Phát huy dân chủ trong huy động nguồn lực của nhân dân xây dựng thị xã Hồng Lĩnh đạt đô thị loại III
EmailPrintAa
09:08 10/03/2017

Thời gian qua, được sự quan tâm đầu tư của Trung ương, của Tỉnh, cùng với sự nỗ lực vượt khó vươn lên của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, thị xã Hồng Lĩnh đã không ngừng phát triển, đạt được 37/59 tiêu chí đô thị loại III. Công tác huy động các nguồn lực đầu tư phát triển sản xuất, công nghiệp, dịch vụ, thương mại, xây dựng nông thôn mới, xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, hạ tầng đô thị được cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể các cấp tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đạt nhiều kết quả quan trọng.
 
Ban Thường vụ Thị ủy khen thưởng các cá nhân đạt thành tích xuất sắc trong công tác dân vận năm 2016  

Tổng vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2011 - 2015 đạt 3.359 tỷ đồng, tăng gấp 3 lần giai đoạn 2006 - 2010. Nhiều công trình phục vụ đời sống dân sinh đã được đầu tư xây dựng với quy mô lớn, kiến trúc hiện đại như: Khu trung tâm thương mại tổng hợp - siêu thị, Nhà văn hoá Thị xã, Bệnh viện đa khoa Hồng Lĩnh, Chi cục thuế, Nghĩa trang Liệt sỹ Thị xã…, cùng với hệ thống giao thông nội thị từng bước được chỉnh trang, hoàn thành quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 các phường, , góp phần đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của nhân dân.

Tuy nhiên, việc thu hút nguồn lực từ nhân dân vẫn chưa được một số cấp ủy, chính quyền quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tư tưởng của một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân còn trông chờ, ỷ lại vào đầu tư của nhà nước, do đó việc xã hội hóa, huy động nguồn lực từ nhân dân để xây dựng đô thị loại III chưa đáp ứng yêu cầu. Mặt khác, trong quá trình xây dựng và chỉnh trang đô thị cũng còn những bất cập làm ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị như: Hạ tầng kỹ thuật xây dựng không đồng bộ, một số nơi thiếu hệ thống thoát nước; thiếu hệ thống thu gom và xử lý rác thải, gây ô nhiễm môi trường; hệ thống giao thông chưa đảm bảo nhu cầu phát triển đô thị trong những năm kế tiếp; hệ thống dây điện, điện thoại chằng chịt, thiếu an toàn, mất mỹ quan kiến trúc đô thị; công viên, cây xanh còn thiếu, chưa phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy hoạch xây dựng; hiện tượng xây dựng tự phát, xây chèn, xây dựng lấn chiếm lộ giới còn xảy ra. Một trong những nguyên nhân cơ bản đó là do ngân sách đầu tư còn hạn hẹp, tâm lý người dân đang còn trông chờ, ỷ lại; công tác tuyên truyền, vận động sự tham gia của người dân vào quá trình xây dựng và chỉnh trang Thị xã chưa được chú trọng đúng mức, không phát huy được nội lực và tiềm năng trong dân.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh lần thứ XVIII và Đại hội Đảng bộ thị xã Hồng Lĩnh lần thứ VI, nhiệm kỳ 2015 - 2020 xác định mục tiêu xây dựng thị xã Hồng Lĩnh trở thành đô thị loại III vào năm 2020. Ngày 11/01/2017, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Quyết định số 91/QĐ-UBND phê duyệt Đề án xã hội hóa huy động nguồn lực xây dựng Thị xã Hồng Lĩnh đạt tiêu chí đô thị loại III; ngày 20/12/2016, Ban Chấp hành Đảng bộ Thị xã khóa VI ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TU về tập trung lãnh đạo, chỉ đạo huy động nguồn lực xây dựng Thị xã Hồng Lĩnh đạt đô thị loại III vào năm 2020, với mục tiêu phải huy động được nguồn lực từ 4.500 - 4.770 tỷ đồng, trong đó nguồn lực huy động nhân dân đóng góp (gồm hiến đất, ngày công, tài sản, tiền) khoảng 380 - 390 tỷ đồng.

 

Vận động nhân dân xây dựng đô thị văn minh

 

Để thực hiện được mục tiêu đó cần phải triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp, trong đó, Thị xã cần có những chủ trương, chính sách khơi dậy tiềm năng to lớn trong nhân dân, nhất là trong quản lý, quy hoạch và chỉnh trang đô thị, tái định cư để xây dựng kết cấu hạ tầng cần có những giải pháp phù hợp để phát huy dân chủ ở cơ sở, huy động được sức dân, tạo được sự đồng thuận xã hội rộng rãi, tất cả vì mục tiêu phát triển Thị xã đạt 22 tiêu chí còn lại, cụ thể như sau:

Trước hết, tập trung công tác tuyên truyền, vận động nhân dân để nâng cao nhận thức, xác định rõ chủ trương xây dựng kết cấu hạ tầng, chỉnh trang đô thị ở các phườngcủng cố, nâng cao các tiêu chí nông thôn mới là hướng tới mục tiêu đem lại lợi ích cho người dân chứ không vì lợi ích cục bộ hoặc duy ý chí. Đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”gắn với các phong trào, cuộc vận động khác như Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Sáng - xanh - sạch - đẹp - an toàn, “Năm không, ba sạch”, “Xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị”... nhằm nâng cao nhận thức người dân, nâng cao ý thức cộng đồng, tạo điều kiện để các chính sách, dự án sớm đi vào cuộc sống. Công tác tuyên truyền, vận động phải mềm dẻo, linh hoạt để người dân thấy được sự hài hòa giữa lợi ích chung và lợi ích cá nhân trong thực hiện dự án.

Hai là, tiếp tục rà soát, điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch, đề án, kế hoạch, chương trình phát triển của Thị xã và các ngành, các cấp để tạo tính thống nhất, liên kết, phù hợp với nhu cầu thực tế. Quá trình tiến hành phải đảm bảo công bằng và công khai, dân chủ, làm cho đại đa số nhân dân được tham gia vào việc lập, triển khai các dự án có liên quan đến người dân.Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, giám sát” phải trở thành khẩu hiệu hành động, thành phương châm công tác vận động quần chúng, công tác dân vận chính quyền. Triển khai thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước xuất phát từ lợi ích, nguyện vọng và trình độ của nhân dân. Khi chính sách đúng mà dân chưa hiểu, chưa đồng tình thì phải ra sức tuyên truyền, giải thích cho dân; đồng thời, kịp thời điều chỉnh chính sách cho phù hợp với thực tế cuộc sống.

Ba là, tiếp tục quá trình mở rộng dân chủ, tăng cường tính tự quản ở khu dân cư, tạo lập và giữ gìn sự đồng thuận xã hội để người dân tham gia tích cực hơn nữa vào quá trình xây dựng và chỉnh trang đô thị. Hiện nay, nghị định của Chính phủ về thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở chỉ quy định những việc phải làm nhưng chưa quy định biện pháp, chế tài kèm theo nên việc chấp hành các quy định này còn tùy thuộc vào nhận thức của người dân. Do đó, các cấp chính quyền cần có định hướng cụ thể hóa, thể chế hóa rõ hơn các chế tài để xử lý những cá nhân và tập thể vi phạm, bảo đảm tính hiệu quả, nghiêm minh trong thực thi dân chủ. Ngoài cơ quan chuyên môn, cần có các đoàn thể quần chúng, các tổ chức tôn giáo cùng tham gia để tạo sự đồng thuận của nhân dân trong quá trình thực hiện các dự án, nhất là những dự án có giải tỏa, đền bù, huy động sự đóng góp của người dân, hạn chế những mâu thuẫn nảy sinh trong quá trình thực hiện. Cần phát huy tối đa sự tham gia của người dân trong thực hiện các dự án, nhất là phát huy vai trò của các ban giám sát cộng đồng, đại diện tổ dân phố, thôn xóm và hộ dân.

Đặc biệt, cần công khai và minh bạch các nguồn thu, chi của các dự án, chương trình xây dựng và phát triển Thị xã. Đồng thời, công bố rộng rãi các quy định của Nhà nước liên quan tới xây dựng kết cấu hạ tầng, chỉnh trang đô thị, di dời, giải tỏa và tái định cư, tạo điều kiện để người dân hiểu và tham gia vào quá trình quy hoạch, quản lý, xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị.

Bốn là, các chính sách giải tỏa, đền bù, tái định cư hiện nay đang chủ yếu tập trung vào đền bù, giải tỏa di chuyển dân đi mà chưa thật sự quan tâm giải quyết hiệu quả những vấn đề sau tái định cư. Do đó, cần phải có các chính sách cụ thể để tạo điều kiện cho những hộ gia đình tái định cư ổn định cuộc sống, có việc làm, thu nhập không thua kém so với nơi ở cũ. Trong đó, chú trọng hơn đến các hộ gia đình thuộc chính sách người có công và bảo trợ xã hội, hộ nghèo, bộ phận dân cư chưa hoàn toàn được hưởng lợi, mất công ăn việc làm, thu nhập bấp bênh, diện tích sử dụng đất bị thu hẹp,... Mặt khác, để củng cố niềm tin cho nhân dân, cần theo dõi chặt chẽ và xử lý nghiêm minh tất cả các cơ quan, đơn vị, cá nhân có biểu hiện tư lợi, nhũng nhiễu, chèn ép người dân trong quá trình triển khai thực hiện các dự án đền bù, tái định cư .

Năm là, tăng cường và chủ động tổ chức đối thoại trực tiếp giữa lãnh đạo Thị xã và các phường, xã với các tầng lớp nhân dân để nghe tâm tư, nguyện vọng của dân, từ đó tập trung giải quyết kịp thời những vấn đề người dân bức xúc. Các cuộc họp Hội đồng nhân dân Thị xã, đặc biệt là các buổi trả lời chất vấn của các cơ quan nhà nước phải được truyền thanh, truyền hình trực tiếp để nhân dân theo dõi, tham gia góp ý kiến và giám sát, từ đó tạo nên sự đồng thuận giữa Đảng, chính quyền với nhân dân trong việc ban hành và triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách xây dựng và phát triển Thị xã.

Hy vọng trong thời gian tới, thị xã Hồng Lĩnh sẽ khơi dậy ý chí, phát huy vai trò và nguồn lực trong các tầng lớp nhân dân để đạt mục tiêu trở thành đô thị loại III vào năm 2020.

Hoàng Bá Khang, Trưởng Ban Dân vận Thị ủy Hồng Lĩnh


    Ý kiến bạn đọc