp chí Hồng Lĩnh, Tạp chí Thông tin - Tư tưởng, Tạp chí Khoa học, Đặc san - Hà Tĩnh người làm báo; có 5 văn phòng đại diện, 11 phóng viên thường trú, 9 phóng viên, 1 cộng tác viên của các cơ quan báo chí Trung ương và tỉnh bạn. Toàn tỉnh hiện có 141 phóng viên, biên tập viên được cấp Thẻ Nhà báo.

Nhìn chung, các cơ quan báo chí hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích và định hướng tuyên truyền của tỉnh, đáp ứng nhu cầu thông tin của nhân dân; bám sát cơ sở, phản ánh kịp thời diễn biến mọi mặt của đời sống xã hội, phản ánh tâm tư, nguyện vọng chính đáng nhân dân, phát hiện, nêu gương các nhân tố mới, điển hình tiên tiến trong xây dựng và bảo vệ tổ quốc, phát triển kinh tế; góp phần làm chuyển biến nhân thức, tạo được sự đồng thuận, giúp tỉnh thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị. Báo chí cũng đã tập trung phản ánh những vấn đề dư luận xã hội quan tâm, từ đó có những phân tích, đánh giá và đề xuất giải pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế, không ngừng nâng cao hiệu lực của pháp luật và hiệu quả kinh tế - xã hội.

Báo chí trong sự vận động đa chiều

Từ khi xóa bỏ cơ chế bao cấp, báo chí của ta đã rơi vào mâu thuẫn giữa chất lượng thông tin (chính xác, khoa học, dân tộc...) với yêu cầu phải giật gân, câu khách với mục đích bán được nhiều báo, thu được nhiều quảng cáo để tồn tại và ngày càng có lãi nhiều hơn. Đó là mâu thuẫn có thật, gay gắt và còn thiếu hướng giải quyết ở tầm vĩ mô.

Ở Hà Tĩnh, việc cùng một thông tin được đưa trùng lắp trên nhiều tờ báo đã trở thành vấn đề đáng bàn, đặc biệt là với những thông tin vụn vặt. Một số vụ án được “xới xáo” nhiều lần để câu bài, câu view. Nhiều thông tin được đưa lên khi chưa tìm hiểu kỹ, chưa có ý kiến nhiều chiều của các bên liên quan. Có nhiều đơn từ khiếu nại, tố cáo được “đưa thẳng” lên báo mà không cần tìm hiểu thông tin trong đơn đó có bao nhiêu phần trăm là sự thật. Có thông tin được đưa lên báo từ những Nhà báo “salon”, do vậy, nhiều thông tin ban đầu là “con chuột”, đã trở thành “con voi” trên mặt báo. Một số phóng viên còn “săn tin” trên các mạng xã hội để đưa lên báo mà không có sự kiểm chứng… Đây là những việc làm hết sức thiếu trách nhiệm. Thậm chí, đâu đó vẫn còn hiện tượng phóng viên, nhà báo cấu kết với một số phần tử xấu, viết những bài báo có tính chất kích động khiếu kiện, gây mất ổn định ở cơ sở…

Chính vì thế, gần đây có ý kiến cho rằng: “không ít cơ quan báo chí đang mất định hướng, lờ đi những vấn đề hệ trọng của đất nước, dân tộc, nền tảng đạo đức, tư tưởng, số phận con người, mà sa vào những điều tầm thường một cách vô cảm, thậm chí độc ác; một số nhà báo làm báo quá dễ dãi hoặc với mục đích trục lợi phe nhóm”.

Trong môi trường báo chí như hiện nay, một vài tờ báo đang có xu hướng "lá cải hóa", “thương mại hóa”, có dấu hiệu đi chệch tôn chỉ, mục đích. Chưa bao giờ trên mặt báo các hiện tượng tiêu cực của xã hội lại dày đặc như hiện nay, sự xác tín của lượng thông tin giảm. Bên cạnh những thông tin được cập nhật kịp thời, nhanh nhạy là những tin vụn vặt, câu khách, phản cảm. Một số người viết thiếu bản lĩnh, không làm chủ được ngòi bút, đã buông lỏng, xuôi dòng theo diễn biến của một số sự việc, có xu hướng đồng lõa và tha hóa trước cái xấu. Nhiều bài báo chỉ “nhăm nhăm” khai thác chuyện “hở”, “lộ” của người nổi tiếng, sa đà vào miêu tả tỉ mỉ cảnh giết người rùng rợn, những câu chuyện không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của Việt Nam. Và cuối cùng, người phải chịu đựng sản phẩm đó chính là độc giả.

Dù rằng với chức năng phản biện xã hội, báo chí phản ánh những mặt trái, những dấu hiệu tiêu cực là đúng nhưng một số bài viết chỉ phản ánh mà không nắm rõ bản chất của sự việc dẫn đến thiếu khách quan, làm cho độc giả hiểu nhầm, tác động xấu đến tâm lý nhân dân, thậm chí có những bài viết gây bất lợi cho sự ổn định xã hội, gây phương hại đến lợi ích quốc gia; làm cho các thế lực chính trị thù địch trên thế giới lợi dụng, xuyên tạc, bóp méo, phát tán thông tin với mục đích phá hoại. Ở đây, trách nhiệm được đặt nặng nề lên cơ quan báo chí, cơ quan chủ quản báo chí có những cán bộ, phóng viên như vậy.

Một số báo không thực hiện nghiêm luật báo chí, có những trường hợp đưa tin sai không cải chính hoặc cải chính chiếu lệ làm phương hại đến uy tín, danh dự cán bộ, đảng viên và đội ngũ người làm báo, gây tác động xấu đến dư luận xã hội.

Vấn đề phản hồi thông tin báo nêu

Phản hồi thông tin báo chí là một yếu tố thể hiện sự văn minh của xã hội tiến bộ, được quy định rõ trong Luật Báo chí sửa đổi năm 1999. Nó thể hiện tính minh bạch, một cơ sở cần thiết để có sự công khai, minh bạch trong tất cả các lĩnh vực khác của đời sống xã hội - một mục tiêu mà chế độ ta đang hướng tới. Báo chí là một kênh phản biện công khai hiệu quả. Trên địa bàn, một số vụ việc báo chí phanh phui, phản ánh đã được cơ quan chức năng vào cuộc, điều tra và xử lý nghiêm, tạo được sự đồng tình, tin tưởng của dư luận. Do vậy, cơ quan, đơn vị nào không chấp nhận sự phản biện của báo chí thì rõ ràng cơ quan, đơn vị ấy đang “có vấn đề”.

Nguồn: NOP

Một số địa phương, đơn vị, mặc dù đã nắm được Luật Báo chí, nhưng vẫn “lờ” đi nhiều thông tin báo chí phản ánh, một số còn để sự việc “rơi vào im lặng”. Lâu nay, việc phản hồi thông tin báo chí nêu chưa trở thành một thói quen. Một số thông tin nêu trên báo, UBND tỉnh, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở Thông tin và Truyền thông đã phải có văn bản giao các cơ quan, địa phương kiểm tra, xử lý và trả lời công luận. Phải hiểu rằng: Việc phản hồi thông tin báo nêu cũng chính là một khâu hết sức quan trọng trong công tác quản lý nhà nước về báo chí.

Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí được UBND tỉnh ban hành từ năm 2010 nhưng một số địa phương, đơn vị thiếu sự quan tâm thực hiện. Vẫn còn hiện tượng người phát ngôn hoặc người được ủy quyền phát ngôn né tránh; lấy lí do cơ quan bận họp, đi công tác vắng… để thoái thác cung cấp thông tin. Vô hình trung, sự né tránh đó lại tạo nên những hoài nghi, dẫn đến việc các cơ quan báo chí không có những thông tin chính thống để đăng phát và khai thác, cung cấp thông tin không chuẩn xác đến với độc giả. Người chịu thiệt thòi trong việc này là người đọc, là chính cơ quan đã né tránh, tiếp xúc cung cấp thông tin cho báo chí.

Một số đơn vị, địa phương còn lúng túng trong tiếp xúc với báo chí, thậm chí có hành vi cản trở nhà báo tác nghiệp vì sợ sự việc bị đưa lên công luận, ảnh hưởng đến cơ quan, đơn vị mình. Làm như vậy là đã vi phạm Luật Báo chí.

Và công tác quản lý báo chí trong tình hình mới

Để tạo môi trường dân chủ, minh bạch, công khai cho báo chí khi đến làm việc với các địa phương, đơn vị, tạo sự chủ động cho các địa phương, đơn vị khi tiếp xúc, làm việc với báo chí, Sở Thông tin và Truyền thông đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Quyết định số 29/2009/QĐ-UB ngày 06/10/2009 về Quy chế phát ngôn, cung cấp, đăng phát và xử lý thông tin báo chí trên địa bàn tỉnh; Quyết định số 48/2008/QĐ-UBND ngày 29/12/2009 về Quy định quản lý hoạt động các Văn phòng đại diện và phóng viên thường trú các báo trung ương và tỉnh bạn trên địa bàn, Thông báo số 3761/UBND-VX ngày 02/11/2011 về việc thông báo danh sách người phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí trên địa bàn tỉnh; Văn bản số 244/STTTT-BCXB ngày 16/10/2012 hướng dẫn các địa phương, đơn vị trong việc tiếp xúc, làm việc với phóng viên, nhà báo và nhà báo, phóng viên tác nghiệp ở cơ sở theo đúng các quy định của pháp luật; Danh sách phóng viên các văn phòng đại diện và phóng viên thường trú trên địa bàn (6 tháng cập nhật 1 lần). Đây là những quy chế, quy định cụ thể của UBND tỉnh nhằm gắn kết hơn mối quan hệ của báo giới đối với mọi mặt đời sống xã hội, tạo điều kiện về nguồn thông tin, phản hồi thông tin, tạo cơ sở vững chắc hơn để thực hiện đúng Luật báo chí và tôn chỉ, mục đích của các tờ báo.

Bên cạnh đó, Sở Thông tin và Truyền thông đã đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật về báo chí cho các đơn vị cơ sở. Nhiều văn bản QPPL, thông tin về công tác quản lý báo chí, về sự phát triển của lĩnh vực thông tin, báo chí được cập nhật và chuyển tải đến đội ngũ lãnh đạo các ban, ngành ở các huyện, thị xã, thành phố.

Giao ban báo chí định kỳ hàng tháng chính là một công cụ để thực hiện công tác quản lý. Thông qua hội nghị giao ban, các cơ quan báo chí trên địa bàn được cung cấp thông tin về mọi mặt của đời sống xã hội, định hướng tuyên truyền cũng như các chủ trương, chính sách lớn của tỉnh. Bên cạnh đó, tỉnh cũng được nghe báo giới phản ánh những vấn đề nảy sinh ở cơ sở, những tâm tư, nguyện vọng của người dân. Nhiều thông tin trên báo như: thông tin sai sự thật, thông tin thiếu khách quan, thông tin một chiều, thông tin không mang tính xây dựng, thông tin vụn vặt gây phản cảm, thông tin giật gân, câu khách, xu hướng thương mại hoá báo chí… đã được nêu lên để kịp thời chấn chỉnh tại các Hội nghị giao ban; đối với những sai phạm về thông tin, Sở Thông tin và Truyền thông đều có văn bản đề nghị các cơ quan chức năng của Bộ Thông tin và Truyền thông xử lý theo quy định. Nhiều vấn đề thời sự báo chí nêu được phân tích, trả lời, xử lý theo thẩm quyền, tạo được lòng tin trong nhân dân và đội ngũ người làm báo. Giao ban báo chí định kỳ hàng tháng đã thực sự trở thành “cầu nối” giữa báo giới và cấp uỷ, chính quyền ở Hà Tĩnh.

Quản lý nhà nước về báo chí là một đặc thù, đây là nhiệm vụ của mọi cấp, ngành và của mỗi công dân. Để công tác quản lý báo chí góp phần thúc đẩy báo chí phát triển, thiết nghĩ cần hơn sự quan tâm, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, của các cơ quan chức năng trong giám sát thực thi pháp luật về báo chí. Và, cái cốt lõi nhất chính là ở cái tâm của mỗi nhà báo./.


    Ý kiến bạn đọc