Đảng bộ Đức Thọ nâng cao hiệu quả công tác khoa giáo
EmailPrintAa
22:29 07/12/2017

Thời gian qua, các cấp ủy đảng huyện Đức Thọ đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác khoa giáo, góp phần quan trọng vào việc đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực, nâng cao dân trí và phát triển kinh tế, văn hoá - xã hội của địa phương.

Khen thưởng các cá nhân có thành tích trong thực hiện Chỉ thị số 11-CT/TW

của Bộ Chính trị khóa X về công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập

Ban Tuyên giáo Huyện ủy và các cơ quan trong Khối khoa giáo phối hợp tham mưu kế hoạch quán triệt và xây dựng chương trình hành động thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng để trình cấp ủy; kiểm tra, đôn đốc việc triển khai, sơ kết, tổng kết việc thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của cấp trên và của Huyện ủy thuộc lĩnh vực khoa giáo như: Sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 03- NQ/HU, ngày 10/5/2012 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện khoá XXVIII “ về phát triển sự nghiệp Giáo dục và Đào tạo đến năm 2015, định hướng đến năm 2020; sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 19-CT/TW, ngày 05/11/2012 của Ban Bí thư; tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 11- CT/TW, của Bộ Chính trị khóa X về công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập; tham mưu chỉ đạo tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 47-NQ/TW, ngày 22/3/2005 của Bộ Chính trị khoá IX về “ Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính sách dân số - kế hoạch hoá gia đình ”; Chỉ thị số 49-CT/TW, ngày 21/2/2005 của Ban Bí thư về “ xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; Chỉ thị số 20-CT/TW, ngày 05/11/2012 của Bộ Chính trị “về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trong tình hình mới ”; Nghị quyết số 03-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về “ tăng cường lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân đến năm 2015 và những năm tiếp theo ”… Thông qua đó đánh giá những kết quả đạt được, chỉ ra những khó khăn, hạn chế, khuyết điểm và đưa ra các giải pháp phù hợp với tình hình thực tiễn, tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ trong thời gian tới.

Các cơ quan trong Khối khoa giáo thường xuyên phối hợp chặt chẽ tuyên truyền có hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chủ trương của tỉnh, huyện thông qua Bản tin nội bộ, hội nghị báo cáo viên hàng tháng và hệ thống báo cáo viên các cấp; biên tập, đăng tải các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn công tác khoa giáo, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp trên các trang tin, bản tin, hệ thống truyền thanh huyện, xã; tuyên truyền kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, gương người tốt việc tốt trong ngành giáo dục, y tế, thể thao, các mô hình sản xuất, kinh doanh...

Tuy nhiên, công tác khoa giáo từ huyện đến cơ sở vẫn còn một số hạn chế như: Nhận thức của một số cấp ủy đảng về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác khoa giáo chưa đầy đủ. Chất lượng, hiệu quả công tác khoa giáo ở một số địa phương cơ sở chưa đáp ứng yêu cầu của tình hình mới. Điều kiện, phương tiện, kinh phí còn thiếu thốn, chưa huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội thực hiện công tác khoa giáo ở cơ sở. Sự phối hợp giữa ngành khoa giáo ở huyện, xã trong việc trao đổi, cập nhật thông tin, báo cáo; việc phối hợp giải quyết các vấn đề nổi cộm theo phản ánh của dư luận xã hội có lúc, có việc chưa kịp thời.

Để tham mưu cho cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo có hiệu quả công tác trong thời gian tới, các cơ quan trong Khối khoa giáo của huyện cần tập trung thực hiện một số giải pháp sau:

Một là, nắm chắc đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trên từng lĩnh vực khoa giáo; thường xuyên cập nhật thông tin, diễn biến tình hình thực tiễn để tham mưu đúng, trúng và kịp thời.

Hai là, tăng cường mối quan hệ và thực hiện có hiệu quả Quy chế phối hợp công tác giữa Ban Tuyên giáo với các ngành, đơn vị trong Khối; thường xuyên duy trì chế độ báo cáo, cung cấp thông tin hai chiều, kịp thời tham mưu từng lĩnh vực khoa giáo.

Ba là, đánh giá tình hình một cách đầy đủ, khách quan để tham mưu cho cấp ủy ban hành văn bản lãnh đạo, chỉ đạo các lĩnh vực khoa giáo một cách thiết thực, hiệu quả, tập trung giải quyết những vấn đề nổi cộm, được dư luận quan tâm.

Bốn là, Ban Tuyên giáo Huyện ủy chủ động hướng dẫn các đơn vị sơ kết, tổng kết các chỉ thị, nghị quyết một cách cụ thể, thực chất. Trong quá trình chuẩn bị sơ kết, tổng kết cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chuyên môn cập nhật thông tin, đánh giá đúng tình hình thực tiễn.

Năm là, nâng cao hơn nữa công tác phối hợp thực hiện nhiệm vụ giữa các cơ quan, đơn vị trong Khối khoa giáo. Cán bộ làm công tác khoa giáo thường xuyên học tập, nâng cao trình độ, tự nghiên cứu, có phương pháp làm việc khoa học, có năng lực dự báo, tổng hợp, phân tích, lựa chọn những vấn đề vừa cơ bản, vừa cấp bách để tham mưu.

Mai Thị Ngọc Hà - Ban Tuyên giáo Huyện ủy Đức Thọ


    Ý kiến bạn đọc