Xã hội hóa công tác truyền thông dân số
EmailPrintAa
07:47 25/10/2013

Truyền thông, vận động là giải pháp hàng đầu nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu DS/KHHGĐ, góp phần nâng cao chất lượng dân số. Bởi vậy, để đạt được mục tiêu thay đổi nhận thức dẫn đến thay đổi hành vi của người dân, công tác truyền thông, vận động cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.

Để thực hiện tốt công tác truyền thông dân số, ngay từ đầu năm, Chi cục DS/ KHHGĐ tỉnh tiếp tục hướng dẫn, chỉ đạo trung tâm DS/KHHGĐ các huyện, thị xã phối hợp với các sở, ban ngành, đoàn thể thành viên triển khai hoạt động truyền thông về DS/KHHGĐ.

Ông Đường Công Lự - Chi cục trưởng Chi cục DS/KHHGĐ tỉnh cho biết: “Năm 2013, Chi cục DS/KHHGĐ - Cơ quan thường trực BCĐ thực hiện công tác DS/KHHGĐ tỉnh đã ký hợp đồng trách nhiệm với nhiều đơn vị như Báo Hà Tĩnh, Đài PT-TH tỉnh, Hội Nhà báo, LĐLĐ tỉnh, Công an tỉnh, Hội LHPN tỉnh... nhằm phối hợp chỉ đạo, triển khai ở cơ sở; phối hợp tuyên truyền, nhân rộng những mô hình tốt, cách làm hay; tổ chức các lớp bồi dưỡng cho cán bộ nòng cốt của mỗi ban, ngành, đoàn thể thành viên; tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về DS/KHHGĐ”.

Cũng theo ông Đường Công Lự, Hội LHPN là đơn vị làm tốt nhất trong công tác phối hợp tuyên truyền. Hầu hết, ở các thôn xóm, cộng tác viên dân số đều kiêm chức vụ chi hội trưởng hoặc chi hội phó hội phụ nữ. Bởi vậy, hầu hết các hoạt động tuyên truyền, vận động đều được lồng ghép trong sinh hoạt hội phụ nữ. Đoàn thanh niên cũng đóng vai trò quan trọng trong công tác tuyên truyền, vận động bởi ĐVTN cũng là nhóm đối tượng chính cần được truyền thông. Chị Nguyễn Thị Hương - Bí thư Đoàn xã Cẩm Quan (Cẩm Xuyên) cho biết: “Chúng tôi thường tuyên truyền về SKSS/KHHGĐ cho đoàn viên trong những cuộc họp. Với các bạn trẻ chuẩn bị kết hôn, chúng tôi phối hợp với ngành dân số tuyên truyền về các biện pháp KHHGĐ”.

Trưởng phòng Truyền thông - Chi cục DS/KHHGĐ tỉnh Nguyễn Hồng Lam cho biết: “Khó khăn hiện nay đối với công tác truyền thông dân số là việc tập hợp đối tượng, hầu hết là tổ chức lồng ghép sinh hoạt với hội phụ nữ. Hơn nữa, phụ nữ làm các nghề như: đi biển, phụ hồ, lao động xa nhà... rất khó tập trung vì họ lo mưu sinh”. Cũng theo ông Lam, có một thực tế là tại cơ sở, mặc dù đã có ký kết liên tịch giữa các ban, ngành, đoàn thể với ngành dân số trong việc thực hiện công tác dân số, song một số nơi còn phó mặc cho ngành dân số, thờ ơ trong việc vận động đối tượng tham gia. Bên cạnh đó, kinh phí cho hoạt động truyền thông hiện nay còn quá ít, chủ yếu từ nguồn mục tiêu quốc gia. Bởi vậy, để nâng cao hiệu quả công tác truyền thông dân số, các cấp, ngành cần đầu tư kinh phí thỏa đáng để việc truyền thông dân số đạt hiệu quả.

Một trong những khó khăn mà công tác DS/KHHGĐ tỉnh nhà đang phải đối mặt là tỷ lệ sinh con thứ 3 trong cán bộ, đảng viên ngày càng tăng. Vậy nhưng, việc truyền thông, vận động đến nhóm đối tượng này đang bị bỏ ngỏ. Chị Trần Thị Lệ Hằng - chuyên trách dân số phường Nam Hồng (TX Hồng Lĩnh) tâm sự: “Dân trí ngày càng cao mà trình độ của chuyên trách, cộng tác viên lại có hạn nên khi đến từng nhà vận động, chúng tôi gặp không ít khó khăn, thậm chí có những trường hợp là cán bộ, công chức nhưng họ tỏ ra coi thường và không quan tâm đến KHHGĐ. Với những trường hợp đó, chúng tôi cũng đành… bó tay”. Truyền thông, vận động đối với nhóm đối tượng cán bộ, công chức đang là bài toán đặt ra đối với những người làm công tác DS/KHHGĐ. Không chỉ phối hợp tuyên truyền, vận động, các cơ quan nhà nước cần có sự chỉ đạo sát sao đến CBCNVC trong cơ quan để họ thấy rõ tầm quan trọng của công tác DS/KHHGĐ.

Truyền thông, vận động không phải là nhiệm vụ “đơn thương độc mã” của riêng ngành dân số mà cần sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, nhằm thực hiện xã hội hóa công tác này. Bên cạnh đó, ngành dân số cần nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ tham gia công tác truyền thông nhằm góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu DS/KHHGĐ, nâng cao chất lượng dân số.


    Ý kiến bạn đọc