Một số kết quả bước đầu và kinh nghiệm trong thực hiện công tác dân vận chính quyền ở Thị xã Hồng Lĩnh
EmailPrintAa
15:23 11/07/2018

Quán triệt Chỉ thị số 06-CT/TU, ngày 14/01/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Chỉ thị số 10-CT/ThU, ngày 08/3/2016 của Ban Thường vụ Thị ủy về tăng cường lãnh đạo và nâng cao hiệu quả công tác dân vận của các cơ quan nhà nước, nhất là năm 2018 được Chính phủ xác định là năm “Dân vận chính quyền”, trong thời gian qua chính quyền các cấp trên địa bàn thị xã Hồng Lĩnh đã quan tâm triển khai thực hiện và bước đầu đạt những kết quả tích cực.

Hội đồng nhân dân các cấp đã đổi mới công tác tổ chức tiếp xúc cử tri trước và sau kỳ họp để nắm tình hình, tập hợp những ý kiến, tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Thường trực và các ban Hội đồng nhân dân thị xã đã triển khai nhiều cuộc giám sát chuyên đề, như: giám sát kết quả thực hiện các đề án, phong trào, chương trình phối hợp đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn thị xã Hồng Lĩnh; việc quản lý nhà nước về đất đai và việc thực hiện chức năng nhiệm vụ của Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất Thị xã. Từ đó, kịp thời kiến nghị các cơ quan, ban, ngành có thẩm quyền giải quyết, xử lý kịp thời những vấn đề bức xúc mà cử tri và nhân dân quan tâm.

Ngay từ đầu năm, Ủy ban nhân dân thị xã đã ban hành Kế hoạch số 31/KH-UBND, ngày 26/3/2018 về thực hiện công tác dân vận chính quyền. Tích cực thể chế hoá các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước bằng các chương trình, dự án, kế hoạch cụ thể, thiết thực nhằm phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh - quốc phòng, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của các tầng lớp nhân dân. Nhờ quan tâm xây dựng và nhân rộng các mô hình “Dân vận khéo”, các cấp chính quyền ở thị xã đã huy động được sự tham gia tích cực của nhân dân vào công tác chỉnh trang đô thị, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Tiêu biểu như: Vận động nhân dân tự nguyện đóng góp kinh phí, công sức, hiến đất để xây dựng kết cấu hạ tầng, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có năng suất cao, xây dựng nếp sống văn minh đô thị. Nhiều mô hình, cách làm hay đã thực sự lan tỏa trong cộng đồng: Mô hình “5 không, 3 sạch”, “trồng và bảo vệ cây xanh”, “Tổ nhân dân tự quản về an ninh trật tự”, “Công an Thị xã Hồng Lĩnh xây dựng hình ảnh người cán bộ, chiến sĩ vì nhân dân phục vụ”…

Quy chế dân chủ trong các loại hình ở cơ sở được coi trọng, nhiều nội dung công việc được thông báo công khai, lấy ý kiến nhân dân tham gia, như: Đề án sản xuất nông nghiệp; huy động sự đóng góp xây dựng kết cấu hạ tầng chỉnh trang đô thị và xây dựng nông thôn mới; bổ sung, sửa đổi hương ước, quy ước; đền bù giải phóng mặt bằng các dự án giao thông, xây dựng, đấu giá quyền sử dụng đất... Ủy ban nhân dân thị xã và các phường, xã đều có quy chế phối hợp với Mặt trận, các đoàn thể cùng cấp trong công tác vận động quần chúng thực hiện các phong trào, cuộc vận động lớn ở địa phương và giải quyết những vấn đề bức xúc của nhân dân.

Để quán triệt, tuyên truyền và nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức các cấp trong thực hiện công tác dân vận, Ủy ban nhân dân thị xã đã tổ chức Hội nghị tọa đàm bàn các giải pháp nâng cao chất lượng công tác dân vận chính quyền, tổ chức ký cam kết thực hiện tốt đạo đức công vụ; qua các kỳ họp Ủy ban nhân dân đã nghiêm túc đánh giá, kiểm điểm trách nhiệm của người đứng đầu trong quản lý, điều hành, giải quyết công vụ, nhất là chỉ đạo kiên quyết đối với những trường hợp có khuyết điểm thì yêu cầu trực tiếp có văn bản xin lỗi cấp dưới và người dân. Thường xuyên giáo dục nâng cao trình độ chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp, thực hành tiết kiệm, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, đề cao tinh thần trách nhiệm, nói đi đôi với làm cho đội ngũ cán bộ, công chức để từng bước nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân, xây dựng hình ảnh người cán bộ, đảng viên gần dân, sát dân, lắng nghe nhân dân, doanh nghiệp… Chế độ tiếp công dân được duy trì nền nếp và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân đạt 100%; phối hợp làm tốt công tác hoà giải các mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân ngay từ cơ sở. Đặc biệt, thực hiện Quy chế tiếp xúc, đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân, trong 6 tháng đầu năm 2018, các cấp chính quyền trên địa bàn thị xã đã tổ chức được 20 cuộc đối thoại, với 1.750 lượt người tham dự và hơn 350 ý kiến được giải đáp.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác dân vận ở một số phòng, ngành và cơ sở còn thiếu kế hoạch cụ thể, chưa sát thực tế và chưa gắn với nhiệm vụ cụ thể của từng cơ quan, đơn vị, địa phương; công tác cải cách hành chính còn chậm, có lĩnh vực còn bất cập; công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân ở một số nơi còn chậm, hiệu quả thấp, nhất là lĩnh vực tranh chấp, khiếu kiện về đất đai, dẫn đến khiếu nại vượt cấp, kéo dài; một số địa phương, cơ quan thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở chưa đạt yêu cầu; tình trạng quan liêu, mất dân chủ trong hoạt động kinh tế - xã hội vẫn còn xảy ra một số nơi nhưng chậm được phát hiện và xử lý.

UBND Thị xã tổ chức Hội nghị Tọa đàm về công tác dân vận chính quyền năm 2018

Từ những kết quả đạt được và một số hạn chế của công tác dân vận chính quyền trong thời gian qua ở thị xã Hồng Lĩnh, có thể rút ra một số kinh nghiệm sau:

Thứ nhất, phải tập trung nâng cao nhận thức cho các cấp chính quyền, cơ quan nhà nước về công tác dân vận chính quyền, nhất là phát huy cao độ vai trò, ý thức trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và kiên trì tuyên truyền, vận động để tạo sự tự giác của cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân trong triển khai thực hiện.

Thứ hai, để công tác dân vận của các cơ quan nhà nước có hiệu quả thiết thực thì phải gắn với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và chăm lo đời sống nhân dân; thực hiện nghiêm túc quy chế dân chủ cơ sở, nhất là các chủ trương, quyết định, chính sách của địa phương có liên quan, tác động trực tiếp đến lợi ích của nhân dân đều phải công khai cho dân biết và được nhân dân trực tiếp tham gia góp ý trước khi tổ chức thực hiện. Quá trình thực hiện phải có kiểm tra, đánh giá, rút kinh nghiệm, động viên, khen thưởng và kịp thời xử lý những thiếu sót, sai phạm của địa phương, cơ quan, đơn vị.

Thứ ba, phải giải quyết kịp thời các khiếu nại, tố cáo của công dân. Thực tế cho thấy tình trạng ở một số địa phương, người dân khiếu kiện vượt cấp, kéo dài có nguyên nhân là do chưa giải quyết thoả đáng những vấn đề về lợi ích kinh tế. Do đó, để giữ vững ổn định tình hình thì trước hết phải tập trung giải quyết kịp thời những bức xúc của người dân, đảm bảo hài hoà lợi ích, đồng thời đẩy mạnh phát triển kinh tế, giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững. Khi nguyện vọng chính đáng, lợi ích thiết thực của người dân được đáp ứng thì họ sẽ phấn khởi, đồng tình và tích cực tham gia các phong trào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Thứ tư, để công tác dân vận của chính quyền đạt kết quả cao, phải xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh, có sự phối hợp chặt chẽ các tổ chức đoàn thể trong hệ thống chính trị, huy động mọi nguồn lực, mọi tiềm năng trong xã hội, tạo sức mạnh tổng hợp, cùng thực hiện nhiệm vụ công tác dân vận. Vì vậy, phải tăng cường phối hợp chặt chẽ, đồng bộ và phân công trách nhiệm cụ thể giữa chính quyền, Mặt trận, các đoàn thể chính trị-xã hội trong quá trình triển khai thực hiện công tác dân vận; tạo điều kiện cho Mặt trận và các đoàn thể giám sát, phản biện xã hội và góp ý xây dựng chính quyền ngày càng trong sạch, vững mạnh.

Thứ năm, xây dựng được đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức “trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”, “nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin” , gương mẫu trong chấp hành các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, trong đạo đức, tác phong và gần gũi với nhân dân nơi cư trú để nhân dân noi theo.

Hoàng Bá Khang – UVBTV, Trưởng Ban Dân vận Thị ủy Hồng Lĩnh


    Ý kiến bạn đọc