Xây dựng và phát triển văn hóa Hà Tĩnh trong xu thế hội nhập
EmailPrintAa
16:23 30/05/2013

Đặng Quốc Khánh

TUV-Bí thư Huyện ủy Nghi Xuân

Nhìn lại 15 năm qua, dưới ánh sáng của Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) và Nghị quyết 11 của BCH Đảng bộ tỉnh (khóa XIV), với quyết tâm chính trị cao, cấp ủy, chính quyền các cấp đã nỗ lực phấn đấu, nắm bắt thời cơ, vận dụng linh hoạt các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện toàn diện các nội dung của Nghị quyết. Diện mạo văn hóa trên tất cả các lĩnh vực ngày càng rõ nét.

Việc xây dựng con người mới từng bước đáp ứng yêu cầu của thời kỳ CNH, HĐH và sự phát triển của tỉnh. Xây dựng môi trường, thiết chế văn hóa, phát triển văn học nghệ thuật, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể v.v.. luôn được các cấp ủy Đảng, cả hệ thống chính trị quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện ngày càng có hiệu quả; quy chế dân chủ được phát huy tốt, tạo sự đồng thuận trong xã hội, củng cố và tăng cường niềm tin trong nhân dân. Nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể được tôn tạo, khôi phục và ngày càng phát huy giá trị như Ca trù Cổ Đạm, Trò Kiều ở Tiên Điền, xây dựng và tôn tạo Khu lưu niệm Đại thi hào Nguyễn Du, di tích Nguyễn Công Trứ, Đền Huyện, Chùa Thanh Lương, Chùa Phong Phạn v.v.. Việc giữ gìn bản sắc văn hóa địa phương đã trở thành phương châm hành động và trách nhiệm, nghĩa vụ của các cấp ủy Đảng, cả hệ thống chính trị và của mỗi cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân. 

Hiện nay các thế lực thù địch đang gia tăng thực hiện âm mưu và hoạt động “Diễn biến hòa bình”, nhất là trên lĩnh vực tư tưởng văn hóa bằng việc tiến hành xuất khẩu và thẩm thấu văn hóa độc hại vào nước ta, nhằm thúc đẩy "tự diễn biến, tự chuyển hóa" trong đời sống chính trị và muốn "thắng chúng ta mà không cần đánh". Từ nhận thức chưa thấu đáo, đã có lúc, có nơi, có thời kỳ chúng ta coi nhẹ công tác tuyên truyền, chưa thường xuyên, chưa quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện các nghị quyết. Chính vì vậy, một bộ phận cán bộ, đảng viên có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; có tổ chức Đảng đánh mất đi tính văn hóa trong Đảng, làm giảm niềm tin trong quần chúng nhân dân. Chất lượng làng văn hóa, gia đình văn hóa, đơn vị văn hóa thiếu bền vững. Công tác quản lí nhà nước về văn hóa còn nhiều bất cập; chưa phát huy các giá trị văn hóa để góp phần phát triển toàn diện công cuộc đổi mới; một số nơi chưa gắn xây dựng và phát triển văn hóa với phát triển kinh tế và công tác xây dựng Đảng. Công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác văn hóa chưa được quan tâm đúng mức, hiệu quả hoạt động của đội ngũ cán bộ văn hóa chưa thật sự yên tâm.  

Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) và nghị quyết 11 của BCH Đảng bộ tỉnh (khóa XIV) tôi xin đề xuất thêm một số nội dung sau:

Thứ nhất, phải thường xuyên chăm lo công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống, giáo dục chủ nghĩa yêu nước và xây dựng đời sống văn hóa lành mạnh trong các tổ chức Đảng, cả hệ thống chính trị, trong từng gia đình và xã hội. Ngăn chặn, đẩy lùi dần những biểu hiện tiêu cực, tệ nạn xã hội, tạo môi trường văn hóa lành mạnh, xây dựng nếp sống văn minh, nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân.

Thứ hai, tiếp tục thực hiện tốt các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động, nhất là phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa". Thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) về tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, Chỉ thị 35 -CT/TU, Kết luận 05 -CT/TU, Chỉ thị 20 -CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Quyết định 31, 33 của UBND tỉnh gắn với thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách trong công tác xây dựng Đảng hiện nay” và tích cực triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Những nhiệm vụ này phải được tiến hành thường xuyên với quyết tâm chính trị cao, ngăn chặn, đẩy lùi biểu hiện suy thoái, biến chất trong đời sống chính trị, xây dựng và nhân rộng điển hình, thiết lập ngày càng vững chắc kỷ cương, kỷ luật. 

Thứ ba, các cấp ủy đảng, chính quyền, các đoàn thể phải xác định và tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo việc tiếp tục tổ chức thực hiện Nghị quyết với việc cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp phù hợp với từng thời kỳ, từng giai đoạn, từng địa phương. Phải tăng cường nguồn lực và phương tiện cho hoạt động văn hóa (từ ngân sách và từ xã hội hóa ), góp phần giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của địa phương.

Thứ tư, có cơ chế chính sách hỗ trợ để bảo tồn và phát huy các di tích lịch sử - văn hóa, di sản văn hóa vật thể và phi vật thể. Quan tâm đầu tư xây dựng xứng tầm Khu lưu niệm Đại thi hào Nguyễn Du đã xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt theo quy hoạch đã được duyệt và trước mắt chuẩn bị tốt các điều kiện để kỷ niệm 250 năm Ngày sinh của Đại thi hào Nguyễn Du. Có giải pháp để bảo vệ khẩn cấp và phát triển Ca trù Cổ Đạm đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể gắn với xây dựng quy hoạch quản lý không gian văn hóa Núi Hồng - Sông Lam một cách bền vững.

Đặng Quốc Khánh - TUV, Bí thư HU Nghi Xuân

Ghi chú: Tiêu đề do Ban Biên tập đặt.


    Ý kiến bạn đọc