Về sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và dự thảo Luật đất đai (sửa đổi)
EmailPrintAa
08:28 07/11/2012

Sáng 6/11, Quốc hội thảo luận tổ về dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 và dự thảo Nghị quyết lấy ý kiến nhân dân về sửa đổi Hiếp pháp năm 1992.

Trong buổi sáng, Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh có ĐB Trần Tiến Dũng, ĐB Nguyễn Văn Phúc đã phát biểu đề cập đến nhiều vấn đề về nội dung này.

Buổi chiều 6/11, Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh cùng với các Đoàn Quảng Nam, Hòa Bình và Trà Vinh tiếp tục thảo luận tại tổ về dự thảo Luật đất đai( sửa đổi).

Tham gia thảo luận, đại biểu Võ Kim Cự, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh cho rằng : Sau gần 10 năm thi hành, Luật Đất đai năm 2003 đã có đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế- xã hội, góp phần giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo quốc phòng, an ninh, an sinh xã hội; bảo đảm an ninh lương thực quốc gia và bảo vệ môi trường... Chính sách, pháp luật về đất đai ngày càng được bổ sung từng bước hoàn thiện; nhận thức về pháp luật đất đai của nhân dân được nâng cao; các quyền của người sử dụng đất được mở rộng và được bảo đảm thực hiện. Hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đất đai đã từng bước được tăng cường.

Tuy nhiện, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý nhà nước về đất đai vẫn còn hạn chế, bất cập, nhất là trong quy hoạch sử dụng đất và các thủ tục hành chính. Công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, tái định cư còn gặp nhiều khó khăn; lợi ích của Nhà nước và người dân có đất bị thu hồi chưa được bảo đảm tương xứng. Công tác tài chính đất đai, giá đất còn bộc lộ những yếu kém. Nguồn lực về đất đai rất lớn chưa được phát huy đầy đủ để trở thành nội lực quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Thị trường bất động sản phát triển không ổn định, thiếu lành mạnh, giao dịch “ngầm” còn khá phổ biến. Tình hình khiếu nại, tố cáo, tranh chấp về đất đai vẫn còn diễn biến phức tạp.

Nguyên nhân chủ yếu của những hạn chế, yếu kém nêu trên là do: Đất đai có nguồn gốc rất phức tạp; chính sách đất đai thay đổi qua nhiều thời kỳ; một số nội dung của pháp luật về đất đai còn chưa đủ rõ, chưa phù hợp và chưa đồng bộ với các luật khác có liên quan. Tổ chức thực hiện pháp luật về đất đai còn nhiều hạn chế; công tác tuyên truyền, giáo dục chính sách, pháp luật về đất đai hiệu quả chưa cao. Việc thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý các hành vi sai phạm chưa nghiêm. Hiệu lực, hiệu quả giải quyết khiếu nại, tố cáo, tranh chấp về đất đai còn thấp. Tổ chức bộ máy, năng lực đội ngũ cán bộ quản lý đất đai còn bất cập.

Để khắc phục những tồn tại, bất cập nêu trên và thể chế hóa những quan điểm, chủ trương, chính sách lớn của Đảng đòi hỏi phải sửa đổi Luật Đất đai năm 2003 một cách toàn diện. Đại biểu Võ Kim Cự nhấn mạnh: Chính phủ cần nghiên cứu tham mưu đề xuất Quốc hội ban hành Luật về thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng, tái định cư để thống nhất áp dụng trong toàn quốc để tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương thực hiện đảm bảo công bằng, dân chủ, minh bạch, kỷ cương, nghiêm túc để tái định cư phát triển bền vững. Cần có quy định rõ việc quản lý đất rừng, chuyển đổi mục đích đất rừng làm sao nâng cao hiệu lực quản lý, hiệu quả sử dụng đất rừng; cần xác định rõ giá trị và giá cả từng loại đất khác nhau. Đề nghị sửa đổi luật lần này cần có chế tải nghiêm khắc đối với các hành vi lấn chiếm, cơi nới trái phép, sử dụng đất sai mục đích v.v. Nếu luật không có chế tài nghiêm sẽ là nguyên nhân cho khiếu kiện tranh chấp phức tạp. Mặt khác, đại biểu cũng đề nghị Chính phủ, Bộ tài nguyên và Môi trường tiếp tục chỉ đạo các tỉnh, thành phố và đầu tư nguồn lực để năm 2013 phải cơ bản cấp xong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các tổ chức và cá nhân. Về thời hạn cho thuê đất, đề nghị cần nghiên cứu có quy định phù hợp với từng loại hình doanh nghiệp và phù hợp với chu kỳ sản xuất kinh doanh của đối tượng thuê đất, không nên quy định chung chung và thời hạn cho thuê quá dài.

Ngày mai 7/11, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về thực hiện chính sách pháp luật trong giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân đối với quyết định hành chính về đất đai. Chương trình được truyền hình phát thanh trực tiếp.


    Ý kiến bạn đọc